Động thái đe dọa giết thêm con tin của Hamas để gây áp lực lên Israel có thể khiến nhóm đánh mất hoàn toàn lợi thế trên bàn đàm phán.
Sau quãng thời gian dài cáo buộc Israel giết chết các con tin bằng chiến dịch ném bom bừa bãi tại Dải Gaza, nhóm Hamas hôm 2/9 ra tuyên bố cho thấy họ đã hành quyết con tin và sẽ thủ tiêu thêm những người khác nếu Tel Aviv tiếp tục sử dụng vũ lực để cố gắng giải thoát con tin.
Lời đe dọa được cho là con dao hai lưỡi đối với lực lượng này. Giới quan sát đánh giá tuyên bố "xử lý con tin" của Hamas dường như là cách để tăng áp lực buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhất trí với lệnh ngừng bắn, nhưng nó cũng khiến họ có nguy cơ đánh mất một trong những quân bài mặc cả giá trị nhất.
Nếu giao tranh không thể chấm dứt bằng đàm phán, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar và các tay súng của ông ta sẽ khó lòng rời khỏi nơi ẩn náu trong hệ thống đường hầm tại Gaza mà không đối mặt với nguy cơ bị Israel hạ sát.
Hamas cũng sẽ càng phải đối mặt với thách thức lớn hơn khi quân đội Israel xâm nhập sâu vào hệ thống địa đạo của họ. Mặt khác, Israel chắc chắn không từ bỏ các chiến dịch giải cứu bằng biện pháp quân sự, trừ khi có một thỏa thuận giúp trả tự do cho con tin và chấm dứt giao tranh.
Hamas được cho là đã hành quyết 6 con tin vào tuần trước nhằm gây áp lực lên Tel Aviv. Việc binh sĩ Israel tìm thấy thi thể 6 con tin trong đường hầm đã thổi bùng lên các cuộc biểu tình và đình công trên cả nước, yêu cầu chính phủ đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin.
Nhưng cũng có nhiều người Israel coi hành động của Hamas là "gây hấn" và là lý do khiến cuộc chiến phải tiếp diễn cho đến khi nhóm này bị "xóa sổ" hoàn toàn, theo mục tiêu mà Thủ tướng Netanyahu đặt ra.
Đối với Hamas, việc có ít con tin Israel còn sống cũng khiến các cuộc đàm phán trả tự do cho hàng nghìn tù nhân Palestine bị giam trong hệ thống nhà tù Israel trở nên khó khăn hơn, giới chuyên gia đánh giá.
Giải cứu tù nhân Palestine là động lực rất quan trọng để duy trì tính chính danh của Hamas sau 11 tháng chiến sự khiến gần như toàn bộ Dải Gaza bị phá hủy, hơn 40.000 người thiệt mạng.
Trong 97 con tin còn lại tại Gaza, Israel xác định 33 người đã thiệt mạng. Trong các cuộc đàm phán với những nhà trung gian hòa giải, Hamas cho biết họ có thể đang giữ không quá 30 con tin còn sống.
Hamas đã trụ được sau chiến dịch tấn công liên tục kéo dài 11 tháng từ một đối thủ vượt trội họ về mặt quân sự. Nhưng khi quân đội Israel tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát, chiếm giữ các cửa khẩu và biên giới quan trọng, phá hủy hệ thống đường hầm và hạ sát hàng loạt thủ lĩnh cấp cao, khả năng tồn tại của Hamas đang bị đe dọa nghiêm trọng.
"Đây là hậu quả của tình hình hỗn loạn mà Hamas đã tự gây ra", Kobi Michael, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, trụ sở tại Tel Aviv, bình luận. "Hamas giờ đây không thể hoạt động như một lực lượng quân sự có tổ chức nữa".
Israel cho biết họ đã đặt dấu chấm hết cho khả năng hoạt động hiệu quả như một lực lượng quân sự của Hamas, mặc dù các tay súng của nhóm vẫn tiếp tục chiến đấu gần như mỗi ngày với binh lính Israel.
Hamas cũng thừa nhận họ không thể duy trì liên lạc tại Dải Gaza và các thủ lĩnh nhóm ở Qatar phần lớn đã mất kết nối với những người trong khu vực.
Israel tuyên bố hạ sát các tay súng Hamas gần như hàng ngày. Hôm 3/9, quân đội Israel cho hay một cuộc không kích đã khiến 8 thành viên nhóm này thiệt mạng.
Hamas nói có thể nhanh chóng tuyển mộ các thành viên mới, nhưng các tân binh này sẽ không thể được huấn luyện ở cùng trình độ với những người đã chết, giới chuyên gia nhận định.
"Không có gì che giấu được sự thật rằng Hamas đã bị suy yếu", Mkhaimar Abusada, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Al-Azhar ở Gaza, hiện làm việc tại Cairo, Ai Cập, cho hay. "Nhưng họ chưa bị suy yếu đến mức phải đầu hàng".
Một số nhà đàm phán Arab cho biết họ tin lời đe dọa hành quyết con tin mà Hamas đưa ra cho thấy tình trạng hỗn loạn ngày càng tăng bên trong nhóm. Hamas đã nói với các nhà đàm phán suốt nhiều tháng qua rằng họ cần ngừng giao tranh để theo dõi và tập hợp các con tin do họ cùng các nhóm khác đang giữ.
Khalil al-Hayya, thủ lĩnh cấp cao Hamas, hôm 2/9 cho biết lực lượng đã mất liên lạc với công dân Mỹ gốc Israel Hersh Goldberg-Polin, một trong 6 con tin bị giết, sau khi công bố một video về người đàn ông này hồi tháng 4.
Nhưng sau đó cùng ngày, nhóm lại đăng một video trên Telegram nói rằng họ đã ghi lại được những lời cuối của Goldberg-Polin.
"Những thông điệp mâu thuẫn này sẽ có tác động lớn đến các cuộc đàm phán vốn đã phức tạp", một nhà trung gian Arab đánh giá. "Israel luôn nghi ngờ tuyên bố của Hamas rằng họ không có thông tin về tất cả con tin".
Tại Israel, chính quyền Thủ tướng Netanyahu đang phải đối mặt làn sóng chỉ trích ngày càng tăng từ công chúng vì không đạt được thỏa thuận ngừng bắn và không có một kế hoạch rõ ràng hậu xung đột.
Giới chức quân sự Israel khẳng định họ đã làm rối loạn đáng kể hàng ngũ Hamas, đặc biệt là sau khi hai lãnh đạo quân sự hàng đầu của nhóm bị hạ, khiến Hamas không thể lặp lại quy mô các cuộc tấn công như hồi tháng 10 năm ngoái.
Thủ tướng Netanyahu đã nhấn mạnh rằng Hamas ở Gaza phải bị tiêu diệt và Sinwar phải biến mất.
"Tất nhiên, giết Sinwar sẽ là một chiến thắng to lớn, nhưng cuối cùng, nó vẫn không giải quyết được vấn đề an ninh bên trong Gaza", Sanam Vakil, chuyên gia về Trung Đông tại tổ chức tư vấn Chatham House, trụ sở tại London, Anh, nhận xét. "Điểm yếu trong chiến lược của Israel là họ không muốn nghĩ đến bất kỳ giải pháp nào khác ngoài quân sự".
Quân đội Israel đã thất vọng với yêu cầu từ Thủ tướng Netanyahu trong các cuộc đàm phán ngừng bắn rằng Tel Aviv vẫn phải duy trì kiểm soát các hành lang Netzarim và Philadelphi ở Gaza. Những người chỉ trích ông cáo buộc các tính toán của Thủ tướng có động cơ chính trị. Những thành viên cựu hữu trong liên minh của ông đe dọa sẽ lật đổ chính phủ nếu Thủ tướng đồng ý chấm dứt giao tranh. Các cuộc thăm dò cho thấy Netanyahu sẽ khó lòng tái đắc cử nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay lúc này.
Nhưng Netanyahu lập luận rằng việc rút quân đội Israel khỏi Philadelphi, nơi chia cắt Gaza với Ai Cập, và Netzarim, hành lang cắt đôi Dải Gaza, sẽ tạo điều kiện để Hamas tái thiết, làm suy yếu mục tiêu quân sự của ông.
Các nhà phân tích chính trị và các nhà trung gian đàm phán cho biết Hamas khó có thể đồng ý với các điều khoản ngừng bắn hiện nay. Điều này sẽ buộc nhóm phải từ bỏ con tin chỉ để đổi lấy những thứ có thể khiến Hamas sụp đổ nhanh hơn.
"Không còn nghi ngờ gì về việc cái chết của những con tin Israel và lời đe dọa hành quyết đã khiến vị thế của Hamas yếu đi", Ibrahim Al-Madhoun, nhà phân tích chính trị thân cận với nhóm đến từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, bình luận. "Nhưng Hamas sẽ không bỏ cuộc".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Việt Nam hồi hương thêm gần 400 công dân kẹt tại miền bắc Myanmar do xung đột, sau khi hồi hương hơn 1.000 người trong đợt đầu tiên.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 10/7.
EU phản đối luật 'bảo vệ chủ quyền, chống can thiệp chính trị từ nước ngoài' của Hungary, cho rằng nó vi phạm luật pháp của liên minh.
Ông Putin dọa chuyển vũ khí cho các đồng minh, đối tác để tập kích phương Tây, nhằm tăng mức độ răn đe khi Mỹ nới hạn chế cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.
Ngày 1/10, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và một số nước khác về việc tăng cường quân đội ở đường biên giới với Kosovo, đồng thời bày tỏ sự bất bình trước vụ xả súng làm leo thang căng thẳng ở khu vực Balkan vào tuần trước.
Thủ tướng Israel Netanyahu chỉ trích chính quyền của Tổng thống Biden trì hoãn viện trợ vũ khí suốt nhiều tháng, điều mà Mỹ bác bỏ.
Từ ngày 28/8-3/9, nhân kỷ niệm lần thứ 79 Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Angola do Đại sứ Dương Chính Chức dẫn đầu, có chuyến công tác tới hai địa phương là tỉnh Benguela và tỉnh Huila với nhiều hoạt động đa dạng.
Việc Ukraine xác nhận bom chùm do Mỹ viện trợ đã mở đầu một giai đoạn leo thang mới trong cuộc chiến với Nga.
Tổng thống Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Attal và chính phủ, nhưng yêu cầu họ giữ chức vụ đến khi nội các mới được thành lập.