Viện trợ vũ khí từng là công cụ để Mỹ gây sức ép chính trị với Israel, nhưng nó dường như ngày càng mất hiệu quả trong nỗ lực chấm dứt xung đột Gaza.
Việc Mỹ bán vũ khí cho Israel được xem là biểu tượng mạnh mẽ của sự ủng hộ mà Washington dành cho đồng minh Trung Đông và là công cụ gây ảnh hưởng hiệu quả với nước này. Tuy nhiên, khi triển vọng ngừng bắn ở Gaza vẫn mong manh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đối mặt nguy cơ đòn bẩy quyền lực đó không còn phát huy tác dụng như kỳ vọng.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước thông báo về việc xúc tiến thỏa thuận bán vũ khí với tổng giá trị 20 tỷ USD cho Israel sau nhiều tháng trì hoãn. Thỏa thuận được cho là gồm 50 tiêm kích F-15, tên lửa không đối không tầm trung hiện đại, phương tiện cơ giới chiến thuật cùng số lượng lớn đạn dược.
Số vũ khí này dự kiến không lập tức được chuyển tới Israel, mà sẽ được giao thành nhiều đợt trong giai đoạn 2026-2029, nhằm duy trì và xây dựng khả năng phòng thủ dài hạn tổng thể cho Israel, theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Quyết định được đưa ra ngay trước thềm chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Nhưng ông Blinken ngày 21/8 trở về Washington mà không thu được kết quả đột phá nào, dù các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng thông báo bán vũ khí tuần trước không được đưa ra nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza. Song một số người trong chính quyền Biden cho biết họ hy vọng thương vụ này sẽ báo hiệu Mỹ đang ủng hộ Israel trước lo ngại về cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng của Iran.
Nhiều người am hiểu vấn đề cho biết thông báo được đưa ra trong thời gian quốc hội Mỹ đang tạm nghỉ, làm giảm nguy cơ vấp phản đối công khai của một số người chỉ trích trong đảng Dân chủ, vốn luôn phản đối Washington chuyển thêm vũ khí cho Tel Aviv.
Daniel Levy, cựu quan chức chính phủ Israel, cho rằng với việc loan tin về thương vụ vũ khí lớn, chính quyền Tổng thống Biden có thể đã muốn khuyến khích Thủ tướng Benjamin Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Song ông thêm rằng cách tiếp cận này có thể đã phản tác dụng, bởi khi Washington cung cấp thêm vũ khí, ông Netanyahu cảm thấy rằng mình đã thắng và "ông ấy có thể điều khiển nước Mỹ theo ý mình".
Mỹ và Israel có mối quan hệ đặc biệt kể từ khi quốc gia Trung Đông tuyên bố độc lập năm 1948, trong đó viện trợ vũ khí được xem là có vai trò cốt lõi. Tính đến năm ngoái, Mỹ đã cung cấp 158,7 tỷ USD cho Israel, trong đó khoảng 124,3 tỷ USD cho quân đội và hệ thống phòng thủ tên lửa, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội.
Israel hiện nhận hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm từ Mỹ và hầu hết các giao dịch mua vũ khí của nước này được thực hiện bằng nguồn tài trợ của chính phủ Mỹ.
Trong hơn 10 tháng kể từ khi Hamas tấn công miền nam Israel ngày 7/10/2023, chính phủ Mỹ đã nhiều lần gấp rút cung cấp vũ khí cho Israel, thậm chí sử dụng các quy chế khẩn cấp để viện trợ đạn pháo cho đồng minh Trung Đông.
Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài và gây thương vong lớn cho dân thường, Mỹ đã đưa ra một số cảnh báo về vũ khí để gây sức ép với chính quyền Israel. Tổng thống Biden hồi tháng 3 cảnh báo Israel rằng cuộc tấn công vào Rafah, nơi có hơn triệu người Palestine đang trú ẩn thời điểm đó, sẽ vi phạm "lằn ranh đỏ" của Mỹ. Ông thêm rằng Mỹ không dự định cắt giảm vũ khí, nhưng để ngỏ khả năng từ chối một số hỗ trợ quân sự cho Israel.
Hồi tháng 5, khi Israel không giải quyết được những lo ngại của Washington về kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah, Nhà Trắng đã hoãn chuyển một lô bom hạng nặng để gây sức ép, nhằm buộc Tel Aviv phải thu hẹp quy mô chiến dịch.
Israel đã điều chỉnh kế hoạch tác chiến ở Rafah, mà chính quyền ông Biden cho là nhờ quyết định hoãn chuyển lô bom hạng nặng. Tuy nhiên, chiến dịch của Israel vẫn khiến hầu hết dân thường phải rời thành phố và gây ra nhiều thương vong.
Ít nhất 46 người Palestine thiệt mạng khi Israel không kích Tal al-Sultan, trại tị nạn ở Rafah, hôm 26/5. Nhà Trắng sau đó nói rằng cuộc tấn công không vượt "lằn ranh đỏ" mà ông Biden vạch ra hồi tháng 3.
"Đây là ví dụ cho thấy chính quyền ông Biden đã thất bại. Họ đã bị chỉ trích vì giả vờ can ngăn đối với vấn đề Rafah và bây giờ họ đang nhượng bộ", Seth Binder, chuyên gia về an ninh tại Trung tâm Dân chủ Trung Đông, nói.
Nhà Trắng đã dỡ lệnh cấm cung cấp bom loại hơn 200 kg cho Israel, song vẫn tiếp tục đóng băng lô bom hạng nặng loại 900 kg. Một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu việc giữ lại các lô vũ khí có thực sự tác động nhiều tới Israel hay không.
"Chiến tranh luôn là thời điểm tệ nhất để cố sử dụng đòn bẩy, bởi đó là khi đối tác ít có khả năng bị chi phối nhất. Các quốc gia sẽ không hạn chế cuộc chiến của họ chỉ vì Mỹ đang cố gắng chống lại cuộc chiến", một thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ nói.
Bất chấp những lời cảnh báo của Mỹ, Israel tiếp tục oanh tạc Gaza, gây thiệt hại nặng nề cho dân thường Palestine. Cuộc không kích của Israel ngày 10/8 vào trường học ở Gaza City khiến hàng chục người chết. Quân đội Israel nói rằng trường học đang được nhóm Hamas sử dụng làm sở chỉ huy.
Quan chức Mỹ cho biết thương vong dân thường quá cao đã khiến chính quyền ông Biden thất vọng, nhưng không dẫn tới thay đổi cơ bản trong chính sách bán vũ khí cho Tel Aviv của Washington. Các báo cáo của Bộ Ngoại giao thậm chí phát hiện Israel có thể đã vi phạm luật nhân đạo trong khi sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, nhưng không kết luận Tel Aviv vi phạm luật pháp quốc tế.
"Các chính sách của chúng tôi liên quan tới hợp tác an ninh với Israel sẽ không thay đổi, trừ khi chúng tôi phát hiện các mối đe dọa nghiêm trọng hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang nêu ra các vấn đề gây tổn hại cho dân thường với Israel ở cấp cao nhất", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Hạn chế bán vũ khí cho Israel cũng đối mặt những khó khăn về mặt chính trị, khi Thủ tướng Netanyahu tỏ ra lão luyện trong các cuộc thảo luận trực tiếp với những nhà lập pháp Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ Cộng hòa nhiệt thành ủng hộ Israel.
"Viện trợ quân sự nhanh chóng của Mỹ có thể thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Gaza và ngăn nguy cơ chiến tranh lan rộng ở Trung Đông", ông nói trước quốc hội Mỹ trong chuyến thăm hồi tháng 7.
Rachel Stohl, phó chủ tịch phụ trách các chương trình nghiên cứu tại trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng việc sử dụng thương vụ vũ khí làm đòn bẩy chính sách là vấn đề khó khăn, không chỉ riêng với Israel.
"Chưa có minh chứng rõ ràng nào cho thấy các thương vụ vũ khí có thể làm thay đổi chính sách của quốc gia tiếp nhận chúng. Những gì xảy ra chỉ là chúng ta ngầm cho phép các bên mua vũ khí Mỹ hành động theo một cách nhất định", Stohl nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ, CBS News)
Xung đột ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới, Ngoại trưởng Mỹ ăn tại cửa hàng McDonald's ở Kiev… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, National Review… tổng hợp.
Ngày 20/8, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có buổi tiếp ngài Kohdayar Marri - Đại sứ Pakistan tại Việt Nam; cùng thảo luận về việc tăng cường quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và trao đổi chuyên gia.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/3 khởi động đàm phán toàn diện để thảo luận xem liệu hai đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này có thể vượt qua những bất đồng sâu xa về các vấn đề như Syria và mối quan hệ chặt chẽ của Ankara với Nga không.
Video cận cảnh quân Nga pháo kích quét sạch loạt mục tiêu Ukraine. Video vừa được Bộ Quốc phòng Nga công bố ghi lại cuộc tấn công bất ngờ của pháo binh Nga vào các vị trí của Ukraine. Cuộc tấn công diễn ra sau khi máy bay không người lái (UAV) tiến hành do thám, cung cấp thông tin về các mục tiêu Ukraine. Video quay từ trên không cho thấy các chiến hào và nơi trú ẩn của quân Ukraine trong địa hình rừng liên tục bị đạn pháo 152mm bắn phá. Xung...
Ukraine hoán cải máy bay thể thao cỡ nhỏ thành UAV để tập kích nhà máy lọc dầu Nga ở Cộng hòa Bashkortostan, đòn đánh xa nhất từ đầu chiến sự.
Cuốn sách Chuyện “đi sứ” thời hội nhập (Hồi ức của các đại sứ) do Đại sứ Ngô Quang Xuân chủ biên là hồi ức về hành trình của những người con – các đại sứ và nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tất cả vì “màu cờ sắc áo của đất nước, dân tộc”.
Hàng nghìn nhân viên các chuỗi khách sạn nổi tiếng trên 8 thành phố ở Mỹ đình công, yêu cầu giảm khối lượng công việc và tăng lương.
Hàng nghìn người biểu tình diễu hành tới Đồi Capitol để phản đối Thủ tướng Israel Netanyahu khi ông có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ.
Chiếc trực thăng của một công ty khai thác vùng của Nga mất tích khi chở 3 người đi qua vùng Amur ở khu vực Viễn Đông.