Thủ tướng chỉ đạo phải nâng cao nhận thức về sự nguy hại và hậu quả của sụt lún, sạt lở, ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long, huy động nguồn lực của nhân dân tham gia phòng, chống sụt lún, sạt lở.
Tiếp tục chương trình công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 12/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực tế và có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố về tình hình, công tác khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở và ngập úng tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sạt lở diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng
Để có cơ sở thực tế, sáng 12/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác tiếp tục di chuyển bằng trực thăng và thuyền máy để khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai Nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp.
Sau khi khảo sát thực địa, chiều cùng ngày, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình và công tác khắc phục sạt lở tại khu vực này.
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế-xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và trên 740km bờ biển, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km, trong đó bờ sông có 666 điểm/744 km; bờ biển có 113 điểm/390 km.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung nhiều hơn cho công tác quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển. Theo đó, tăng cường truyền thông, xử lý vi phạm; tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng sạt lở, bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324km.
Mặc dù vậy, tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, toàn vùng còn 561 điểm sạt lở, trong đó, bờ sông có 513 điểm/602km; bờ biển có 48 điểm/208km.
Đáng chú ý, cả khu vực còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm (bờ sông 39 điểm/118km, bờ biển 24 điểm/86km), với tổng chiều dài 204 km.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bảo vệ tính mạng, tài sản, sinh kế của người dân, các công trình, cơ sở kỹ thuật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đề xuất một số cơ chế để huy động nguồn lực, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, đề xuất xây dựng đề án tổng về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; bố trí kinh phí khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; tăng cường công tác quản lý dân cư dọc bờ sông, bờ biển; kiểm soát các hoạt động kinh tế-xã hội hiệu quả, tránh tác động tới môi trường, tự nhiên…
*Quan tâm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.”
Chuyến công tác này của Thủ tướng thực hiện chuyên đề về phòng, chống sụt lún, ngập úng, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long; khắc phục hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, Nghị quyết, trên tinh thần “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể.”
Theo Thủ tướng, qua khảo sát thực tế tại 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã ghi nhận một số điểm nóng về sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại các địa phương; yêu cầu các địa phương hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, xử lý ngay.
Các điểm sạt lở nguy hiểm còn lại, các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nghiên cứu cân đối, bố trí nguồn lực, trình cấp thẩm quyền quyết định hỗ trợ các địa phương xử lý sớm, hoàn thành trong tháng 8.
Thủ tướng nhấn mạnh từ đầu năm tới nay, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Những ngày qua, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân và nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.
Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển bền vững, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn Mekong dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa về vùng; tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất…
“Tốc độ sụt lún đất cao gấp 3-4 lần, có nơi tới 10 lần so với tốc độ nước biển dâng, cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng. Nhiều tuyến đê biển, đường ven biển trước đây thiết kế đủ cao độ nhưng giờ lại bị thủy triều tràn qua gây ngập,” Thủ tướng chỉ rõ.
Cũng theo Thủ tướng, vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động ở Đồng bằng sông Cửu Long.
“Thống kê 50 năm qua diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%, từ năm 2011-2016 giảm trên 15.300ha. Mỗi năm mất 300-500 ha rừng ngập mặn, hàng nghìn hộ dân ven biển, ven sông, kênh rạch bị ảnh hưởng,” Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng khẳng định cùng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc Hội, Chính phủ luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần khẩn trương có giải pháp xử lý. Một số công trình phòng, chống đầu tư chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm bền vững,” Thủ tướng thẳng thắn.
Thủ tướng nhấn mạnh, tập quán sinh sống ven sông, rạch, ven biển, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội chủ yếu dựa vào sông nước nên khi xảy ra sạt lở là ảnh hưởng trực tiếp ngay đến người dân.
Công tác quy hoạch không gian sinh tồn và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho vùng còn hạn chế. Sạt lở diễn biến mạnh, phức tạp; thiếu nguồn lực để đầu tư phòng ngừa.
Một số công trình phòng, chống sạt lở chưa hiệu quả. Công tác duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng; chưa huy động được nguồn lực ngoài xã hội đầu tư vào phòng, chống sạt lở còn hạn chế…
Cần có giải pháp bấp bách và lâu dài
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ mục tiêu là phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển, bảo vệ, khai thác bền vững đất, rừng, tài nguyên, khoáng sản; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, quy hoạch lại không gian sinh tồn; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.
Do đó, phải nâng cao nhận thức về sự nguy hại và hậu quả của sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý, thực hiện của cấp ủy, chính quyền và huy động nguồn lực của nhân dân tham gia vào phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng; có giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài ứng phó với tình trạng sụt lún, sạt lở và ngập úng; huy động mọi nguồn lực hợp pháp vào phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát trong việc phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng.
Thủ tướng nhấn mạnh phương châm: nắm chắc, dự báo đúng tình hình; nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; huy động tổng thể nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất vào phòng, chống sụt lún, sạt lở và ngập úng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở; chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở; tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân, lập dự án cụ thể, nghiên cứu, cân đối, bố trí nguồn lực, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, triển khai các dự án cần làm ngay.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương xử lý sớm.
Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác quy hoạch; đánh giá nguyên nhân sạt lở, xác định nguyên nhân là gì để có giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả, bền vững, tránh tốn kém.
Theo đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn nghiêm trọng hiện nay.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn; rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở; chủ động xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở, chú trọng trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, chủ động di dời dân cư đến nơi an toàn.
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị tiếp tục huy động các nguồn lực của nhà nước; đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở.
Các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp căn cơ, bài bản, chiến lược lâu dài như quai đê lấn biển với bờ biển phía Đông tại những nơi có điều kiện phù hợp (vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, một cuộc họp, một vài văn bản không thể giải quyết triệt để tình trạng này nhưng phải làm, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Tinh thần là quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh công tác quy hoạch; thúc đẩy giải ngân đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên cho tăng trưởng; tháo gỡ khó khăn cho các thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa, gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực./.
TP - Sáng 25/6, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã khai mạc tại Đại Liên, Trung Quốc (WEF Đại Liên). Với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã công bố ước tính mới nhất về tổn thất trên chiến trường của Ukraine.
Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho biết vừa cứu hộ 5 cá thể gấu tại một gia đình ở trên địa bàn Hà Nội. Các cá thể gấu này bị nuôi nhốt từ năm 2002, khi còn là gấu con với mục đích thương mại.
Các tướng lĩnh Ukraine bắt đầu đổ lỗi cho nhau vì sự thất bại trong công tác phòng thủ biên giới, khiến Kharkov thất thủ, cùng hàng ngàn người dân phải sơ tán.
Phát biểu với vai trò là Chủ tịch ECOWAS, Tổng thống Tinubu nhấn mạnh rằng điều quan trọng là ưu tiên các biện pháp ngoại giao, coi đây là đường hướng và cách tiếp cận cơ bản của ECOWAS.
Video: Hiện trường vụ tai nạn giữa ô tô khách với xe container, 5 người tử vong Vụ tai nạn giữa xe container và ô tô khách xảy ra lúc rạng sáng 5/3 tại km151 Quốc lộ 2 (thuộc xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) khiến 5 người chết, 10 người bị thương. Chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra trước cửa nhà, ông Đỗ Xuân Thắng (ở xã Tứ Quận) kể, khoảng 1h30, ông đang ngủ thì nghe thấy tiếng động mạnh nên tỉnh giấc. “Tôi chạy ra...
Chiều 20/7, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM đã công bố điểm sàn các ngành bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Nữ tài xế cầm lái ô tô bán tải chạy ngược chiều trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm bị lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông xử phạt.
Không loại trừ khả năng Nga đang đào tạo cá heo cho mục đích quân sự - dự án mật có từ thời Liên Xô.