Vé đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến bằng 75% giá vé máy bay trung bình, với chặng Hà Nội - TP HCM từ 1,7 đến 6,9 triệu đồng.
Theo dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, giá vé được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiên nghị khác nhau.
Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông. Mức này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của VietnamAirlines và Vietjet - hai hãng hàng không có thị phần lớn nhất trong nước. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD.
Như vậy, tính trên chặng Hà Nội - TP HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.
"Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn với các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam", dự thảo tờ trình nêu và so sánh với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta - Bandung (Indonesia) và Tohoku (Nhật Bản).
Cũng theo dự thảo tờ trình, tổng mức đầu tư dự án này khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng và thiết bị (hơn 974.000 tỷ đồng).
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có kết cấu 60% cầu, 10% hầm và 30% nền đất. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD mỗi km. "Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024", dự thảo viết.
Trên cơ sở các phương án huy động nguồn lực đầu tư, dự án có thể được đầu tư một lần toàn tuyến. Phương án này tạo áp lực về vốn và tổ chức thực hiện, nhưng ưu điểm là phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác.
Để rút ngắn thời gian, dự án này được chia thành 4 dự án thành phần và triển khai đồng thời, gồm đoạn từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Vinh (Nghệ An); Vinh - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Diên Khánh (Khánh Hòa) và đoạn còn lại đến ga Thủ Thiêm (TP HCM).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của Việt Nam đến 2030 vẫn thấp hơn mức cho phép 5-16%. Theo đó, nợ công cao nhất là 44% (trần Quốc hội cho phép 60%); nợ Chính phủ và nợ nước ngoài lần lượt là 43 và 45% (mức cho phép 50%). Giai đoạn sau năm 2030, các chỉ tiêu về nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép. Bội chi và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp tăng, song không nhiều so với kịch bản không đầu tư dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến giúp GDP bình quân cả nước tăng khoảng 0,97% một năm, so với kịch bản không đầu tư dự án này. Doanh thu thương mại của dự án khoảng 22 tỷ USD và chưa tính đến phần chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trả nợ. Các yếu tố này sẽ góp phần cải thiện toàn bộ các chỉ tiêu tài chính vĩ mô.
Trước đó, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình kỳ họp thứ 8 khai mạc tháng 10.
Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Tại cuộc họp hôm 25/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đường sắt tốc độ cao 350 km/h đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP HCM cần thẳng nhất có thể, tức gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu.
Để tối ưu chi phí, tuyến đường sắt sẽ có khổ 1,435 m, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Tuyến đường này chủ yếu vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đường sắt Bắc Nam hiện hữu sẽ vận chuyển hàng hóa và du lịch chặng ngắn.
Minh Sơn
Ngày 3.3, theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai , đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 4.892,10 ha/4.946,45 ha khu vực xây dựng sân bay Long...
Trung Quốc - thị trường piano lớn nhất thế giới - chứng kiến cuộc khủng hoảng doanh số khi khách hàng chính là tầng lớp trung lưu siết chi tiêu.
Vingroup phát động chiến dịch 'Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai xanh' đưa ra các cam kết và kêu gọi mọi người dân chung tay lan tỏa mục tiêu Net Zero, ngày 26/6.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, cả 4 dự án do huyện làm chủ đầu tư đều đang gặp những khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ, có dự án kéo dài chưa được giải quyết kịp thời.
Mệt mỏi với tình hình và áp lực việc làm ở Trung Quốc, nhiều người trẻ đã rút lui về vùng nông thôn. Thế hệ Z Trung Quốc đang ghi lại cuộc sống 'nghỉ hưu sớm' của họ ở các vùng quê và đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội.
UBND tỉnh Bến Tre trình HĐND tỉnh điều chỉnh sửa đổi quy hoạch tỉnh đối với nội dung liên quan đến khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu...
Nền kinh tế Ukraine đang vượt qua những thách thức chưa từng có của cuộc xung đột quân sự khốc liệt.
Sóc Trăng - Dù thời tiết trên biển sóng to gió lớn nhưng nhiều bà con ngư dân đánh bắt ven bờ vẫn vươn khơi.
Ngày 18/11, dự án Tháp Kim Thành (thuộc Khu tổ hợp công viên cảnh quan, văn hóa, tâm linh Kim Thành , phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã chính thức được khởi công xây dựng. Dự án do Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư và Tập đoàn T&T Group là đơn vị phát tâm công đức một phần kinh phí xây dựng dự án.