Ngày 6.8, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế (VH&TT) nhận được Công văn của Cục Di sản văn hóa về việc chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh. Việc này gây ra tranh cãi.
Theo công văn số 807 của Cục Di sản văn hóa, ngày 2.8, cơ quan này nhận được thông tin, tại sự kiện Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam do Sở VH&TT Thừa Thiên Huế phối hợp với đơn vị Engaging With Vietnam và Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế tổ chức, diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, do một số nghệ nhân, thanh đồng miền Bắc thực hiện.
Công văn nêu: "Căn cứ các quy định của luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đây là hoạt động làm sai lệch di sản khi đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản. Vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tập tục, kiêng kỵ của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản".
Hiện, xung quanh sự việc này nảy sinh nhiều chiều ý kiến. Trong đó, nghệ nhân Lê Văn Ngộ cho rằng, hầu đồng - một nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cần được thực hành trong “không gian thiêng” như cung đền, sở điện mới phát huy tính thiêng của di sản. Theo ông Lê Văn Ngộ, hầu đồng không nên được trình diễn trên sân khấu sẽ mất đi tính thiêng.
Tuy nhiên, trước đó, vào ngày 21.4.2023, tại sân khấu ở quảng trường Hùng Vương (thành phố Việt Trì), tỉnh Phú Thọ, trong khuôn khổ chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ, Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO đã cho trình diễn trích đoạn Giá hầu Cô đôi Thượng Ngàn của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Chương trình này do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham gia phối hợp tổ chức.
Việc đưa một số giá hầu trong hầu đồng lên sân khấu từng được đạo diễn Việt Tú thực hiện năm 2015 trong vở “Tứ phủ”. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hầu đồng lên sân khấu sẽ giúp di sản đến với đông đảo, rộng rãi công chúng, giúp số đông công chúng được tiếp cận với di sản.
Xung quanh những tranh cãi này, phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là chuyên viên cao cấp Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
Theo nội dung công văn của Cục Di sản văn hóa gửi Sở VH&TT Thừa Thiên Huế cho thấy, việc “đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản” là làm sai lệch tín ngưỡng. Tuy nhiên, trước đó, tại chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức đã cho trình diễn tại quảng trường Giá hầu Cô đôi Thượng Ngàn của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Góc nhìn của ông về 2 sự kiện này?
Tôi có tham gia sự kiện Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam ở Huế.
Cá nhân tôi cho rằng đó là một hội thảo lớn về di sản với nhiều chuyên đề hay cả về di sản vật thể và di sản phi vật thể. Như quan sát của tôi, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều phấn khởi khi tham gia một sự kiện lớn như thế, lần đầu được tổ chức.
Tôi có mặt ở đó và đã xem tiết mục trình diễn khăn áo các giá hầu, tôi cho rằng, văn bản của Cục Di sản văn hóa có phần nóng vội.
Cục Di sản văn hóa là cơ quan quản lý, trước khi gửi văn bản, lẽ ra nên có sự trao đổi với địa phương.
Bản chất của các tiết mục trong hội thảo đều mang thông điệp tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp văn hóa, trong đó có vẻ đẹp của di sản văn hóa phi vật thể là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Tiết mục trình diễn khăn áo các giá hầu của nghi thức hầu đồng chỉ với mục đích mong muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế hiểu hơn về di sản độc đáo này của người Việt.
Trên văn bản của Cục Di sản văn hóa ghi rõ, việc trình diễn này đã diễn ra không đúng với không gian thực hành di sản. Nhiều nghệ nhân cũng cho rằng, việc mang trang phục áo thánh lên sân khấu trình diễn sẽ làm mất đi tính thiêng của di sản. Và việc thực hành không đúng nghi thức di sản tín ngưỡng sẽ khiến khách quốc tế, khán giả hiểu không đúng về di sản?
Tôi từng là trưởng ban soạn thảo Luật Di sản, cũng là Giáo sư đầu tiên của chuyên ngành Di sản Việt Nam.
Tôi đã ở vị trí ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam... Nói như vậy để khẳng định rằng, tôi hiểu luật.
Nhưng quan trọng hơn thế, tôi cho rằng, phải hiểu được những quy định, những trường hợp có lợi cho việc bảo vệ, phát huy, lan truyền rộng rãi giá trị di sản tới cộng đồng.
Đừng viện dẫn luật một cách cứng nhắc và cực đoan.
Tôi sẽ phản đối nếu như hầu đồng được tổ chức ở sân khấu của chợ Đồng Xuân hoặc tại đám cưới.
Nhưng hầu đồng ở khuôn khổ hội thảo tại Huế đã diễn ra trong không gian trang trọng, thành kính.
Tôi nghĩ, các nhà quản lý cần nâng cao nhận thức về vận dụng Luật Di sản và phát huy giá trị của việc bảo tồn di sản.
Để bảo tồn được di sản, cần đến sự chung tay của cả cộng đồng. Vậy thì, muốn cộng đồng chung tay, phải cho cộng đồng thấy được, hiểu được giá trị đẹp đẽ của di sản.
Theo ông, làm cách nào để vừa lan truyền được rộng rãi giá trị của di sản đến cộng đồng, vừa bảo tồn được vẻ đẹp của di sản, không làm sai lệch tín ngưỡng hay nảy sinh những biến tướng?
Tôi nói câu chuyện cụ thể, ngay với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, và nghi lễ hầu đồng, không phải ai trong chúng ta cũng hiểu hết.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, trong nghi lễ ấy, ai đại diện cho sông nước, ai đại diện cho núi rừng, ai đại diện cho trời, đất? Tại sao người tham gia nghi lễ lại mặc màu áo khác nhau? Tại sao lại là màu xanh, màu đỏ, màu trắng?...
Chính người Việt còn không hiểu, khách quốc tế lại càng không thể hiểu.
Bởi vậy, các hoạt động diễn giải giá trị di sản là rất cần thiết.
Không thể lúc nào, việc diễn giải di sản cũng có thể được thực hành ở “không gian thiêng”. Tôi lấy ngay đơn cử như Hội Gióng – cũng là một di sản văn hóa phi vật thể - của xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội).
Các tỉnh khác khi muốn tìm hiểu về Hội Gióng, họ có thể tái hiện lại ở một không gian khác, tiện lợi hơn, chứ không nhất thiết phải về tận xã Phù Đổng.
Cũng như thế, tại hội thảo ở Huế, họ đã cân nhắc chọn 5 giá hầu để minh họa cho di sản. Việc trình diễn khăn áo là để diễn giải, giải thích về người thực hiện nghi lễ thờ mẫu sẽ ăn vận như thế nào, và việc ăn vận ấy có ý nghĩa ra sao.
Điều quan trọng nhất khi thực hành những “diễn giải di sản” là sự trân trọng, thành kính với văn hóa tâm linh dân tộc, là trách nhiệm bảo tồn di sản, là ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp của di sản.
Có ý kiến khẳng định, trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hay nghi lễ hầu đồng, có những nghi thức có thể đưa ra trình diễn (như hát chầu văn), nhưng cũng có những nghi thức không được phép. Ông có thể chia sẻ về việc này?
Vậy tôi đề nghị Cục Di sản văn hóa công bố danh sách những nghi thức được và không được mang ra trình diễn.
Từ khi có Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, vùng có điều...
Chiều 22.9, các y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã chia tay 10 bệnh nhân đầu tiên của vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân...
Tăng Thanh Hà có sở trường chế biến đủ món bún đặc trưng ba miền Bắc - Trung - Nam để đổi món bữa ăn hàng ngày.
Đinh Tị Books tái bản thêm 2.000 cuốn tiểu thuyết ‘Tết ở làng địa ngục’, tặng kèm postcards đặc biệt có chữ ký tay của tác giả Thảo Trang, nâng số sách đã được bán ra của tiểu thuyết kinh dị này là 12.000 bản.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đền Chợ Củi, địa chỉ xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), là điểm đến du lịch tâm linh...
Bé gái ngưng tim 60 phút do viêm cơ tim, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa hồi sức tim, vừa can thiệp ECMO, giúp trẻ hồi sinh ngoạn mục.
Tôi rất vinh dự và tự hào khi được đón Tết 5 năm liền tạị đảo Song Tử Tây, Trường Sa. Tết ở đây rất nhẹ nhàng, thanh thoát và xúc động.
Huyện Hoàng Su Phì nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, là một trong những nơi có ruộng bậc thang được công nhận danh thắng quốc gia và chín vàng sớm ở miền Bắc.
Cuộc gặp ngay tại cơ sở cai nghiện ma túy Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) để các bạn trẻ nói cùng nhau làm sao nâng chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ hỗ trợ thanh niên hoàn lương.