Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên sinh năm 1929 (Kỷ Tỵ), được đánh giá là người có tầm nhìn chiến lược, đặt nền móng cho nền sản xuất vaccine Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện là một trong số hơn 40 quốc gia trên thế giới tự sản xuất được vaccine cho người. 8/12 loại vaccine sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là vaccine nội. Có hai vaccine được xuất khẩu, gồm mũi phòng viêm não Nhật Bản và sởi được xuất sang Ấn Độ và một số nước khác như Đông Timor, Hàn Quốc, Myanmar.
Người đặt nền móng cho thành công này là giáo sư Hoàng Thủy Nguyên, bắt đầu từ vaccine bại liệt nội địa. Đồng thời, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương do ông đứng đầu, đã phát triển ngành sản xuất vaccine như hiện nay.
Lọ vaccine bị nhiều người nghi ngờ
Bại liệt từng là căn bệnh đáng sợ nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhiều người sống sót phải chịu di chứng suốt đời như nẹp chân, đi nạng, ngồi xe lăn, sử dụng thiết bị hỗ trợ thở... Cuối những năm 1950, thế giới đã có vaccine bại liệt bất hoạt và vaccine sống giảm độc lực, giúp tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh này giảm đáng kể ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu.
Tại Việt Nam, khi chưa có vaccine, bại liệt tấn công với ba vụ dịch liên tiếp trong giai đoạn 1957-1959, gây tổn thất lớn. Năm 1959-1960, bệnh tiếp tục bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh miền Bắc, lây nhiễm cho hơn 17.000 bệnh nhi, hơn 500 trẻ tử vong.
Năm 1954, bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên từ Điện Biên Phủ về Hà Nội, tham gia tiếp quản thủ đô. Sau đó, ông được cử đi học về vaccine và virus ở Đức, về nước cuối năm 1958, chứng kiến Liên Xô hỗ trợ Việt Nam khoảng 4 triệu liều vaccine bại liệt đường uống trong hai năm 1960 và 1961, tiêm chủng cho khoảng hai triệu trẻ em dưới ba tuổi. Nhờ vậy, những năm đó, Việt Nam không ghi nhận dịch bệnh nặng nề.
Song, Việt Nam đặt mục tiêu phải tự sản xuất được vaccine bại liệt nhằm chủ động phòng dịch. GS Nguyên được hỗ trợ học chuyển giao công nghệ vaccine bại liệt theo đường uống của Sabin tại Liên Xô.
Khi về nước, GS Nguyên thành lập nhóm gồm 128 nhà khoa học triển khai sản xuất vaccine, lấy phòng ở của các nữ sinh tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba làm trụ sở. Khó khăn đầu tiên của nhóm nghiên cứu là vaccine Sabin được sản xuất trên tế bào thận của loài khỉ vàng (Macaca mutala), trong khi Việt Nam chưa có cơ sở chăn nuôi loài khỉ này, họ phải thành lập khu nuôi khỉ vàng tại Quảng Ninh.
Kinh phí nghiên cứu, sản xuất vaccine do nhà nước cấp với khoảng 2.000 bảng Anh mỗi năm. Số tiền này chủ yếu chi cho mua hóa chất, dụng cụ và máy đông khô phục vụ sản xuất vaccine.
Trong hai năm, nhóm nguyên cứu vừa làm, vừa dạy cho nhau dưới sự chỉ dẫn của GS Nguyên. Khó khăn lớn nhất của nhóm là thử nghiệm vaccine ở thực địa không dễ dàng. Lý do, nhiều người không tin tưởng nhóm của ông chế tạo được loại vaccine hiện đại nhất lúc đó. GS Nguyên từng trả lời báo chí về việc vaccine bị chê "rởm", "dù có bằng cấp, được đào tạo cơ bản, họ cũng không tin tôi có thể làm được".
Để chứng minh vaccine an toàn, GS Nguyên cùng Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch uống hết hai lọ vaccine, trong cuộc họp gồm cán bộ chủ chốt của Bộ Y tế thời gian đó. Kể từ đó, việc thử nghiệm vaccine tiến hành thuận lợi hơn.
Đến năm 1962, Việt Nam sản xuất được hai triệu liều vaccine bại liệt trong điều kiện làm việc hạn chế, thiếu thốn về trang thiết bị. Đây là thành tựu của ngành y tế, giúp Việt Nam từng bước thanh toán được bệnh bại liệt. Vaccine sau đó được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, triển khai toàn quốc.
Nhờ có vaccine, tỷ lệ mắc, tử vong do bại liệt dần giảm xuống, không còn xảy ra dịch. Năm 2000, Việt Nam được WHO công nhận thanh toán thành công bại liệt khi tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vaccine liên tục đạt trên 90%. Hiện bên cạnh vaccine đường uống của chương trình TCMR, vaccine phối hợp phòng bại liệt dạng tiêm như vaccine 6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1 cũng được triển khai rộng rãi tại tiêm chủng dịch vụ, tăng cơ hội phòng bệnh cho trẻ em.
Gây dựng nền sản xuất vaccine Việt Nam
Thành công sản xuất vaccine bại liệt đã đặt nền móng cho nền sản xuất vaccine Việt Nam. GS Hoàng Thủy Nguyên cùng các cộng sự còn nghiên cứu, sản xuất thành công các vaccine như: viêm não Nhật Bản, vaccine viêm gan B sau khi tiếp thu công nghệ của Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản.
Dưới sự chỉ đạo của GS Nguyên khi là Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Việt Nam hình thành mạng lưới các cơ sản xuất vaccine như Trung tâm Khoa học sản xuất vaccine Sabin chuyên sản xuất vaccine bại liệt và vaccine sởi, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 sản xuất vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, dại...; Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế Nha Trang sản xuất vaccine cúm, vaccine lao BCG và nhiều loại khác. Khi về hưu, GS Nguyên vẫn phụ trách nhóm nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa cúm gia cầm H5N1.
Bên cạnh vaccine, GS Nguyên đã cố vấn, tham gia xây dựng nhiều trung tâm về đào tạo y sinh học. Các trung tâm này nhằm mục đích giải quyết những vấn đề trong phòng, điều trị bệnh của Việt Nam, đào tạo thế hệ bác sĩ tương lai.
Với những đóng góp quan trọng cho nền y tế dự phòng Việt Nam, GS Thủy Nguyên được trao nhiều danh hiệu lớn, gồm: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ an ninh tổ quốc, danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, danh hiệu Anh hùng Lao động và giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Y-Dược. Ông qua đời vào năm 2018 ở tuổi 89.
Linh San
Anh Lò Mạnh Cường - Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Nhai được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La.
Tọa lạc trên một con hẻm yên tĩnh ở quận Gò Vấp (TP.HCM), An Tất Viên là nơi những người yêu thích các tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh có thể đến thắp hương và ngồi lại cả ngày để thưởng thức sách của cố nhà văn.
Phố đi bộ trước chợ đêm Nguyễn Hoàng giao đường Nguyễn Phúc Chu, TP Hội An, bị nước thải tràn lên, bốc mùi hôi thối gần một tháng qua.
Mới qua đêm với nhau mấy hôm, cô ấy đã hỏi mượn tiền, rồi cứ hết ba bệnh lại đến em trai cần tiền học phí.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Lan đã gửi thư tới Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc để xin lỗi sau phát ngôn của cấp dưới chê Hàn Quốc 'thiếu điểm hút khách du lịch'.
Trong hai ngày cuối năm 2023, trụ sở HĐND và UBND TP HCM tăng thời gian hoạt động nhằm phục vụ khách tham quan, thu hút 2.500 khách.
Em là sinh viên năm thứ hai, ngoại hình xinh xắn dễ thương, cao 1,64 m, nặng 52 kg.
Ngày 18-11, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận ít nhất 5 phụ huynh đến bệnh viện tìm con vì nhận cuộc gọi của người lừa đảo yêu cầu chuyển tiền gấp.
Sáng 3-12, tại Hội trường Nhà xuất bản Trẻ diễn ra buổi trò chuyện về văn chương Pháp, Việt cùng nhà văn Nuage Rose (Hồng Vân) và PGS.TS. Phạm Văn Quang, trưởng bộ môn Văn học - Văn hóa, khoa Ngữ văn Pháp, Trường đại học KHXH&NV TP.HCM.