"Ốm từ trước Tết, đến giờ vẫn ho sù sụ", chị Ngọc, 38 tuổi, ở Hà Nội, thở dài kể về đợt cúm dai dẳng đang "ghé thăm" cả gia đình.
Tại một phòng khám ở quận Cầu Giấy, anh Linh, chồng chị Ngọc, kiên nhẫn chờ đến lượt trong dòng người đông đúc. Đã hơn một tuần nay, anh khó thở, người nóng ran, mất giọng và ho khan không dứt. Chị Ngọc xuất hiện triệu chứng tương tự từ trước Tết Ất Tỵ, thậm chí còn nặng hơn với cơn ho quặn bụng và thở khò khè về đêm. Hai con nhỏ của họ cũng không thoát khỏi "vòng xoáy" này với các dấu hiệu ho, sốt nhẹ và chảy nước mũi.
"Ban đầu tôi nghĩ tự mua thuốc uống sẽ khỏi, nhưng càng uống càng không đỡ," chị Ngọc chia sẻ. Tình trạng này phổ biến trong khu phố nơi chị ở, khi nhiều gia đình có người mắc cúm nhưng ngại đến bệnh viện vì quan niệm "đầu năm không nên đi viện, sợ xui".
Tương tự, chị Lan, 43 tuổi, vẫn khò khè dù đã hết các triệu chứng cúm từ hôm 29 Tết. Trước đó, chồng chị đổ bệnh sau cuộc liên hoan cùng cơ quan với dấu hiệu sốt nóng xen rét, ho, đau người, mệt mỏi, chán ăn. Ba hôm sau, cả gia đình 5 người lần lượt bị ốm, với các triệu chứng tương tự. Kết quả khám tại một cơ sở y tế tư nhân ở quận Tây Hồ cho thấy tất cả dương tính cúm A.
"Năm nay gia đình tôi không có Tết. Cả nhà ho, sốt, thay phiên chăm sóc lẫn nhau", người phụ nữ kể.
Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm đã tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Đáng chú ý, bệnh nhân nội trú cũng tăng gấp đôi.
Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương và Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận lượng bệnh nhân lớn với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, ho, khó thở và suy nhược. Trong đó, người cao tuổi với các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, phổi mãn tính thường có diễn biến nặng hơn. Dù các ca bệnh hô hấp tăng, nhưng con số tương tự so với cùng kỳ 2023, 2024, đại diện các bệnh viện cho hay.
Tại các hiệu thuốc, lượng người mua thuốc điều trị cúm tăng 15-25% so với tháng trước. Theo số liệu từ hệ thống FPT Long Châu, mỗi ngày có hơn 100.000 lượt khách tìm mua các sản phẩm liên quan đến cảm cúm, với chi phí trung bình 110.000-130.000 đồng/hóa đơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giải thích rằng cúm là bệnh lưu hành quanh năm, đặc biệt tăng mạnh trong các giai đoạn khí hậu lạnh ẩm, như tháng 1-2 và tháng 6-7. Một số yếu tố xã hội - văn hóa trong dịp Tết Việt Nam đóng vai trò đáng kể trong sự gia tăng năm nay.
"Tết là dịp đoàn tụ, hàng triệu người từ khắp nơi đổ về tụ họp, tham gia tiệc tùng hoặc lễ hội đông đúc mà ít đeo khẩu trang. Đây là môi trường lý tưởng để virus lây lan diện rộng", bác sĩ Đạt nhận định.
Bên cạnh yếu tố tập trung đông người, thời tiết miền Bắc lạnh sâu kéo dài, kèm tuyết rơi ở một số khu vực, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, và nấm mốc phát triển. Những bệnh nhân có bệnh mãn tính hay hệ miễn dịch yếu dễ rơi vào tình trạng nặng khi cúm bội nhiễm hoặc tiến triển nhanh.
Như bệnh nhân nam 58 tuổi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, có tiền sử tăng huyết áp và nghiện thuốc lá. Sau ba tuần tự điều trị tại nhà, ông nhập viện khi suy hô hấp cấp tính, phải đặt ống nội khí quản và thực hiện ECMO (hệ thống oxy hóa ngoài cơ thể). Hiện tình trạng của ông vẫn cần theo dõi sát sao.
Một trường hợp khác, nam bệnh nhân 62 tuổi, mắc phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), cũng phải thở máy ngoài sau khi bệnh cúm làm bội nhiễm, dẫn đến suy đa cơ quan. Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, nguy cơ tử vong khi cúm biến chứng nặng ở người già hoặc có bệnh nền là rất cao.
Các chuyên gia nhấn mạnh, cúm không phải bệnh có thể chủ quan. Dù phần lớn người bệnh tự khỏi trong vòng vài ngày, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm phổi, suy đa tạng hoặc thậm chí tử vong. Việc tự ý điều trị tại nhà, dùng kháng sinh không đúng có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Để đối phó, bác sĩ Phúc khuyến cáo mọi người cần tiêm phòng cúm hàng năm để tăng cường miễn dịch. Giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh tụ tập đông người, đặc biệt trong thời gian bệnh dịch bùng phát. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Khám bệnh ngay khi có triệu chứng kéo dài hơn ba ngày, nhất là với nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc có bệnh nền.
Thùy An
Thanh niên 22 tuổi, ở huyện Kỳ Sơn, trong lúc đi rừng săn chim bị súng hơi 'cướp cò' bắn xuyên đỉnh hốc mắt phải.
Sau 3 tuần xảy ra sự cố tấm kính rơi vào người tại cà phê trên phố Thái Hà (Hà Nội), nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý được theo dõi,...
Giáo sư Vũ Hà Văn gây bất ngờ khi cho biết ông cũng lười đọc sách. Còn chuyện dạy con thì ông cũng đầy chông gai và sai lầm chứ không phải ông bố xuất sắc.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Phù Đổng Thiên Vương còn gọi Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử ( Tứ bất tử ) trong tín...
Ngày 30-5,trên khắp các trang mạng xã hội ở TP Đà Nẵng xuất hiện clip ghi lại cảnh hai chú chó bị kéo lê sau xe ô tô gây nhiều tranh cãi.
Gửi anh - người con trai em đang đợi. Không biết anh đang kẹt xe nơi nào mà chưa đến bên em vậy?
Ninh Bình - Với tuổi đời hơn 700 năm, đến nay, làng nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư đang ngày càng phát triển....
Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng cấp T.Ư năm 2024 đã mang đến tổng giá trị nguồn lực là 6,5 tỷ đồng nhằm thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, góp phần chung tay hỗ trợ bà con nhân dân khó khăn tại tỉnh Cao Bằng.
Là điểm đến yêu thích của nhiều người, nhưng sau mỗi cuộc vui là vỏ chai, túi nhựa... lại giăng khắp bãi biển Nha Trang. Vậy là chiếc xe sàng cát do một công nhân cải tiến lại tất bật làm việc từ khuya đến gần sáng.