Sau gần một năm chìm trong giao tranh, phần lớn công trình ở Gaza đã bị phá hủy, hàng chục nghìn người thiệt mạng, dải đất gần như trở thành bình địa.
Cách đây hơn một năm, Ahmed al-Mughni cầu hôn tình yêu của đời mình. Họ dự định tổ chức một lễ cưới ấm cúng cùng bạn bè và gia đình, mọi người sẽ nhảy múa cho đến sáng.
Nhưng mọi thứ trên thực tế diễn ra hoàn toàn khác. Tháng trước, Mughni và vợ kết hôn bên trong một căn lều tạm bợ tại trại tị nạn ở Gaza. Những người thân, bạn bè còn sống sót của họ đã cố gắng hết sức để chúc mừng cô dâu chú rể, song không khí vẫn không thể nào vui vẻ như họ từng mơ tưởng.
"Tôi từng làm kế toán cho một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện gia dụng. Tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để có thể đạt được mục tiêu trong sự nghiệp và xây được nhà", al-Mughni nói. "Giờ tôi đã mất hết nhà cửa, công việc, cũng như không còn nguồn thu nhập kể từ khi xung đột bùng phát. Cuộc chiến đã tước đoạt của tôi mọi thứ".
Sau khi lực lượng Hamas tiến hành cuộc tập kích hiệp đồng vào miền bắc Israel ngày 7/10/2023, sát hại khoảng 1.200 người và bắt 251 người làm con tin, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phát động chiến dịch đáp trả quy mô lớn nhằm "tiêu diệt tận gốc" nhóm vũ trang ở Gaza.
IDF ban đầu gọi đây là "chiến dịch tấn công hạn chế", nhưng nó đã biến thành cuộc chiến khốc liệt suốt hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Các cuộc ném bom, đột kích đã giúp Israel loại bỏ phần lớn năng lực quân sự của Hamas, song cũng gây ra thương vong khổng lồ cho dân thường, khi hàng nghìn người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bỏ mạng dưới đống đổ nát.
Cơ quan y tế do Hamas điều hành tại Gaza cho biết tính đến ngày 7/10, xung đột đã khiến ít nhất 41.909 người thiệt mạng, trong đó hơn 11.000 trẻ em. IDF nói ít nhất 17.000 trong số này là thành viên Hamas.
Bị chôn vùi cùng họ là hàng loạt công trình, như chung cư, trường học, đền thờ, trung tâm mua sắm và nhà hàng. Thông qua phân tích ảnh vệ tinh, chuyên gia Corey Scher thuộc viện nghiên cứu Trung tâm Sau đại học CUNY và Jamon Van Den Hoek thuộc Đại học Bang Oregon, đều ở Mỹ, xác định 59% tổng số công trình ở Gaza có thể đã bị hư hại một phần hoặc phá hủy hoàn toàn trong một năm chiến sự.
Trong bối cảnh hơn 100 nhà báo Palestine đã thiệt mạng và Israel không cho phép truyền thông quốc tế hoạt động độc lập ở Gaza, phân tích này mang tới cái nhìn hiếm hoi về mức độ tàn phá nghiêm trọng ở vùng lãnh thổ trong cuộc xung đột.
Theo báo cáo, 15% tổng số công trình bị hư hại sau một tháng đầu tiên, trong đó khoảng 1/3 nằm ở các khu vực tại phía bắc sông Wadi Gaza. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ này tăng lên mức 42% trên toàn dải đất và 70% nếu chỉ tính ở miền bắc Gaza.
Báo cáo cũng cho biết trong giai đoạn đầu chiến sự, miền bắc Gaza, nơi có nhiều khu vực đông dân như trại tị nạn Jaliaba và Gaza City, đã bị oanh tạc dữ dội. Israel yêu cầu người dân ở đây sơ tán về phía nam sông Wadi Gaza thông qua các "hành lang nhân đạo".
Jaliaba là trại tị nạn lớn nhất ở Palestine và một trong các khu vực đông dân nhất tại Gaza. Trước sự kiện 7/10, cư dân tại đây từng đổ ra đường biểu tình để phản đối tình trạng quản lý kinh tế yếu kém của lực lượng Hamas.
Dù vậy, nơi này vẫn được coi là thành trì của nhóm vũ trang. Israel tuyên bố đã phát hiện, phá hủy hơn 10 km địa đạo tại trại tị nạn Jaliaba, điều cũng khiến khu vực này không còn là nơi có thể sinh sống.
Nằm ở phía nam Jaliaba là Đại học Israa, được thành lập vào năm 2014. Vào giai đoạn đầu của xung đột, IDF đã kiểm soát ngôi trường này và sử dụng nó làm căn cứ quân sự trong hơn 60 ngày. Đến tháng 1, họ cài thuốc nổ và phá sập tòa nhà.
Ban giám hiệu Đại học Israa cho biết trước khi phá hủy mọi thứ, quân đội Israel đã lấy đi khoảng 3.000 hiện vật khảo cổ quý hiếm từ ký túc xá và viện bảo tàng bên trong trường. Họ cáo buộc hành động phá hủy các cơ sở giáo dục của IDF là một phần trong chiến dịch nhằm khiến người dân Gaza không tiếp cận được với tri thức và văn minh, ép buộc giới trí thức phải rời đi.
IDF hồi tháng 3 khiển trách sĩ quan ra lệnh phá hủy Đại học Israa với lý do người này đã tự ý hành động mà không được cấp trên cho phép.
Đối với các sinh viên của Đại học Israa, hy vọng hoàn thành chương trình học chỉ còn là giấc mơ xa vời.
"Tôi nhớ từng ngóc ngách của ngôi trường, từng khu sảnh, ghế ngồi, bác sĩ và những người làm việc ở đó. Tôi còn nhớ cả các bài thi, nhớ những lúc phàn nàn rằng đề bài khó như thế nào. Tôi thật sự nhớ trường", cựu sinh viên Noorhan Salama cho hay.
Cách đống đổ nát từng là Đại học Israa không xa là Al-Shifa, bệnh viện lớn nhất Gaza. Trong giai đoạn đầu chiến sự, cơ sở này lúc nào cũng đầy ắp bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ đã phải làm việc dưới áp lực rất lớn do không có đủ vật tư y tế và điện.
IDF cho rằng phía dưới bệnh viện Al-Shifa là hệ thống hầm ngầm được lực lượng Hamas sử dụng làm trung tâm chỉ huy, nên đây là mục tiêu hợp pháp để họ tấn công, dù giới chức y tế Gaza bác bỏ cáo buộc.
IDF đã hai lần mở cuộc đột kích vào bệnh viện Al-Shifa, gây ra điều mà tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine cáo buộc là hành động thảm sát dân thường và nhân viên y tế. Quân đội Israel tuyên bố đã hạ khoảng 200 tay súng trong lần thứ hai đột kích bệnh viện.
Hiện 19 trên tổng số 36 bệnh viện ở Gaza đã đóng cửa, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế. 80% trường học ở vùng lãnh thổ đã bị trúng đòn trực tiếp hoặc hư hại, không trường đại học nào còn nguyên vẹn.
Việc hệ thống y tế, giáo dục ở Gaza bị phá hủy phần lớn sẽ gây ra ảnh hưởng lâu dài đối dải đất này.
Xung đột kéo dài cũng khiến cuộc sống của người dân ở khu vực ven biển, nơi từng có rất nhiều khách sạn và các nhà hàng sân thượng, thay đổi hoàn toàn. Al-Mashtal, khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất tại Gaza, đã bị hư hại nghiêm trọng, trong khi nhà hàng al-Salam Abu Haseira, nổi tiếng với món tôm hầm cà chua trong nồi đất, gần như đã bị phá hủy hoàn toàn.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy IDF bắt đầu chuyển trọng tâm giao tranh sang miền nam Gaza vào đầu năm nay. Hồi tháng 1, tỷ lệ công trình có thể đã bị phá hủy ở các thành phố lớn tại miền nam như Khan Younis, Deir el-Balah và Rafah lần lượt là 35%, 26% và 15%. Đến tháng 9, các con số này tăng lên thành 55%, 49% và 46%.
Phần lớn người dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa, thậm chí phải sơ tán nhiều lần, để cố gắng đến được các "vùng an toàn" do IDF chỉ định và liên tục thay đổi.
Mughni, 28 tuổi, đã chạy nạn tổng cộng 7 lần cùng gia đình và giờ đang sống trong một căn lều ở Khan Younis. Anh vẫn chưa thể trở về ngôi nhà đang xây dở cho người vợ mới cưới kể từ khi xung đột bùng phát. Trên thực tế, Mughni sẽ không bao giờ có thể làm được điều này, do ảnh vệ tinh cho thấy căn nhà đã bị phá hủy.
"Tôi nhớ nhà, khu phố mình ở, bạn bè và công việc. Chúng tôi vốn đang có cuộc sống giản dị, bên trong những căn nhà ấm cúng chứa đầy tình yêu thương", anh nói.
Tính đến tháng 2, khoảng một nửa tổng số công trình ở Khan Younis được cho là đã bị hư hại.
Bố của Mughni, hiệu trưởng nghỉ hưu và đã cao tuổi, từng bị IDF bắt và giam trong 23 ngày. Mughni cho biết một số người đàn ông khác cũng đã bị bắt, dường như hoàn toàn vô cớ, thêm rằng bố mình đã bị làm nhục và đánh đập. "Ông ấy vẫn bị tổn thương về tâm lý", anh nói.
Từ đầu chiến sự, IDF đã bắt hàng trăm người dân Gaza và đưa họ tới miền nam Israel. Hồi tháng 7, video cảnh các sĩ quan Israel cưỡng bức một nam tù nhân tại trại giam Sde Teiman khiến giới chức nước này phải mở cuộc điều tra. Năm sĩ quan dự bị của IDF đã bị truy tố và hiện bị quản thúc tại gia.
IDF cũng đang điều tra về cái chết của một số tù nhân trong trạm giam.
Trong nửa đầu của cuộc xung đột, cửa khẩu Rafah, nằm ở biên giới Gaza - Ai Cập và là cửa khẩu duy nhất của Gaza không nối sang lãnh thổ Israel, đã tiếp nhận khoảng hàng trăm xe tải chở đồ viện trợ mỗi ngày. Nhiều người tị nạn Palestine cũng chạy sang Ai Cập qua cửa khẩu này để tránh chiến sự.
Trừ các cuộc sơ tán y tế, phần lớn những người muốn trốn sang Ai Cập phải trả số tiền có thể lên tới 10.000 USD đã được bước qua cánh cổng ở cửa khẩu. Công ty tư nhân Hala của Ai Cập được cho là đã thu về khoảng 88 triệu USD trong một tháng nhờ dịch vụ sơ tán người dân Gaza.
Nhưng vào đầu tháng 7, IDF kiểm soát cửa khẩu này cùng hành lang Philadelphi, dải đất học chạy dọc biên giới Gaza - Ai Cập. Kể từ đó, hàng nhân đạo và nhân viên cứu trợ buộc phải vào Gaza thông qua các cửa khẩu do Israel kiểm soát như Erez và Kerem Shalom.
Al-Mawasi, khu vực nằm ở bờ biển phía nam Gaza, được Israel chỉ định là "vùng nhân đạo" kể từ đầu xung đột. Ranh giới chính xác của "vùng an toàn" này sau đó liên tục bị thay đổi. Hàng trăm nghìn người dân Gaza đang chen chúc ở đây, với mật độ khoảng 34.000 người trên một km2.
Nhưng khu vực này không mang lại sự an toàn cho cư dân và đã nhiều lần bị IDF tấn công, khiến hàng chục người chết và nhiều căn lều bị phá hủy. IDF cáo buộc lực lượng Hamas đang hoạt động tại Al-Mawasi và sử dụng người dân làm lá chắn sống, điều nhóm vũ trang bác bỏ.
"Chúng tôi đã trải qua một năm, đủ cả xuân, hạ, thu, đông trong lều trại", Mughni nói. "Chúng tôi hy vọng cuộc chiến sẽ kết thúc và mình vẫn khỏe mạnh khi thời điểm đó đến".
Phạm Giang (Theo Times, AFP, Reuters)
Chính quyền quân sự Myanmar bắt nhiều lãnh đạo các chuỗi siêu thị tại nước này với cáo buộc bán gạo giá cao, trong bối cảnh nhiều cuộc trấn áp được thực hiện nhằm ổn định giá cả.
Khoảng 4.000 binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ đến Lithuania trên hơn 50 tàu chiến để tham gia cuộc tập trận lớn nhất vùng Baltic mang tên Baltops 2024.
Ukraine khẳng định ba tướng có tên tuổi của Triều Tiên đang có mặt tại Nga cùng với khoảng 500 sĩ quan và cho biết quân đội Bình Nhưỡng đã có mặt ở Donetsk.
Quốc hội Iraq thông qua dự luật hình sự hóa các mối quan hệ đồng giới và người vi phạm có thể bị phạt tù 10-15 năm.
Quan chức Israel lo ngại ICC có thể phát lệnh bắt ông Netanyahu và các quan chức quân sự cấp cao ngay trong tuần này, truyền thông Mỹ đưa tin.
Một người đàn ông 45 tuổi ở Indonesia đánh người hàng xóm 60 tuổi đến chết vì liên tục bị hỏi tại sao chưa kết hôn.
Ngày 9/10, Caracas phản đối việc Mỹ bảo vệ cựu Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaidó và yêu cầu Washington dẫn độ người này về quê nhà để tiếp tục xét xử.
Israel công khai chiến dịch ám sát toàn bộ thủ lĩnh Hamas, nhưng việc này tiềm ẩn nguy cơ kéo dài bất ổn ở Trung Đông.
Quân đội Ukraine cho biết hơn 20 tàu hải quân Nga hoạt động trên Biển Đen, có thể chuẩn bị trục vớt UAV Mỹ hoặc tập kích tên lửa.