Mỹ nhiều thập kỷ qua chuyển cho Israel nhiều loại vũ khí sát thương như bom, đạn pháo, nhưng đang đe dọa cắt dòng viện trợ này vì chiến sự Gaza.
Israel là quốc gia nhận nhiều viện trợ quân sự của Mỹ nhất từ sau Thế chiến II, hoạt động này từ lâu đạt được đồng thuận gần như tuyệt đối của cả đảng Dân Chủ và Cộng hòa. Nhưng vài tháng qua, nó lại trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi và hoài nghi, trong bối cảnh hai nước bất đồng về cách Israel triển khai chiến dịch tại Dải Gaza.
Tổng thống Joe Biden vài tháng qua đã cảnh báo Israel về chiến dịch tấn công thành phố Rafah ở cực nam Gaza, nơi Tel Aviv coi là thành trì ẩn náu cuối cùng của lãnh đạo và các tay súng còn lại của Hamas. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nương náu cuối cùng của hơn một triệu dân thường Gaza, sau nhiều tháng chạy trốn giao tranh.
Khi Israel nhiều lần phớt lờ cảnh báo và tuyên bố sẽ mở chiến dịch quy mô lớn ở Rafah, ông Biden đã phải vạch "lằn ranh đỏ".
"Israel chưa tiến vào Rafah. Tuy nhiên, nếu họ làm điều đó, tôi sẽ đình chỉ cung cấp những loại vũ khí mà Israel từng sử dụng để tấn công Gaza", ông Biden nói, song khẳng định vẫn cung cấp các khí tài để Israel phòng thủ, trong đó có đạn của tổ hợp phòng không Vòm Sắt.
Chính quyền Tổng thống Biden đã đình chỉ ít nhất một đợt chuyển giao vũ khí cho Israel, gồm 1.800 quả bom Mk.84 nặng 907 kg và 1.700 quả bom Mk.82 nặng 226 kg, vì lo ngại về thương vong dân thường tại Dải Gaza.
Nguồn viện trợ quân sự của Mỹ đóng vai trò quan trọng với Israel trong chiến dịch tấn công Dải Gaza, nơi Tel Aviv phải tốn rất nhiều bom đạn để phá hủy các công trình kiên cố của Hamas cũng như đối phó với hệ thống địa đạo phức tạp của nhóm vũ trang.
Chính quyền Tổng thống Biden đã công khai hai thương vụ vũ khí lớn cho Israel, trong đó có gần 14.000 viên đạn pháo xe tăng và thiết bị quân sự trị giá 106,5 triệu USD, cùng lô đạn pháo 155 mm trị giá 147,5 triệu USD. Nhà Trắng đã không trình quốc hội phê duyệt hai thương vụ này bằng cách kích hoạt thẩm quyền viện trợ vũ khí khẩn cấp.
Số đạn pháo này chỉ chiếm phần nhỏ trong viện trợ quân sự Mỹ chuyển cho Israel từ tháng 10/2023 tới nay. Các quan chức Mỹ đã thông báo cho quốc hội về hơn 100 thương vụ khác có giá trị chưa đủ cao để họ phải báo cáo. Trong số này có bom dẫn đường chính xác, bom đường kính nhỏ, tên lửa xuyên phá hầm ngầm và nhiều loại vũ khí sát thương khác.
Israel sử dụng nhiều loại vũ khí Mỹ trong chiến dịch tấn công Hamas, song không rõ chúng được mua hay chuyển giao khi nào. Một số chuyên gia độc lập cho biết trong số đó có nhiều loại bom thông thường nặng tới 900 kg như Mk. 84, được gắn thêm bộ dụng cụ JDAM để trở thành vũ khí dẫn đường chính xác.
Chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng 3 cho phép chuyển 1.800 quả bom Mk.84 và 500 bom Mk.82, vốn được quốc hội Mỹ thông qua từ nhiều năm trước. Các quan chức cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tháng 3 còn duyệt chuyển 25 tiêm kích F-35A cùng động cơ cho Israel.
Mỹ duy trì kho vũ khí tại Israel từ những năm 1990. Quân đội Mỹ từng rút đạn pháo 155 mm từ cơ sở này để gửi đến châu Âu sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Sau vụ tấn công hồi tháng 10/2023 của Hamas, nhiều quả đạn trong kho này được chuyển tới Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Đây là kết quả của quá trình hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Israel sau khi Chiến tranh Yom Kippur giữa Tel Aviv và các nước Arab kết thúc năm 1973. Mỹ khi đó tăng cường đáng kể viện trợ quân sự cho Israel để nước này xây dựng lại lực lượng, cũng như "duy trì lợi thế quân sự về mặt chất lượng" so với các nước láng giềng.
Trong các năm gần đây, nguồn viện trợ cho Israel được nêu trong những bản ghi nhớ có thời hạn 10 năm. Bản ghi nhớ được ký gần đây nhất là vào năm 2016, theo đó Mỹ cam kết hỗ trợ quân sự trị giá 38 tỷ USD trong năm tài khóa 2019-2028 cho Israel.
Phần lớn viện trợ quân sự Mỹ dành cho Israel đều thuộc chương trình Tài trợ quân sự cho nước ngoài, cung cấp ngân sách cho Israel mua khí tài và dịch vụ kèm theo của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn góp khoảng 500 triệu USD mỗi năm cho các hệ thống phòng thủ tên lửa phát triển chung với Israel.
Israel cũng được tiếp cận các công nghệ quân sự hiện đại nhất của Mỹ mà nhiều bên thèm muốn nhất. Đây là nước đầu tiên ngoài Mỹ vận hành F-35 và đưa mẫu tiêm kích tàng hình này vào thực chiến lần đầu năm 2018.
Hỗ trợ từ Mỹ cùng hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước giúp Israel xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, trở thành một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Sau nhiều tháng bế tắc, Hạ viện Mỹ tháng trước thông qua đạo luật gồm 26,4 tỷ USD hỗ trợ cho Israel và viện trợ nhân đạo cho dân thường tại các khu vực xung đột, trong đó có Dải Gaza.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác này có thể đình trệ với lời đe dọa đình chỉ cung cấp vũ khí của ông Biden. Thủ tướng Netanyahu phản ứng lại một cách cứng rắn, khi tuyên bố Israel sẵn sàng đơn độc trong cuộc chiến ở Gaza ngay cả khi không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Luật Mỹ quy định cấm chuyển viện trợ quân sự cho các chính phủ hoặc nhóm vũ trang nước ngoài bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trắng trợn. Tổng thống Biden ngày 8/2 ban hành bản ghi nhớ, nêu chi tiết các quy tắc và bổ sung yêu cầu chính phủ nộp báo cáo hàng năm cho quốc hội về việc liệu bên nhận viện trợ quân sự Mỹ có đáp ứng các tiêu chuẩn hay không.
Để thực hiện điều đó, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nước nhận vũ khí đảm bảo bằng văn bản rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành của Washington, trong đó có yêu cầu liên quan đến bảo vệ dân thường.
Văn bản cũng quy định các quốc gia nhận viện trợ quân sự "phải tạo điều kiện thuận lợi, không được tùy tiện từ chối, hạn chế hoặc cản trở trực tiếp hay gián tiếp hoạt động vận chuyển, phân phối viện trợ nhân đạo của Mỹ, cũng như các nỗ lực cung cấp viện trợ quốc tế do Mỹ hỗ trợ".
Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận được đảm bảo bằng văn bản như vậy của Israel, nhưng chính quyền Tổng thống Biden hôm 8/5 hoãn báo cáo đánh giá về tính tin cậy của đảm bảo đó trước quốc hội Mỹ.
Các nhóm nhân đạo kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden không chấp nhận "đảm bảo lấy lệ" của Israel. Họ cáo buộc Israel đang cản trở xe chở hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza bằng cách kéo dài các cuộc kiểm tra tại trạm kiểm soát, đồng thời từ chối mở thêm cơ sở xử lý.
Trong thư gửi chính quyền Tổng thống Biden ngày 22/3, 17 thượng nghị sĩ Dân chủ nhận định việc chấp thuận đảm bảo từ Israel "sẽ không phù hợp với nội dung và tinh thần" trong bản ghi nhớ về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ, đồng thời đặt ra tiền lệ không thể chấp nhận cho các tình huống tương tự trên thế giới.
Nguyễn Tiến (Theo AP, WP, AFP)
Mỹ quan ngại Triều Tiên đang lên kế hoạch cung cấp thêm vũ khí cho Nga. Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Nga.
Tổng thống Zelensky thông qua đạo luật cho phép tù nhân gia nhập lực lượng vũ trang, giúp quân đội Ukraine có thể tuyển thêm khoảng 20.000 tân binh.
Theo thông tin chính thức từ Iran, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds, Tướng Esmail Qaani, vẫn đang mạnh khỏe.
Đặc nhiệm Ukraine cho hay nhóm đổ bộ phối hợp không tốt và hứng hỏa lực dữ dội từ Nga khi tiếp cận đảo Tendrovskaya, khiến 25 người chết.
Thủ tướng Modi bày tỏ quan ngại về các vấn đề chưa được giải quyết tại khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc.
Hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin thông qua thiết bị điều khiển từ xa ở Lebanon đã cho thấy mối đe dọa an ninh từ việc 'vũ khí hóa' các vật dụng hàng ngày.
Quân đội Israel tập kích thành trì Hezbollah ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon, được cho là nhằm vào chỉ huy cấp cao của nhóm.
Ukraine nêu lý do căng thẳng quanh nhà máy Zaporizhzhia ‘hạ nhiệt’, Bộ trưởng Tài chính Mỹ tới Trung Quốc… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Người chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ phải tìm cách vực dậy nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn của quốc gia Nam Mỹ.