Năm học mới bắt đầu, lại một lần nữa học sinh, phụ huynh, đội ngũ giáo viên và cả dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt tới môn Lịch sử, cùng những kỳ vọng vào luồng gió mới của một cuộc "cải cách giáo dục".
Khi người trẻ yêu thích Lịch sử
Kỳ nghỉ lễ mùng 2.9 vừa qua, thay vì chọn vui chơi ở các địa điểm du lịch nổi tiếng, Đặng Tú Anh - học sinh lớp 12 ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã cùng bà nội đặt vé ra Hà Nội tham quan cụm di tích lịch sử bao gồm: Lăng Bác, Khu di tích Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
“Em rất ấn tượng khi được đặt chân tới Thủ đô và tham quan những công trình, khu di tích in đậm dấu ấn lịch sử. Trong chuyến đi lần này, bà nội là người bạn đồng hành cùng em. Em đã rất xúc động khi được nghe những câu chuyện và được nhìn trực tiếp những kỷ vật gắn liền với Bác, chứ không chỉ nhìn qua sách vở như trước kia. Chuyến đi đã cho em rất nhiều bài học và thêm tình yêu dành cho môn Lịch sử” - Tú Anh cho biết.
Cũng giống như Tú Anh, có rất nhiều gia đình chọn tới tham quan các khu di tích lịch sử, bảo tàng trong dịp nghỉ lễ vừa qua. Hình ảnh hàng dài người kiên nhẫn xếp hàng, chờ đợi để được ghé thăm những "địa chỉ đỏ" đã minh chứng cho việc người dân Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lịch sử và có nhu cầu cho con em mình tìm hiểu về lịch sử dân tộc.
Là một trong những phụ huynh dẫn con đi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày lễ Quốc khánh 2.9, anh Nguyễn Văn Lợi (Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho biết: “Năm nay lượng khách tới tham quan rất đông nên chờ đợi khá lâu tới lượt mua vé. Tuy nhiên, để bồi dưỡng tình yêu lịch sử cho con và nhắc nhở con không bao giờ được quên lãng lịch sử, nên tôi và con vẫn vui vẻ và hào hứng với chuyến đi vừa qua”.
Anh Lợi cũng cho biết, gần đây theo dõi thông tin từ báo đài, có rất nhiều tranh cãi về việc chọn Lịch sử là môn thi bắt buộc. Theo anh Lợi, điều này thật sự không quan trọng bằng việc để cho học sinh tự yêu thích môn Lịch sử.
“Thay vì đặt nặng vấn đề bắt buộc hay không, mình hãy có cách nào đó để khơi gợi niềm yêu thích của con với lịch sử. Ở góc nhìn của tôi, học sinh vẫn yêu thích môn Sử. Bằng chứng là rất nhiều du khách thuộc lứa tuổi học sinh tới tham quan các khu di tích. Tôi vẫn luôn dạy các con rằng, con có thể lựa chọn học Sử hoặc không nhưng tuyệt đối không được phép quên nó” - anh Lợi nói.
Muốn yêu Lịch sử, phải có người “thổi lửa”
Lần đầu tiên cầm trên tay quyển sách giáo khoa Lịch sử lớp 6, em Hà Thị Thu Trang (Thọ Xương, Bắc Giang) đã thầm mong ước mình sẽ chinh phục được bộ môn mà nhiều học sinh cho rằng rất “khó nhằn”.
Trong suy nghĩ của Trang lúc bấy giờ, em ước ao mình sẽ có thể thay đổi được tư duy rằng môn Lịch sử không hề đáng sợ, đồng thời để các bạn cùng trang lứa nhận ra học Lịch sử rất thú vị và bổ ích.
“Em cũng không biết mình yêu thích môn Lịch sử từ bao giờ nữa. Ban đầu khi tiếp cận với môn Sử, em chỉ ước rằng bản thân mình không phải cố gắng nhồi nhét học thuộc lòng để đi thi, làm bài kiểm tra môn Sử. Bản thân em luôn nghĩ, nếu điều gì xuất phát từ sự tự nguyện, mình sẽ dễ dàng theo đuổi nó đến cùng” - Trang bày tỏ.
Theo Thu Trang, Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân Việt Nam đều cần phải hiểu lịch sử của đất nước. “Em thấy khá hổ thẹn nếu như không trả lời được tên tuổi của các vị lãnh đạo đất nước hay những ngày trọng đại của dân tộc là gì. Chính vì những điều cơ bản đó góp phần thôi thúc em phải học được môn Lịch sử” - Trang thẳng thắn nói.
Những nỗ lực của Trang cũng đã được đền đáp xứng đáng khi năm lớp 8 em nhận giải Nhì môn Lịch sử cấp tỉnh. Đến năm lớp 9, nữ sinh nâng hạng thành tích lên giải Nhất. Đặc biệt, tới lớp 11, Trang nhận được giải Ba môn Lịch sử cấp quốc gia.
“Nhìn vào những thành tích mình gặt hái được, em chỉ muốn gửi một lời tri ân sâu sắc tới hai người cô dạy Sử của mình năm cấp 2 và cấp 3. Đó đều là những người đánh thức tình yêu Lịch sử trong em” - Trang nghẹn ngào nói.
Trao đổi với Báo Lao Động về phương pháp học tập của mình, Trang cho biết: “Bản thân em luôn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và đa dạng cách học lịch sử. Ngoài thu nhận kiến thức cơ bản, em thường xuyên xem phim về các giai thoại lịch sử, triều đại dân tộc để mở rộng thế giới quan hơn. Tuy nhiên, em vẫn nhấn mạnh vào yếu tố, muốn học được Lịch sử trước hết phải có một người truyền lửa nhiệt huyết và thầy cô đóng vai trò rất quan trọng. Lúc đó, bản thân mình sẽ như “cá gặp nước” - tha hồ vẫy vùng trong biển lớn môn Lịch sử” - Trang ví von.
Đổi mới cách dạy học Lịch sử là tất yếu
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành có nhiều điểm mới, trong đó có việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, giáo viên.
Là người trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử, thầy Nguyễn Văn Tiến - giáo viên Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) cho rằng - dù Lịch sử có trở thành môn bắt buộc hay không thì giáo viên cũng nên có một cách dạy học và tạo ra nhiều phương pháp để lôi kéo các em yêu thích môn này.
“Giáo viên có thể dạy học bằng phương pháp trực quan, bằng cách sử dụng bản đồ, sơ đồ, bảng biểu và các vật tạo hình như: Tranh ảnh, phim, tivi, máy tính... giáo viên vận dụng phương pháp này sao cho phù hợp với nội dung bài giảng và nhận thức của học sinh” - thầy Tiến chia sẻ.
Đánh giá về việc học sinh cho rằng môn học này rất khô khan, nặng lý thuyết, thầy Tiến thẳng thắn nói: “Bất cứ môn học nào cũng đều có đặc thù riêng. Vai trò của thầy cô rất quan trọng để truyền đạt kiến thức tới các em. Đồng thời, thầy cô cũng cần đổi mới phương pháp, nâng cao chuyên môn, kỹ năng công nghệ tạo hiệu quả cho môn học”.
Bên cạnh vai trò của thầy cô trong việc định hướng, dẫn dắt học sinh yêu thích bộ môn Lịch sử, thầy Tiến cũng cho rằng nhà trường cũng là cầu nối để giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm với việc học Sử.
Lịch sử đã đi qua nhưng giá trị lớn nhất của các sự kiện, kiến thức lịch sử là để lại cho hậu thế những bài học, kinh nghiệm. Với mỗi nhà giáo đang làm nhiệm vụ dạy học, giáo dục cho học sinh về ý nghĩa của các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc là điều luôn được chú trọng. Nhưng việc bắt học sinh phải ghi nhớ những con số, số liệu khô khan đã không còn phù hợp. Nhiều thầy cô đang trọn cách lồng ghép kiến thức môn Lịch sử bằng các hoạt động trải nghiệm, tiết học trải nghiệm diễn ra tại các di tích lịch sử, nơi đang lưu giữ những ký ức của các cuộc chiến.
Nếu việc đổi mới giáo dục đi từ góc nhìn, quan điểm như vậy, thì việc Lịch sử là một môn thi bắt buộc hay không trong kỳ thi tốt nghiệp không còn quan trọng bằng việc nhất thiết phải đổi mới cách dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay. Điều này cũng có nghĩa các thầy cô giáo giảng dạy môn Lịch sử sẽ gánh trên vai mình niềm tự hào và trọng trách lớn lao. Giáo viên phải thay đổi phương pháp, để học sinh thực sự yêu thích môn học, xứng với vị thế của môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay.
Vì thực tế đã chứng minh học sinh không ghét học lịch sử dân tộc, các em rất hứng thú với các câu chuyện lịch sử, nhưng việc bắt các em phải nhớ những số liệu khô khan, học thuộc lòng để phục vụ cho việc thi đã khiến các em không hứng thú với môn học. Việc đổi mới tư duy sáng tạo và phương pháp dạy học truyền cảm hứng của các thầy cô sẽ là điều quyết định để môn học này thực hiện được sứ mệnh quan trọng của nó - giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ học sinh.
Sáng 25 Tết, người dân các tỉnh miền Tây bắt đầu về quê nghỉ lễ. Cửa ngõ đông xe từ sáng sớm. Bến xe cũng tăng thêm chuyến để phục vụ.
Thủ lĩnh Hamas Sinwar tuyên bố lực lượng này sẵn sàng thực hiện thỏa thuận trao đổi con tin để lấy tù nhân người Palestine 'ngay lập tức' với Israel.
Quyết định của Chính phủ Pakistan về trục xuất người nhập cư trái phép có hiệu lực từ 1/11, nêu rõ cơ quan chức năng nước này sẽ bắt giữ các công dân Afghanistan sinh sống bất hợp pháp tại nước này.
Để học sinh sẵn sàng tâm thế, kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều trường THPT đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy...
NATO thông báo liên minh sẽ tổ chức tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ với 90.000 binh sĩ cùng hơn 1.100 phương tiện chiến đấu.
459 đại biểu dự Đại hội VII Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM ngập tràn sức trẻ, nét rạng ngời trong ngày hội lớn của sinh viên thành phố mang tên Bác ngày 4-11.
Dưới đây là cách tra cứu điểm thi, điểm chuẩn lớp 10 tại Đà Nẵng nhanh chóng, chính xác nhất.
Điểm chuẩn học bạ THPT năm 2024 được Lao Động cập nhật nhanh chóng, chính xác nhất.
Em học sinh học giỏi lúc trước của tôi ngại về thăm trường vì chưa thành đạt trong cuộc sống.