Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) khẳng định, cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ tiếp tục nối dài hành trình tham gia ASEAN bằng nhiều đóng góp ấn tượng hơn và sâu sắc hơn, mang “thương hiệu” của Việt Nam. Diễn đàn Tương lai ASEAN là một nỗ lực trong hành trình đó…
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ các định hướng quan trọng cho ASEAN trong thời gian tới tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Lào. (Nguồn: VGP) |
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN 30 năm trước, nói đến Việt Nam là nói đến thành viên uy tín, trách nhiệm của ASEAN và cộng đồng quốc tế, nỗ lực hết mình, hợp tác chân thành, tin cậy và đóng góp tận tâm. “Thương hiệu” đó, theo Đại sứ, đã được xây dựng qua những tầng nấc nào trong suốt ba thập kỷ qua?
Ngày 28/7/1995, chúng ta chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Xét về thời gian, 30 năm qua không quá dài so với gần 60 năm hình thành và phát triển của ASEAN. Song, với sự tận tâm, chân thành và trách nhiệm, hành trình ba thập kỷ đó đã khẳng định vai trò và uy tín, hay như nhà báo nói là “thương hiệu” Việt Nam, với những đóng góp đậm nét ở mọi tầng nấc, từ định hình quyết sách chiến lược, đến quyết tâm trong hành động và quyết liệt trong triển khai.
Trước hết là những đóng góp của Việt Nam gắn liền với những bước phát triển lịch sử của ASEAN, từ việc thúc đẩy hoàn thành ASEAN-10 vào cuối những năm 1990 đến sự ủng hộ và hỗ trợ chân tình hiện nay dành cho Timor-Leste sớm gia nhập gia đình ASEAN; từ tham gia xây dựng các văn kiện chiến lược như Tầm nhìn ASEAN 2020, Chương trình Hành động Hà Nội 1999-2004, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đến chủ động định hướng phát triển cho ASEAN sau 2025.
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, diễn ra trong vài ngày tới đây, góp thêm một dấu ấn nâng cao tầm vóc và vị thế đối ngoại của Việt Nam. Sau thành công ở lần thứ nhất, Diễn đàn dần trở thành “địa chỉ” tin cậy với những trao đổi sôi động, rộng mở và thực chất về những vấn đề đang đặt ra cho tương lai của ASEAN và khu vực.
Dấu ấn tiếp theo là nỗ lực đưa các quyết sách chiến lược vào triển khai, một quá trình đòi hỏi quyết tâm cao của tất cả các nước thành viên. Với Việt Nam, một nước khởi đầu khá muộn trong tiến trình hội nhập, càng đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất nhiều.
Suốt 30 năm qua, với tinh thần trách nhiệm và hợp tác chân thành, có thể tự hào nói rằng, chúng ta đã làm được và làm rất tốt mọi trọng trách và nghĩa vụ thành viên. Đặc biệt, trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, tôi tin rằng, chúng ta đã để lại ấn tượng sâu sắc về vai trò và năng lực dẫn dắt, không chỉ giữ vững đà hợp tác khu vực trong bối cảnh đầy khó khăn của dịch bệnh COVID-19 mà còn tạo niềm tin và động lực cho ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.
Tuyên bố Hà Nội năm 2020 về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 là khởi nguồn cho các khuôn khổ chiến lược đến năm 2045 mà ASEAN sẽ thông qua trong năm nay.
Cuối cùng, không thể không nói đến sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ngành để bảo đảm các chiến lược của ASEAN được triển khai hiệu quả và chất lượng. Hợp tác ASEAN là bức tranh 3D “động”, gồm nhiều mảnh ghép bồi đắp theo thời gian, rộng hơn, sâu hơn và cao hơn.
Sắp tới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, chúng ta sẽ có dịp nhìn lại các dấu ấn này qua những câu chuyện kể bằng tranh, ảnh cùng nhiều tư liệu quý khác tại Triển lãm Hành trình 30 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Tôi tin rằng, cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta sẽ tiếp nối hành trình tham gia ASEAN bằng nhiều đóng góp ấn tượng và sâu sắc hơn.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu các nước ASEAN tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ nhất tại Hà Nội, ngày 23/4/2024. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hành trình của ASEAN trong gần 60 năm qua minh chứng “sức sống mãnh liệt” của một Hiệp hội đoàn kết và vững mạnh. Trong một thế giới phân mảnh và khó đoán định, ASEAN đứng trước những cơ hội và thách thức gì? “Chìa khóa” ASEAN nắm giữ có đủ sức hóa giải những “cơn sóng” có thể ập đến bất cứ lúc nào, thưa Đại sứ?
Sứ mệnh của ASEAN ngay từ ngày đầu thành lập là duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng chung ở khu vực. Sự biến động và thăng trầm mỗi giai đoạn đặt ra cho ASEAN yêu cầu tìm kiếm những phương thức hợp tác hữu hiệu để thích ứng và phát triển.
Chính điều này đã làm nên sức sống của ASEAN, đoàn kết vượt qua nghịch cảnh, tự cường trong mọi biến động và vươn tầm bứt phá vì phát triển bao trùm và bền vững. Đó cũng chính là những từ khóa mà Việt Nam gửi gắm qua chủ đề của Diễn đàn Tương lai ASEAN năm nay.
Chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường và bao trùm trong thế giới biến động” phản ánh các giá trị cốt lõi mà ASEAN và các nước thành viên luôn trân trọng và gìn giữ. Hơn lúc nào hết, ASEAN cần phát huy trọn vẹn các giá trị này để giữ vững thành quả, tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công. Đoàn kết cần được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà cả hành động. Khó khăn đến rồi đi, nhưng điều đọng lại sau tất cả là tình đoàn kết, tương thân tương ái, đồng hành, tương trợ giữa các thành viên trong một gia đình.
Tự cường thể hiện năng lực và khả năng của ASEAN thích ứng với biến động của thời cuộc. Thời gian qua, “tự cường” xuất hiện ngày càng nhiều trong các chủ đề, chiến lược hợp tác của ASEAN, đặc biệt là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, cho thấy quan tâm và quyết tâm chung của các nước thúc đẩy xuyên suốt nội hàm này trong định hướng phát triển của ASEAN trong tương lai.
Bao trùm được ASEAN tiếp cận sớm và ghi nhận trong Hiến chương ASEAN theo hướng xây dựng một Cộng đồng dung nạp với sự tham gia và đóng góp rộng rãi của người dân. Với diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, chúng ta có thể mở rộng khái niệm này ở những phương diện khác. Đó là cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với ASEAN ở vị trí trung tâm; hợp tác hài hòa, bao trùm tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt với sự tham gia, đóng góp, xây dựng, trách nhiệm của tất cả các đối tác…
Có thể nói, chủ đề của Diễn đàn Tương lai ASEAN năm nay mang ý nghĩa thời sự. Tôi tin rằng, tiếp nối thành công năm 2024, Diễn đàn năm nay sẽ mang lại nhiều ý tưởng và sáng kiến mới, đặc biệt về phát huy các giá trị đã làm nên thành công của ASEAN trong gần sáu thập kỷ qua.
![]() |
Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao). |
ASEAN sắp hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, và hướng tới tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2045. Theo Đại sứ, việc ASEAN luôn tỉ mỉ, bài bản trong lộ trình hướng tới tương lai có ý nghĩa như thế nào với từng thành viên Hiệp hội và sự phát triển chung của Cộng đồng?
Với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, quá trình xây dựng đã được khởi động từ cách đây năm năm. Xuyên suốt quá trình đó, các nước ASEAN đã tham vấn rộng rãi, lắng nghe đề xuất, quan tâm của nhiều nhóm, giới để bảo đảm Tầm nhìn 2045 đáp ứng tốt nhất lợi ích, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và địa phương.
Khởi đầu tốt là một nửa thành công. Do đó, theo tôi, Tầm nhìn 2045 cũng như các lộ trình trước đây đều có những ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN và các nước thành viên ở những khía cạnh sau:
Một là, với lộ trình cụ thể và chi tiết, chúng ta đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và đủ tự tin cho hành trình phía trước. Các công tác chuẩn bị đang được xúc tiến cả ở cấp quốc gia và khu vực.
Hai là, nâng cao khả năng ứng phó chủ động và ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Một điểm mới của Tầm nhìn ASEAN 2045 là xác định cụ thể các đại xu hướng và những cơ hội, thách thức đặt ra cho ASEAN và các nước thành viên.
Sự chủ động và linh hoạt này sẽ giúp ASEAN và các nước tối ưu hóa tiềm năng hợp tác, gắn kết hài hòa quan tâm và ưu tiên của các nước với khuôn khổ hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Trong vài thập kỷ tới, các thách thức sẽ ngày càng đa dạng và phức tạp, do vậy, sự chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ giúp giảm thiểu tác động ở mức thấp nhất, và bảo đảm khả năng phục hồi và tái thiết ở mức nhanh nhất.
Ba là, kiến tạo cơ hội bứt phá mới cho tương lai. Tầm nhìn ASEAN 2045 đã đặt ra kỳ vọng về một ASEAN phát triển mạnh mẽ, là tâm điểm của tăng trưởng kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các khuôn khổ hợp tác mà ASEAN xây dựng là minh chứng rõ nét về sự chủ động của ASEAN trong việc nắm bắt cơ hội và đón đầu tương lai. Chúng ta kỳ vọng và lạc quan về tương lai một ASEAN vươn tầm mạnh mẽ.
Việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 sẽ là dòng chảy chính trong hợp tác khu vực. Là một diễn đàn của ASEAN và dành cho ASEAN, tôi tin rằng, Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ tiếp tục mang lại những luồng gió mới và ý tưởng mới cho hợp tác và liên kết khu vực, góp phần thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng về một Cộng đồng ASEAN “tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.
Nhóm vũ trang Hezbollah tổ chức lễ tang cho Nasrallah và Safieddine, hai cựu thủ lĩnh bị hạ sát năm ngoái, với sự tham dự của hàng trăm nghìn người.
Hai đứa trẻ Campuchia đã thiệt mạng khi một quả lựu đạn chống tăng phát nổ gần nhà của các em tại tỉnh Siem Reap.
Nga nói thành công của đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine phụ thuộc vào việc nâng cao mức độ tin cậy giữa Moscow và Washington, châu Âu bàn khả năng triển khai quân đội tới Kiev và tăng chi tiêu quốc phòng, Ấn Độ-Qatar tăng cường quan hệ thương mại… là nội dung ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, Reuters, The Guardian… tổng hợp.
Tuyết rơi dày, bão tuyết hoành hành khắp 18 tỉnh Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn tuyến đường bị phong tỏa, làm gián đoạn cuộc sống của người dân.
Hôm nay, ngày 24/2 - đánh dấu tròn 3 năm kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng và tài sản, đồng thời làm thay đổi cục diện chính trị toàn cầu.
Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Đức, diễn ra ngày 23/2.
Quan chức Mỹ cho biết tiêm kích nước này lần đầu bị lực lượng Houthi ở Yemen nhắm bắn bằng tên lửa phòng không, nhưng quả đạn không trúng đích
ASEAN không chọn bên. Mỹ được chào đón ở mọi “ngóc ngách” của ASEAN. Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản cũng vậy. Sự đa dạng hóa tạo cho chúng ta không gian để xoay xở.
Không quân Italy điều biên đội tiêm kích hộ tống chuyến bay của American Airlines hạ cánh xuống Rome, sau khi phi cơ bị dọa đánh bom.