Trận lũ lịch sử ngày 14-10-2022 cùng đợt ngập lớn vừa qua đã ám ảnh người dân Đà Nẵng. Người dân đồng lòng góp sức cùng chính quyền sẵn sàng ứng phó thiên tai ngày càng dị thường.
Sáng 26-9 vừa qua, sau hai ngày mưa lớn, chúng tôi trở lại vệt dân cư dọc đường Mẹ Suốt ở các tổ 34, 29... phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Đây là khu vực từng hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ lịch sử và là tâm điểm của vùng trũng trên toàn TP Đà Nẵng.
Từ một lạch nước nhỏ, chừng 10 năm trở lại đây những khu dân cư ổ chuột mọc lên lấn ra bờ kênh tạo một hàng rào bằng tôn và bê tông chắn hai bên tuyến kênh chạy cắt ngang con đường huyết mạch. Người dân ở đây các năm đều đối diện tình trạng ngập úng, nước thoát không kịp tràn ra hai bên kênh rồi ngập vào từng nhà.
Trận mưa hai ngày vừa rồi làm những ngôi nhà cấp 4 sơ sài ở dọc đường Mẹ Suốt ngập sâu tới đầu gối. Quần áo ướt nhẹp, bà Nguyễn Thị Bích Đào (nhà 108/28 Mẹ Suốt) mặt mếu máo bảo mình nghĩ mưa nhỏ, nước không lên cao nên không di chuyển đồ đạc. 15h ngày 25-9, nước tràn kênh cùng bao nhiêu rác rưởi khiến nhà bà ngập gần ba gang tay.
"Mọi năm vẫn ngập nhưng chỉ khi mưa to và dài ngày. Giờ cứ như "có dớp", mới mưa có vài tiếng mà nước đã tràn vào như thác khiến mình không kịp trở tay. Đồ đạc, giường chiếu trong nhà ướt sạch", bà Đào nói. Rồi bà khẳng định cống thoát nước trước nhà mình được nạo vét quá sơ sài, nhiều người dân thường ngày dọn dẹp thì tống thẳng đất cát, rác rưởi xuống lòng cống là nguyên nhân khiến nước dồn ứ rồi gây ngập lụt.
Ở con hẻm qua nhà bà Đào sau trận mưa đầu mùa có hai cảnh đối lập: những gia đình có tiền và xây cất được nhà kiên cố, nền móng cao vượt lên mặt đường hàng chục centimet thì kê cao gối ngồi tám chuyện. Trong khi kế đó, những người phải sống trong căn nhà cấp 4 sơ sài phải lội bì bõm trong bùn rác để vớt dọn đồ đạc.
Đứng dùng máy rửa xe để xịt rửa bùn, nhặt nhạnh lại những miếng nhựa đồ chơi cho con, anh Nguyễn Văn Sơn (nhà ở 108/17 Mẹ Suốt) nói rằng lúc 15h ngày 25-9, nước từ ngoài đường đổ về như thác rồi tràn vào nhà anh, dâng lên cách nền hơn 0,4m. Anh Sơn nói rằng ám ảnh trận lũ tháng 10-2022 nên ngày 23-9 anh đưa vợ và hai con nhỏ gửi về nhà ông bà, một mình anh ở lại. Nghĩ mưa nhỏ nên không kê dọn đồ đạc, nào ngờ nước tràn vào khiến đồ trong nhà nổi lềnh bềnh. Khi nước rút, anh phải ra quanh nhà nhặt nhạnh những thứ nằm vương vãi để xịt rửa bùn và dùng lại.
Chưa bao giờ nỗi ám ảnh ngập lụt lại nóng bỏng và được quan tâm nhiều tại TP Đà Nẵng như những ngày vừa qua. Số dự án nạo vét, khơi thông kênh rạch, hệ thống thoát nước tại Đà Nẵng tăng vọt để tránh lặp lại trận lũ lịch sử năm 2022.
Ngày 17-9, trước trận áp thấp nhiệt đới đầu tiên hình thành và hướng xoáy mây vào miền Trung, gần như toàn bộ người dân ở các khu dân cư tại Đà Nẵng đã cuốc xẻng ra đường để tổ chức ngày chủ nhật xanh. Bà con tập trung khẩn trương phát quang vỉa hè, quét dọn và khơi thông các nắp hố ga, miệng cống để tiêu thoát nước. Ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, chính quyền cử người đến từng tổ dân phố để đôn đốc bà con. Quá ám ảnh đợt lũ năm trước, người dân đã mua sắm cuốc xẻng, bồ cào để cùng nhau tập trung khơi thông cống rãnh, các đường thoát nước quanh nhà mình.
Những ngày qua, đi đâu cũng thấy cảnh người dân ở các khu vực thấp trũng tại Đà Nẵng tìm cách chống chọi mưa lũ. Sáng 26-9, dù mưa chưa tạnh ráo hẳn nhưng hàng chục công nhân xây dựng vẫn tập trung dọc kiệt (hẻm) 96 Điện Biên Phủ để dồn sức hoàn tất hệ thống thoát nước ngầm. Một công nhân cho biết đường cống thoát nước chạy dọc hẻm 96 được thi công từ nhiều tuần qua, chính quyền yêu cầu phải gấp rút hoàn thiện dự án, đấu nối vào các đường thoát nước ngầm lớn hướng ra biển, giải quyết triệt để tình trạng ngập úng triền miên ở hai bên hẻm nhiều năm qua. Công nhân phải tập trung nhân lực để chạy đua mưa bão.
Tại khu dân cư Trung Nghĩa, đi các hẻm dọc đường Trần Cao Vân dễ dàng bắt gặp cảnh các dự án nạo vét và mở rộng hệ thống thoát nước để chạy đua với mùa mưa bão ngày càng khốc liệt. Không chỉ chính quyền, từng hộ gia đình cũng tìm đủ cách để rào chắn nhà cửa, đục thêm các lỗ thoát nước, khơi thông cống rãnh tiêu thoát nước lũ tốt hơn.
Tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, người của phường đi tuần tra liên tục các khu dân cư và yêu cầu xử lý triệt để các hộ gia đình cố tình lấp bít các hố ga, miệng thoát nước. Dòng kênh Đa Cô giáp ranh giữa hai phường là tâm điểm trận lũ năm 2022 cũng được khơi thông, gia cố kè chắn. Thời điểm mưa lớn, các lực lượng chức năng cử người túc trực để khơi thông kênh, không để cây cối và rác thải từ phía trên đổ về chặn nước dưới gầm cầu.
Lo sợ mưa lũ ngày càng khốc liệt, nhiều nhà dân ở vùng tâm ngập Đà Nẵng dọc hai bên đường Mẹ Suốt đã biến ngôi nhà của mình thành mô hình nhà chống lũ. Thay vì chỉ là căn nhà cấp 4 dưới nền, trên mái tôn, nhiều gia đình gọi thợ tới hàn thép làm thêm gác xép phía trên mái để biến thành nơi cất giữ đồ đạc, leo lên neo trú khi có lũ lớn.
Căn nhà bà Nguyễn Thị Bích Đào ở 108/28 Mẹ Suốt có hai gác xép gồm giữa gian chính và một gác xép trên mái nhà vệ sinh được hàn khung sắt phía áp mái, cách nền nhà hơn 2m. "Năm ngoái mưa to nên tui chết khiếp rồi, năm nay làm thêm hai gác xép này, một cái thì dành chỗ để đồ dưới nhà bếp, cái trên gian chính thì để chăn nệm, tivi và chỗ trú cho gia đình" - bà Đào nói.
Không chỉ dọn dẹp, khơi thông cống rãnh, nhiều gia đình ở Đà Nẵng cũng nghĩ ra đủ cách để chống nước tràn vào nhà, chống ngập cho ô tô, xe máy. Ở tổ 29 Hòa Khánh Nam, sau vụ hàng trăm ô tô nổi lềnh bềnh giữa lũ năm 2022 thì nay nhiều gia đình nghĩ ra cách mua phao bạt về trùm kín quanh xe, nước lên chừng nào thì xe nổi lên chừng đó. Nhiều gia đình dù mưa chưa lớn nhưng để "chắc ăn" thì đi gửi xe ở nơi cao ráo, nhiều người còn đánh xe lên dọc con dốc hướng lên Bà Nà Hill đậu chờ mưa tạnh mới lái về. Ở các điểm ngập triền miên ở hẻm 96 Điện Biên Phủ, nhiều gia đình đều mua roăng cao su và silicon về dán chặt ở mép cửa để ngăn nước tràn vào nhà.
Ông Phan Chính Nam, nhà 96/57, nói ông dùng roăng cao su loại chuyên dành cho cửa xe ô tô rồi về cắt dán ở mép cửa, kết hợp phun thêm keo nhựa co giãn. "Nước lên mép nhà thì tui kéo cánh cửa khép chặt lại là nước không cách gì vào được. Vừa rồi mưa ngập ngoài đường nửa mét nhưng nhà tui thấp hơn đường mà vẫn khô ráo", ông Nam nói.
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết ghi nhận trong đợt mưa vừa qua có 40 điểm ngập trên toàn TP. Trong số này có chín điểm ngập xuất hiện liên miên, kéo dài khi có mưa lớn. Chính quyền đang đốc thúc thực hiện các giải pháp cấp bách, trong đó tập trung đầu tư hệ thống tiêu thoát ở các khu vực đông dân cư, các điểm ngập nặng...
Ngày 24-3, bốn nghi phạm tham gia vụ xả súng tại nhà hát Crocus City Hall khiến 137 người thiệt mạng đã bị Nga truy tố về tội khủng bố và sẽ bị giam giữ trong 2 tháng chờ xét xử.
Ở ngã tư không có barie chặn cảnh báo, người phụ nữ đi xe máy phóng nhanh, không kịp dừng, bị tàu hỏa đâm tử vong, hôm 30/1 tại Cống Mỹ, An Dương.
NGHỆ AN - Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, hàng nghìn thí sinh đã thay đổi nguyện vọng , dẫn tới xáo trộn trong kế hoạch tuyển sinh của...
Bộ trưởng Y tế chính quyền miền Đông Libya cho biết sẽ an táng các nạn nhân tại các hố chôn tập thể, tuy nhiên LHQ lo ngại việc an táng tập thể có thể gây ra những hậu quả nặng nề về mặt xã hội.
TPHCM và Thanh Hoá xét tuyển giáo viên từ nguồn sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc với lương thưởng hấp dẫn.
Mỗi suất cơm tại ngôi trường ở vùng nông thôn của TP Cần Thơ không chỉ là những phần ăn thông thường, mà trong đó còn chứa đựng những tình...
Trường ĐH FPT trao hàng nghìn học bổng THPT, học bổng Nguyễn Văn Đạo, Khuyến học, Địa phương và Tài năng cho học sinh có thành tích trong lĩnh vực học tập, văn hóa nghệ thuật, thể thao.
Phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nhà trường cố tình lách luật, ép phụ huynh đăng kí cho con...
Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi vài triệu đến vài chục triệu đồng cho con học thêm, tham gia các lớp học ngoại khóa để cách ly khỏi thiết bị...