Hậu cần - bài toán 'cân não' trong chiến dịch Điện Biên Phủ

00:30 28/04/2024

Theo tính toán, để đủ 16.000 tấn gạo phục vụ bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành hậu cần phải huy động trong dân 384.000 tấn, vì cứ một kg gạo đến đích thì phải mất 24 kg ăn dọc đường.

Hậu cần - bài toán 'cân não' trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo tính toán, để đủ 16.000 tấn gạo phục vụ bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành hậu cần phải huy động trong dân 384.000 tấn, vì cứ một kg gạo đến đích thì phải mất 24 kg ăn dọc đường.

Đầu năm 1954, sau khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp với sự hậu thuẫn của Mỹ đã đổ vào đây hơn 11.800 quân, lúc cao điểm lên đến 16.200, chiếm gần 10% lực lượng lục quân miền Bắc, số đạn dược cao hơn 20% số lượng tiêu thụ hàng tháng của lực lượng này.

Điện Biên Phủ trở thành "pháo đài không thể công phá", "con nhím khổng lồ" giữa núi rừng Tây Bắc. Tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương, tin tưởng Việt Minh không thể tập trung quá hai sư đoàn và pháo binh hạng nặng lên trận địa. Việc tiếp tế lương thực, đạn dược và nhu yếu phẩm cho đội quân chiến đấu trong thời gian dài, trên những con đường luôn bị không quân Pháp dội bom là "không thể".

Sau khi tổng kết các trận chiến ở Tây Bắc, Nà Sản vào cuối năm 1953, Phòng nhì (bộ phận tình báo của quân đội Pháp) đã tính toán về khả năng mang vác của dân công Việt Nam và kết luận: "Quân đoàn tác chiến Việt Minh không thể hoạt động dài ngày tại một vùng thiếu lương thực, ở cách xa khu căn cứ quá 18 km".

Tự tin "nghiền nát" Việt Minh nếu có ý định đánh Điện Biên Phủ, đêm Giáng sinh năm 1953, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm De Castries phát biểu: "Chúng tôi chỉ còn sợ Việt Minh thấy miếng mồi Điện Biên Phủ quá to. Nếu họ quá sợ mà không dám tấn công thì thật là tai họa đối với tinh thần binh sĩ!". Ông ta cho máy bay rải truyền đơn, thách thức đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội.

Chấp nhận giao chiến với quân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam (Pháp gọi là quân Việt Minh) đã nhìn thấy những thách thức khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng tuyến chiến đấu lúc cao nhất cần hơn 87.000 người, gồm 54.000 bộ đội và 33.000 dân công. Lượng gạo cần cho tuyến này là 16.000 tấn.

Thiếu tướng Nguyễn An, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, từng kể nguồn tiếp tế từ phía nam là Thanh Hóa lên, đường dài hơn 900 km, thì cứ một kg gạo đến đích phải có 24 kg gạo ăn dọc đường. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu phải vận chuyển toàn bằng dân công gánh bộ thì muốn có 16.000 tấn gạo đến đích phải nhân lên gấp 24 lần, tức cần huy động trong dân 384.000 tấn gạo.

"Muốn có 384.000 tấn gạo phải thu cho được và tổ chức xay giã 640.000 tấn thóc. Giả định nếu có thu được cũng không vận chuyển kịp vì đường quá xa, khối lượng quá lớn", tướng Nguyễn An kể trong sách Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện.

Chiến dịch cần tới 1.200 tấn vũ khí, riêng số đạn đại bác trên 20.000 viên, tổng trọng lượng 500 tấn. Ngoài ra, còn cần vận chuyển thuốc nổ, thuốc men, quân tư trang..., tất cả không được tập kết ở một nơi mà nằm rải rác khắp mọi miền. Làm cách nào huy động, vận chuyển được số lượng lớn gạo, đạn dược ra mặt trận trong khi ôtô chỉ có vài trăm chiếc?

Huy động gạo tại chỗ, dùng tre đan cối xay gạo

Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến", Bộ Chính trị và Chính phủ động viên nhân dân Sơn La, Lai Châu, hai tỉnh vừa được giải phóng, góp gạo cho bộ đội, giảm thiểu việc vận chuyển từ xa. Nếu phải xin viện trợ gạo của Trung Quốc thì chọn nguồn gần nhất, thiếu mới lấy từ hậu phương xa hơn.

Kết quả nhân dân Sơn La, Lai Châu góp được hơn 7.360 tấn gạo, bằng 27% tổng số huy động. Gạo viện trợ của Trung Quốc từ Vân Nam xuống được 1.700 tấn và ngành hậu cần mua được 300 tấn gạo ở vùng Nậm Hu (Thượng Lào). Còn lại 15.640 tấn gạo phải chuyển từ hậu phương lên, trong đó 6.640 tấn cung cấp cho mặt trận. Số gạo ăn dọc đường chỉ còn 9.000 tấn, tức chỉ bằng 2,4% so với tính toán ban đầu.

Đại tá Trần Thịnh Tần, từng là Trung đội trưởng của Tổng cục Cung cấp tiền phương, kể đồng bào Tây Bắc góp hơn 10.000 tấn thóc nương cho bộ đội. Nguồn lương thực này rất đáng quý vì được huy động tại chỗ, nhưng làm thế nào để xay xát thành gạo lại là câu hỏi khó.

Sau nhiều ngày nghiên cứu, Tổng cục Cung cấp tiền phương quyết định thành lập "đội quân phó cối" chuyên xay thóc ngay tại chiến trường. Các "phó cối" tuyển mộ từ đơn vị bộ đội, dân công và điều từ hậu phương lên. Họ vào rừng chặt tre bện dây làm áo cối, chẻ nan tre đóng nêm, dùng tre làm cần. Lúc đầu tỷ lệ gạo xay bằng cối tre thấp, nhưng sau đã tăng lên.

Để vận chuyển gạo, vũ khí cho chiến trường, Chính phủ huy động dân công là những nông dân vùng tự do khu 4 (Thanh - Nghệ - Tĩnh) và cả vùng bị tạm chiếm, tổng số 261.135 lượt người, góp gần 11 triệu ngày công. Riêng từ Sơn La trở vào Điện Biên đã có 33.000 người, bằng 4,72 triệu ngày công. Họ tham gia làm đường, dùng quang gánh, gùi, xe cút kít, thuyền nan, xe đạp và cả trâu, ngựa... để vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. Ảnh: TTXVN

Dân công đã cải tiến xe đạp thông thường thành xe đạp thồ, có thể leo đèo dốc, chở hàng trăm kg hàng hóa. Tổng cộng ngành hậu cần huy động gần 21.000 xe đạp thồ, trong đó 2.500 xe trên tuyến quân đội, mỗi xe trung bình thồ được 180 kg, cá biệt xe của ông Cao Văn Ty ở Thanh Hóa thồ 320 kg, xe của ông Ma Văn Thắng ở Phú Thọ thồ 352 kg.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử kể về không khí ra trận của dân công: "Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton, dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận".

Tướng Navarre sau này cũng đã phải công nhận: "Trong vùng quân ta (tức quân Pháp) kiểm soát thì Việt Minh vẫn có một uy quyền bí mật. Họ thu thuế, tuyển mộ người. Ở đây họ chở rất nhiều gạo, muối, vải, thuốc và cả những chiếc xe đạp có tác dụng rất lớn trong việc tiếp tế...".

Ngoài phương tiện vận tải thô sơ, mặt trận Điện Biên Phủ được trang bị xe vận tải Liên Xô, lúc cao nhất là 628 chiếc, riêng tuyến hậu cần quân đội 352 xe. Việt Minh cũng sử dụng hai tuyến đường thủy vận chuyển hàng là sông Hồng từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc sang và sông Mã từ Thanh Hóa lên Vạn Mai, tỉnh Hòa Bình rồi tiếp tục theo đường bộ tới Điện Biên Phủ. Cả hai tuyến này đã huy động tới 11.800 thuyền gỗ, thuyền nan đủ loại.

Vận chuyển từ đạn đại bác tới thuốc lào cho bộ đội

Để đánh Điện Biên Phủ, đại bác và đạn đóng vai trò quan trọng. Việt Minh có đại bác 105 mm, nhưng khan hiếm trong khi số lượng cần dùng trong chiến dịch tới hơn 20.000 viên, tổng trọng lượng 500 tấn. Việc vận chuyển số đạn này tới các trận địa pháo, trong điều kiện đường đèo dốc, dưới sự kiểm soát của không quân Pháp là bài toán "cân não". Bởi 11.715 viên phải lấy từ các kho quân khí ở hậu phương, cách xa mặt trận từ 500 đến 700 km. Số đạn này dành dụm qua 4 năm, suốt từ chiến dịch Biên giới năm 1950.

Vì khan hiếm, việc bảo vệ đạn đại bác được tính toán chi tiết, cẩn thận. Bộ đội đã tập kết đạn trong hang đá ở Bản Lầu, tỉnh Sơn La. Ở hỏa tuyến, các kho đạn đều được đào sâu vào sườn núi, kê gỗ, lót ván bố trí dọc đường... Nhờ ngụy trang kín đáo nên dù quân Pháp liên tục dùng máy bay trinh sát những nơi nghi bố trí kho tàng nhưng không phát hiện ra.

Kho đạn pháo đều được đào sâu trong vách núi, ngụy trang cẩn thận để tránh máy bay trinh thám của Pháp phát hiện. Ảnh: TTXVN

Ở mặt trận, bộ đội giành lấy dù đạn 105 mm do máy bay Pháp thả nhầm xuống trận địa, lấy được hơn 5.000 viên. Quân đội Trung Quốc cũng đóng góp cho chiến dịch 3.600 viên, chiếm 18% tổng lượng đạn tiêu thụ.

Bên cạnh đạn dược, thuốc nổ, thuốc men, các thiết bị thông tin liên lạc, từ vô tuyến điện đến điện thoại hữu tuyến, dây điện... đều được ngành hậu cần chuẩn bị chu đáo. Hệ thống thông tin thông suốt, giúp Bộ Chỉ huy chiến dịch thuận tiện ra các mệnh lệnh cần thiết.

Theo hồi ức của thiếu tướng Nguyễn Minh Long, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Trợ lý tham mưu trong Ban chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, để khắc phục tình trạng thiếu dây điện, bộ đội thông tin đã tháo toàn bộ mạng dây thông tin của Bộ với các cơ quan và hậu phương để thay bằng dây trần, vay dây của bưu điện Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình. Cục phát động du kích vùng địch hậu tháo gỡ dây của quân Pháp, đưa bộ đội về cứ điểm Nà Sản đào toàn bộ dây bọc địch bỏ lại đem lên Điện Biên Phủ sử dụng.

Ngành hậu cần đã chuẩn bị cho bộ đội từng thứ nhỏ nhất. Trong cuốn Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, thượng tướng Hoàng Cầm, khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, kể đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo ngành cung cấp chuẩn bị đủ cả thuốc lào, món mà đa số bộ đội hay hút.

Tướng Cầm giải thích, thuốc lào không phải vấn đề cơ bản trong chiến đấu nhưng lại là nhu cầu thực tế không thể thiếu. Bộ đội lúc ấy đa số là nông dân, nhiều người nghiện thuốc rất nặng, mà nghiện thì "đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên". Không có thuốc hút, người bần thần.

"Hiểu nhu cầu tuy nhỏ nhưng không thể thiếu ấy, Chính phủ và Bác Hồ đã chỉ thị cho hậu phương chú ý lo cho bộ đội khoản thuốc lào gửi lên mặt trận, cùng với súng đạn, gạo muối và thuốc men. Nhưng do chiến đấu kéo dài, thiếu thuốc hút vẫn là vấn đề thời sự được nhắc đến hàng ngày", tướng Hoàng Cầm kể lại.

Trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn, Quân y đã dự trữ thuốc men để cứu chữa thương binh, cứu cả thương binh Pháp bị bắt làm tù binh. Trước ngày toàn thắng, ngành quân y làm lò nung vôi tại chỗ để chuẩn bị vôi bột vệ sinh chiến trường, khử trùng hầm hào quân Pháp trú đóng. Chỉ vài ngày sau kết thúc chiến dịch, chiến trường đã hết mùi xú uế.

Tướng Pháp Yves Gras trong cuốn Lịch sử chiến tranh Đông Dương đã viết: "Ông Giáp quan niệm cả một dân tộc sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính của Bộ tham mưu Pháp...".

Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương cũng đã phải công nhận: "Bộ chỉ huy Việt Minh đã phác họa thật hay về công việc tiếp vận của họ. Chúng ta phải thừa nhận sự cố gắng lớn lao của nhân dân họ chi viện cho quân đội họ và khâm phục khả năng của Bộ chỉ huy, Chính phủ đối phương đã biết cách để đạt hiệu quả".

Còn nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp, tiến sĩ Ivan Cadeau, trong sách Điện Biên Phủ 13/3-7/5/1954, đã tổng kết tất cả tài liệu lưu trữ trong Bộ Quốc phòng Pháp và rút ra kết luận: "Chưa bao giờ không quân Pháp thành công trong việc cản trở hậu cần của Việt Minh, dù chỉ trong vài giờ".

Sức mạnh của đội quân hậu cần đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Tiên Long

>>Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương 70 năm trước

Có thể bạn quan tâm
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thăm Tòa Giám mục Giáo phận Cần Thơ

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thăm Tòa Giám mục Giáo phận Cần Thơ

14:50 23/12/2023

Cần Thơ – Ngày 23.12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác đã đến thăm và chúc mừng...

Đề xuất ôtô 45 chỗ được đi trên nút giao lớn nhất Nha Trang

Đề xuất ôtô 45 chỗ được đi trên nút giao lớn nhất Nha Trang

03:10 19/06/2024

Doanh nghiệp du lịch kiến nghị chính quyền Nha Trang cho phép xe 45 chỗ đi trên núi giao Ngọc Hội để thuận lợi kinh doanh du lịch.

Hai tàu cá đưa khách tham quan trái phép đảo Hòn Hải

Hai tàu cá đưa khách tham quan trái phép đảo Hòn Hải

21:30 19/05/2024

Bộ đội Biên phòng phát hiện và xử phạt hai tàu cá của ngư dân đảo Phú Quý tổ chức đưa du khách ra câu cá và tham quan trái phép khu vực đảo Hòn Hải.

Khai mạc phiên thứ nhất, Đại hội XI Công đoàn tỉnh Long An

Khai mạc phiên thứ nhất, Đại hội XI Công đoàn tỉnh Long An

16:10 17/08/2023

Chiều 17.8, tại Hội trường Thống Nhất (TP.Tân An), Đại hội Công đoàn tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã khai mạc phiên thứ nhất.

Hàng chục nghìn du khách về tri ân tại 'địa chỉ đỏ' Truông Bồn

Hàng chục nghìn du khách về tri ân tại 'địa chỉ đỏ' Truông Bồn

10:50 22/07/2023

Những ngày tháng 7, hàng chục nghìn du khách từ khắp mọi miền tổ quốc đã đến Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Tổ chức 7 chuyến xe yêu thương đưa bệnh nhân từ Huế về quê ăn Tết

Tổ chức 7 chuyến xe yêu thương đưa bệnh nhân từ Huế về quê ăn Tết

04:10 04/02/2024

Bệnh viện T.Ư Huế đã tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” hỗ trợ hàng trăm bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại bệnh viện về quê đón Tết miễn phí.

Khói lửa bao trùm vựa ve chai ở TPHCM

Khói lửa bao trùm vựa ve chai ở TPHCM

19:20 10/02/2024

Đám cháy xảy ra tại vựa ve chai nằm trong hẻm ở quận Gò Vấp (TPCHM) tạo cột khói đen bốc cao hàng chục mét làm nhiều tài sản bị hư hỏng và khiến người dân một phen hốt hoảng.

Cư dân KĐT Thanh Hà dùng nước bẩn: Công ty nước mặt sông Đuống không có trách nhiệm cấp nước (?)

Cư dân KĐT Thanh Hà dùng nước bẩn: Công ty nước mặt sông Đuống không có trách nhiệm cấp nước (?)

09:20 11/10/2023

Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống cho rằng, Khu đô thị Thanh Hà nằm ngoài phạm vi cấp nước của đơn vị này. Nước mặt sông Đuống chỉ để hỗ trợ bổ sung khi một trong các nguồn cấp gặp sự cố .

Phát hiện 5 nữ tiếp viên quán karaoke ở Lai Châu dương tính với ma túy

Phát hiện 5 nữ tiếp viên quán karaoke ở Lai Châu dương tính với ma túy

22:00 18/08/2023

Tối 18.8, Công an tỉnh Lai Châu thông tin vừa kiểm tra phát hiện 1 quản lý và 5 nữ tiếp viên quán karaoke dương tính với ma túy, trong...

Co loi xay ra
Co loi xay ra