Tưởng Đăng Thế, 47 tuổi, liên tục kêu oan; vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, song tòa phúc thẩm xác định có căn cứ bị cáo đã giết bé gái 18 năm trước.
Chiều 30/1, Thế, ngụ huyện Krông Păk, bị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên mức án chung thân về tội Giết người, sau hai ngày xét xử phúc thẩm. Khi HĐXX tuyên án, bị cáo tiếp tục kêu oan, mong muốn được xem xét lại. Tuy nhiên, theo quy định, bản án này đã có hiệu lực pháp luật.
Theo bản án, ngày 18/1/2006, Thế sau cuộc nhậu đã chở Trần Đình Cát về nhà anh này ở thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, ngủ. Khoảng 14h, Thế tỉnh dậy, nghĩ nhà anh Trần Phi Hùng (cách nhà Cát khoảng 450 m) mới bán bắp sẽ có tiền nên nảy sinh ý định lấy trộm.
Thế sau đó đi bộ đến nhà anh Hùng, thấy cửa chính đóng, bèn vòng ra phía sau. Lúc này, cháu Trần Thị Kim Hồng (con anh Hùng, 13 tuổi) đang nhặt củi gần bể nước, nhìn thấy Thế liền nói: "Sao chú vào nhà lại đi cửa sau, cháu về mách bố mẹ là chú vào lấy trộm".
Sợ bị lộ, Thế bịt miệng bé gái, kẹp cổ và kéo ra vườn cà phê cách nhà khoảng 50 m. Nạn nhân hoảng loạn, vùng vẫy, anh ta bóp cổ và dùng đá đập vào đầu cháu bé. Gây án xong, Thế lột quần bé gái để bên cạnh nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Sau đó, Thế quay về nhà Cát ngủ.
Khoảng 15h, mẹ bé gái về nhà không thấy con, đi tìm thì phát hiện cháu Hồng nằm bất tỉnh trong vườn cà phê sau nhà. Được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân tử vong vào khuya cùng ngày do vết thương quá nặng.
Ngoài xác định hành vi của Thế, cơ quan điều tra cũng ghi nhận, hôm xảy ra án mạng Lê Nam Tuấn (ngụ cùng xã) có hai lần đi qua nhà nạn nhân. Ngày 23/1/2006, cơ quan điều tra nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Loan tố giác Thế là người giết cháu Hồng. Ba hôm sau Thế khai nhận nội dung hành vi phạm tội của mình.
Hơn hai năm sau, ngày 4/7/2008, TAND tỉnh Đăk Lăk đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Thế mức án chung thân về tội Giết người. Ngày 26/11/2008, TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đến năm 2018, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị giám đốc thẩm hai bản án trên.
Tháng 9/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra 11 điểm mâu thuẫn, thiếu sót và vi phạm tố tụng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định các tình tiết khách quan của vụ án và xem xét, đánh giá về trách nhiệm hình sự của bị cáo; tòa hai cấp đã kết án Thế tội Giết người là "chưa đủ căn cứ vững chắc".
Cụ thể, quá trình điều tra, Thế có 12 lời khai, trong đó 5 lời khai không nhận tội (có mặt luật sư hoặc kiểm sát viên), cho rằng mình bị điều tra viên đánh đập, ép cung, bắt nhận tội giết cháu Hồng. Còn bà Loan - nhân chứng duy nhất thấy Thế thực hiện hành vi phạm tội, lại khai với cơ quan điều tra "nghi ngờ Thế chuẩn bị trộm cắp nên đi theo". Nhưng khi làm việc với đoàn liên ngành, bà Loan nói "vào vườn nhặt hạt cà phê và chứng kiến hành vi của hung thủ". Nhân chứng cũng khai không thống nhất vị trí, khoảng cách chứng kiến hành vi phạm tội của Thế...
Ngoài ra, khi VKSND Tối cao xem xét giám đốc thẩm, Lê Nam Tuấn khai sau khi làm việc công an liên quan đến vụ án, khi về nhà Tuấn bị mẹ la mắng nên ngày hôm sau bỏ xuống tỉnh Khánh Hòa, rồi đến Nghệ An. Một thời gian sau bố Tuấn thông báo "công an đã bắt được hung thủ" rồi ra Nghệ An đón anh ta về nhà. Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao yêu cầu điều tra và kết luận có hay không việc Tuấn bỏ trốn? Lý do anh này trở về nhà sau khi biết "thủ phạm" là Tưởng Đặng Thế bị bắt?...
Từ đó, TAND Tối cao đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Sau thời gian điều tra, Thế bị truy tố như cũ. Ngày 13/7/2023, TAND tỉnh Đăk Lăk mở phiên tòa sơ thẩm lần hai, bị cáo tiếp tục kêu oan, cho rằng những lời khai nhận tội là do bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung. Còn các luật sư cho rằng vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, mâu thuẫn...
HĐXX không chấp nhận lời khai của Thế và quan điểm của các luật sư, cho rằng hồ sơ vụ án có đầy đủ căn cứ buộc tội bị cáo. Việc Thế kêu oan và khai mình có chứng cứ ngoại phạm là không có cơ sở, nhằm trốn tránh pháp luật... Từ đó tòa tuyên phạt bị cáo án tù chung thân. Thế tiếp tục kêu oan.
Tòa, VKS: 'Không oan'
Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, 5 luật sư bào chữa cho Thế đã đưa ra những lập luận, phân tích việc kết tội thân chủ chưa chặt chẽ.
Theo các luật sư, nhân chứng Loan cho là "trực tiếp chứng kiến Thế sát hại cháu Hồng" là không hợp lý. Bởi bà này nói đứng cách chỗ Thế gây án khoảng 4-5 cây cà phê, trong khi cây có tán rộng, lá nhiều thì ở khoảng cách trên sẽ không thể nhìn thấy được gì; nhân chứng thấy bị cáo sát hại cháu gái nhưng lại "tiếp tục đi lượm hạt cà phê đến chiều mới về" là vô lý... Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng, vụ án có dấu hiệu của hành vi hiếp dâm vì hồ sơ thể hiện "có chất dịch màu trắng đục thu được ở hõm nách của nạn nhân" nhưng chưa được làm rõ.
Từ đó, các luật sư đề nghị tòa hủy án để điều tra bổ sung, đồng thời trả tự do cho bị cáo vì không đủ cơ sở buộc tội.
Tự bào chữa, Thế khẳng định mình bị oan, bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội và đề nghị HĐXX xem xét, kiến nghị xử lý điều tra viên, cán bộ quản giáo đã đánh đập mình.
Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng việc bị cáo Thế kháng cáo kêu oan, khẳng định bị ép cung, dùng nhục hình, vi phạm thủ tục tố tụng là không có căn cứ.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, vụ án đã được điều tra bổ sung nhiều lần. Trong khoảng thời gian từ 14h đến 14h30 ngày 18/1/2006, không ai nhìn thấy Thế ở đâu, và đây là thời điểm cháu bé bị sát hại. Quá trình điều tra, bị cáo có biên bản tự khai nhận tội; khi thực nghiệm hiện trường, bị cáo tự diễn lại các hành vi sát hại cháu bé mà không có ai hướng dẫn, phù hợp với lời khai, phù hợp biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi...
Từ đó, HĐXX khẳng định TAND tỉnh Đăk Lăk tuyên phạt bị cáo Thế mức án tù chung thân về tội Giết người là đúng người, đúng tội.
Trần Hóa
Nhà bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, bố mất, mong muốn của Bàn Văn Trường là anh em tiếp tục được đến trường, góp phần nhỏ giúp mẹ mua đồ đạc trong gia đình, sách vở, đồ dùng học tập.
Liên quan vụ gần 80 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm , UBND TP Rạch Giá (Kiên Giang) đã đình chỉ hoạt động của cơ sở Cát Tường (nơi...
Cấm tất cả các xe cơ giới đi trên đê ở Thái Bình , sẵn sàng di dân nếu mất an toàn, cảnh báo người đăng tin sai sự thật...
Huế - Hai mẹ con đi qua đoạn đường ngập bị nước lũ cuốn , may mắn được lực lượng chức năng kịp thời ứng cứu.
Hơn 11.000 thí sinh không đến làm thủ tục, song vẫn còn cơ hội thi tốt nghiệp THPT nếu đến trường thi vào sáng mai.
Ngày 7/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Bùi Văn Cường (SN 1999, ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc) về tội 'Trộm cắp tài sản' theo quy định tại Khoản 2, Điều 173, Bộ luật Hình sự. Khoảng 3h ngày 16/11, cửa hàng sửa chữa và mua bán điện thoại di động của anh Nguyễn Trọng Chiến (SN 1990, xã Đồng Cương, Yên Lạc) bị một nam thanh niên mặc áo trùm kín đầu, đeo khẩu...
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao.
Hiện các đơn vị thành viên EVNNPC tiếp tục củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố. Đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng, các đơn vị đã có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, nhiều gia đình lựa chọn ở lại Thủ đô thay vì đi du lịch xa. Tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, rất đông du khách đã đổ về đây cắm trại, tham gia các hoạt động ngoài trời.