Cuộc đời mới của chàng trai không giấy tờ tùy thân

07:10 30/04/2024

Ôm hai tấm bằng nấu ăn đi xin việc, một nơi "loại từ vòng gửi xe", một nơi "đuổi thẳng cổ" Tuấn, 18 tuổi, cảm tưởng mọi cánh cửa cuộc đời đóng chặt với mình.

Vài tháng trước, trong căn phòng trọ không số ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, nhiều đêm Tuấn không chợp mắt nổi. Cậu kể lòng bộn bề đủ những trăn trở về việc mình không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân, không kiếm được việc cùng với những lo lắng về bà ngoại và người anh trai khác cha ngày bán dạo ven hồ, đêm tá túc trong các khu lao động trả tiền ngủ theo ngày.

"Em nhìn thấy cuộc đời mình cũng có nguy cơ tăm tối như vậy", chàng trai quê Thanh Hóa chia sẻ.

Nhà có truyền thống ba đời mưu sinh bên hồ Gươm, Tuấn trở thành đứa trẻ đường phố từ ngày đi còn chưa vững. Cậu bé được tổ chức Blue Dragon tiếp cận vào năm 13 tuổi. Tổ chức mong muốn đưa em đến tham gia các lớp học kiến thức, kỹ năng và năng khiếu. Nhưng hơn hai năm đầu để kéo em ra khỏi vòng tròn mưu sinh không dễ.

Người lớn trong nhà muốn Tuấn phải đi kiếm tiền. Trong mắt họ, chẳng có gì quan trọng bằng có tiền để mua bữa cơm chiều, đóng suất ngủ tối. Sau này khi đến với tổ chức, Tuấn bắt đầu thích vì có nhiều trò chơi, đồ ăn ngon, được ngồi máy lạnh. Cậu cũng tò mò khi mấy đứa từng lang thang ngoài phố giống mình giờ nói tiếng Anh, nhảy hip-hop và đá bóng giỏi.

"Ánh mắt những đứa trẻ đường phố ám ảnh lắm", chị Lương Thu Hường, nhân viên công tác xã hội của tổ chức hỗ trợ trẻ em đường phố Blue Dragon (Rồng Xanh) nhớ lại. "Ánh mắt đó cầu xin sự giúp đỡ, mong muốn được yêu thương".

Hết lớp 5 cậu nghỉ học nhưng không theo chân bà ra hồ mà ở lại với tổ chức để học các kỹ năng và nghề đầu bếp. Cậu đã có kinh nghiệm làm việc hai nhà hàng ở vị trí phụ bếp.

Đầu năm nay khi đủ 18 tuổi, Tuấn chuyển ra ngoài sống tự lập. Hồi tháng 3, tại một nhà hàng lớn ở Xuân Diệu, chàng trai đến phỏng vấn xin việc cùng hai chứng chỉ nấu ăn của mình nhưng bị từ chối vì không có giấy tờ tùy thân. Vài ngày sau, Tuấn xin vào một nhà hàng nhỏ hơn ở phố cổ. Cậu đã được nhận vào làm một ca, song cuối buổi hỏi đến giấy tờ không có cũng bị đuổi.

"Em hụt hẫng và mất phương hướng", Tuấn kể.

Đây không phải là lần đầu tiên Tuấn thiệt thòi vì không có giấy tờ tùy thân. Ba năm trước, cậu được Blue Dragon chọn đi học tiếng Anh một tháng ở Singapore, nhưng sau cùng không đi được. "Ít nhất bốn cơ hội đi Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines đã bỏ lỡ", Tuấn nói. "Nhiều lần em được trao các cơ hội đi học, kể cả đi làm ở nước ngoài, nhưng đến một tờ giấy chứng minh thân phận em cũng không có".

Cũng vì thế, cậu cũng không có cơ hội được đi tàu, máy bay. Có những chuyến cùng Blue Dragon ra tỉnh ngoài bằng ôtô, Tuấn nơm nớp cảm giác sợ sệt.

"Em luôn có nỗi sợ chẳng may có người đến hỏi giấy tờ không đưa ra được sẽ bị thu gom, nhốt vào trung tâm nào đó", cậu bày tỏ.

Chị Thu Hường cho biết giấy tờ của Tuấn là vấn đề nan giải. Suốt thời gian trước đây xin cho em đi học ở bất cứ đâu cũng luôn gặp khó khăn, đôi khi không thể thực hiện được vì không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh. "Vì vướng mắc giấy tờ nên ngay cả các bằng cấp của em ấy đến hiện tại cũng chưa chính thức", chị cho biết.

Việc tìm kiếm lại những thông tin gốc rất khó khăn khi Tuấn, cũng như nhiều trẻ em khác ở Blue Dragon, sinh ra trong các gia đình khuyết thiếu, hoặc bố mẹ không đăng ký kết hôn, vì không đóng viện phí nên không có giấy chứng sinh. Bản thân nhiều phụ huynh không biết chữ, trong quá khứ từng có chuyện liên quan đến pháp luật nên rất ngại khi tiếp xúc với chính quyền. Tình trạng không có giấy tờ đã truyền từ đời này sang đời khác.

Vì mẹ Tuấn đã lấy chồng khác và chuyển khẩu theo gia đình chồng, nên tất cả phải dựa vào bà ngoại gần 80 tuổi, đã tha hương gần 50 năm. Bà khẳng định cháu từng có giấy khai sinh ở quê nhưng đã bị mất. Gần đây với sự tư vấn của những người có kinh nghiệm, gia đình đã viết đơn xin kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của chính quyền ở quê cũ.

Mất nhiều chuyến đi từ Hà Nội về Thanh Hóa, phối hợp với các cơ quan chính quyền từ huyện, xã, thôn và họ hàng để chứng minh thân phận của Tuấn, cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết.

"Cầm trên tay căn cước công dân, em cảm tưởng như có một cái đèn chiếu sáng mọi thứ. Từ giờ em có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì em mong muốn", Tuấn chia sẻ.

Trong đợt này, bà ngoại Tuấn cũng được làm căn cước. "Đây như một phép màu", bà nói. Dù nhiều tuổi, bà tin căn cước này sẽ cho mình được làm và hưởng nhiều quyền công dân mà trước nay không được.

Phát biểu tại một sự kiện năm 2023, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết qua quá trình làm căn cước công dân cho người dân, cơ quan chức năng phát hiện có cả triệu người không có bất cứ thứ giấy tờ nào, họ đa phần thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội.

"Từ cậu bé đánh giày ra thành phố, lớn lên trưởng thành ở Hà Nội đến những người bán hàng rong, đi làm mướn, cuộc sống của họ chỉ kiếm ăn qua ngày, ngủ ở nhà trọ, gầm cầu. Các con các cháu sinh ra vẫn theo số phận bố mẹ, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học", bộ trưởng nói.

Chị Thu Hường cho biết thêm gia đình Tuấn như một vòng lặp, đời bà, đời mẹ đến đời con mưu sinh bên hồ Gươm. Là người làm công tác xã hội, những người như Hường luôn mong muốn tiếp cận hỗ trợ, để những đứa trẻ phá vỡ vòng lặp đó.

"Để giúp được Tuấn cần nhiều thời gian, nguồn lực, không chỉ một tổ chức mà cần cả một xã hội và các hệ thống chính sách an sinh xã hội vào cuộc", chị Hường nói.

Ngay sau khi có căn cước công dân, Tuấn được đi máy bay lần đầu tiên trong đời với chuyến công tác tới Đà Nẵng tham gia một sự kiện giao lưu bóng đá. Vài tháng nay, ngoài làm đầu bếp, chàng trai còn đi dạy bóng cho học sinh ở Hà Nội.

Đêm trước ngày lên đường, trong khu nhà trọ không số bụi bặm, chàng trai 18 tuổi không ngủ được. Nhưng lần này cậu thao thức vì cảm giác lâng lâng.

"Có quá nhiều thứ chờ mong phía trước, mà giờ đây em đã có quyền được ước mơ và cố gắng biến thành hiện thực", chàng trai nói.

Phan Dương

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Có thể bạn quan tâm
Trong tình yêu, mình coi trọng nhất là sự chân thành và tôn trọng

Trong tình yêu, mình coi trọng nhất là sự chân thành và tôn trọng

03:00 18/11/2024

Mình 31 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một tỉnh gần Hà Nội, là bác sĩ tại một bệnh viện ở Hà Nội.

Đinh Quang Thành và những bức ảnh quý ở mặt trận giao thông thời chiến

Đinh Quang Thành và những bức ảnh quý ở mặt trận giao thông thời chiến

12:00 17/05/2023

Bộ ảnh 'Địch phá, ta cứ đi', được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật gồm những bức ảnh ông Đinh Quang Thành chụp trong những năm tháng gắn bó với mảnh đất Hà Nam Ninh ngày ấy.

Tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân TT-Huế

Tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân TT-Huế

20:00 08/03/2023

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh TT-Huế phối hợp thực hiện cùng các cơ quan chức năng sẽ trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc trị giá 300 triệu đồng cho ngư dân trên địa bàn tỉnh này.

Sức trẻ tiến quân vào khoa học

Sức trẻ tiến quân vào khoa học

10:00 10/05/2023

TP - Phát huy trí tuệ và sức trẻ, đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) đã gặt hái nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học. Tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội lần thứ 23, tuổi trẻ Học viện đã giành được những giải cao, góp phần vào việc hiện đại hóa Quân đội nhằm đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đẻ rơi bé trai 3 kg trên đường đi khám thai

Đẻ rơi bé trai 3 kg trên đường đi khám thai

06:10 27/12/2023

Trên đường di chuyển từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu khám thai, người phụ nữ 27 tuổi vỡ ối, sinh bé trai nặng 3 kg trên ô tô.

Nữ sinh Việt tỏa sáng ở xứ tỷ dân

Nữ sinh Việt tỏa sáng ở xứ tỷ dân

12:30 13/02/2024

TP - Ở tuổi 17, Lê Nguyệt Quỳnh đã tỏa sáng ở xứ tỷ dân trên hành trình chinh phục Hán ngữ - một trong những loại ngôn ngữ khó học; là đại diện thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu trong sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt nhân sĩ, trí thức trẻ hai nước năm 2023. Đặc biệt, Quỳnh có kỷ niệm khó quên khi hai lần biểu diễn vào dịp đặc biệt tiết mục mang âm hưởng Hí kịch.

Việt Nam có đại diện tham gia chương trình Nhà lãnh đạo APEC

Việt Nam có đại diện tham gia chương trình Nhà lãnh đạo APEC

07:30 23/02/2023

Nguyễn Thị Thu Trang, người sáng lập và dẫn dắt Trung tâm Hành động Vì động vật hoang dã Việt Nam vừa trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được tham gia vào Chương trình Nhà Lãnh đạo Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Obama Foundation.

Tuyển sinh lớp 10: Chọn trường vừa tầm với năng lực hơn là chọn trường tốp

Tuyển sinh lớp 10: Chọn trường vừa tầm với năng lực hơn là chọn trường tốp

12:00 14/04/2023

Ông Phạm Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho rằng, học sinh , phụ huynh phải suy nghĩ thật kỹ, chọn trường...

Tuổi trẻ Thái Nguyên sôi nổi tình nguyện mùa Đông 2024 - Xuân tình nguyện 2025

Tuổi trẻ Thái Nguyên sôi nổi tình nguyện mùa Đông 2024 - Xuân tình nguyện 2025

17:00 30/10/2024

Ngày 30/10, tại Trường THCS Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn- Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức “Lễ phát động chương trình tình nguyện mùa Đông năm 2024 - Xuân tình nguyện năm 2025”.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới