Loạt tỉnh thành và các bộ ngành cùng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh, trong đó mức cao nhất được kiến nghị lên tới 18 triệu đồng một tháng.
Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp..., số còn lại là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Nhưng mức giảm trừ này đang được coi là bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng một tháng, với người phụ thuộc ở mức 8 triệu đồng một tháng.
Mức giảm trừ với người nộp thuế áp dụng từ năm 2013 là 9 triệu đồng một tháng, còn với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng. Tại thời điểm đó, theo tỉnh Hà Tĩnh, lương cơ sở là 1,15 triệu đồng nhưng nay đã tăng 2,03 lần, lên 2,34 triệu đồng trong khi mức giảm trừ mới tăng 22,2%, từ 9 lên 11 triệu hiện hành. Do đó, cần phải nâng để phù hợp với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở.
Tương tự, một bộ ngành, địa phương khác cũng kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh nhưng ở mức thấp hơn. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng đề nghị tăng lên 17,3 triệu đồng cho người nộp thuế và 6,9 triệu đồng cho người phụ thuộc. Bộ này lý giải cho biết năm 2020 - thời điểm ban hành mức giảm trừ hiện tại - mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng một tháng. Sau 5 năm, giảm trừ gia cảnh giữ nguyên trong khi lương cơ sở là 2,34 triệu đồng, tăng hơn 57%.
Còn tỉnh Sơn La đề xuất tăng lên 16 triệu đồng với người nộp thuế, 5 triệu đồng với người phụ thuộc. Tỉnh Ninh Thuận đề nghị lần lượt 14 triệu đồng và 6 triệu đồng.
Nhiều địa phương, bộ ngành kiến nghị bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người. Các khoản hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân, hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo cũng được đề xuất đưa vào giảm trừ.
Tỉnh Bắc Giang còn cho rằng việc áp dụng mức giảm trừ phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn từng vùng, miền trong cả nước thay vì cào bằng một mức như hiện nay. Cùng quan điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xây dựng mức giảm trừ phù hợp với chính sách tiền lương tối thiểu theo 4 vùng của Chính phủ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi biểu thuế lũy tiến. Theo tỉnh Ninh Thuận, biểu thuế này cần thiết kế với mức tăng dần hợp lý, tránh gánh nặng cho người thu nhập trung bình khá, bảo đảm người thu nhập cao đóng góp công bằng. "Biểu thuế cần bổ sung khoảng trung gian nhiều hơn, mức giảm trừ chênh lệch giữa các bậc thuế để tạo sự hợp lý, tránh hiện tượng nhảy bậc bất công", tỉnh này đề xuất.
Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế xã hội với các chính sách giảm trừ gia cảnh, giảm trừ với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.
Phản hồi, Bộ Tài chính cho biết dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân đã tính tới nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Việc này nhằm phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, kinh tế vĩ mô những năm gần đây, góp phần giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Cùng đó, nhà điều hành cũng đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác như chi phí y tế, giáo dục. Họ cũng cho biết Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 bậc hiện hành xuống mức phù hợp. Cùng với đó, cơ quan quản lý có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc. Việc này nhằm đảm bảo điều tiết vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao, tạo thuận lợi trong kê khai, nộp thuế.
Song theo cơ quan soạn thảo, đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung làm rõ những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Nội dung chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được họ nghiên cứu, đề xuất khi luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, thông qua vào tháng 5/2026.
Phương Dung
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 6, lượng nam châm đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ tăng 7 lần so với tháng 5.
Trước tình trạng nhiều hộ dân tự ý chiếm dụng đất công để xây dựng, kinh doanh trái phép, chính quyền địa phương ở tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng...
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) ước đạt lợi nhuận sau thuế hơn 462 tỷ đồng, cao gấp 76 lần so với cùng kỳ sau nửa đầu năm.
Giám đốc cơ quan xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu ý tưởng hỗ trợ 3.300 xã phường cả nước bán nông sản online.
“Chảo lửa” khu Thiên Hà - Vinhomes Golden City chính thức bùng nổ trong 2 ngày 12 - 13.7 với sự kiện ráp căn hút hàng trăm nhà đầu tư....
Tại phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo đồng thuận thông qua Cam kết Seville nhằm thiết lập một khuôn khổ toàn diện để xử lý các thách thức tài chính hiện nay, nhất là huy động 4.000 tỷ USD cho các SDG.
Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp là tài liệu để các địa phương tham khảo trong quá trình quản lý đất đai.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 42001 dành riêng cho hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm đã được giới thiệu và phân tích chuyên sâu tại sự kiện “Bức Tường An Ninh Số – Tiêu chuẩn vận hành trung tâm dữ liệu hiện đại” do Go Solutions và LightJSC phối hợp tổ chức ngày 3/7 tại Hà Nội.
Rộn ràng mùa du lịch hè, Vietjet khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Tây An (Trung Quốc), thêm lựa chọn mới cho hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực và kiến trúc độc đáo của hai thành phố có bản sắc văn hóa, lịch sử đặc biệt của hai nước. Đường bay Hà Nội-Tây An khai trương trong sự chào đón và chúc mừng của người dân, du khách tại hai địa phương.