Nhiều khu dân cư ở quận huyện Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoài Đức... đang mất nước sinh hoạt, gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Sớm 19/10, hàng trăm cư dân khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, tiếp tục xếp hàng đợi lấy nước sạch từ xe téc. Các hộ dân đều cử đàn ông, thanh niên trong gia đình mang xô, chậu đến chờ xin nước sạch.
Khủng hoảng nước sạch của khu đô thị Thanh Hà, nơi có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 dân, bắt đầu từ hai tuần trước, khi cư dân phát hiện nước không đảm bảo chất lượng. Sau đó nhà cung cấp là Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà phải dừng nguồn nước ngầm, chỉ còn trông vào nguồn nước mặt từ Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống và các xe téc dân tự mua hoặc được tài trợ.
Không chỉ Thanh Hà, cuối phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước hơn 10 ngày nay. Đã 80 tuổi, bà Phạm Viết Xuân Phương vẫn hàng xách xô, vác can sang nhà hàng xóm xin nước. "3-4 ngày nay tôi không tắm, chỉ lau người. Sống trên đất Thủ đô mà mỗi lần dùng nước phải dùng gáo bé tí, múc từng chút một, khổ hơn thời bao cấp", bà Phương nói.
Nằm trong ngõ 159 Phùng Khoang, dãy trọ 10 phòng với khoảng 25 người thuê của gia đình ông Dân mấy ngày nay nháo nhào vì mất nước. Để có nước sinh hoạt tối thiểu, ông Dân chạy đi xin khắp nơi. "Nhưng mất 2-3 ngày còn xin dễ, mất cả chục ngày khiến nguồn dự trữ cạn kiệt, rất khó xin", ông Dân chia sẻ.
Thiếu nước, ông Dân phải khóa cửa nhà vệ sinh chung của cả dãy trọ. "Nhiều người không chịu được phải chuyển đi nơi khác, một số sinh viên tạm chuyển về quê", ông Dân nói.
Ở phía sau dãy nhà trọ của ông Dân, một dãy trọ khác cũng trong tình cảnh tương tự. Ngay đầu hành lang đi vào, chủ nhà đặt thùng nước to, bên ngoài dán dòng chữ: "Nước sạch để ăn, ai cần xuống lấy".
Nhiều hộ dân cuối phố Phùng Khoang phải đào đường, tìm ống nước sạch, sau đó cắt ra, gắn đầu ống vào máy bơm để hút chút nước ít ỏi cho sinh hoạt. Nhiều gia đình đồng hồ nước vẫn chạy, nhưng bể không có giọt nước chảy vào. Có nhà thuê thợ khoan giếng lấy nước, chấp nhận nguồn nước ngầm này nhiều kim loại, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng nằm trên phố Phùng Khoang, tập thể Đại học Hà Nội bị mất nước một tuần nay, phải trông chờ từ xe téc. Tổ dân phố 17, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, với khoảng 200 hộ cũng bị thiếu nước. Người dân phản ánh nước đã có hai ngày nay, song dòng chảy yếu, không đủ cung ứng.
Tương tự, nhiều khu dân cư ở quận Hoàng Mai và huyện Hoài Đức bị mất nước vào một số thời điểm. Đặc biệt, tại một số khu vực của Hoài Đức, tình trạng mất nước, nước chảy yếu kéo dài từ tháng 6 tới nay chưa được khắc phục triệt để.
Vì sao thiếu nước?
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn đạt khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, 16 nhà máy và 12 trạm sản xuất được 770.000 m3 nước ngầm, 5 nhà máy sản xuất được 750.000 m3 nước mặt mỗi ngày đêm. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm 300-1.000 m3/ngày đêm.
Công suất nước như trên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ở khu vực đô thị và 85% khu vực nông thôn (138 xã chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung). Khu đô thị Thanh Hà nằm ở huyện Thanh Oai, nơi có tỷ lệ tiếp cận nước sạch chỉ 80%. Ngoài huyện này, còn nhiều huyện có tỷ lệ cấp nước sạch thấp như Mỹ Đức 42%, Ứng Hòa 58%, Thường Tín 60%, Phúc Thọ 65%, Chương Mỹ 68%.
Về lý do cụ thể thiếu nước ở khu đô thị Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà Dương Đình Trình cho biết khu đô thị dùng hai nguồn nước ngầm và nước mặt. Sau khi người dân phản ánh nước có mùi, nguồn nước ngầm khai thác tại chỗ đã tạm dừng để nâng cấp.
Sở Xây dựng Hà Nội đã giao Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống cấp 2.000 m3 nước/ngày đêm cho khu đô thị Thanh Hà để bù đắp lượng thiếu hụt, nhưng thực tế những ngày qua cấp thiếu 50% (nhu cầu 3.000 m3/ngày đêm). Vì thế việc mất nước cục bộ không thể tránh khỏi, phải cấp luân phiên cho các tòa nhà.
Lý giải vì sao cấp thiếu nước, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống Nguyễn Văn Tùng giải thích hệ thống đường ống cấp nước của công ty đã đến ngưỡng, không thể cấp thêm để bổ sung nguồn nước thiếu cho Thanh Hà.
Tại khu vực cuối phố Phùng Khoang, đơn vị cấp nước là Hợp tác xã Thống Nhất. Hợp tác xã này mua nước của Công ty cổ phần Viwaco sau đó bán lại cho người dân. Đại diện hợp tác xã cho hay trước đây mỗi ngày Viwaco cấp khoảng 4.000 m3, nhưng hiện chỉ còn một nửa. Nước ít, những hộ dân ở cuối nguồn bị thiếu.
Phía Viwaco, doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nguồn nước mặt sông Đà, chưa lên tiếng phản hồi vì sao cấp thiếu nước. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Du, Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, một số địa bàn bị thiếu nước, phải cấp luân phiên, chủ yếu nằm trong phạm vi cấp nước của Nhà máy nước sạch sông Đà. Nhà máy đang gặp khó khăn về nguồn cung. Lượng nước bị thiếu khoảng 10.000-20.000 m3 mỗi ngày, tùy theo thời gian cao hay thấp điểm.
Ông Du cho rằng trước mắt bắt buộc phải điều tiết nước luân phiên tại một số địa bàn. Về lâu dài, thành phố đang đầu tư một số dự án như: Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2, Nhà máy nước mặt sông Hồng chuẩn bị hoàn thành, nâng công suất Nhà máy Bắc Thăng Long, nghiên cứu xây dựng giai đoạn 2 Nhà máy nước sông Đuống... Khi các dự án hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thành phố mới được khắc phục.
Phạm Chiểu - Võ Hải
Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐĐT) Hà Nội bỏ giấy xác nhận cư trú trong hồ sơ tuyển sinh đầu cấp vào lớp 1, lớp 6 nhằm tạo điều...
TPHCM - Đề thi Ngữ văn lớp 10 của Trường Phổ thông Năng khiếu có phần yêu cầu thí sinh liên hệ phân tích về quan điểm sự tử tế...
Sau vụ cháy bốn ngày trước, tối 21-12, người dân ở trong tòa nhà OC3 khu Mường Thanh Viễn Triều, TP Nha Trang lại phải chạy vì báo động cháy hai lần.
Lên lớp 6 , môi trường học tập hoàn toàn khác so với cấp Tiểu học sẽ khiến học sinh lúng túng, bỡ ngỡ. Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên...
Thầy C (giáo viên dạy kĩ năng sống) tại Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh tố bị thầy Hiệu phó gần về hưu quấy...
Thí sinh thi lớp 10 quên hay mất căn cước công dân sẽ được giải quyết linh động chứ không dùng VNeID để thay thế, theo Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trong nhiều năm nay, những ngành khoa học cơ bản, đào tạo truyền thống dù 'khát' nhân lực nhưng lại rất khó tuyển sinh .
Năm học 2023-2024, Kiên Giang tăng khoảng 5.000 học sinh các cấp, nhu cầu về trường lớp, giáo viên cũng tăng theo, tỉnh còn thiếu hơn 1.200 biên chế ở...
Trải qua chặng đường dài trên biển, 131 học sinh của huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đã cập bến tàu Rạch Giá an toàn chuẩn bị tham dự kỳ...