Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng việc Quốc hội thực hiện đồng thời 3 nội dung quan trọng đối với Thủ đô là cơ hội rất hiếm có để tạo sự bứt phá, thay đổi căn bản diện mạo cho Hà Nội.
Bên hành lang nghị trường, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam cho rằng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là cơ hội rất hiếm có để tạo ra định hướng phát triển Thủ đô cũng như cơ sở pháp lý để tạo ra bứt phá, thay đổi diện mạo cho “trái tim của cả nước.”
- Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội bàn thảo trong ngày mai (28/5), ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của dự thảo luật này trong bối cảnh hiện nay?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này thể hiện mong muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý mang tính chất vượt trội, đặc thù để phát triển được Thủ đô thực sự là đại diện cho quốc gia. Vì vậy, sự tham gia của các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội vừa thể hiện sự đồng hành, vừa là công việc của chính mình nhằm đóng góp cho Thủ đô.
Với thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) là thực hiện trọng trách, sứ mệnh được nhân dân, cử tri và các địa phương trong cả nước trao cho là xây dựng Thủ đô trở thành bộ mặt đại diện cho cả nước.
Sự đồng hành ở đây còn thể hiện ở việc chung tay của đại biểu Quốc hội với chính quyền thành phố trong việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý vượt trội và phù hợp nhất. Qua đây, chúng ta thấy rằng việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) không phải chỉ dành cho một vùng phát triển mà xây dựng luật này để tạo ra khả năng thu hút được những gì tinh túy nhất về Thủ đô.
- Ông đánh giá thế nào về việc Quốc hội đồng thời xem xét Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065 trong nhiệm kỳ này? Việc này sẽ góp phần tạo ra hành lang pháp lý cũng như thuận lợi như thế nào?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Kỳ này Quốc hội sẽ thông qua 3 nội dung rất quan trọng đồng thời là Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung vùng Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi). Tôi cho rằng đây là cơ hội rất hiếm có để tạo ra định hướng phát triển Thủ đô và có cơ sở về pháp lý cho việc thực hiện định hướng đó.
Bởi lẽ, quy hoạch Thủ đô chính là tạo ra định hướng phát triển chung, phát triển tổng thể, phát triển dài hạn cho Thủ đô, để Hà Nội đại diện cho cả quốc gia, xứng tầm với Thủ đô các nước trên thế giới.
Còn điều chỉnh Quy hoạch chung là cụ thể hóa các ý tưởng, các nội dung đặc biệt về hạ tầng, về đô thị đã được chỉ ra trong Quy hoạch Thủ đô. Việc cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô sẽ được đưa ra thành các phương án, mô hình phát triển cụ thể để Thủ đô có diện mạo mới trong tương lai.
Để thực hiện những định hướng, ý tưởng cho Quy hoạch Thủ đô và thực hiện các phương án xây dựng trong điều chỉnh Quy hoạch chung cần có các hành lang, cơ chế, khuôn khổ pháp lý. Khuôn khổ này phải tạo cơ chế phát triển, để các ý tưởng có thể thành hiện thực, đó chính là sứ mệnh của Luật Thủ đô.
Do đó, việc Quốc hội thực hiện đồng thời 3 nội dung quan trọng này là cơ hội rất tốt, hiếm có để tạo ra bứt phá, thay đổi căn bản cho Thủ đô.
- Riêng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), có điều gì còn khiến ông băn khoăn?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về cơ bản tôi đánh giá rất tốt, đặc biệt là tinh thần về phân tách, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội và thực hiện các sứ mệnh, tạo ra những bước phát triển mang tính vượt trội, bứt phá cho Thủ đô.
Tuy nhiên, cũng còn một vài điểm cần phải có những quy định thật rõ ràng và đúng nghĩa vượt trội riêng cho Thủ đô. Điển hình như tôi rất băn khoăn về việc khai thác, phát triển thành phố hai bên sông Hồng. Làm thế nào để biến sông Hồng thành một trục trung tâm là trục văn hóa, sinh thái, du lịch, dịch vụ bởi những yếu tố này sẽ là trung tâm để phát triển của thành phố.
Nếu chúng ta vẫn cứ để các quy định như trong dự thảo là việc xây dựng các công trình ven sông, khai thác các khu vực ven sông vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều thì điều này có nghĩa toàn bộ hành lang ven sông của Hà Nội cũng sẽ giống như hành lang ven sông của các tỉnh khác, đều không thể tạo ra được diện mạo mới cho Thủ đô.
Tôi cho rằng đây chính là nội dung cần chỉnh sửa để tạo cho Hà Nội một cơ chế riêng trong việc khai thác hai bên bãi sông Hồng, sông Đuống cũng như một số bãi sông khác trên địa bàn.
- Vừa rồi có hai vụ cháy rất thảm khốc xảy ra ở Hà Nội, khi Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương xuống hiện trường vụ cháy ở Trung Kính đã nói đây là hệ quả của việc “làng lên phố.” Vậy khi đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ này ông có ý kiến như thế nào?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rõ ràng những bất cập trong phát triển đô thị của Hà Nội đã để lại những hậu quả đáng tiếc và khôn lường, vì vậy Luật Thủ đô và các quy hoạch Thủ đô phải hướng đến giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay.
Ví dụ trước đây theo quy định của pháp luật, nhiều khu vực nằm trong ranh giới nội đô lịch sử gần như không được đầu tư cải tạo. Chính vì bị khống chế các chỉ số đầu tư phát triển như vậy đã dẫn đến có nhiều khu chung cư cũ trong thời gian dài không được cải tạo, nhiều khu nhà tự xây không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện môi trường sinh hoạt nhưng không có cơ chế cải tạo.
Do vậy, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này tôi cho rằng phải tạo khuôn khổ pháp lý để khu vực nào đúng nghĩa là khu bảo tồn sẽ được bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long – Hà Nội hay các công trình kiến trúc quan trọng, có yếu tố lịch sử. Còn lại các khu vực khác phải đưa ra mô hình đầu tư cải tạo theo mô hình đô thị hiện đại, chứ không thể để Thủ đô phát triển tự phát, người dân tự xây dựng theo ý chí chủ quan, không theo tiêu chuẩn quy hoạch của đô thị lớn. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được được bức xúc hiện nay là phát triển đô thị tự phát, những khu dân cư không bảo đảm tiêu chuẩn, hay nhiều khu vực phát triển đô thị nhếch nhác, không xứng tầm với Thủ đô quốc gia.
Đối với những khu vực không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, không có không gian cho cứu nạn cứu hộ, không có không gian cho sinh hoạt công cộng, phải có phương án cải tạo, giải quyết những bức xúc hiện nay theo hướng phát triển văn minh, hiện đại.
Tôi cho rằng điều này hoàn toàn có thể làm được vì phần lớn những khu chúng ta nói tới đang lộn xộn, nhếch nhác, đều nằm giữa khu vực trung tâm nhất của Thủ đô. Nếu cải tạo tốt những nơi này sẽ tạo ra các khu có giá trị kinh tế cao. Vấn đề là cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để khai thác không ngầm, không gian trên cao, có hệ thống công trình hạ tầng công cộng hiện đại như hệ thống giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn như đường sắt đô thị.
Nếu làm được như vậy, những khu vực đang tập trung mật độ dân số đông, nhiều nhà thấp tầng sẽ chuyển thành một số ít tòa nhà cao tầng, để không gian sinh hoạt dưới mặt đất được đưa lên cao, nhường mặt đất cho phát triển không gian xanh, công cộng, không gian giao thông, phát triển không gian dịch vụ.
- Để cải tạo như ông nói thì Thủ đô sẽ phải thay đổi nhiều thứ…
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Điều đầu tiên mà chúng ta phải đánh đổi là quan niệm, thói quen. Bởi mỗi người hiện nay cứ mong muốn phải sống ở nhà dưới mặt đất, chưa có thói quen ở nhà trên cao, dù rằng điều kiện sinh sống ở chung cư trên cao có thể tốt hơn nhiều dưới mặt đất. Đó là yếu tố về thói quen trong cuộc sống sinh hoạt người dân.
Về cơ chế chúng ta cũng phải thay đổi. Việc cải tạo đô thị không chỉ giải quyết vấn đề bức xúc của người dân, thực hiện nhiệm vụ giúp đời sống người dân tốt hơn mà là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền nên phải có cơ chế đầu tư cho cải tạo. Ví dụ hệ thống hạ tầng giao thông cộng cộng, Nhà nước phải đầu tư, nếu không thì sẽ không giải quyết được vấn đề tập trung dân số. Ngoài ra, có cơ chế cho người dân lựa chọn cơ hội chuyển đổi. Nếu người dân chấp nhận từ bỏ sống trong những căn nhà lụp xụp, chuyển lên chung cư hoặc người nào muốn ở mặt đất thì phải ở xa trung tâm. Trong trung tâm phải quy hoạch thành những khu phát triển hiện đại.
- Với Luật Thủ đô (sửa đổi) ông dự báo sẽ mất bao lâu để Hà Nội có thể thay đổi được diện mạo?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Thủ đô muốn phát triển cần một quá trình chứ không thể trong một thời gian ngắn. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu tới năm 2045 Việt Nam phải là nước có thu nhập cao ngang tầm với các nước phát triển. Trong đó, quy hoạch cũng đặt mục tiêu tới năm 2050, Hà Nội phải nằm trong top các Thủ đô hàng đầu khu vực, ngang tầm với thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới.
Tôi cho rằng với lộ trình đặt ra như thế có thể đạt được hay không sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta khai thác những quy chế, cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô đồng thời cũng đòi hỏi sự quyết tâm rất cao không phải chỉ của chính quyền Thủ đô trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi, mà còn đòi hỏi sự tập trung nguồn lực rất lớn của cả xã hội để tạo ra một diện mạo đột phá, xứng tầm là quốc gia phát triển vào năm 2045.
- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.
Đang lưu thông qua Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), ô tô đầu kéo bất ngờ làm rơi 3 cuộn inox nặng hàng tấn xuống đường. Vụ việc khiến 1 ô tô bị hư hỏng phần đầu.
Lao công Cemal Şenaslan bị phạt 2 năm 6 tháng tù vì mạo danh nha sĩ, tự ý nhổ 4 chiếc răng cửa hoàn toàn bình thường của khách.
Thấy xe tập lái dấu hiệu vi phạm, qua clip quay lại được, Chủ tịch tỉnh Bình Định đã gửi cho Giám đốc Sở GTVT. Sở này sau đó đã lập tức yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh.
Ngày 15/3, Thành ủy Bà Rịa tổ chức lễ công bố quyết định về công tác cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ba thế hệ gia đình ông Lâm Văn Huy, 71 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên nhường hơn 4 hecta đất cho hàng chục nghìn con chim, cò trú ngụ.
Trên diện tích hơn 12000m2 từ đất trồng cây lâu năm (nhận chuyển nhượng của các hộ dân có ruộng), đất giao thông, thủy lợi, đất công điền, từ năm 2016, 2017 đến nay, ông Nguyễn Văn Chiến đã xây dựng lên quần thể công trình trên khu sinh thái. Trong đó, đáng chú ý là công trình bể bơi, nhà sàn, nhà để xe, nhà khung sắt ốp gỗ (đang được hoàn thiện), các mô hình tháp Eiffel, mô hình trực thăng, du thuyền, nhà chòi một cột, mô hình lâu đài, chuồng...
Vụ tai nạn giao thông trên tuyến đường Hùng Vương nối dài ở huyện miền núi Hướng Hóa ( Quảng Trị ) khiến 5 người thương vong.
Trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm 14/3, gần 20 người sinh sống trong tòa nhà cho thuê trọ cao 6 tầng ở Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) đã thoát nạn an toàn.
HUẾ - Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế bắt giữ một tàu cá ở tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt giã cào trái phép.