Ngày 3/9, Giáo hoàng Francis cùng đoàn tùy tùng Tòa thánh Vatican đã đến Indonesia, bắt đầu chuyến công du khu vực kéo dài 12 ngày, với các điểm dừng chân tại Singapore, Papua New Guinea và Timor-Leste.
Đây là chuyến công du lần thứ 45 cũng là chuyến đi nước ngoài dài nhất từ trước đến nay của Giáo hoàng Francis, bất chấp những lo ngại về tình trạng sức khỏe. Trong một bài viết trên mạng xã hội X trước thềm chuyến đi, người đứng đầu Tòa thánh Vatican cho biết: “Xin hãy cầu nguyện hành trình này gặt hái quả ngọt”.
Giáo hoàng Francis công du châu Á: Bước đi thúc đẩy hòa hợp liên tôn giáo |
Giáo hoàng Francis tại sân bay quốc tế Jakarta, Indonesia ngày 3/9. (Nguồn: Vatican News) |
Đây là một trong những chuyến đi dài nhất mà bất cứ Giáo hoàng nào từng thực hiện cũng như đánh dấu hành trình xa nhất (32.814 km) của Giáo hoàng Francis kể từ khi được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo năm 2013. Chuyến công du, ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2020 nhưng phải hoãn lại do đại dịch Covid-19, phản ánh sự thay đổi to lớn đang diễn ra bên trong Giáo hội Công giáo: xu hướng dịch chuyển tới châu Á.
Chuyến thăm mang tính bước ngoặt, cho phép Giáo hoàng lên tiếng về những vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ của mình, bao gồm đối thoại liên tôn giáo và bảo vệ môi trường.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình là Indonesia, vốn là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với khoảng 87% dân số. Động thái này phản ánh những nỗ lực bền bỉ của Giáo hoàng nhằm tiếp cận với cộng đồng Công giáo ở những khu vực được xem là thiểu số và thúc đẩy sự hợp tác liên tôn giáo.
Tám triệu người Công giáo của Indonesia chỉ chiếm 3% dân số. Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis cũng cho thấy cộng đồng này đang được công nhận và ghi dấu rõ nét trong những cống hiến cho đất nước.
Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 4/9, Giáo hoàng Francis khẳng định đối thoại liên tôn giáo là “không thể thiếu để đương đầu với những thách thức chung, bao gồm cả vấn đề chống chủ nghĩa cực đoan và không khoan dung”.
Giáo hoàng Francis công du châu Á: Bước đi thúc đẩy hòa hợp liên tôn giáo |
Giáo hoàng Francis và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại thủ đô Jakarta ngày 4/9. (Nguồn: AP) |
Hôm nay, 5/9, Giáo hoàng Francis dự kiến cử hành thánh lễ cho khoảng 70.000 người tại sân vận động, tham dự một cuộc họp với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal. Nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Đông Nam Á này kết nối với nhà thờ Chính tòa Công giáo phía đối diện thông qua “đường hầm hữu nghị” như một biểu tượng của sự hòa hợp tôn giáo.
Người đứng đầu 1,3 tỷ tín đồ Công giáo trên thế giới sẽ tiến hành ký một tuyên bố liên tôn giáo với Đại Imam Nasaruddin Umar, người đứng đầu Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal. Ông Umar cho biết, hai nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ cùng “thảo luận về những điểm chung giữa các cộng đồng tôn giáo cũng như nhấn mạnh điểm tương đồng giữa các tôn giáo, sắc tộc và tín ngưỡng”, đồng thời khẳng định việc Giáo hoàng lựa chọn Indonesia làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du này khiến cộng đồng Hồi giáo vô cùng tự hào.
Theo Linh mục Antonio Spadaro, người tháp tùng Giáo hoàng trong chuyến đi, “Giáo hoàng muốn gửi một tín hiệu đối thoại với Hồi giáo”.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn Timor-Leste, nơi có tỷ lệ dân số theo đạo Công giáo cao nhất chỉ sau Thành Vatican, với khoảng 97,5% giáo dân trong chuyến công du châu Á của người đứng đầu Tòa thánh Vatican làm nổi bật vai trò của quốc gia Đông Nam Á này như một biểu tượng của hòa hợp và chống chủ nghĩa cực đoan.
Linh mục Antonio Spadaro nhấn mạnh việc chính phủ Timor-Leste đã thông qua Tuyên bố Abu Dhabi, một biên bản liên tôn giáo mang tính lịch sử và cam kết hợp tác chống lại chủ nghĩa cực đoan, được ký kết giữa Đức Giáo hoàng Francis và Đại Imam Sheikh Ahmed al-Tayeb của Al-Azhar, như một phần của chính sách quốc gia, thể hiện cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác tôn giáo.
Năm 2019, Giáo hoàng Francis trở thành Giáo hoàng đầu tiên thăm bán đảo Arab, cùng với Đại Imam Sheikh Ahmed al-Tayeb của al-Azhar ký kết Tuyên bố Abu Dhabi. Năm 2021, Giáo hoàng Francis gặp gỡ Đại giáo chủ Iraq Ali al-Sistani và tham dự cuộc họp mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo, một minh chứng hiếm hoi về sự đoàn kết dân tộc trong bối cảnh đất nước Trung Đông vốn từ lâu đã có sự chia rẽ giữa các nhóm tôn giáo và sắc tộc. |
Tại Jakarta, Giáo hoàng Francis được kỳ vọng thúc đẩy hành động toàn cầu về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, đặc biệt khi chính quyền Indonesia từ lâu luôn chần chừ trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Trước chuyến đi, người đứng đầu Tòa thánh Vatican mô tả Trái đất như một hành tinh “ốm yếu” và kêu gọi tất cả mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
Chuyên gia về ô nhiễm không khí Piotr Jakubowski đánh giá đây là chuyến thăm tuyệt vời bởi những thông điệp từ nhà lãnh đạo tôn giáo được kính ngưỡng bậc nhất thế giới đã tạo ra một diễn đàn có sức ảnh hưởng và thúc đẩy hành động từ các bên liên quan.
Ngày 6/9, Giáo hoàng Francis dự kiến tới Papua New Guinea, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nơi gần như toàn bộ người dân là Cơ đốc nhân và khoảng 26% dân số là người Công giáo La Mã, đồng thời là một quốc gia ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Giáo hoàng Francis công du châu Á: Bước đi thúc đẩy hòa hợp liên tôn giáo |
Papua New Guinea, quốc gia ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu là một điểm đến trong chuyến công du lần này của Giáo hoàng Francis. (Nguồn: Getty) |
Trong thời gian tại vị của mình, Giáo hoàng Francis nhiều lần khẳng định việc bảo vệ hành tinh xanh là vấn đề vô cùng cấp bách, chuyến đi đến Thái Bình Dương dường như là cơ hội để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động mạnh mẽ hơn. Tại đây, Giáo hoàng sẽ gặp gỡ các giám mục và linh mục địa phương cũng như các nhà truyền giáo trước khi tiếp tục đến Timor-Leste.
Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của Giáo hoàng Francis là Singapore, nơi chỉ có 19% dân số là Cơ đốc nhân, trong đó khoảng 1/3 là Công giáo. Theo bà Christina Kheng, nhà thần học Công giáo tại Viện Mục vụ Đông Á, việc chung sống hòa hợp giữa các tôn giáo với nhau và với cộng đồng rộng lớn luôn luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm tại đảo quốc sư tử, đặc biệt là cách người Công giáo tương tác và đối thoại trong cuộc sống hàng ngày với những người thuộc tôn giáo khác.
Ông Michael Chambon, chuyên gia về Công giáo châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore khẳng định, chuyến thăm của Giáo hoàng được kỳ vọng giúp xây dựng mối quan hệ cũng như sự hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia này.
Bên cạnh đó, nỗ lực tái xây dựng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cũng là vấn đề được đặt ra trong chuyến thăm dài ngày này. Nhân chuyến thăm Mông Cổ năm 2023, Giáo hoàng Francis đã gửi lời chúc tốt đẹp đến người dân Trung Quốc và vào tháng 5/2024, Vatican thông báo về ý định đặt văn phòng thường trú tại Trung Quốc, nơi có hàng triệu người Công giáo. |
Chuyến đi dày đặc lịch trình tại châu Á là một hành trình đầy tham vọng của Giáo hoàng Francis, vốn phải cắt bỏ nhiều lịch trình trong những năm gần đây do vấn đề sức khỏe. Giáo hoàng Francis từng mất một phần phổi vì nhiễm trùng khi còn trẻ, đặc biệt trải qua các ca phẫu thuật ruột trong những năm gần đây và gặp vấn đề về khả năng di chuyển. Trong năm nay, Giáo hoàng còn phải chịu đựng những đợt viêm phế quản và cúm. Mặc dù vậy, người đứng đầu Tòa thánh Vatican đã công bố về chuyến thăm tiếp theo tới Bỉ và Luxembourg vào cuối tháng này.
Tựu trung, chuyến công du dài ngày của Giáo hoàng Francis không đơn thuần là cuộc hành trình xuyên châu lục, mà còn là minh chứng mạnh mẽ cho tình đoàn kết và thấu hiểu lẫn nhau giữa các tôn giáo và cộng đồng khác nhau. Với các dự định sắp tới và sự hiện diện trong các hoạt động quốc tế, Giáo hoàng Francis tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của sự hoà hợp và chung tay hành động trong những vấn đề cấp bách, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Vừa qua, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã gặp Giáo sư, Viện sỹ A.V. Torkunov, Hiệu trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO). Cùng dự có ông Malgin, Phó Hiệu trưởng và bà Koldunova, Giám đốc Trung tâm ASEAN.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 22/4.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một thông cáo ngày 17/4 rằng Bộ trưởng Sergei Shoigu đã chỉ thị trang bị tổ hợp robot đa năng để hỗ trợ hỏa lực, bảo vệ các công trình và sơ tán người bị thương bằng một số hệ thống súng máy bổ sung.
Bà Judith Suminwa Tuluka ngày 12/6 đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của quốc gia châu Phi này.
Không quân Ukraine ngày 2/9 cho biết, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ 22 trong tổng số 35 tên lửa và 20 trong số 23 thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công do Nga phóng tới vào sáng cùng ngày.
Sáng nay, 17/5, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các Đảng bộ, Chi bộ trong Đảng ủy Bộ Ngoại giao tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và ngoại giao”.
Ngày 19/6, chính phủ Canada ra tuyên bố cho biết, nước này đã liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố 'theo Bộ luật Hình sự, có hiệu lực ngay lập tức'.
Tổng thống Biden chỉ đạo Sở Mật vụ cung cấp cho ông Trump 'mọi nguồn lực' bảo vệ và khẳng định cần phải giảm nhiệt căng thẳng trong chính trường Mỹ.
Theo kênh Baza Telegram - nơi có nguồn tin từ cơ quan thi hành pháp luật Nga, 5 người đàn ông bắt giữ con tin tuyên bố họ là những người ủng hộ IS.