Trong nhà bà Ann Mawe ở Hà Nội có treo ảnh tượng bán thân Thủ tướng Olof Palme ở Bệnh viện Nhi trung ương và trang báo đăng điện văn các chính đảng Thụy Điển gửi Liên Hiệp Quốc phản đối chiến tranh ở Việt Nam những năm 1970.
Bà Ann Mawe nói với Tuổi Trẻ, hai kỷ vật nhắc nhớ Thụy Điển có một "lịch sử" lâu dài ở Việt Nam và cũng là biểu trưng cho mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển hơn nửa thế kỷ qua.
Bà Ann Mawe làm một cuốc "du lịch" quanh hồ Tây bằng xe đạp. Mùa này phượng đỏ rực, sen vào mùa thơm ngát.
Cuộc trò chuyện giữa Tuổi Trẻ và bà đại sứ diễn ra trên vỉa hè phố Trịnh Công Sơn. Ở đó, bà ngẫu hứng hát ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, bà nói bà thật sự sẽ phải nhớ Hà Nội.
* Thưa đại sứ, nhiệm kỳ của bà tại Việt Nam sẽ kết thúc vào tháng 7 tới. Cảm giác của bà thế nào?
- Tôi rất buồn khi phải rời Việt Nam. Tôi và gia đình đã có 5 năm tuyệt vời ở đây.
Đất nước các bạn là một nơi tốt để làm việc và sinh sống. Thật vinh dự vì đã có 5 năm đó và chắc chắn tôi sẽ quay lại thăm Việt Nam.
* Rời Việt Nam, bà sẽ mang theo những kỷ niệm gì về nơi này?
- Ngoài lòng tốt của người dân thì ẩm thực phong phú, đa dạng và thiên nhiên tươi đẹp là những điều ấn tượng với tôi nhất.
Như lúc này đây, khi tôi đạp xe quanh hồ Tây, cây cối khoe sắc, những đầm sen xanh mát. Tôi yêu mùa này trong năm và sẽ giữ những kỷ niệm đó mãi trong lòng.
* Với bà, văn hóa Việt Nam có gì đặc biệt?
- Có quá nhiều thứ để nói, nhưng vì chúng ta đang đứng trên phố Trịnh Công Sơn nên tôi có thể nói rằng tôi thực sự yêu thích và trân trọng âm nhạc Việt Nam.
Tất nhiên còn nhiều điều khác để kể nữa. Tôi từng ghé qua Phong Nha hay các khu bảo tồn thiên nhiên.
Tôi yêu mọi thứ thuộc về âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Lào Cai. Thật đáng ngưỡng mộ khi những nét truyền thống của các dân tộc vẫn được lưu giữ và thực hành một cách sống động.
Mang hơi thở hiện đại hơn, tôi thích đến Hanoi Rock City hoặc một số địa điểm khác để thưởng thức nhạc Việt đương đại, cảm nhận được sức sống mới của đất nước này.
Cách đây không lâu, tôi mới nghe Thịnh Suy. Tôi thích Một đêm say của cậu ấy lắm (cười lớn). Cậu ấy hay hát cùng Vũ Thanh Vân.
Tôi cũng vừa đi nghe live show của Saigon Soul Revival. Họ mang album thứ hai Mối lương duyên du hành khắp nơi.
* Bất ngờ quá. Bà thuộc bài hát tiếng Việt nào không?
- Tôi đã cố gắng tập và hát thuộc lòng hai ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội và Em ơi, Hà Nội phố. Tôi cũng rất thích các bài hát đương đại của Việt Nam, nhưng tiếng Việt của tôi không được tốt lắm nên không hát được.
* Sau 5 năm, giờ sắp tạm biệt, bà còn là một người xứ lạ như ngày mới đến đây nữa không? Khi một ai đó hỏi bà về Việt Nam, bà sẽ giới thiệu ra sao?
- Tôi đã tiếp rất nhiều vị khách nước ngoài đến Việt Nam. Đầu tiên tôi đưa họ đến quán bún chả. Tôi chia sẻ với họ nhiều thứ để họ hiểu hơn về lịch sử của đất nước này, bởi không thể hiểu Việt Nam nếu không hiểu lịch sử đã qua.
Đi thăm các bảo tàng, chùa chiền ở Việt Nam cũng là một cách để thấu hiểu lịch sử, văn hóa phong phú.
Nhưng tôi cũng rất muốn chia sẻ về một Việt Nam hiện đại. Có quá nhiều địa điểm thú vị, từ không gian nghệ thuật đến các quán cà phê để khám phá. Vì vậy, khi khách đến đây, tôi đồng thời muốn cho họ thấy một Việt Nam hiện đại, trẻ trung, nhộn nhịp.
* Trước khi sang Việt Nam công tác, bà có 10 năm phụ trách các vấn đề về phát triển, chính sách, an ninh, chính trị cũng như giảm nghèo, quyền về sức khỏe tình dục và sinh sản ở Liên Hiệp Quốc, khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Bà có thể bóc tách một chút về những vấn đề mà chúng ta đang phải đối diện?
- Với Thụy Điển, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc chiến hiện đang diễn ra ở Gaza giữa Hamas và Israel để lại một hậu quả vượt ra ngoài khu vực Trung Đông và châu Âu.
Trong đó, cuộc chiến ở Ukraine là một sự kiện lớn, diễn ra gần Thụy Điển và đã bước sang năm thứ ba. Thụy Điển khẳng định rằng luật pháp quốc tế và cơ chế giải quyết xung đột quốc tế phải được áp dụng ở mọi nơi, kể cả ở Ukraine.
Còn Gaza, đó là một thảm họa nhân đạo đang diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta. Tôi từng có ba năm làm việc ở Gaza, đến đó hằng tuần nên thấy được sự thống khổ của người dân hằng ngày ở Gaza.
Tôi cho rằng bây giờ là lúc cộng đồng quốc tế phải đẩy mạnh tập trung vào việc chấm dứt khủng hoảng nhân đạo, ngừng bắn ở Gaza và bắt đầu xem xét giải quyết cuộc xung đột này một lần, mãi mãi.
* Là một nhà ngoại giao từng làm việc ở nhiều điểm nóng về xung đột quân sự trên thế giới, khi sống và làm việc ở Việt Nam, bà có thể chia sẻ thông điệp gì về hòa bình khi chiến sự đang nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới?
- Tôi hiểu người dân Việt Nam muốn hướng tới một tương lai tươi sáng bởi đất nước này đã trải qua một quá khứ kinh hoàng những năm chiến tranh. Thế hệ trẻ Việt Nam đang tiến rất nhanh về phía trước.
Việt Nam có kinh nghiệm quý báu về cách chấm dứt chiến tranh, cách xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, cách giải quyết hậu quả của chiến tranh. Đúng là thực tế đáng buồn, chúng ta phải chứng kiến những cuộc chiến tranh khủng khiếp hiện tại ở nhiều nơi trên thế giới.
Tôi nghĩ nhạc Trịnh Công Sơn có thể từng truyền cảm hứng cho tinh thần phản chiến, tình yêu con người dành cho nhau để vượt qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Tôi tin đó cũng là điều mà người dân Việt Nam ngày nay có thể chia sẻ với thế giới rằng có thể vượt qua những điều khủng khiếp của chiến tranh để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
* Việt Nam ngày đầu bà đặt chân đến và sau 5 năm có những thay đổi ra sao? Sự phát triển đó có bền vững không, theo bà?
- Tôi đã ở đây khi đại dịch COVID-19 bùng phát và chứng kiến Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng đó như thế nào. Các bạn xử lý đại dịch khá tốt. Và cũng thật phi thường khi thấy kinh tế Việt Nam vẫn phát triển bất chấp đại dịch với mức tăng trưởng 5% vào năm ngoái và 8% vào năm trước.
Có một điều mà chúng ta nhắc rất nhiều hiện nay là Thụy Điển cũng như EU đang tập trung vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhiều hơn, tập trung vào biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.
Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng, có triển vọng tốt để trở thành quốc gia phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Nhưng Việt Nam cần đưa ra những quyết định táo bạo và dũng cảm hơn, trong đó cần loại bỏ sử dụng than đá, đầu tư vào năng lượng tái tạo, lưới điện…
Tôi hy vọng trong những năm tới sẽ có thêm nhiều quyết định chính trị được đưa ra để thúc đẩy xu hướng này.
Thụy Điển hay châu Âu rất sẵn lòng khi được cùng Việt Nam đi trên con đường này, đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp xanh để tiến tới chuyển đổi xanh, tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi mong muốn có những đối tác chủ động, sẵn sàng đưa ra những quyết định táo bạo và tiến về phía trước.
Một điều nữa là sự chênh lệch về trình độ phát triển ở Việt Nam. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã thành công khi giúp hàng triệu người thoát nghèo, nhưng khi đến nhiều nơi tại Việt Nam, tôi thấy một số vùng vẫn đang chậm phát triển so với phần còn lại.
* 5 năm làm việc ở Việt Nam, có câu chuyện nào để lại cho bà ấn tượng sâu sắc nhất?
- Đây là một câu hỏi khó nói một cách đầy đủ vì 5 năm là một quãng thời gian dài. Điều thực sự gây ấn tượng với tôi chính là phụ nữ Việt Nam, họ là những người mạnh mẽ.
Hiện có một xu hướng tích cực là càng ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý trong khu vực tư nhân và khu vực công.
Tôi cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề bình đẳng giới. Có một điều chúng tôi vẫn duy trì, đó là Ngày quốc tế trẻ em gái (11-10) hằng năm, chúng tôi trao quyền cho các em gái Việt Nam một ngày được làm đại sứ Thụy Điển.
Năm 2022, tôi đã gặp và trao quyền làm đại sứ một ngày cho hai em gái dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. Hai cô gái mạnh mẽ và can đảm đó đã chia sẻ về những dự định cho tương lai.
Ngôi trường, nơi các em đang học, cũng dựng một vở kịch mang tính giáo dục nói không với nạn tảo hôn. Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều kỷ niệm ý nghĩa ở Việt Nam.
* Có điều gì mà bà còn nuối tiếc không?
- Có. Nhiều lắm (cười). Nhiệm kỳ của tôi kéo dài 5 năm thì đã mất hai năm vì COVID-19. Có những vùng đất tôi chưa đến thăm và rất muốn đến một lần như Cao Bằng. Tôi cũng muốn trở lại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có một số tỉnh tôi vẫn chưa đi.
5 năm qua, tôi đã tham gia khoảng năm cuộc chạy marathon cự ly 10km ở nhiều thành phố khác nhau. Một trong những giải mà tôi yêu thích nhất là giải marathon ở Mộc Châu vào mùa xuân với trăm hoa đua nở.
Tôi cũng muốn tham gia giải marathon đêm ở Hà Nội một lần nữa, nhưng đâu phải cái gì muốn cũng được phải không? Tôi nghĩ tôi đã làm được nhiều điều mà tôi mong muốn ở Việt Nam rồi.
Khi về nước, tôi và gia đình vẫn sẽ trở lại thăm Việt Nam. Tôi muốn thực hiện một chuyến đi dài ngày khám phá hang Sơn Đoòng.
Trước đây tôi từng có một chuyến đi hai ngày đến đó nhưng chưa khám phá hết nên lần tới tôi hy vọng sẽ có nhiều thời gian khám phá hang động tuyệt đẹp đó.
Em là giảng viên, yêu thích công việc giảng dạy và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Ngày 14-7, Sở Y tế Thanh Hóa đang vào cuộc kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến mẹ con sản phụ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc. Bệnh viện này đã có báo cáo nhanh gửi Sở Y tế.
Ngày 24-11, tại Đồng Tháp, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cụm sông Tiền năm 2023.
Tôi theo mẹ buôn bán hàng khô ở chợ, một phần do tôi không đủ điểm vào trường cấp 3 của huyện, hơn nữa sau tôi còn 2 đứa em, một trai mới 10 tuổi và một bé gái út mới cắp sách đến trường, nên tôi quyết định nghỉ học, nhường thu nhập ít ỏi của bố mẹ cho các em tiếp tục kiếm cái chữ mà tìm tương lai. 20 tuổi tôi phải lòng Nguyên, anh là lái xe bỏ hàng khô cho tiểu thương trong chợ. Nguyên hơn tôi 6 tuổi, dáng vâm váp, khoẻ mạnh, tính tình hiền...
Đoàn Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức Cuộc thi tuyên truyền pháp luật năm 2023 “Pháp luật về bình đẳng giới qua lăng kính thanh niên” từ ngày 7/10 đến 16/11.
Huang Lihong, 31 tuổi, du khách người Trung Quốc, thiệt mạng khi rơi xuống miệng núi lửa ở Indonesia trong lúc cùng chồng chụp cảnh mặt trời mọc.
Bé trai 3 tháng tuổi, từng ở Mái ấm Hoa Hồng - nơi bị phát hiện thường xuyên bạo hành trẻ, tử vong sau 20 ngày nhập viện điều trị viêm phổi.
Lễ bế mạc Hội báo toàn quốc 2024 diễn ra sáng 17-3, tại tuyến đường đi bộ Lê Lợi, TP.HCM. Ban tổ chức đã tổng kết và trao các giải thưởng. Báo Tuổi Trẻ nhận giải A giải thưởng Bìa báo Tết ấn tượng.
Nghỉ việc tại một công ty sản xuất ôtô ở Thượng Hải, Tang Yanpeng, 30 tuổi, chuyển sang đạp xe để tạm quên đi cuộc sống quá rảnh rỗi vì thất nghiệp.