3h sáng, cụ ông 78 tuổi lên cơn ho, chị Triệu Thị Lam phải ngồi dậy lần nữa phối hợp với điều dưỡng nghiêng người bệnh để vỗ long đờm.
Đây là lần thứ 11 trong đêm chị Lam thức dậy tại phòng Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Lam, 40 tuổi, là người chăm sóc được gia đình bệnh nhân thuê thông qua dịch vụ tại bệnh viện. Với tình trạng bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn như cụ ông trên, người nhà đang chi trả tiền công cho chị Lam 650.000 đồng/ngày.
Cụ ông ở Long Biên, bị di chứng tai biến nặng, phụ thuộc hoàn toàn, phải ăn qua sonde, mở khí quản, viêm phổi. Buổi tối, Lam nằm chợp mắt ngay chân giường phòng bệnh nhưng chỉ được khoảng 15-20 phút là ông cựa mình, ho hắng. Như thường lệ, mỗi lần bệnh nhân ho, chị lại bật dậy lau miệng, xoa lưng cho ông và phối hợp với điều dưỡng vỗ rung, hút đờm từ ống thông, rồi lại xoa bóp.
"Như đêm nay, tôi gần như thức trắng", Lam nói.
Những bệnh nhân bị di chứng tai biến nặng phải mở khí quản, hút đờm là cách hiệu quả để thông thoáng đường thở, nếu không sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ ứ đọng, sặc đờm. Tuy nhiên, bệnh nhân nằm bất động, việc lật trở cần hai người, Lam phải phối hợp với điều dưỡng, nghiêng người bệnh, vỗ đờm, hút dịch. Cùng đó, chị luôn phải chú ý quan sát sắc mặt, cử chỉ bệnh nhân, nếu sức khỏe có chuyển biến xấu báo ngay với bác sĩ, điều dưỡng.
Thức đêm trông người bệnh, ban ngày, Lam vẫn phải đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm các công việc khác như vệ sinh cá nhân, thay bỉm, lật trở, lau người, xoa bóp.
Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu dân số, gia đình vào năm 2021, Việt Nam có hơn 4,3 triệu người cao tuổi sống một mình hoặc ở cùng người dưới 15 tuổi cần được hỗ trợ chăm sóc. Tuổi thọ của người Việt tăng, song chất lượng sống người già còn thấp do bệnh tật. Tuổi thọ bình quân trên 73, nam giới có 8 năm sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm. Trung bình, cứ một người cao tuổi Việt Nam mắc 3-5 bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính phải điều trị kéo dài, thậm chí suốt đời.
Bệnh viện Hữu Nghị một ngày khám gần 1.000 bệnh nhân ngoại trú và điều trị khoảng 800 người bệnh nội trú, trong đó gần 400 bệnh nhân phải phụ thuộc người chăm sóc. Một nửa trong số này được người nhà chăm, nửa còn lại phải nhờ sự hỗ trợ của người khác, bao gồm người giúp việc tại nhà, tự thuê tại bệnh viện.
Lam là một trong khoảng hơn 100 nhân viên chăm sóc bệnh nhân tại viện, được người nhà thuê thông qua mô hình dịch vụ. Chị từng là y sĩ, có chuyên môn y tế, được rèn luyện thêm về kỹ năng chăm sóc, giao tiếp, có trên 5 năm kinh nghiệm. Lam cho rằng giá thành hoàn toàn xứng đáng với sức lao động.
Cũng làm công việc như chị Lam, chị Hòa, 45 tuổi, ở Thanh Hóa, đang chăm bà cụ 80 tuổi tai biến, phụ thuộc hoàn toàn, nói rằng: "Đêm là thời điểm vất vả nhất, thường không ngủ được sâu, nhiều hôm phải thức trắng".
Trước đây, chị túc trực tại bệnh viện cùng bà cụ. Sau đó bà xuất viện về nhà ăn Tết, gia đình nhờ chị Hòa theo về chăm tại nhà. Cụ bà bệnh nặng, gặp di chứng phổi hay ho hắng, chị phải dậy phối hợp hút đờm, vỗ rung, hàng đêm lăn trở, hoặc lúc khát nước, đi vệ sinh đều phải hỗ trợ. Công việc này với những người sức khỏe yếu, thiếu kiên nhẫn thì không thể chịu được.
Hòa còn hỗ trợ về tâm lý, chia sẻ, động viên tinh thần. Chị nhìn nhận nghề này đặc thù phải có sức khỏe bởi thường xuyên thức đêm, chịu khó, tỉ mỉ, không ngại vất vả. Ngoài ra, những ai sợ bẩn, thiếu bao dung thì không thể làm được.
Theo đại diện bệnh viện, trước đây, gia đình có nhu cầu thuê người chăm sóc riêng đều được bệnh viện kiểm soát, xuất trình giấy tờ cá nhân và ký biên bản thỏa thuận. Tuy nhiên, nhìn chung cách này khó quản lý. Nhiều người không nắm rõ tình trạng bệnh nhân, dẫn đến không cung cấp thông tin kịp thời cho bác sĩ. Họ cũng không có kiến thức và kỹ năng về tâm lý, nên thường cáu giận, chăm sóc qua loa, không động viên và bao dung với người ốm, khiến tinh thần bệnh nhân thêm sa sút.
Điều dưỡng chuyên khoa I Trần Thị Liên Phương, phụ trách phòng điều dưỡng bệnh viện Hữu Nghị, cho biết các bệnh nhân già thường mang tính chất mạn tính, mắc đồng thời nhiều loại bệnh, dễ tái đi tái lại, để lại biến chứng, di chứng nặng nề như hạn chế vận động, mất khả năng tự chăm sóc, trí nhớ kém dần. Bệnh nhân dần phụ thuộc một phần hoặc hoàn toàn, vì vậy người nhà gặp rất nhiều khó khăn khi chăm sóc. Một số bệnh thường gặp như tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, suy thận, các bệnh về cơ xương khớp...
Trường hợp chịu di chứng suốt đời như yếu liệt nửa người, người chăm sóc "vô cùng vất vả", "hơn chăm một đứa trẻ". Chưa kể bệnh nhân nằm kéo dài, nguy cơ biến chứng viêm loét, tỳ đè, đòi hỏi người chăm sóc phải có kỹ năng để lật bệnh nhân thường xuyên.
Nhiều trường hợp được yêu cầu có kinh nghiệm phối hợp vỗ rung vật lý trị liệu để long đờm phòng viêm đường hô hấp, xoa bóp vận động các khớp liên tục để chống cứng khớp. Trường hợp phải hỗ trợ máy thở, oxy, người chăm sóc cần có kiến thức và canh chừng hoạt động của máy, thay bình oxy, khí dung khi chăm tại nhà.
Đại diện một đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh cho biết nếu áp lực chăm sóc lớn sẽ có kế hoạch thay đổi người để nhân viên nghỉ ngơi. Vào dịp Tết, giá cao hơn một chút, nhưng được kiểm soát thông qua bệnh viện, tránh tình trạng nâng mức giá quá cao.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận nhu cầu nhân lực chăm sóc người ốm đang có khoảng trống rất lớn. Mặt khác, Việt Nam thiếu các viện dưỡng lão hoặc trung tâm chăm sóc người cao tuổi, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Phần lớn người cao tuổi vẫn dựa vào gia đình để chăm sóc, nhưng con cháu ngày càng ít có khả năng đáp ứng do áp lực kinh tế và thời gian.
Giới chức cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực phát triển hệ thống chăm sóc dài hạn, hỗ trợ tài chính, bảo hiểm y tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc người cao tuổi.
Thúy Quỳnh
Bên cạnh việc nghiêm trị những kẻ hung hăng, chuyên gia cho rằng cần xem xét, lên án một nhóm người chỉ biết đến lợi ích của mình, thiếu văn hóa khi lái xe trên đường.
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng hứa cùng Thường trực Thành ủy sẽ chủ động quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo để những cam kết với đoàn viên thanh niên sớm có kết quả, phúc đáp phần nào tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cho rằng trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn cần quan tâm gắn công tác tuyên truyền với trao đổi, đối thoại, vừa truyền tải trực tiếp những thông tin cần thiết, vừa nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Ngày 14/10, tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, diễn ra lễ khai mạc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 23, năm 2024.
Ngày 27.7, Hội cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt...
Sau khi ăn bánh mì thịt mua tại một cơ sở ở phường Xuân Bình, Long Khánh, nhiều người nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng.
Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024, tại Trung tâm Cấp cứu lớn nhất miền Bắc, hàng chục bệnh nhân được người nhà chuyển đến cấp cứu. Người...
Nhận tin dữ có thể phải cắt bỏ chân vì ung thư xương, Lê Thị Hòa, 28 tuổi, kiên cường điều trị, được bảo tồn chân và sống khỏe sau 4 năm.
Lễ hội Thanh niên Youth Fest sẽ được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM từ ngày 23/3 đến ngày 26/3 với các hoạt động kết nối, giao lưu văn hóa, chia sẻ kiến thức, kỹ năng ở nhiều lĩnh vực nhằm lan tỏa năng lượng tích cực trong giới trẻ TPHCM.