Công an TP.HCM đã phát cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo người Việt Nam sang Campuchia làm việc.
Theo thống kê của Sở Ngoại vụ TP.HCM, tính đến hết tháng 11-2024 sở đã tiếp nhận 199 đơn đề nghị hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài của các cơ quan chức năng, trong đó có 43 trường hợp hộ khẩu TP.HCM.
Ngoài ra, trong các ngày 11 và 12-12-2024 các lực lượng chức năng cũng đã tiếp nhận 410 người Việt bị phía Campuchia tạm giữ do nhập cảnh trái phép, sai mục đích sau khi kiểm tra khu vực Venus (thành phố Bavet, tỉnh Svay Riêng, Campuchia).
Cơ quan chức năng Campuchia phát hiện số người Việt này đang làm việc cho các công ty, trung tâm lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu.
Từ tình hình trên, Công an TP.HCM thông báo đến người dân phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo người Việt Nam sang Campuchia làm việc "việc nhẹ lương cao" để thực hiện các hoạt động phi pháp.
Theo công an, các đối tượng phạm tội thường dùng mạng xã hội để đăng các bài quảng cáo, tuyển lựa lao động hoặc tiếp cận lôi kéo, rủ rê công dân Việt có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài tìm kiếm việc với mức lương, thưởng hấp dẫn lên đến hàng nghìn đô la một tháng, công việc được mô tả nhẹ nhàng, không cần kỹ năng, trình độ, cam kết "việc nhẹ, lương cao", trong đó có các casino.
Khi nạn nhân "dính bẫy", các đối tượng sẽ tổ chức cho số người này xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, chủ yếu sang Campuchia ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Các trung tâm lừa đảo trực tuyến, casino trá hình này đều do người Trung Quốc làm chủ, thuê người Việt làm quản lý và cho người Campuchia làm bảo vệ canh gác.
Trong quá trình "làm việc", các nạn nhân bị giam giữ, quản lý chặt chẽ, bị thu giữ điện thoại cá nhân, bị cưỡng ép lao động, các nạn nhân chỉ được sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử do bọn chúng cấp phát để thực hiện các công việc nhằm mục đích lừa đảo trực tuyến như:
- Tìm kiếm con bạc lôi kéo tham gia đánh bạc trực tuyến trên mạng;
- Kết bạn với những người phụ nữ trên Facebook dụ dỗ tình cảm mục đích lừa tiền;
- Gọi điện thoại giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo;
- Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo;
- Lừa đảo trúng thưởng tài sản có giá trị cao; dẫn dụ cài app, phần mềm lạ để hack, rút tiền trong tài khoản ngân hàng…";
Trường hợp nạn nhân chống đối, không làm việc theo yêu cầu của các đối tượng sẽ bị nhốt, bỏ đói, đánh đập.
Nếu nạn nhân muốn trở về Việt Nam, các đối tượng yêu cầu phải liên hệ với gia đình để nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên khi gia đình nạn nhân chuyển tiền, chúng không thả người, mà bán nạn nhân cho các công ty lừa đảo khác để tiếp tục thu lợi bất chính.
Công an TP.HCM khuyến cáo đối với công dân Việt Nam khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm hay đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp, uy tín để được hướng dẫn cụ thể, tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Khi có nhu cầu tìm việc làm trên mạng, cần cảnh giác với các trang web giới thiệu ra nước ngoài làm việc có dấu hiệu lừa đảo như mô tả công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không cần kỹ năng, trình độ, với mức lương, thưởng cao hấp dẫn…
Khi có đối tượng tìm cách tiếp cận để ve vãn, dụ dỗ ra nước ngoài làm việc, thông tin tuyển dụng không rõ ràng, yêu cầu vô lý, "việc nhẹ, lương cao" cần hết sức cảnh giác, đề phòng, tránh mắc bẫy những đối tượng lừa đảo.
Đối với gia đình các nạn nhân, nếu nhận được điện thoại yêu cầu chuyển tiền để chuộc người thân về nước, cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin người thân xuất cảnh thời gian nào, theo đường gì, đối tượng nào lôi kéo, hiện đang ở "trung tâm" nào… sau đó trình báo cho cơ quan công an địa phương nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Đối với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương cần tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân, không nghe, tin những lời dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia hoặc ra nước ngoài làm việc với chiêu bài "việc nhẹ, lương cao", phòng tránh bị lừa bán ra nước ngoài.
Tiếp cận, hỗ trợ các hộ dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu xuất cảnh tìm việc làm ở nước ngoài để cung cấp thông tin, giới thiệu các trung tâm giới thiệu việc làm, hỗ trợ lao động có uy tín tại địa phương.
Công an TP.HCM cho biết sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực cung cấp thông tin có giá trị giúp điều tra, khám phá, xử lý các đối tượng lừa đảo.
Mọi trường hợp bao che, chứa chấp, không tố giác tội phạm nếu bị phát hiện tùy tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ hôm nay (1/7), mô hình tòa án hoạt động theo 3 cấp, trong đó, có Tòa án nhân dân Tối cao; 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố; 355 Tòa án nhân dân khu vực.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình đã truy tố 8 bị can phạm tội 'cưỡng đoạt tài sản' theo khoản 4 điều 170 Bộ luật hình sự, có mức án từ 12-20 năm tù.
Tối 30/6, đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (gọi tắt là trung tâm) cho biết đã hoàn tất phương án tổ chức xe đưa đón miễn phí cho cán bộ, công chức, viên chức từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đến làm việc tại trung tâm hành chính TPHCM sau sáp nhập, bắt đầu từ ngày 1/7.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu mọi công việc theo thẩm quyền của 2 cấp của tỉnh Điện Biên phải thực hiện theo đúng theo tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì 443 Trạm y tế phường, xã hiện hữu nhằm tránh gây xáo trộn hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Việc hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng không đơn thuần là một động tác cộng dồn dân số, địa giới hay tài nguyên kinh tế của hai địa phương lại với nhau.
8h sáng nay 30-6, các tỉnh, thành cả nước tổ chức lễ công bố các quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính.
8h sáng nay 30-6, các tỉnh, thành cả nước tổ chức lễ công bố các quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính.
8h sáng nay 30-6, các tỉnh, thành cả nước tổ chức lễ công bố các quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính.