Đề xuất tăng thu nhập cho giáo viên để nâng cao vị thế người thầy là một trong những giải pháp được các chuyên gia đề cập trong tọa đàm “Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường” do Báo Lao Động tổ chức ngày 8.12.
Thu nhập của giáo viên cần được cải thiện
Trao đổi xung quanh sự việc tại Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang), các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm khẳng định, việc học sinh có lời lẽ, hành động xúc phạm giáo viên cho thấy học sinh đã vi phạm nghiêm trọng quy định những điều không được làm trong trường học. Phải chịu trách nhiệm cao nhất trước câu chuyện này là người đứng đầu nhà trường.
Những sự việc đau lòng xảy ra cũng cho thấy tinh thần tôn sư trọng đạo, "tiên học lễ, hậu học văn", vốn là những truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc nhưng đang có dấu hiệu bị sa sút, phai nhạt. Vậy vì sao dẫn đến điều này?
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để giáo dục được học sinh, điều đầu tiên, người thầy phải hiểu và yêu thương học sinh. Đây là những quy chuẩn rất cần thiết. Giáo viên nên tập trung toàn bộ thời gian, công sức vào công việc dạy học. Tuy nhiên, do những tác động bên ngoài đòi hỏi người giáo viên phải chia sẻ và hi sinh bớt đi một phần thời gian của mình để giải quyết những vấn đề đó, nên việc thực hiện trọng trách đúng nghĩa của một người nhà giáo là rất khó khăn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Xã hội học Bế Trung Anh - Đại biểu Quốc hội khoá XV - cũng cho rằng, ngày xưa học trò rất ngưỡng mộ thầy cô. Nhiều người trong chúng ta hồi nhỏ từng có ước mơ trở thành giáo viên vì thần tượng thầy cô của mình. Nhưng hiện nay, thế hệ công dân mới có những mối quan tâm, hệ giá trị khác để soi chiếu.
“Tôi cho rằng, nhìn về góc độ dự báo xã hội, rõ ràng biểu hiện của trò hiện nay, cụ thể như vụ ở Tuyên Quang không phải là câu chuyện đáng ngạc nhiên. Ngày xưa ở thế hệ chúng tôi, cảm thấy rất yêu, kính trọng người thầy. Tấm gương của thầy đối với trò hiện nay đã không như xưa. Điều này đã trở thành câu chuyện chung của toàn xã hội, bao gồm các ngành khác” - PGS.TS Trung Anh nói.
Theo vị chuyên gia, trường học hạnh phúc phải nằm trong một không gian xã hội phù hợp. Nếu người thầy vừa phải dạy học, vừa phải lam lũ kiếm tiền thì trong mắt học trò, người thầy không giống như xưa. Đồng thời, nếu một lúc làm nhiều công việc như vậy người thầy sẽ không thể làm tròn được vai trò của mình, khó để đảm bảo được chuyên môn.
"Bản thân người thầy phải nỗ lực, truyền đạt kiến thức, giao tiếp với học sinh đúng mức. Mặt khác, xã hội cũng phải đặt người thầy vào vị trí xứng đáng, được xã hội tôn trọng" - PGS.TS Xã hội học Bế Trung Anh chia sẻ.
Còn GS Nguyễn Văn Minh đề xuất, thu nhập của giáo viên cần được cải thiện, để bảo đảm cuộc sống.
“Giáo dục là quốc sách và người thực hiện quốc sách cuối cùng đó là thầy cô. Cần có một quốc sách cụ thể, thực tiễn và hiệu quả đối với những người thực hiện quốc sách” - GS Minh nhấn mạnh.
GS Minh cũng cho rằng cần gắn kết giữa 3 trụ cột là nhà trường, gia đình và xã hội. Về phía gia đình, thực tế, bố mẹ luôn nghĩ con mình là một người tài năng, chỉ tập trung vào những mục tiêu cụ thể để đạt được những điều này. Đồng thời, họ còn đòi hỏi ở con một cách thái quá. Từ đây, phụ huynh đã vô tình chi phối và yêu cầu nhà trường, thầy cô phải phải ứng xử với con như cách mình ứng xử.
“Trong trường học không thầy cô nào mong muốn học sinh mình không ngoan. Nhưng trên thực tế, tình trạng học sinh không ngoan vẫn đang xảy ra tại nhiều trường học. Điều này cho thấy, 3 trụ cột trên chưa gắn kết chặt chẽ với nhau và chưa đi đúng thực tiễn.
Nếu không có thầy giỏi thì tương lai con em chúng ta như thế nào? Đây là một câu hỏi đặt ra trọng trách đối với nhiều bên. Để làm được những điều này chúng ta phải có điều kiện. Đảng và Nhà nước sẽ có những quyết sách đối với ngành giáo dục và thầy cô. Những người thực thi quốc sách là những người có trách nhiệm đối với công dân. Bất kỳ một đất nước nào nếu không tập trung vào phát triển giáo dục sẽ đi sau thời đại” - GS.TS Nguyễn Văn Minh nói thêm.
Cần có Luật Nhà giáo để nâng cao vị thế người thầy
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho rằng, xã hội hiện nay đang đón một thế hệ công dân chưa xuất hiện bao giờ, đón một thế hệ phụ huynh có quan điểm rất khác, trong môi trường giáo dục không giống như giáo dục truyền thống. Vì thế, rất mong các thầy cô tự hoàn thiện bản thân để có thể thích ứng.
Ngoài ra, để nâng cao vị thế người thầy trong xã hội hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng Luật Nhà giáo để hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước, đó là giáo dục là quốc sách hàng đầu, vị thế của giáo viên được nâng cao.
"Rất mong các cấp lãnh đạo và toàn xã hội ủng hộ việc ban hành Luật Nhà giáo, để xây dựng nền tảng cho một thế hệ chuẩn mực trong xã hội, để có thể giải quyết được những vấn đề chúng ta đang vướng trong hành lang pháp lý hiện nay, góp phần nâng cao vị thế của người thầy" - TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.