Khoảnh khắc nghe tin cậu học trò Phạm Toàn An thành thủ khoa đầu vào cấp 3, cô giáo Đoàn Ngọc Huế đứng lặng để cho nước mắt tự rơi.
Những ký ức về ngày đầu gặp cậu bé ùa về trong trí nhớ của cô giáo chủ nhiệm lớp 9D1, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Bốn năm trước, một ông cụ rất già dẫn Toàn An đến cửa lớp cô Huế chủ nhiệm, xin cho cháu vào học. "Hoàn cảnh của cháu rất đặc biệt và tính cháu cũng không ổn do hoàn cảnh cô ạ", ông nói.
Toàn An khi đó là một cậu bé 11 tuổi, bị tự kỷ tăng động thể nhẹ, có biểu hiện trầm cảm. Từ lúc còn đỏ hỏn Toàn An đã được ông bà nội đón về nuôi do mẹ bỏ đi, bố ngồi tù. Khi cậu bé lên 10 tuổi thì ông nội mất, 5 tháng sau bà nội cũng qua đời, đều vì ung thư.
"Thương thằng bé nên ông cụ này là em của bà nội bé đón về nuôi. Đưa đến lớp của tôi xin học'', cô Huế kể. Đứa trẻ khi đó khó kiểm soát cảm xúc, không chủ động trong mọi sinh hoạt. Nghe hoàn cảnh của em, cô Huế nhận lời.
Nhưng chỉ được một năm, ông cậu của Toàn An cũng mất, bà Nguyễn Thị Thời, 70 tuổi, là em ruột của bà nội đón cậu bé về nuôi. "Chỉ những khoản mang tính cá nhân thì vợ chồng tôi mới phải đóng cho cháu, còn lại các cô và nhà trường đều miễn cho con'', bà Thời nói.
Suốt bốn năm cấp 2, Toàn An được cô Huế dạy tiếng Anh, cô Kim Liên dạy Văn và cô Giang dạy Toán theo sát, động viên học. Những lúc cậu bé gào hét, khóc lóc vì bị các bạn bắt nạt, cô Huế lại vỗ về và giải thích ''em nổi giận có nghĩa bạn trêu em đã đạt được mục đích của mình'', để xoa dịu. Có những lúc cậu học trò đập bàn, đập ghế, nhổ trụi cả một mảng tóc trên đầu mình khi có điều gì không ưng ý, cô giáo nhẹ nhàng dỗ dành.
Những lần Toàn An muốn mua sách học, cô hướng dẫn đến tiệm sách chọn, tính tiền xong gọi để cô thanh toán. ''Cô dặn em phải học đều các môn, nhưng chú trọng tiếng Anh vì muốn làm nghề gì cũng cần ngôn ngữ này'', Toàn An nói. Mỗi dịp Tết, cô giáo lại kêu gọi phụ huynh ủng hộ cậu học trò có Tết, có thêm chi phí học hành.
Lần đầu cô Kim Liên dạy môn Văn ở lớp Toàn An là kỳ 2 năm lớp 6. Hồi đó, cô ra đề cho học sinh trong lớp viết về bố mẹ của mình. Toàn An đọc đề xong chạy lên bục giảng bảo với cô ''Em có bố mẹ cũng như không nên viết đâu''. Nghe vậy, cô giáo ứa nước mắt, bảo học trò hãy viết về người mà em yêu quý nhất.
Lúc này, cô Kim Liên mới để ý hơn đến Toàn An. Cô gọi điện cho bà nuôi cậu và nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm để hiểu hoàn cảnh. Biết Toàn An là đứa trẻ đặc biệt, ngôn ngữ hạn chế và ngô nghê, cô nghĩ cách để giúp cậu cải thiện thành tích. ''Muốn học trò nghe lời, trước hết phải để chúng quý mến mình'', cô Kim Liên tự nhủ.
Hàng ngày, cô thủ thỉ trò chuyện, hỏi thăm xem cậu ăn gì buổi sáng, buổi trưa. Yêu cầu học sinh trong lớp vẽ sơ đồ tư duy nhưng biết Toàn An không thích vẽ, cô cho cậu vạch ý học. Biết trò thích đồ ăn, trà sữa, cô treo thưởng để khuyến khích cải thiện thành tích môn Văn.
Ở nhà, vợ chồng bà Thời theo sát từng hành động của cậu bé. "Cháu không chủ động việc gì nên mọi người đều phải nhắc nhở'', bà kể. Từ khi về sống chung, Toàn An ngủ cùng phòng với bà Thời, đến giờ học bài được bà nhắc nhở. Ông bà hướng dẫn cho cháu nuôi từ cách vệ sinh cá nhân cho đến phơi đồ, vứt rác.
"Tuổi cao nhưng ông bà rất chu đáo, lo cho Toàn An từng bữa ăn, giấc ngủ, kiên nhẫn với đứa cháu đặc biệt. Ông bà cũng chủ động hỏi về các khoản đóng góp của em ở trường, khoản nào cần đều hoàn thành", cô Huế kể.
Toàn An rất thông mình, hiểu chuyện và nghe lời. Nghe cô Kim Liên nói muốn đỗ chuyên Anh trường Trần Phú, ngôi trường cậu mơ ước, môn Văn phải được ít nhất 8,5, Toàn An dành nhiều thời gian hơn cho môn học này. Mỗi tối, cô Kim Liên mở lớp ôn luyện miễn phí cấp tốc cho học sinh trước kỳ thi, cậu lại đến lớp học, không hời hợt như trước.
Cô Huế thương nhất giai đoạn bố Toàn An mãn hạn tù, đón cậu về sống cùng. Bố hay bạo hành nên đứa trẻ phải ở lại trường hoặc lang thang tối mịt mới về. "Có mấy đồng tiền thưởng học sinh giỏi cũng phải về đưa bố mua đồ ăn vì bố không chịu đi làm'', cô giáo kể.
Những ngày đó, ông bà nuôi, cô giáo phải trông trực, mua điện thoại dúi cho cậu để nhỡ bị đòn roi còn kịp gọi người tới giúp. Những ngày khắc nghiệt đó, Toàn An chưa ngày nào nghỉ học.
Nhưng bố Toàn An cũng chỉ ở nhà được thời gian ngắn lại bị bắt giam trở lại, đứa trẻ được về sống với ông bà nuôi.
Được các thầy cô đồng hành sát sao nên Toàn An tiến bộ nhanh chóng. Hầu hết giải thưởng thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh của trường THCS Nguyễn Đình Chiểu đều có tên cậu. Tiền thưởng có được Toàn An đều về khoe với ông bà rồi để dành mua sách vở, đóng học.
Hôm 17/6, Phạm Toàn An được xướng tên trong bảng vàng của trường, trở thành một trong ba học sinh đạt thành tích thi vào lớp 10 cao nhất. Cậu là thủ khoa của trường THPT Lê Chân với 46 điểm, trong đó môn Văn đạt 8,75, Toán và tiếng Anh đều đạt 9,5 và cũng đỗ chuyên Anh, trường THPT Trần Phú.
"Từ cậu học trò khó kiểm soát hành vi, có những lúc nhổ tóc trụi cả chỏm đầu, giờ con đã trưởng thành, bảnh bao, cư xử tốt và hiểu chuyện'', cô chủ nhiệm Đoàn Ngọc Huế xúc động chia sẻ.
Câu chuyện về hoàn cảnh của Phạm Toàn An được cô Kim Liên và cô Huế kể trên mạng xã hội, chỉ sau một ngày đã nhận được hàng trăm lượt tương tác, chia sẻ. Nhiều mạnh thường quân xin được góp tiền, góp đồ dùng học tập, cùng ông bà nuôi đưa cậu đến trường.
Bà Thời chia sẻ, tiền ủng hộ Toàn An đã đủ mua một chiếc xe đạp điện cho con đi học và lo chi phí năm đầu. Hội khuyến học, một số tổ chức, thành đoàn và chính quyền địa phương cũng hứa giúp đỡ cậu, một trung tâm tiếng Anh ở Hải Phòng tài trợ cho cậu toàn bộ khóa học IELTS, hỗ trợ để cậu có thể làm trợ giảng ở trung tâm.
"Thậm chí, có một chị còn kêu gọi họ hàng, dự định nhận hỗ trợ Toàn An mỗi tháng 3 triệu đồng. Nhưng ông bà nuôi của em nói có thể lo được cho cháu nên từ chối'', cô Kim Liên kể. Để giúp đỡ cậu học trò đặc biệt, mạnh thường quân này đề nghị được hỗ trợ con điều trị các vấn đề về tự kỷ và trầm cảm.
''Con cảm ơn ông bà, các cô giáo và mọi người rất nhiều. Nếu không được giúp đỡ, chắc con sẽ không được đến trường như bây giờ'', Toàn An nói.
Cậu cho biết, đang về quê giỗ ông nội, đợi khi trở lại nhà ông bà Thời sẽ nhận chiếc xe đạp điện từ mạnh thường quân, để đến ngôi trường cậu mơ ước.
Phạm Nga
Người Nga đang mua bất động sản ở Thái Lan để tránh tác động kinh tế từ cuộc chiến tại Ukraine, nay sắp bước sang năm thứ 2.
Tối 31-5, Lễ hội sông nước TP.HCM đã khai mạc hoành tráng bên sông Sài Gòn, bắt đầu chuỗi hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí, nghệ thuật thể thao, ẩm thực, mua sắm diễn ra trong suốt 10 ngày.
Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online góp ý việc tăng cường hoạt động bắt chó thả rông để người nuôi tự ý thức, quản lý chó của mình, đồng thời không để chó thả rông cắn người.
Ông ngoại của mình năm nay gần 90 tuổi nhưng ông còn khỏe lắm. Ông vẫn có thể chạy xe đạp quanh xóm hằng ngày. Và ông là người tiên phong trong dòng họ tiêm vắc xin chống dịch.
Chiều 11/11, Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức hội nghị “Tình nguyện và Kết nối”, Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện khu vực Tây Nguyên năm 2023.
Sau uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, người đàn ông 30 tuổi bị phù nề toàn thân, mệt mỏi, ăn uống kém, đi khám phát hiện chứng thận hư.
Người đàn ông 53 tuổi ở Nga đã chung sống với mảnh thủy tinh cắm trong lá gan và chịu đựng đau đớn gần một thập kỷ.
Nhiều học sinh của trường THPT Hà Đông (Hà Nội) sau khi sử dụng thuốc lá điện tử có biểu hiện mệt, buồn nôn, ngã ra sàn lớp học... phải nhập viện cấp cứu.
Lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng đã trở thành ngày hội tưng bừng của đồng bào dân tộc La Ha tại Bản Hiên (xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) với hoạt động biểu diễn phục dựng Lễ hội Pang A, đua tài với các trò chơi dân gian, biểu diễn dân vũ.