Hàn Quốc đang cố vớt vệ tinh quân sự Triều Tiên phóng thất bại, trong khi Mỹ, Nhật lên án vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng "làm gia tăng căng thẳng".
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cho biết đã theo dõi vệ tinh Triều Tiên từ khi nó được phóng tại bãi phóng Sohae và kết luận vụ phóng thất bại. Quân đội Hàn Quốc đang tìm kiếm mảnh vỡ và có thể trục vớt chúng.
Bình Nhưỡng trước đó thông báo vụ thử nghiệm thất bại do "lỗi hệ thống kích nổ khẩn cấp ở giai đoạn ba".
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ra lệnh cho Hội đồng An ninh Quốc gia chia sẻ phân tích về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời chuẩn bị "đối phó những hành động khiêu khích tiếp theo có thể xảy ra" từ Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Adrienne Watson cho rằng vụ phóng thất bại nhưng là "sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn cho tình hình an ninh trong và ngoài khu vực".
"Cánh cửa ngoại giao chưa đóng nhưng Bình Nhưỡng cần chấm dứt ngay các hành động khiêu khích và thay vào đó chọn đối thoại", Watson cho hay, thêm rằng quan chức an ninh Mỹ đang đánh giá tình hình dưới sự phối hợp với các nước đối tác và đồng minh, đồng thời kêu gọi tất cả quốc gia lên án Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng xác nhận vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên thất bại, đồng thời cho rằng "hành vi như vậy đi ngược lại các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và chúng tôi kiên quyết phản đối".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết việc Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ phóng đã trở thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Theo ông, các bộ phận vệ tinh Triều Tiên đã rơi xuống Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương.
Triều Tiên phóng vệ tinh vài ngày sau khi lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc cùng Nhật Bản gặp nhau tại Trại David. Vụ phóng cũng diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung mang tên Lá chắn Tự do Ulchi ngày 21/8 và dự kiến kéo dài 11 ngày.
Hồi tháng 5, Triều Tiên dùng tên lửa đẩy Chollima-1 phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên, song phương tiện rơi xuống biển vài phút sau khi cất cánh. Hàn Quốc sau đó tổ chức hoạt động trục vớt kéo dài 36 ngày để tìm mảnh vỡ tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên. Các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc phân tích mảnh vỡ và kết luận vệ tinh Triều Tiên phóng khi đó không có năng lực trinh sát.
Hoạt động quân sự của các bên gần đây khiến căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên leo thang. Mỹ triển khai nhiều vũ khí và phương tiện chiến lược tới Hàn Quốc, cũng như tổ chức nhiều cuộc diễn tập chung với Hàn Quốc và Nhật Bản để thể hiện năng lực quân sự trước Triều Tiên.
Triều Tiên chỉ trích các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc đẩy tình hình khu vực "đến thảm họa không thể đảo ngược và bờ vực chiến tranh hạt nhân". Những hoạt động này đi quá giới hạn chịu đựng của Triều Tiên và họ sẽ đáp trả bằng cách thể hiện năng lực răn đe "thông qua hoạt động tấn công".
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đã đến Moscow trong chuyến thăm mà cả Nga và Iraq đều trông đợi.
Ngày 5/3, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Maldives để cung cấp hỗ trợ quân sự miễn phí cho Male, tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.
Lũ lụt sau bão ở Myanmar đã khiến ít nhất 74 người chết và hơn 65.000 ngôi nhà bị phá hủy, kèm nguy cơ sạt lở đất tại nhiều nơi.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei ngày 27/10 tuyên bố các quan chức nước này cần xác định cách thể hiện sức mạnh của Iran với Israel sau cuộc tấn công của Tel Aviv hai đêm trước.
Bà Harris gặp Tổng thống Zelensky lần thứ ba trong năm nay và chỉ trích quan điểm của một số người Mỹ muốn Kiev phải từ bỏ lãnh thổ.
Giới chức Nga thông báo bắt lãnh đạo bộ phận mua sắm tại Bộ Quốc phòng Verteletsky với cáo buộc lạm quyền.
Oleksandr Syrsky đã tham gia các nỗ lực chống phe ly khai thân Nga ở Donbass từ năm 2014 và từng đẩy lùi quân Nga khỏi khu vực thủ đô Kiev trong những ngày đầu xung đột năm 2022.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục, giấy tờ để các thuyền viên được về nước nhanh chóng, thuận lợi, an toàn.
Một phân đội tàu Nga gồm 2 tàu chống ngầm cỡ lớn mang tên Đô đốc Tributs và Đô đốc Panteleev cùng tàu chở dầu Pechenga thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã cập cảng Chittagong của Bangladesh - động thái đánh dấu việc các tàu Nga lần đầu tiên đến Bangladesh sau gần nửa thế kỷ.