Ngày càng có nhiều người trẻ tại khu vực châu Á thoải mái công khai lương của họ lên mạng.
Mặc dù khoảng 80% các tổ chức được khảo sát ở châu Á coi tính minh bạch lương là quan trọng, nhưng "hầu hết các thị trường châu Á không có hướng dẫn cụ thể về công bằng lương và minh bạch", theo báo cáo năm 2024 của Công ty tư vấn quản lý Aon, khảo sát hơn 350 chuyên gia nhân sự trên khắp châu Á.
"Tại nhiều công ty châu Á, nhân viên thường không được khuyến khích chia sẻ thông tin về lương của họ với đồng nghiệp. Thực tế này thường được ghi rõ trong hợp đồng lao động, hoặc được coi là một quy tắc ngầm", Peter Zhang, giám đốc giải pháp nhân tài khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Aon, chia sẻ.
"Điều này có thể do các chuẩn mực văn hóa và hạn chế trong quá trình thực hiện và quy trình trả lương", ông cho biết.
Ngoài ra, thị trường kinh tế và lao động châu Á cũng năng động và dễ biến động hơn. Các nhà tuyển dụng có xu hướng trả lương cao hơn cho những nhóm nhân tài để giành lợi thế cạnh tranh.
Một trở ngại khác là thiếu "sự trưởng thành trong quản lý" và "kỹ năng xử lý các cuộc thảo luận nhạy cảm về lương" trong khu vực, Zhang nói.
Trong khi những nơi như California và New York (Mỹ) có luật yêu cầu các công ty phải chia sẻ mức lương khi đăng tin tuyển dụng, thì hầu hết các công ty ở châu Á (84%) lại hạn chế tính minh bạch về lương chỉ cho các bên liên quan nội bộ.
Hiện tại yếu tố thúc đẩy hàng đầu của các thực hành minh bạch về lương ở châu Á là "quy định và tuân thủ" (72%), theo báo cáo. Nhưng thay vì chờ đợi luật mới, một số người thuộc thế hệ Z và millennial ở châu Á đang tiên phong cho sự thay đổi trên nền tảng trực tuyến.
Họ đã bắt đầu công khai lương của mình trên mạng xã hội.
Karishma Jashani, 28 tuổi, sống tại Singapore, đã thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok khi thảo luận về sự nghiệp của mình, bao gồm cả việc cô kiếm được bao nhiêu khi làm việc trong lĩnh vực bán hàng công nghệ.
Năm ngoái, cô đã tiết lộ mình kiếm được hơn 300.000 đô la Singapore (khoảng 223.000 USD) trong một video TikTok thu hút khoảng 500.000 lượt xem.
"Tôi nghĩ rằng mục tiêu chính của tôi khi chia sẻ là để thêm sức mạnh cho mọi người - Jashani nói - Tôi không cố gắng giữ bí mật. Chỉ có một số người nhất định mới có thể sống như vậy. Thực tế là bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ mức lương của mình được".
Jashani chỉ là một trong số nhiều người trẻ ở châu Á đang nỗ lực tăng cường sự minh bạch về lương trong khu vực. Prestine Davekhaw cũng đang theo đuổi một sứ mệnh tương tự.
Năm 2022, cô gái 32 tuổi này đã thành lập MalaysianPAYGAP, một thương hiệu có hơn 300.000 người theo dõi trên Instagram và TikTok, nổi tiếng với những cuộc phỏng vấn trên đường phố hỏi mọi người về mức lương của họ.
Là nhiếp ảnh gia tự do, Davekhaw cho biết cô gặp khó trong việc định giá dịch vụ của mình, do những người khác trong ngành lại quá giữ kín về mức giá của họ. Vì vậy, cô đã bắt đầu thu thập và chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội.
"Tôi bắt đầu trên Instagram, và trong một tuần, chúng tôi đã trở nên rất nổi tiếng ở Malaysia. Đó là lúc tôi nhận ra có rất nhiều ngành công nghiệp cần điều này", cô nói.
Thông qua những cuộc phỏng vấn trên đường phố, Davekhaw nhận thấy sự khác biệt lớn giữa các thế hệ về kiến thức và thái độ đối với sự nghiệp và tài chính. Những người trẻ tuổi cởi mở hơn rất nhiều về việc chia sẻ mức lương. Những thế hệ lớn tuổi thận trọng hơn.
"Họ tin rằng mình phải khiêm tốn, kín tiếng. Nếu không, họ sợ rằng sẽ được phòng nhân sự của công ty mời đến để nói chuyện", cô nói. Davekhaw cũng nhận thấy sự khác biệt về văn hóa khi trò chuyện về mức lương.
"Khi chúng tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn trên phố ở Malaysia và tiếp cận người Mã Lai, họ rất cởi mở khi chia sẻ mức lương. Nhưng người gốc Hoa lại khó tiếp cận hơn", cô nói.
"Nhiều người được dạy từ nhỏ rằng không nên khoe của. Những người này sẽ khá dè dặt".
Davekhaw cũng cho biết có những khoảng cách khi nói đến việc lên tiếng về mức lương tại nơi làm việc. "Sự khác biệt khá rõ rệt", cô nói.
"Điều này chắc chắn phụ thuộc vào tầng lớp xã hội, nền tảng gia đình và nơi bạn được giáo dục, vì chúng tôi thấy những người tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu biết rằng họ nên đàm phán, trong khi những người khác có thể được dạy rằng "hãy biết ơn" và duy trì mức lương", Davekhaw nhận định.
Davekhaw kết luận rằng dù sao đi nữa, mọi người cũng sẽ nói về mức lương. Vì vậy, chỉ là vấn đề thời gian trước khi các tổ chức ở châu Á nhận ra thực tế này.
Kém minh bạch về lương có thể không chỉ dẫn đến bất bình đẳng, mà còn là rủi ro cho các doanh nghiệp, Zhang nói.
"Khi một tổ chức thiếu quy trình và thực hành trả lương có cấu trúc, những khoảng cách đáng kể liên quan đến sự bình đẳng về lương có thể lộ ra khi nhân viên thảo luận công khai về mức lương - Zhang cho biết - Điều này không chỉ dẫn đến sự bất mãn của nhân viên, mà còn khiến tổ chức phải đối mặt với rủi ro pháp lý và danh tiếng".
"Chấp nhận sự minh bạch là điều quan trọng để thúc đẩy sự công bằng tại nơi làm việc, tạo niềm tin cho các ứng viên tiềm năng, nâng cao giá trị nhân viên và củng cố thương hiệu nhà tuyển dụng", ông nói.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị là rất quan trọng. Từ việc thiết lập các quy trình rõ ràng và ưu tiên sự bình đẳng về lương, cho đến việc đào tạo nhân viên và quản lý về cách xử lý các cuộc thảo luận về lương, các tổ chức phải làm việc kỹ lưỡng để đạt được sự minh bạch về lương một cách đúng đắn.
"Khi các tổ chức cải thiện các thông lệ trả lương, phấn đấu vì sự bình đẳng về lương và phát triển năng lực quản lý, chúng tôi thấy trước một sự chuyển đổi đáng kể trong tương lai gần", ông nhấn mạnh.
Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Hòa Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 thực hiện quy trình về công tác cán bộ. Anh Nguyễn Duy Tư - Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh Đoàn Hòa Bình.
200 đại biểu sẽ tham gia hành trình 'Sinh viên với khát vọng non sông' về với địa chỉ đỏ Điện Biên Phủ, hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bé Johan Phạm, 6 tuổi, đau bụng kéo dài hai năm, mẹ đưa bé từ Na Uy về Việt Nam điều trị, bác sĩ chẩn đoán bị động kinh và migraine thể bụng.
'Tôi nhìn thấy ở Việt Nam một thế hệ trẻ đang không ngừng tiến về phía trước, nỗ lực phát triển, vươn lên', nhà báo kỳ cựu của Đài CNN nhận xét.
Bé trai này thường chơi đồ chơi xếp hình, trong đó có những viên bi nam châm cùng chị gái 6 tuổi.
263 đại biểu trẻ em tham gia phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ nhất được tham quan, chiêm ngưỡng tòa nhà Quốc hội.
Hưởng ứng chương trình Chủ Nhật Đỏ, sáng 28/1, Đoàn TN Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức chương trình 'Chủ nhật Đỏ - Từ trái tim xanh, trao Tết an lành'.
Ngày 4-4, UBND quận Hải Châu, Đà Nẵng, đã có thư ngỏ gửi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự án xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng.
Trong khuôn khổ chiến dịch Hè tình nguyện, Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã triển khai đợt thi đua cao điểm 30 ngày đêm tình nguyện tham gia đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua Quảng Bình.