Việc hai tiêm kích Su-57 của Nga bị "hư hại" do trúng đòn đánh Ukraine cho thấy phòng không nước này không thể đối phó hiệu quả UAV.
Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 9/6 cho biết nước này đã triển khai máy bay không người lái (UAV) tự sát tập kích căn cứ không quân Akhtubinsk thuộc Cộng hòa Astrakhan, miền nam nước Nga, khiến ít nhất hai tiêm kích Su-57 hiện đại nhất của nước này bị hư hại. Căn cứ nằm cách tiền tuyến phía đông Ukraine khoảng 589 km.
Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận, song các kênh Telegram quân sự của nước này đã xác nhận tổn thất như phía Ukraine công bố. Những tài khoản này cho biết ba UAV tự sát của đối phương đã đánh trúng mục tiêu, trong đó hai chiếc gây hư hại cho các tiêm kích Su-57.
"Tôi sẽ không viết về lý do hệ thống phòng không không hoạt động. Hãy để các sĩ quan có thẩm quyền xem xét việc này", tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga có hơn 460.000 người theo dõi cho biết, thêm rằng phản ứng duy nhất của lực lượng phòng thủ ở căn cứ khi đó là xả hai băng đạn về phía UAV của Ukraine, song không hiệu quả.
Aleksandr Kharchenko, phóng viên hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga, chỉ trích giới chức vì đã không đã xây đủ nhà chứa máy bay để bảo vệ tiêm kích khỏi các các tấn công như vậy. "Không có lý do gì để bỏ các chiến đấu cơ hiện đại nhất nằm tênh hênh trên đường băng như vậy", Kharchenko viết trên Telegram cá nhân.
Ảnh vệ tinh do GUR chụp tại sân bay sau vụ tập kích cho thấy một tiêm kích Su-57 đậu trên đường băng, bên cạnh là các vết cháy sém và những hố nhỏ do các vụ nổ tạo ra.
Giới chỉ huy quân sự Nga được cho là đang gặp nhiều khó khăn trong việc lên phương án đối phó các đòn đánh bằng UAV tầm xa của Ukraine. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Mỹ, tuần trước cho biết "một số bình luận viên quân sự Nga liên tục phàn nàn về năng lực UAV và tác chiến điện tử vượt trội của Ukraine trên chiến trường".
Theo các blogger quân sự ủng hộ Moskva, Kiev chiếm ưu thế lớn về cả số lượng UAV triển khai và số lượng người vận hành, đồng thời sở hữu "cấu trúc tổ chức thiết bị không người lái" tiên tiến hơn so với đối phương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy đầu tháng 2 ký sắc lệnh thành lập lực lượng chuyên biệt về drone, bao gồm thiết bị bay không người lái, xuồng không người lái (USV), hay phương tiện không người lái mặt đất (UGV). Kiev là nước đầu tiên trên thế giới thành lập nhánh riêng về loại khí tài này trong quân đội.
Trong báo cáo năm ngoái, Sergey Makarenko, giáo sư tại Đại học Kỹ thuật điện St. Petersburg của Nga, tiết lộ lưới phòng không nước này không thể đối phó hiệu quả chiến thuật bầy đàn UAV, vốn là "át chủ bài" của quân đội Ukraine để nhắm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Ông cho biết lực lượng phòng thủ Nga "gần như không thể" bắn trúng những chiếc UAV có kích thước nhỏ bằng các vũ khí hiện có, như Pantsir-S1, hệ thống pháo - tên lửa đặt trên xe tải 8 bánh hạng nặng, hay tổ hợp Tunguska có thiết kế tương tự.
Ngay cả hệ thống phòng không bánh xích Tor đời mới nhất, được trang bị 8 tên lửa dẫn đường bằng radar và phóng theo chiều thẳng đứng, cũng gặp khó khăn trong việc phát hiện, bắm bắt các mục tiêu nhỏ, di chuyển chậm như UAV Ukraine. Theo giáo sư Makarenko, vấn đề cơ bản ở đây là các radar chiến thuật của Nga không được thiết kế để theo dõi các mục tiêu như vậy.
"Kết quả thử nghiệm thực địa cho thấy radar phát hiện mục tiêu của hệ thống phòng không Tor chỉ có thể phát hiện các UAV kích thước nhỏ trong phạm 3-4 km", ông cho biết.
Năng lực tác chiến điện tử của Nga cũng có một số hạn chế. Các hệ thống gây nhiễu của Moskva có thể làm gián đoạn liên lạc giữa tổ vận hành và UAV, song đây không phải phương án hoàn hảo. UAV của Ukraine thường bay theo lộ trình đã được thiết lập sẵn hoặc được trang bị các biện pháp tinh vi để chống gây nhiễu, trong đó có tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trước tình cảnh này, quân đội Nga đang phải tìm đến các giải pháp ứng biến để có thể đối phó thiết bị bay không người lái của đối phương. Một số binh sĩ Nga đang sử dụng súng hoa cải bắn đạn ghém, được cho là vũ khí hiệu quả nhất để đối phó drone ở tầm gần.
Vài quân nhân đã đăng video kêu gọi những người ủng hộ ở quê nhà gửi thêm loại súng này ra tiền tuyến để có thể chống drone.
Trong khi đó, Ukraine đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lực tác chiến bằng thiết bị không người lái. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov hôm 10/6 bổ nhiệm phó tư lệnh quân đội Ukraine Vadym Sukharevskyi làm chỉ huy lực lượng drone của nước này. Giới quan sát nhận định động thái cho thấy Ukraine rất quan tâm tới loại khí tài trên.
Tổng thống Zelensky tháng 12/2023 cho biết Ukraine đặt mục tiêu sản xuất một triệu drone trong năm 2024. Ông cũng khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu của Ukraine trong năm nay là vượt qua Nga trên lĩnh vực drone.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Reuters)
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức New Zealand từ ngày 10-11/3, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung đã chia sẻ với TG&VN về ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm và triển vọng hợp tác song phương.
Lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine cho biết Nga điều tổ hợp phòng không S-500 tiên tiến nhất tới bán đảo Crimea để bảo vệ cây cầu cùng tên.
Nga lần đầu thông báo tấn công, phá hủy hệ thống tên lửa phòng không tầm trung SAMP/T được Pháp và Italy viện trợ cho Ukraine.
Ngày Gia đình ASEAN 2024 tại New York để lại nhiều ấn tượng đẹp, góp phần thiết thực củng cố hình ảnh và nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN.
Úc vừa thông qua điều luật cho phép người lao động có quyền từ chối các cuộc gọi, email và tin nhắn ngoài giờ làm việc không hợp lý từ cấp trên.
Ngày 2/1, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar có cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn ANI, trong đó đề cập quan hệ của nước này với Nga và Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, không chỉ thay đổi dòng chảy, chất lượng và số lượng nước Sông Mekong chảy về hạ nguồn cũng đã giảm, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ngành nuôi trồng thủy sản.
Ram Bahadur Bomjan, người có biệt danh 'Cậu bé Phật' từ thời niên thiếu, bị tòa án Nepal kết tội lạm dụng tình dục trẻ em.
Tổng thống Đức mong muốn lao động Việt Nam sớm có cơ hội làm việc và cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động tại nước này, khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính.