Di tích cấp Quốc gia Nguyễn Bật Lãng ở thôn Hoa Lâm xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh được xếp hạng theo Quyết định 451/QĐ/BVHTTDL, ngày 29.1.2019. Nơi đây đang lưu giữ nhiều di sản hiện vật cổ quý giá như áo, mão cân đai, bát đũa ăn cơm mà sinh thời vị tiến sĩ sử dụng. Ngoài ra còn có hòm sắc, đồ thờ tự, đặc biệt quả chuông đồng. Từ thành phố Hà Tĩnh, đi theo đường biển đến Di tích Quốc gia tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng khoảng 32km, từ thành phố Vinh đến di tích khoảng 20km, sân bay Vinh đến là 30km.
Nhiều nơi thờ Nguyễn Bật Lãng
Ở Hà Tĩnh có nhiều điểm thờ Nguyễn Bật Lãng. Theo sách “Nghi Xuân địa chí” của nhà nho Lê Văn Diễn, viết năm 1842 đời vua Thiệu Trị, Nguyễn Bật Lãng, người xã Cương Gián, đỗ đệ nhất giám tiến sĩ chế khoa (thám hoa) khoa Đinh Sửu (1577) đời Gia Thái, Lê Thế Tông, làm quan đến chức Tự khanh. Nguyễn Bật Lãng là tổ xa đời của tiến sĩ Nguyễn Hành và Hạnh Am Nguyễn Thiếp, ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn (Kim Lộc - Can Lộc)”.
Nguyễn Bật Lãng sinh năm 1546, (không rõ năm mất) cháu huyền tôn của Nguyễn Lưu, một công thần đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Hiện nay, ở địa phương Hà Tĩnh có đến 4 điểm di tích tiến sĩ Nguyễn Bật Lạng, trong đó 1 di tích Quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh: “Mặc dù hiện nay ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có 3 điểm thờ tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng ở xã Cương Gián, xã Xuân Liên và xã Xuân Yên. Tuy nhiên trang Đô Uyên thuộc xã Xuân Yên ngày nay tôn sùng Nguyễn Bật Lãng làm thần Thành hoàng bảo quốc hộ dân” (Danh nhân Hà Tĩnh. tr 193).
Ở huyện Nghi Xuân, có 1 Di tích cấp Quốc gia ở xã Xuân Liên và 2 di tích cấp tỉnh xếp hạng xã Cương Gián (quê hương sinh quán), xã Xuân Yên là nơi di cư đến học tập, thi đỗ. Điểm thứ 4, di tích Nguyễn Bật Lãng ở xã Song Kim Trường huyện Can Lộc, là di tích cuối đời Nguyễn Bật Lãng về nghỉ ngơi, dưỡng già và mất ở đó.
Theo sách “Danh Nhân Hà Tĩnh” chép chuyện lưu truyền trong dân gian, sau kỳ thi chế khoa năm Ất Sửu (năm 1565) ông Nguyễn đem gia đình về trang Đô Uyên để dùi mài kinh sử chờ thời cơ thi thố tài năng. Năm 1577 (Đinh Sửu) niên hiệu Gia Thái, đời Lê Thế Tông nhà Lê tổ chức chế khoa thứ 2 để chọn nhân tài, Nguyễn Bật Lãng đã 31 tuổi, ghi tên tham dự và thi đỗ chế khoa.
Hiện nay di tích Nguyễn Bật Lãng ở xã Xuân Yên đang bảo tồn tờ trình chữ Hán đề ngày 20.9, niên hiệu Thành Thái thứ 13, do chức sắc, hào lý, binh dân trang Đô Uyên, tổng Đan Hải, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh gửi triều đình nhà Nguyễn xin cấp sắc phong thần cho tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng. Di tích Nguyễn Bật Lãng ở xã Xuân Yên đang lưu giữ bảo tồn 2 lá cờ tiến sĩ “vinh quy bái tổ” thêu bằng gấm ngũ sắc, hình chữ nhật có rua trang trí, thêu chữ Hán; Lá cờ 1 thêu chữ: “Đinh Sửu chế khoa”, lá cờ 2 thêu chữ: “Đệ nhất giáp, đệ nhị danh Tiến sĩ xuất thân”. Chữ thêu bằng chỉ tơ xanh. Di tích còn lưu giữ 1 chiếc áo gấm, tương truyền do vua ban thưởng cho tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng khi “vinh quy bái tổ”. Áo được may bằng gấm, sợi vải dệt thô, vạt áo trước và vạt áo sau có thêu khung hình vuông bồ tứ.
Giữa bồ tứ được thêu hình tượng con rồng màu xanh, xung quanh con rồng được tranh trí mây, lửa tinh xảo. Nơi đây đang bảo tồn 3 đạo sắc phong thần cho tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng. Đạo sắc 1 đề ngày 12.9 niên hiệu Thành Thái thứ 6 tức năm 1895. Đạo sắc phong thứ 2 đề ngày 18.3 năm Khải Định thứ 2, tức năm 1916. Đạo sắc thứ 3 có niên đại ghi ngày 25.7 năm Khải Định thứ 9, nhân dịp vua mừng thọ 40 tuổi.
Di sản văn bia nhà từ vũ
Bia từ vũ dựng tại nhà thờ họ Nguyễn ở làng Mật, xã Song Kim Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bia 1 mặt, khổ 105 x 53cm, 16 dòng. Bia ghi chép lý lịch, công trạng của Hổ bôn vệ Phó Quản lãnh Nguyễn Dữ, cháu huyền tôn của tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng, tức ông nội của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp.
Về nguồn cội, gốc gác họ Nguyễn Bật, văn bia nhà từ vũ ghi: “Tổ tiên ở làng Cương Gián huyện Nghi Xuân. Tổ sáu đời là Nguyễn Bật Lãng, đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Thái thường tự Tự khanh, sau dời nhà đến sống ở ấp Mật làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn” (Văn bia Hà Tĩnh tr 65). Văn bia có chép cháu huyền tôn của tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng là Nguyễn Dữ, còn có tên Nguyễn Bật Xuân: "Thường bỏ tiền của gia tư ra giúp việc quân binh. Vào niên hiệu Chính Hoà (1680 - 1705) được trao chức Chưởng vệ quân”. Sau khi ông Nguyễn Bật Xuân mất, bà vợ sống độc thân nuôi dạy con cái. Bà Xuân dạy con trai chăm chỉ lo sách đèn học hành. Rèn cặp gái chăm chỉ việc thêu thùa xa cửi. Trong làng gặp việc gì khó khăn, nguy cấp, bà Xuân thường đưa tiền dành dụm ra giúp đỡ. Văn bia ghi lại: “Bà thường dạy con cái rằng: Trữ của nhiều không lo bố thí, người xưa đã không làm thế. Nhà ta của cải không thiếu, sao chẳng cho bớt đi để thỏa chí của ta. Bà liền lấy 21 mẫu, 9 sào ruộng chia cho 3 ấp là Mật, Nguyệt và Nguyễn Xá để làm nghĩa điền. Lại cho 712 quan tiền kẽm để trợ giúp xóm làng lúc khó khăn và khoản đãi cho vui vẻ” (Văn bia Hà Tĩnh tr 66).
Con trai út của ông Nguyễn Bật Xuân, quan Đông các Hiệu thư Nguyễn Đình, chú ruột của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, bạn đồng môn với Nguyễn Nghiễm làm bài tựa để ghi lại đôi điều về dòng họ Nguyễn. khắc lên bia đá. Văn bia lập vào ngày 16, tháng mùa Thu, năm Bính Dần, hiệu Cảnh Hưng (1746). Những người tham gia lập bia gồm: Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm, Xuân Lĩnh hầu quê Nghi Xuân soạn văn bia, tiến sĩ Nguyễn Đình viết chữ, thợ đá Hà Thiên người làng Tiên Điền khắc bia.
Lời dạy hậu thế
Sinh thời tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng có công lớn với người dân làng Đô Uyên, xã Xuân Yên, được nhân dân tôn làm Thành hoàng. Các sắc phong thần cho Nguyễn Bật Lãng đều thống nhất: Sắc phong cho Đệ nhất giáp đệ nhị danh tiến sĩ xuất thân triều Lê, tước Chân Lộc nam Nguyễn tướng công, Bật Lãng, tôn làm thần giao cho dân trang Đô Uyên, Cam Lâm... thờ cúng, bốn mùa tế lễ.
“Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng là người tận tâm với công việc, rất mực trung thành với triều đình, được vua Lê Thế Tông, chúa Trịnh Tùng trọng dụng và đánh giá là một con người văn võ song toàn. Sau khi ông mất triều đình đã ban cấp tiền bạc để lo việc an táng, nhân dân nhớ ơn xây dựng đền tôn thờ ông làm Thành hoàng” (tr 198). Ông được triều đình nhà Lê phong tặng chức Thị lang, tước Bá. Các đời vua Lê vua Nguyễn đều sắc phong ông làm trung đẳng thần, thượng đẳng thần, giao cho trang Cam Lâm, Đô Uyên, Cương Gián, Nguyệt Ao thờ cúng theo lễ nghi quốc gia.
Tại Di tích cấp Quốc gia nhà thờ Nguyễn Bật Lãng ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lưu giữ, bảo tồn di huấn của tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng. Bản di huấn đã phiên dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ và được treo trang trọng tại hạ điện di tích.
Nội dung lời dạy hậu thế như sau: “Nếu không có tài thì chăm việc ruộng vườn để đủ ăn mặc. Nếu văn tự khá thông minh thì ứng thí để khỏi đi lính, đi phu cốt là may khỏi thẹn với tiếng con cháu nhà quan thanh bạch mà thôi. Nếu tham phú quý a phụ kẻ quyền gian để mang tiếng hậu thế chê bai thì không phải nòi ta vậy”.
Lời dạy của danh nhân Nguyễn Bật Lãng, tương truyền con cháu từ đời này sang đời khác lưu giữ, bảo tồn và thực hiện nghiêm túc. Hậu thế không những bảo tồn tốt di huấn một di sản phi vật thể, mà còn từ nhiều đời nay gìn giữ một số di sản vật thể quý giá. Lời di huấn đến nay còn nguyên giá trị áp dụng trong cộng đồng làng xã.
Tại Di tích cấp Quốc gia nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng lưu giữ, bảo tồn di sản áo, mão, cân đai, khan đóng, bát sứ đũa trúc, đồ dùng sinh hoạt của vị tiến sĩ lúc sinh thời. Số đồ dùng sinh hoạt này được giặtt sạch, xếp ngăn nắp trong tủ kính. Ở di tích có 1 quả chuông khá lớn và nhiều võng lọng, đòn khiêng chạm khắc rồng phượng và nhiều đồ tế khí trang trọng và tôn nghiêm.
Di tích cấp Quốc gia nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng ở xã Xuân Liên, một địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách mọi miền. Đến đây bạn có thể đọc và nghiền ngẫm “lời hay ý đẹp” trong di huấn của tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng khuyên bảo, dạy dỗ hậu thế nên làm người đức hiền, thanh sạch không vẩn đục. Đến đây, bạn có thể tham quan, nghiên cứu Di tích cấp Quốc gia lễ hội cầu ngư ở làng biển Cam Lâm, Di sản văn hóa phi vật thể ở vùng biển Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
TP - Giàng A Dê, sinh năm 1989, người Mông đã dám dấn thân khởi nghiệp làm du lịch từ hai bàn tay trắng. Nhưng sau 6 năm, anh trở thành người có ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch ở thiên đường ruộng bậc thang, giúp nhiều thanh niên Mù Cang Chải khởi nghiệp thành công.
Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai đã tôn vinh nét đẹp về mối quan hệ nhân văn giữa con người với con người, đặc biệt là ca ngợi tình yêu đôi lứa chân thành, trong sáng.
111 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam các huyện, thành phố tại tỉnh Kon Tum vừa tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Chiều 9-6, tại Đường sách TP.HCM, họa sĩ Eddy Coubeaux có buổi giao lưu với các em thiếu nhi Việt Nam. Tại đây, ông hướng dẫn và khuyến khích các bạn phát triển EQ và phát huy trí tưởng tượng của mình thông qua việc vẽ tranh.
Số hồ sơ ứng tuyển vào tập đoàn xây dựng Booyoung tăng 5 lần, bởi chính sách tặng 100 triệu won (1,8 tỷ đồng) tiền thai sản cho nhân viên.
Bốn cần câu mắc mồi sẵn như một lời mời chào đến đàn tôm hùm đất và thế là chúng lần lượt tự chui đầu vào rọ.
Trước anh linh Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng 300 đoàn viên, thanh niên đã thành kính dâng hoa, dâng hương, thắp nến tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.
Dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối đúng đắn của Đảng thời kỳ đổi mới, nền văn học-nghệ thuật của nước ta có nhiều khởi sắc.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tình hình bệnh hô hấp đang diễn biến phức tạp cùng cảnh báo của WHO về một dịch bệnh nguy hiểm gấp 20 lần COVID-19, các địa phương phải tăng cường nâng chất hệ thống y tế cơ sở.