Sau 17 tiếng, Ý Nguyện và Hoàng Nhi đã hoàn thành chuyến đi bộ 70 km về đến nhà ở Long Khánh, Đồng Nai ăn Tết, hôm 24/1.
''Chị em tôi muốn hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm mới 2025: sống bứt phá, dám trải nghiệm, chấp nhận khó khăn để vượt qua mọi giới hạn'', Đỗ Ý Nguyện, 28 tuổi nói.
Nhiều lần đi xe khách, vừa chật chội, tù túng lại tắc đường dịp cuối năm, chị em cô cũng muốn có trải nghiệm mới mẻ hơn.
Trước khi thực hiện thử thách, hai chị em tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về các chuyến đi bộ. Họ đóng gói đồ đạc vào vali, gửi xe khách về quê trước. Hai chị em chỉ mang mỗi người một bộ quần áo, một đôi tất, muối điện giải, thuốc chống chuột rút, điện thoại và cục sạc dự phòng.
Từng tham gia giải chạy 10 km trước đó một tháng, chị em Nguyện cũng thành thạo các bài tập về giãn cơ nên an tâm với hành trình sắp tới.
Tuy nhiên, thực tế không giống những gì họ tưởng tượng.
7h ngày 23/1, hai chị em xuất phát từ quận Bình Thạnh, TP HCM. Họ vừa đi vừa xem bản đồ trên điện thoại, nhưng có lúc lơ đễnh đi lạc vài km. "Hai chị em đi kiểu gì tới trưa vẫn chưa ra khỏi Sài Gòn'', Nhi, 23 tuổi, kể.
Sau 10 tiếng đi bộ, hai cô gái trẻ vẫn lang thang ở Biên Hòa, Đồng Nai, trong bóng tối dày đặc. Đường nhiều xe lớn nhưng hai bên không có nhà dân. Lúc này, họ bị vài tài xế đường dài dừng lại trêu chọc nên vừa run, vừa lo. Hai chị em nắm chặt tay nhau, đi như chạy để tránh, dù hai chân đau nhức, rã rời.
"Nỗi sợ lúc này lớn hơn cơn đau chân. Chỉ mong sớm nhìn thấy mặt trời'', cô em gái kể. Thấy nguy hiểm khi di chuyển trong đêm, hai chị em quyết định thuê nhà nghỉ, đợi đến sáng mới đi tiếp. ''Ngày đầu tiên khép lại, kiệt sức, không bữa tối, nhưng cũng tự hào vì đi được 40 km'', Nhi kể.
Sáng hôm sau, chân của cả hai người đều tê cứng như cây gỗ khô, bất động. Nhi thoáng ý định bắt xe ôm 10 km để đi ăn sáng. Ý Nguyện cũng bảo với em ''Hay mình bắt xe về''. Nghe chị nói vậy, bản tính lì lợm trỗi dậy, Nhi gạt đi, bảo ''không bắt xe gì hết, đi bộ!''.
Ngày hôm đó, hai chị em tự tranh đấu với chính mình. Họ bước đi mà không dám nhìn thẳng về phía trước. Hàng chục xe khách, xe buýt, xe ôm mời "như thức ăn kề sẵn miệng người đói", nhưng Nhi và Nguyện đều từ chối.
''Mỗi km dài như vô tận'', Nhi kể.
Đau chân quá, hai chị em chạy. Mệt quá thì dừng uống nước. Họ đi lên cỏ khô để đỡ rát chân, cố gắng bám sát đường vì lo mệt quá sẽ chệch choạc. Cứ mỗi 2 km, hai người dừng lại uống nước, tập giãn cơ. Họ truyền động lực cho nhau bằng cách vừa đi vừa hát, nói chuyện và tưởng tượng đến cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi hoàn thành mục tiêu đề ra.
Sau 17 tiếng, tối 24/1, hai em Nhi đặt chân đến Long Khánh. ''Chẳng từ nào tả được niềm vui này. Chị em tôi tưởng không thể làm được điều điên rồ này'', Nhi kể.
Xuất hiện tại nhà khi đôi chân đã rã rời, Nhi và Nguyện kể với bố mẹ về hành trình đi bộ về quê. ''Nhưng ba mẹ không tin, bảo 'bây làm như nói chuyện với con nít ba tuổi'', Nguyện nói.
Đến khi con gái đưa video ghi lại hành trình cho ba mẹ, bà Hoàng Thị Thúy Linh, 50 tuổi, mới hoảng hốt. ''Ban đầu tui mắng con, Tết nhất không về sớm mà còn đi bộ, nhưng sau thì tự hào khi con mình mạnh mẽ và bình an'', bà nói.
Kết thúc hành trình, hai con bà Linh làm một video về trải nghiệm của mình trên mạng xã hội, để chia sẻ kinh nghiệm những ai muốn đi bộ đường dài.
Họ nhận thấy muốn đi bộ về quê cần chuẩn bị kỹ về sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm đi bộ và kỹ năng xử lý tình huống. Từ kinh nghiệm bản thân, Nguyện nhận thấy nên đi theo đoàn hoặc một nhóm để trải nghiệm thú vị, an toàn và đáng nhớ.
''Tôi cũng nhận ra từng bước nhỏ sẽ tạo nên hành trình dài. Chỉ cần nỗ lực từng chút một, chắc chắn sẽ làm được mọi thứ'', Nguyện đúc rút.
Dù đôi chân mệt nhoài, nhưng sáng hôm sau, mẹ Nhi và Nguyện đã cùng hai con gái đến trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai để tạ ơn vì được bình an và cầu mong điều tốt đẹp cho năm mới.
Phạm Nga
Cả tuần nay Khánh Ngọc vờ đi tập tễnh đến cơ quan, liên tục kêu chân đau nhức để không phải tập văn nghệ chuẩn bị cho buổi tiệc cuối năm.
Mẹ không sinh được con trai nhưng hiện tại ngoài không có con trai ra, mẹ không thiếu thứ gì.
Chị Văn Thị Dung vừa xúc xẻng cát cuối cùng đổ vào bao, chồng vội buộc túm miệng , ghé vai vác chạy hòa vào hàng trăm người hộ đê dưới chân cầu Bến Tượng, 19h ngày 9/9.
Khoảng 1.500 nhân viên y tế, người dân được bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 dạy sơ cấp cứu, hồi sinh tim phổi cơ bản và nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA).
Những ngày qua, nhiều nhà khoa học, nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành có thời gian dài nghiên cứu về di sản đã đưa ra ý kiến tranh luận...
Suốt 6 năm qua, Trần Thiên Minh đã tự mình cải tạo ngôi nhà gỗ, mái ngói đã tồn tại ba thế hệ thành một tòa nhà cao 10 tầng, thu hút đông người đến tham quan, chụp ảnh.
Trong lễ cưới, khi chú rể đang trèo lên ghế nhảy nhót cùng bạn thì tai nạn hi hữu xảy ra, vùng kín của chú rể đập mạnh vào thành ghế, phải nhập viện cấp cứu.
Tôi từng có gia đình mà nhìn vào bao người mơ ước, hai cô con gái chăm ngoan nhưng mất tất cả cũng vì lý do không thể ngờ tới.
Cứ 4 giờ chiều, một nhóm các phụ nữ trung niên mặc áo vest đỏ lại có mặt bên ngoài cổng một ngôi trường tiểu học ở khu dân cư Thanh Quyền, TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.