Chia sẻ về việc đuổi theo chiếc xe máy để cứu bé trai 2 tuổi tím tái, ngưng thở vì đuối nước, bác sĩ Nhân Hậu nói rằng đó là thiên chức cao quý của những người thầy thuốc.
Những ngày qua, câu chuyện bác sĩ Phan Nhân Hậu - trưởng khoa Ngoại - Gây mê Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, Nghệ An đuổi theo xe máy người lạ cứu sống bé trai 2 tuổi bị đuối nước, ngừng tim làm nhiều người xúc động.
Trở về công việc thường nhật, bác sĩ Hậu nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về gương sáng y đức cùng những lời cảm ơn của gia đình bé trai.
Bác sĩ Hậu nhớ lại, khoảng hơn 10h sáng 19-7, khi ông đang dừng xe gần một cây cầu trên đường tới đơn vị thì nghe tiếng còi xe máy kêu liên hồi và chạy với tốc độ cao phía sau.
Ngoái nhìn lại, bác sĩ Hậu chỉ thoáng thấy một người đàn ông cầm lái với vẻ mặt hốt hoảng. Ngồi phía sau là một người phụ nữ đang bế bé trai tím tái, nằm thõng xuống.
"Với kinh nghiệm trong nghề tôi nghĩ cháu bé nghi bị dị vật đường thở hoặc ngạt nước. Đây là trường hợp nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Hậu kể lại.
Không một chút chần chừ, bác sĩ Hậu tăng ga, bám ngay sau xe máy cho đến khi vào tận Trạm y tế xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Cháu bé vừa được đưa vào phòng cấp cứu, bác sĩ Hậu cũng lao vào phòng.
Lúc này tình trạng bé trai ướt sũng, bụng phình to, mặt và mũi tím tái, không nhịp tim, không nhịp phổi, không phản xạ, đồng tử bắt đầu giãn.
"Cháu bị đuối nước, mọi người tránh ra một chút để tôi hỗ trợ", bác sĩ Hậu nói.
Vừa dứt lời, bác sĩ Hậu cúi xuống ngậm miệng cháu bé để hút. Cơm lẫn nước bắt đầu ộc ra liên tục. Tiếp đó, bác sĩ Hậu phối hợp với bác sĩ Lương Thị Diễm - trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Lâm cùng thổi ngạt, ép tim cho bé trai.
Quy trình thổi ngạt một lần, 15 lần ép tim. Cứ như thế nhưng sau 15 lần, cháu bé vẫn chưa có nhịp tim. Lúc đó mọi người đều nghĩ khó có phép màu nhưng bác sĩ Hậu trấn an để không ai có thể bỏ cuộc.
30 phút cam go dần trôi, thấy lồng ngực cháu bé rung rung, mọi người nước mắt rưng rưng.
"Càng để thêm giây phút nào, tính mạng cháu bé nguy kịch thêm", bác sĩ Hậu nói.
Ngay sau đó, quy trình ép tim được tiếp tục. Ít phút sau, cháu bé có nhịp thở và nấc lên, lúc này bác sĩ Hậu và mọi người mới thở phào tin tưởng bé trai có thể qua cơn nguy kịch và có cơ hội được cứu sống.
Mọi thiết bị ở Trạm y tế được các điều dưỡng chuẩn bị trước đó như máy hút, bình chạy oxy, bóp bóng được sử dụng.
Bác sĩ Hậu bật máy hút để hút lại một lần nữa rồi nói mọi người gọi ngay một xe ôtô để đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương.
Tại bệnh viện huyện, bé trai được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu chữa.
Chiều 26-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh - trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - cho biết cháu bé trong vụ bác sĩ đuổi theo cấp cứu tên là T.T.K. (2 tuổi) đã qua cơn nguy kịch, hiện đang được các y, bác sĩ tại khoa điều trị tích cực.
"Hiện tại mạch, huyết áp cháu bé dần ổn định. Cháu cũng đã ngừng dùng các thuốc vận mạch, ngừng phương pháp hạ thân nhiệt, các thông số máy thở giảm dần. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao", bác sĩ Mạnh nói.
Dõi theo bác sĩ cập nhật về tình hình sức khỏe của con từ bên ngoài buồng bệnh, chị G. (mẹ bé K.) ôm mặt khóc. Chị gửi lời cảm ơn đến các y, bác sĩ đã nỗ lực, chạy đua với thời gian cứu sống con trai chị.
"Bác sĩ Nhân Hậu có trái tim thật nhân hậu. Con tôi như được sinh ra lần thứ hai!", chị G. xúc động.
Hiện một số bệnh viện chuyên khoa sản nhi khu vực phía Nam chưa có đủ các thuốc thiết yếu điều trị tay chân miệng, buộc phải chuyển bệnh nhân đến TP.HCM.
Rung nhĩ làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ và tỉ lệ này còn tiếp tục tăng theo tuổi. Rung nhĩ làm tăng 3 lần nguy cơ suy tim, tăng 2 lần nguy cơ tử vong...
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu khám chữa bệnh của 3 người trong vụ án hình sự loạn luân ở Long An.
Một bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu do máy cuốn sợi đã được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phẫu thuật cấp cứu nối lại thành công.
UBND TP HCM phê duyệt đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là bước khởi động quan trọng để thành phố sớm lập khu công nghiệp y dược tập trung đầu tiên cả nước.
Số ca tử vong do bệnh dại chiếm phần lớn ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Từ năm 2013 tới nay cả nước có 887 người chết vì bệnh dại.
Việc không quản lý được đường thở có thể làm người bệnh tử vong ngay hoặc thần kinh trung ương không hồi phục. Lần đầu tiên hội nghị quốc tế về quản lý đường thở được tổ chức tại một nước Đông Nam Á là Việt Nam.
Dọn dẹp hàng cây trước nhà, một phụ nữ bị ong bắp cày đốt, lập tức có các phản ứng sốc phản vệ rồi ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu.
TP.HCM vừa ghi nhận hai trẻ 13 và 15 tháng tuổi mắc bệnh sởi. Cả hai đều chưa được tiêm vắc xin và hiện chưa phát hiện mối liên hệ dịch tễ giữa hai trẻ này.