ICE với 20.000 sĩ quan sẽ là đơn vị đi đầu trong kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép mà ông Trump đã tuyên bố.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều khả năng sẽ mạnh tay trấn áp những người nhập cư trái phép vào Mỹ bằng một kế hoạch trục xuất quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử nước này.
Ông đã công bố nội các gồm những người có lập trường cứng rắn về nhập cư và bổ nhiệm cựu giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) Thomas Homan làm người phụ trách kiểm soát biên giới Mỹ trong chính quyền mới. Homan từng tuyên bố hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp nên "gói ghém hành lý" nếu ông Trump đắc cử.
Ông Trump ngày 18/11 cũng ám chỉ rằng ông sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và huy động quân đội để thực hiện kế hoạch trục xuất. Tuy nhiên, lực lượng nòng cốt trong chiến dịch này vẫn là ICE, cơ quan được cho là sẽ đóng vai trò như mũi xung kích của chính quyền Trump để đối phó người nhập cư bất hợp pháp.
ICE được thành lập từ sự kết hợp hai nhánh điều tra và thực thi của Cục Hải quan Mỹ với Cục Di trú và Nhập tịch trước đây. Từ năm 2003, ICE là đơn vị trực thuộc Bộ An ninh Nội địa, chịu trách nhiệm thực thi luật liên bang về kiểm soát biên giới, hải quan, thương mại và nhập cư.
Hiện nay, cơ quan này có hơn 20.000 sĩ quan thực thi pháp luật tại hơn 400 văn phòng ở Mỹ và trên toàn cầu, với ngân sách hàng năm khoảng 8 tỷ USD.
Sứ mệnh của ICE là bảo vệ an ninh và an toàn công cộng của Mỹ bằng cách tiến hành các cuộc điều tra và thực thi luật nhập cư. Nhiệm vụ của họ chủ yếu liên quan đến việc tìm kiếm, bắt, trục xuất những người nhập cư trái phép.
ICE cũng hỗ trợ điều tra các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và những mạng lưới khủng bố tìm cách đe dọa hoặc lợi dụng luật hải quan và nhập cư của Mỹ.
Từ tháng 10/2013 đến tháng 3 năm nay, ICE đã bắt giam hơn 3,4 triệu người được xác định là nhập cư trái phép. Tổng số người bị bắt cao nhất vào năm 2019 với 510.850 người và thấp nhất vào năm 2020 với 182.870 người. Từ năm 2014 đến 2023, số người bị ICE bắt trung bình khoảng 329.600 mỗi năm.
Theo dữ liệu từ ICE, khoảng 589.870 người, tương đương 29,3% tổng số người bị bắt giam từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2024, có tiền án tại Mỹ.
Đạo luật Di trú và Quốc tịch (INA) trao cho ICE quyền tùy ý bắt giam những người đang chờ quyết định trục xuất khỏi Mỹ, nhưng có thể thả họ với số tiền bảo lãnh tối thiểu 1.500 USD hoặc dưới sự giám sát nếu họ không bị coi là có nguy cơ bỏ trốn hay đe dọa an ninh.
ICE cũng có nghĩa vụ bắt giam những người nhập cư trái phép đã phạm tội nghiêm trọng, như những tội liên quan đến khủng bố hoặc đồi bại về mặt đạo đức, được định nghĩa là hành vi gây sốc đối với dư luận vì bản chất đê tiện, suy đồi hoặc đồi trụy, sau khi họ được thả khỏi nơi giam giữ hình sự.
Những cá nhân này thường không đủ điều kiện để được tại ngoại nhưng có thể yêu cầu thẩm phán di trú xem xét liệu họ có thực sự thuộc phạm vi bị giam bắt buộc hay không.
Từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2024, ICE đã trục xuất hơn hai triệu người về quốc gia ban đầu của họ.
Trong năm tài khóa 2024, tính từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, ICE đã trục xuất hoặc trao trả 132.870 người nhập cư. Phần lớn những người bị trục xuất hoặc trao trả trong thập kỷ qua là công dân Mexico, với 1.129.820 người, chiếm 53% trên tổng số, tiếp theo là Guatemala với 17% và Honduras với 12%.
Đơn vị Thực thi và Di dời là bộ phận được nhiều người biết đến nhất của ICE, chịu trách nhiệm bắt, giam và trục xuất người nhập cư trái phép đã ở Mỹ.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, bộ phận này ưu tiên trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ đã phạm tội nghiêm trọng tại Mỹ. Ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên có lập trường cứng rắn hơn và đã chỉ đạo chính quyền nhắm tới bất kỳ ai nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Ít nổi tiếng hơn là Đơn vị Điều tra An ninh Nội địa thuộc ICE, chuyên truy đuổi tội phạm và khủng bố liên quan đến buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, tội phạm mạng, tội phạm tài chính và gian lận danh tính. Đây cũng là cơ quan chính phủ dẫn đầu trong các cuộc điều tra chống phổ biến vũ khí hạt nhân và nhắm vào những cá nhân tìm cách buôn lậu thiết bị quân sự và công nghệ cao ra khỏi Mỹ.
Hồi năm 2018, các nghị sĩ Dân chủ đã thúc đẩy một làn sóng kêu gọi giải thể ICE, trong bối cảnh công chúng ngày càng giận dữ trước chính sách nhập cư "không khoan nhượng" của chính quyền Trump, dẫn đến việc chia cắt các gia đình ở biên giới Mỹ - Mexico.
Tuy nhiên, Cơ quan Hải quan và Biên phòng (CBP), chứ không phải ICE, mới là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chính sách nhập cư không khoan nhượng trên. ICE chỉ được giao nhiệm vụ giam những người bị bắt là người trưởng thành trong lúc họ chờ thủ tục trục xuất.
Những người ủng hộ giải thể ICE cho rằng việc cơ quan này áp dụng rộng rãi lệnh trục xuất đối với những người nhập cư không giấy tờ và không có tiền án là vô nhân đạo, đồng thời làm suy yếu chức năng quan trọng hơn của họ là điều tra buôn lậu ma túy và vi phạm nhân quyền.
Dù vậy, ICE vẫn đứng vững. Năm 2023, họ đã trục xuất hơn 142.000 người nhập cư, gần gấp đôi so với năm trước đó, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường nỗ lực ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép.
Vũ Hoàng (Theo USA Facts, Atlantic, AFP, Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch thăm chính thức Mông Cổ vào tuần tới mặc dù quốc gia này là thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), cơ quan đã ban hành lệnh bắt giữ đối với nhà lãnh đạo Nga.
Israel mở chiến dịch đột kích giữa thành trì cuối cùng của Hamas để giải cứu con tin, sử dụng biệt kích và hỏa lực mạnh để đánh lạc hướng.
Quốc hội Gruzia thông qua dự luật kiểm soát 'đặc vụ nước ngoài' gây tranh cãi, bất chấp các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần.
Dù Israel và Hezbollah đều muốn tránh kịch bản xung đột toàn diện, vụ tập kích rocket khiến 12 trẻ thiệt mạng có thể thổi bùng cuộc chiến tổng lực.
Ngày 26/9, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Iran cần có các bước đi “giảm leo thang” về chương trình hạt nhân nếu muốn tạo tiền đề cho cuộc đàm phán với Washington, trong đó có hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Ngày 22/5, quân đội Pháp đã tiến hành vụ thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa siêu thanh ASMPA-R có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được nâng cấp.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, thành viên Đảng Cộng hòa, ông Mike Johnson ngày 19/4 tuyên bố rằng Nga, Trung Quốc và Iran là “trục ma quỷ mới”.
Nga tuyên bố sẽ hoàn thành mọi mục tiêu đề ra ở Ukraine, đồng thời, có kế hoạch tăng cường hợp tác với Iran, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Ngày 7/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí phòng thủ tại khu vực Kursk của Nga lúc 8 giờ sáng giờ địa phương.