Học giả Mỹ: 'Trump sẽ cứng rắn với Nga để chấm dứt chiến sự Ukraine'

12:10 13/06/2024

Chủ tịch Viện Cộng hòa Quốc tế cho rằng ông Trump sẽ không nhượng bộ Nga mà thậm chí còn cứng rắn hơn chính quyền Biden để giải quyết xung đột Ukraine.

"Tôi cho rằng cựu tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông đều muốn xung đột ở Ukraine kết thúc và điều đó có nghĩa là thuyết phục không chỉ Ukraine mà cả Nga ngừng chiến", tiến sĩ Daniel Twining, chủ tịch Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI), nói với VnExpress ở Trung tâm Mỹ tại Hà Nội, đề cập đến mối liên quan giữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay với chiến sự Ukraine.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 với màn tái đấu giữa Tổng thống Joe Biden và đối thủ Donald Trump, trong bối cảnh thế giới đang sôi sục với hai cuộc xung đột lớn ở châu Âu và Trung Đông.

Chiến sự Ukraine là một trong những điểm hai ứng viên có sự khác biệt lớn về lập trường. Tổng thống Biden ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, cảnh báo rằng chiến thắng của Nga sẽ đe dọa châu Âu và kêu gọi quốc hội tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Trong khi đó, ông Trump từng nhiều lần đưa ra quan điểm phản đối viện trợ cho Ukraine. Một phát ngôn gây chú ý mà ông Trump thường xuyên đưa ra là ông có thể "kết thúc chiến sự Ukraine trong 24 giờ". Kiev và nhiều đồng minh phương Tây lo ngại rằng nếu đắc cử, ông Trump sẽ chấm dứt hoàn toàn hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine nhằm gây sức ép buộc nước này nhượng bộ Nga để kết thúc chiến sự.

Tuy nhiên, tiến sĩ Twining, người từng tham gia nhóm hoạch định chính sách về châu Á của ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, bác bỏ ý tưởng cho rằng ông Trump sẽ nhượng bộ Nga nếu đắc cử.

Bình luận về tuyên bố "24 giờ" của ông Trump, tiến sĩ Twining gọi cựu tổng thống là "nhà đàm phán", với di sản nổi bật là làm trung gian cho Hiệp ước Abraham giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số nước Arab. Ông Trump cũng từng nỗ lực đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về chương trình hạt nhân dù không đạt được thành công.

"Nỗ lực chấm dứt chiến sự Ukraine sẽ đòi hỏi nhiều đòn bẩy hơn và nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga, thậm chí nhiều hơn những gì chính quyền Biden có thể triển khai", ông Twining đánh giá. "Theo tôi hiểu, tầm nhìn của ông Trump không phải là để Nga kiểm soát Ukraine, mà là gây áp lực tối đa để Nga tiến hành đàm phán chấm dứt xung đột".

Ông Trump gần đây dịu giọng hơn về vấn đề Ukraine. Hồi tháng 4, ngay trước khi Hạ viện bỏ phiếu về gói viện trợ 61 tỷ USD cho Kiev, ông Trump viết trên Truth Social rằng "sự tồn vong của Ukraine cũng quan trọng với Mỹ". Tuy nhiên, cựu tổng thống nhấn mạnh rằng châu Âu nên cung cấp nhiều tiền hơn cho Ukraine bởi an nguy của Kiev quan trọng với họ hơn Mỹ.

Ngoài chiến sự Ukraine, một chủ đề về chính sách đối ngoại được cử tri Mỹ quan tâm là tổng thống tiếp theo sẽ làm gì với Trung Quốc. Dù bất đồng về nhiều vấn đề, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa khá đồng thuận rằng Washington cần tăng cường hành động để đối phó với những hành động ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ đều đồng ý rằng Trung Quốc là đối thủ của Mỹ.

"Dù ông Biden hay ông Trump chiến thắng, bạn sẽ thấy sự tiếp nối trong chính sách của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt về công nghệ và thuế quan cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Biden không loại bỏ mà duy trì và củng cố chúng. Thực tế, ông Biden còn đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn, đặc biệt là về công nghệ, thương mại, dây chuyền cung cấp chất bán dẫn", Twining cho biết.

"Sẽ có sự tiếp nối trong cách nhìn nhận của tổng thống tiếp theo về Trung Quốc và vai trò trung tâm của Mỹ ở châu Á, vì đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đồng ý rằng đây là khu vực quan trọng nhất trên thế giới đối với tương lai an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Washington thậm chí còn cam kết nhiều hơn với Ấn Độ - Thái Bình Dương so với trước đây", chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tiến sĩ Twining cho biết chính sách đối ngoại không phải là mối quan tâm hàng đầu của mọi cử tri Mỹ trong bầu cử tổng thống, vì nhiều người tập trung vào các vấn đề trong nước hơn, nhất là khía cạnh kinh tế.

Kinh tế Mỹ đều mạnh mẽ dưới thời ông Biden và ông Trump, trừ thời gian đại dịch Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu năm 2014 là 22,1%. Tỷ lệ này tăng dần qua các năm, chỉ giảm một chút vào năm 2021, trong thời gian Covid-19 hoành hành, trước khi tăng trở lại. IMF dự báo tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu năm nay sẽ đạt 26,3%.

Twining, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận IRI với hầu hết thành viên hội đồng quản trị thuộc đảng Cộng hòa, chỉ ra vấn đề đối với Tổng thống Biden là lạm phát đang ở mức khá cao, một phần do chính phủ chi tiêu mạnh tay trong thời gian sau đại dịch, bao gồm các dự luật về cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn và năng lượng xanh.

"Nền kinh tế Mỹ đang phát triển rất mạnh mẽ nhưng nhiều người Mỹ không cảm nhận được điều đó vì lạm phát", ông Twining nói.

GDP Mỹ tăng khoảng 22% kể từ khi ông Biden nhậm chức, so với mức 14% trong nhiệm kỳ của ông Trump, khi đại dịch khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái mạnh và đột ngột.

Thị trường lao động mạnh mẽ là chiến thắng lớn nhất của ông Biden. Doanh nghiệp Mỹ hiện cần tuyển 8,5 triệu lao động, trong khi chỉ 6,5 triệu người thất nghiệp. Trên lý thuyết, số việc làm đang nhiều hơn số người cần tìm việc. Số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng cho thấy lương trung bình giờ của người Mỹ tăng 22% so với trước đại dịch.

Tuy nhiên, vào thời điểm ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng tháng 1/2021, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 1,4% và đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022. Dù đã giảm xuống 3,36% vào tháng 4, nó vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Fox News hồi tháng 5 tính toán dưới thời ông Biden, lạm phát tổng thể (đã được điều chỉnh theo mùa) tăng 18,9% giai đoạn 1/2021 - 3/2024. Cụ thể, chi phí thực phẩm tăng 21%, chỗ ở tăng 20,5% và năng lượng tăng 36,9%.

Tâm lý người tiêu dùng từng giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022, khi giá xăng đạt đỉnh do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine. Kể từ đó, tâm lý phục hồi phần nào nhưng vẫn thấp hơn so với thời ông Trump còn là tổng thống. Giá xăng, giá nhà cũng là những khía cạnh mà thời kỳ Trump tốt hơn với người Mỹ.

Ông Twining đánh giá điều đặc biệt của cuộc bầu cử năm nay so với các kỳ khác là mức độ quan tâm cao của công chúng với vấn đề nhập cư và an ninh biên giới.

Dưới thời Tổng thống Biden, số người vượt biên bất hợp pháp qua đường biên giới dài hơn 3.000 km ngăn cách Mỹ với Mexico đã tăng kỷ lục, với mức đỉnh điểm hàng tháng là 300.000 người, tức 10.000 người mỗi ngày, vào tháng 12/2023. Hơn 2,4 triệu người di cư đã vượt biên trong năm 2023, phần lớn đến từ Trung Mỹ và Venezuela, khi họ chạy trốn đói nghèo, bạo lực và thiên tai trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Lập trường chống nhập cư là trọng tâm bản sắc chính trị của ông Trump trong nhiều năm qua. Ông đã dành phần lớn thời gian nhiệm kỳ 2017-2021 để cam kết hoàn thành bức tường lớn dọc biên giới Mỹ - Mexico, song mới hoàn thành một phần nhỏ. Tuy nhiên, số lượng cửa khẩu đã giảm trong nhiệm kỳ của ông.

Trong lần tranh cử này, ông Trump tăng cường những lời công kích gay gắt về vấn đề người nhập cư, cáo buộc họ "đầu độc" dòng máu Mỹ. Ông cam kết thực hiện chương trình trục xuất lớn nhất từ trước đến nay nếu trở lại Nhà Trắng.

Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh hành pháp có hiệu lực từ 5/6 nhằm siết chặt kiểm soát biên giới và nhập cư. Sắc lệnh cấm cấp quyền tị nạn cho người di cư vào Mỹ bất hợp pháp, khi con số này vượt 2.500 người mỗi ngày. Sắc lệnh cũng khiến những người di cư bất hợp pháp dễ dàng bị trục xuất trở lại Mexico. Các biện pháp hạn chế sẽ được duy trì cho đến khi con số giảm xuống dưới 1.500 người vượt biên trái phép mỗi ngày trong vòng ba tuần.

Các nhóm nhân quyền nhận xét đây là chính sách di cư "mạnh tay nhất của một tổng thống đảng Dân chủ trong nhiều thập kỷ". Tuy nhiên, phe Cộng hòa Cộng hòa vẫn chỉ trích động thái của Tổng thống Biden là quá ít. Trong khi đó, ông Biden cáo buộc người tiền nhiệm Trump và các đồng minh "vũ khí hóa" vấn đề di cư, sau khi phe Cộng hòa chặn dự luật hàng tỷ USD về vấn đề biên giới hồi đầu năm nay.

"Đây sẽ là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với nhiều cử tri", ông Twining nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Hồi cuối tháng 5, Donald Trump đi vào lịch sử khi là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội. Bồi thẩm đoàn ở New York kết luận ông "có tội" đối với tất cả 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến các khoản chi để ém thông tin bất lợi trước thềm cuộc bầu cử năm 2016. Ông Trump dự kiến kháng cáo khi thẩm phán tuyên án vào ngày 11/7.

Ngoài ra, ông Trump còn đối mặt với ba vụ truy tố khác liên quan việc giữ tài liệu mật, nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 và cáo buộc can thiệp bầu cử ở bang Georgia.

Twining đánh giá những rắc rối pháp lý mà Trump đang đối mặt "có thể làm ông ấy tổn thương một chút", nhưng khó tác động mạnh đến lá phiếu của cử tri Mỹ.

"Có rất nhiều vấn đề khác như nhập cư, kiểm soát biên giới, nền kinh tế, lạm phát, xung đột ở châu Âu và Trung Đông, vì vậy việc ông Trump bị kết tội chỉ là một trong nhiều vấn đề cử tri sẽ cân nhắc khi quyết định bỏ phiếu cho ai", ông Twining giải thích.

Twining cho biết ông Trump cũng có thế mạnh ở nhóm cử tri thuộc tầng lớp lao động, dù nhóm này từng được coi là "thành trì" của đảng Dân chủ.

"Đây là một phần lý do nhiều người từng cho rằng Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng vào năm 2016. Ông Trump cuối cùng chiến thắng nhờ rất nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động đã chuyển sang ủng hộ ông", Twining nói. "Đảng Cộng hòa đã xây dựng một cơ sở cử tri ủng hộ hoàn toàn khác dưới thời ông Trump và điều này gây khó khăn cho đảng Dân chủ. Chúng ta đang có một cuộc bầu cử rất sít sao và cả hai đảng đang cố gắng mở rộng cơ sở cử tri của mình".

Bầu cử Hạ viện và Thượng viện sẽ diễn ra song song với bầu cử tổng thống. Sau cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân chủ giành thế kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2022, đảng Cộng hòa từng kỳ vọng tạo ra được "sóng đỏ" để kiểm soát lưỡng viện nhưng điều này không xảy ra. Đảng Dân chủ chỉ để thua đảng Cộng hòa tại Hạ viện và vẫn kiểm soát Thượng viện.

Ông Twining từ chối bình luận liệu đảng Cộng hòa năm nay có thể tạo ra "sóng đỏ" hay không, nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc bầu cử quốc hội Mỹ.

"Vấn đề thực sự quan trọng đối với tổng thống tiếp theo là bên nào sẽ kiểm soát quốc hội. Nếu Tổng thống Biden tái đắc cử nhưng lưỡng viện do phe Cộng hòa kiểm soát, điều đó sẽ hạn chế ông thực hiện nhiều chính sách. Điều tương tự cũng xảy ra trong kịch bản ông Trump tái đắc cử nhưng phe Dân chủ cầm trịch quốc hội", Twining nói.

"Đảng Cộng hòa đang chiếm thế đa số với cách biệt nhỏ tại Hạ viện, đảng Dân chủ cũng chiếm thế đa số với chênh lệch sít sao tại Thượng viện. Tình thế có thể dễ dàng thay đổi", ông nhấn mạnh.

Phương Vũ

Có thể bạn quan tâm
Bỉ trục xuất loạt nhà ngoại giao Nga bị nghi làm gián điệp

Bỉ trục xuất loạt nhà ngoại giao Nga bị nghi làm gián điệp

13:10 05/03/2024

Thủ tướng Bỉ tiết lộ nước này đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga trong vài tháng qua, cho rằng họ tham gia hoạt động gián điệp.

Xe buýt lao khỏi cầu vượt ở Italy, 21 người chết

Xe buýt lao khỏi cầu vượt ở Italy, 21 người chết

09:20 04/10/2023

Chiếc xe buýt chở khách du lịch lao khỏi cầu vượt và bốc cháy gần trung tâm thành phố Venice của Italy, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.

Áp lực từ các cuộc xung đột đè nặng NATO

Áp lực từ các cuộc xung đột đè nặng NATO

05:41 11/12/2023

NATO đang chạy đua tìm cách giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan tới hai cuộc xung đột đồng thời ở Trung Đông và Đông Âu.

Iran bác cáo buộc liên quan các vụ Houthi tập kích tàu hàng

Iran bác cáo buộc liên quan các vụ Houthi tập kích tàu hàng

07:30 24/12/2023

Quan chức ngoại giao Iran bác cáo buộc của Mỹ rằng nước này liên quan đến các vụ Houthi tập kích tàu hàng, cho biết nhóm tự hành động.

Cộng đồng người Việt tại Nga dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cộng đồng người Việt tại Nga dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

21:50 18/05/2024

Ngày 17/5, hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức lễ dâng hoa tại tượng đài Bác ở Quảng trường mang tên Người tại thủ đô Moscow.

Thái Lan tịch thu 50 triệu viên ma túy đá gần biên giới Myanmar

Thái Lan tịch thu 50 triệu viên ma túy đá gần biên giới Myanmar

15:30 13/12/2023

Bangkok thông báo thu giữ 50 triệu viên ma túy đá gần biên giới với Myanmar, lớn nhất lịch sử Thái Lan và lớn thứ hai châu Á.

Nga triệu đại sứ Mỹ

Nga triệu đại sứ Mỹ

20:00 07/03/2024

Nga triệu tập đại sứ Mỹ và đe dọa trục xuất các nhà ngoại giao nước này nhằm phản đối Washington 'can thiệp công việc nội bộ' của Moskva.

Mẫu tên lửa có thể giúp Triều Tiên uy hiếp Guam

Mẫu tên lửa có thể giúp Triều Tiên uy hiếp Guam

02:20 16/01/2024

Tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, mang đầu đạn siêu vượt âm được coi là át chủ bài để Triều Tiên đe dọa căn cứ chiến lược Mỹ tại Guam.

Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

18:20 24/12/2023

Ngày 20/12 tại New York (Mỹ), Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023) và 34 năm “Ngày hội Quốc phòng toàn dân” (22/12/1989 – 22/12/2023).

Co loi xay ra
Co loi xay ra