QUẢNG BÌNH - Hàng chục học viên đang rơi vào tình cảnh bị mất quyền lợi, phải kêu cứu vì dù đã nộp đủ tiền học phí, đã thi tốt nghiệp, nhưng hơn nửa năm qua không được Trường Đại học Vinh cấp bằng vì cơ sở liên kết đào tạo chưa nộp đủ tiền cho Trường Đại học Vinh.
Người học chịu tội
Hàng chục học viên đã và đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình các lớp Đại học Luật, Đại học Giáo dục Tiểu học từ K59 đến K61 phản ánh đến báo Lao Động về vấn đề cấp bằng.
Học viên Đ.N.S bức xúc, lớp liên thông đại học K61 liên kết với Trường Đại học Vinh được đào tạo từ các hệ trung cấp, cao đẳng và văn bằng 2. Trong đó, các học viên đã hoàn tất học phí cho Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình mức học phí mỗi học viên là hơn 43,5 triệu đồng (hệ đào tạo từ trung cấp); hơn 30,2 triệu đồng (hệ đào tạo từ cao đẳng) và hơn 36,9 triệu đồng (hệ văn bằng 2). Các học viên nhập học vào tháng 10.2020 và hệ văn bằng 2. Hệ đào tạo từ cao đẳng đã thi tốt nghiệp từ tháng 12.2022 nhưng đến tháng 7.2023 vẫn chưa được cấp bằng tốt nghiệp. Hệ đào tạo từ trung cấp thì đã nộp học phí đầy đủ, hoàn thành chương trình học nhưng đến nay vẫn không được tổ chức thi tốt nghiệp. Việc này khiến các học viên rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, mất quyền lợi.
Học viên T.V.T (SN 1998, giáo viên trường dân tộc bán trú ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình) cho biết, anh bỏ tiền túi, vay mượn thêm tiền để đi học, với mong muốn có bằng để hoàn tất các yêu cầu chuẩn hóa giáo viên và đủ điều kiện để phục vụ công tác. Tuy nhiên năm học mới đến rồi, thi tốt nghiệp đã hơn nửa năm mà đến nay vẫn không được Trường Đại học Vinh cấp bằng khiến anh có nguy cơ lỡ cơ hội việc làm đang hiện hữu trước mắt.
Đặc biệt, các địa phương tại Quảng Bình hiện đang triển khai công tác chuẩn hóa giáo viên về mặt bằng cấp, không những anh S, anh T mà hàng chục học viên khác đã và đang học hệ liên kết đào tạo với Trường Đại học Vinh đang trở thành đối tượng chịu thiệt vì không được cấp bằng, không được thi tốt nghiệp.
Khi các học viên liên hệ để làm rõ sự việc, nguyên nhân được cho là do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình chưa hoàn tất chuyển tiền học phí cho Trường Đại học Vinh, vì tiền đã bị thủ quỹ cũ của Trung tâm biển thủ trong một vụ án vừa được xét xử.
Chưa nộp đủ tiền nên không được cấp bằng
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Trần Chí Chương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình xác nhận, đúng là có sự việc trên vì dù đã thu đủ học phí các học viên nhưng do thủ quỹ cũ của đơn vị biển thủ học phí của học viên, vụ án vừa được xét xử nên Trung tâm không có tiền để chuyển cho Trường Đại học Vinh. Với lý do này Trường Đại học Vinh hiện không cấp bằng cho các học viên đã thi tốt nghiệp và không tổ chức thi tốt nghiệp cho các học viên đủ điều kiện.
Theo bảng tổng hợp đối chiếu công nợ, đến 31.12.2022 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình đang nợ Trường Đại học Vinh số tiền hơn 1,6 tỉ đồng tiền học phí của các học viên.
Ông Trần Chí Chương cho biết, mình vừa đảm nhận chức danh Giám đốc Trung tâm sau khi sự việc "tham ô tài sản" và "thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm.
Sau khi tiếp nhận công việc, bản thân ông cùng lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần làm việc, gửi công văn cho Trường Đại học Vinh cùng phối hợp, tìm giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho học viên nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Trong công văn mới nhất gửi Trường Đại học Vinh vào tháng 6.2023, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình nêu rõ, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên tòa xét xử vụ án "tham ô tài sản" và "thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm.
Theo đó, tòa đã kết luận tội danh và trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo Nguyễn Thị Thùy Linh - là nhân viên thủ quỹ cũ của Trung tâm mức án 20 năm tù và phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt là gần 8,2 tỉ đồng; số tiền này đã trừ số tiền 400 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả, hiện Trung tâm đã chuyển cho Trường Đại học Vinh số tiền 100 triệu đồng. Để đảm bảo quyền lợi cho Trường Đại học Vinh và học viên các lớp Đại học Luật, Đại học Giáo dục tiểu học từ K59 đến K61 hệ liên kết đào tạo với Trung tâm, Trung tâm cam kết khi nhận số tiền 300 triệu đồng từ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình sẽ chuyển ngay cho Trường Đại học Vinh; trong thời gian tiếp theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình thu hồi số tiền từ bị cáo Nguyễn Thị Thùy Linh thì cũng sẽ chuyển ngay cho Trường Đại học Vinh.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các học viên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Trường Đại học Vinh sớm cấp phát bằng tốt nghiệp cho học viên các lớp đại học đã tốt nghiệp và tổ chức thi tốt nghiệp cho các lớp còn lại để các học viên kịp bổ sung hồ sơ.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Trần Chí Chương khẳng định, việc bảo đảm quyền lợi cho học viên phải là ưu tiên hàng đầu, Trung tâm sẽ triển khai các giải pháp để Trường Đại học Vinh bảo đảm quyền lợi trong quá trình liên kết đào tạo. Nhưng học viên đã thi tốt nghiệp xong thì phải được cấp bằng, đủ điều kiện thì phải được thi tốt nghiệp. Bởi lẽ, sự việc biển thủ tiền học phí tại Trung tâm là sự việc không mong muốn và đã được pháp luật xử lý, và học viên không thể là người chịu tội.
Thanh Hóa - Tiến hành thanh kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường học vi phạm trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú.
Gần 98.700 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên Ngữ văn, trong kỳ thi lớp 10 công lập, sáng 6/6. Năm ngoái, khoảng 12% đạt điểm giỏi.
Bà Rịa - Vũng Tàu - Đội tình nguyện viên tại điểm thi trường Trần Nguyên Hãn (TP Vũng Tàu) đã hỗ trợ tận tình cho thí sinh bị gãy...
TPHCM - Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Hóc Môn cho biết, nguyên nhân lá đơn 'xin không thi vào lớp 10 ' xuất hiện trên mạng xã...
Năm 2023, Bộ Công an giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm trước, dự kiến tuyển 2.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy.
Do khó khăn, chị H. nhận mang thai hộ nhưng thực chất là đẻ thuê, nhưng sinh con ra chị lại muốn giữ đứa bé lại. Vậy chị H. có thể kiện để giành quyền nuôi con không?
Tổng thư ký Ibero-American cho biết mục tiêu mà tuyên bố chung hướng đến là không còn nạn đói trên toàn Mỹ Latinh - khu vực có khoảng 60 triệu người đang đối mặt với những vấn đề an ninh lương thực.
Bờ đông nước Mỹ chứng kiến trận động đất mạnh; bà Nancy Pelosi gia nhập nhóm kêu gọi Tổng thống Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel...
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) hai lần liên tiếp phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế dân sự của Philippines ở bãi Cỏ Mây vào ngày 5-3 và 23-3.