Dự báo miền Tây chịu tác động lớn khi lượng nước từ sông Mekong đổ về giảm 50%, chuyên gia đề nghị tạm dừng dự án kênh Funan Techo để nghiên cứu, đối thoại sâu hơn.
"Trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam đề nghị Campuchia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia kinh nghiệm, khách quan", TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ, nói tại hội nghị tham vấn về đề xuất Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ, ngày 23/4. Ông Tuấn nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về khu vực sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long nên đặc biệt quan tâm dự án.
Sau khi phê chuẩn dự án vào ngày 19/5/2023, giới chức Campuchia đã thiết lập ủy ban liên bộ để triển khai công trình dài 180 km, tổng chi phí ước tính 1,7 tỷ USD. Theo kế hoạch, kênh đào được khởi công cuối năm nay, hoạt động năm 2028, tức thời gian xây dựng chỉ 4 năm.
Theo TS Lê Anh Tuấn, các quốc gia trong lưu vực Mekong cần tuân thủ theo nguyên tắc và tinh thần sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, hòa bình, không gây nguy hại cho các quốc gia khác và chia sẻ lợi ích. Đồng thời các nước cùng chia sẻ rủi ro một cách công bằng nguồn nước chung, giảm thiểu tối đa tác hại đối với môi trường, hệ sinh thái và sinh kế dựa vào nguồn nước của hàng triệu người dân sống dọc theo dòng Mekong - sông lớn nhất Đông Nam Á.
TS Tuấn cho rằng Campuchia có khoảng 4,5 triệu ha đất canh tác. Trong đó trồng lúa chiếm 70%, còn lại là cây công nghiệp và cây hoa màu phụ trợ... Trong số này, các địa phương nơi kênh đào dự kiến đi qua là tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep với khoảng 300.000 ha đất lúa.
Bình quân mỗi ha lúa cần 5.000 m3 nước tưới mỗi vụ. Giả thiết 50% diện tích lúa của các tỉnh này sẽ lấy nước trên kênh đào và một phần sông Hậu cho mùa khô là hơn 660 triệu m3 nước cho một vụ (100-110 ngày), tương đương lưu lượng 1.673 m3 mỗi giây. Còn trường hợp 70% diện tích trồng lúa của các địa phương này đều sử dụng cho vụ mùa khô thì lưu lượng nước lấy đi là 2.342 m3 mỗi giây, vượt 942 m3 so lưu lượng trung bình của sông Bassac. Do vậy dự án này phải chuyển nước sông Tiền (Trans - Bassac) qua sông Hậu hơn 1.400 m3 mỗi giây để cân bằng thêm cho nguồn nước.
"Đó có lẽ là lý do chính khi dự án kênh đào Funan Techo phải làm một đoạn chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu", chuyên gia nói và cho rằng kênh đào lấy nước trực tiếp từ cả dòng chính sông Hậu và sông Tiền, chứ không phải một phụ lưu nào của hệ thống sông Mekong.
Ngoài ra, theo TS Tuấn, kênh đào sẽ chảy qua một vùng đất có khoảng 1,6 triệu dân sinh sống tạo ra một cơ sở phát triển kinh tế cho Campuchia. Sắp tới dân số sẽ gia tăng nhờ đô thị hóa hai bên kênh và nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ hậu cần sẽ tăng theo.
"Vì thế nếu tính đầy đủ, thêm lượng nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, đô thị từ dự án 1,7 tỷ USD này thì nước trên sông Tiền và sông Hậu (hai phân lưu của sông Mekong) về đến Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ giảm hơn 50%. Những năm khô hạn thì sự thiếu hụt nước sẽ trầm trọng hơn", chuyên gia nói, thêm rằng với mực suy giảm, khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng hơn nửa diện tích canh tác vùng châu thổ Cửu Long trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường...
Đồng thời, dự án còn tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học vào mùa mưa là không nhỏ. Kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ.
Như vậy đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, ngập sẽ gia tăng diện tích phía bắc kênh đào trong khi phần đất phía nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên sẽ giảm lũ. Lũ thấp sẽ ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết (như đập Thala ở biên giới An Giang) mà còn làm giảm nguồn cá, phù sa, dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học...
Theo TS Tuấn, các công trình kiểm soát nước đã xây dựng như cống đập Trà Sư, hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, vùng đê bao 3 vụ, khu dân cư vượt lũ... sẽ thay đổi chức năng và giảm hiệu quả vận hành. Đặc biệt, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể phải điều chỉnh vì trước đó đã không có xem xét yếu tố kinh đào Funan Techo là nhân tố mới liên quan nguồn nước. Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao của Chính phủ có thể bị ảnh hưởng do đặc điểm nguồn nước thiếu hụt và suy giảm sức khỏe đất, đặc biệt vào vụ Đông Xuân...
Thiếu hụt nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng hàng chục dự án ứng phó biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai. Một bộ phận người dân đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo và có thể gia tăng lượng di cư khỏi đồng bằng...
Từ những tác động lớn nếu dự án kênh triển khai, ông Đặng Thanh Lâm, Viện phó Thủy lợi và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần đề xuất Ủy hội sông Mekong quốc tế và Campuchia sớm cung cấp đánh giá tác động môi trường liên quan dự án. Theo ông Lâm, Viện thủy lợi và Môi trường đang lập quy hoạch quy hoạch phòng chống thiên tai cho Đồng bằng sông Cửu Long. "Việc lập quy hoạch mà bỏ qua tác động từ dự án này sẽ gây ảnh hưởng về lâu dài".
Viện phó Thủy lợi và Môi trường cũng cho hay trong bối cảnh này đơn vị liên quan cần chủ động phân tích, nhận định tiềm năng phát triển vùng ảnh hưởng dự án kênh đào Funan Techo để dự báo khai thác nguồn nước, dự báo các khả năng điều tiết nước, phù sa, ô nhiễm... Tiếp theo là công bố các kịch bản tác động, đưa vào nghiên cứu và ra quyết định về kế hoạch, quy hoạch, đầu tư, giám sát, dự báo nguồn nước, phương án trữ nước nhằm giảm thiểu nguy cơ.
Ông Nguyễn Bá Cao (Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Nam), chia sẻ các nghiên cứu sơ bộ mới cho thấy tác động của dự án đối với hạ lưu sông Mekong. Hiện chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của kênh đào với môi trường biển, nhất là vị trí tiếp giáp giữa kênh đào với khu vực biển là Phú Quốc (Kiên Giang).
"Nếu tính theo lưu lượng chảy trên kênh tương đương 3,6 m3 mỗi giây như phía nước bạn cung cấp thì mỗi năm có khoảng 34.000 tấn bùn cát chảy ra biển", ông Cao nói và cho rằng cần có nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của dự án với môi trường biển, nhất là ở khu vực tiếp giáp.
Quan tâm dự án này về lĩnh vực giao thông, bà Khúc Thị Nguyệt Hảo, đại diện Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết qua tìm hiểu đã phát hiện một số điểm bất hợp lý liên quan dự án kênh.
Theo bà, Campuchia đặt ra mục tiêu xây dựng kênh để hoàn thiện hành lang logistics phục vụ vận tải đường thuỷ. Khi dự án hoàn thành, hàng hóa từ Phnom Penh đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản qua tuyến kênh Funan Techo dài 180 km từ Phnom Pênh ra Kampot, sau đó phải vòng thêm qua mũi Cà Mau của Việt Nam, tổng chiều dài khoảng 900 km. Như vậy so với tuyến vận tải đường thủy truyền thống, quãng đường sẽ tăng khoảng 500 km, nghĩa là tuyến kênh mới không mang lại lợi ích xét về góc độ vận tải đường thủy...
Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đơn vị tổ chức hội nghị tham vấn, ghi nhận các ý kiến các chuyên gia, đại biểu, đặc biệt đối với yêu cầu phía Campuchia cung cấp thông tin chi tiết về thiết kế, vận hành của dự án. "Chúng tôi sẽ chuyển tải các ý kiến đến Ủy ban sông Mekong quốc tế và Campuchia để dự án sớm có đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới", bà Linh nói.
Đồng bằng sông Cửu Long rộng khoảng 40.000 km2, với hơn 17,4 triệu người, chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp 17% GDP cả nước... Vùng đất này đang chịu ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng, là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
An Bình - Hoàng Nam
Công an đã mời 4 tài xế liên quan vụ đoàn xe sang đón dâu dừng giữa đường để chụp ảnh. Các tài xế nhận thức được hành vi vi phạm trên là nguy hiểm, gây cản trở an toàn giao thông.
Tại buổi họp báo quý I/2023, nhiều sở, ngành, địa phương thông tin các vấn đề được phóng viên, cơ quan báo chí đặt ra. Trong đó, có nhiều vấn...
Chủ nhân đoạn clip 'Người phụ nữ đạp xe ngược chiều đâm ô tô gây 'bão' ở TPHCM' đã có những chia sẻ về diễn biến sự việc, cũng như mục đích đăng tải nội dung lên mạng xã hội.
Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định cấp học bổng toàn phần cho nam sinh Hoàng Long Vũ do có hoàn cảnh khó khăn khi bố tâm thần, mẹ bị ung thư.
Qua kiểm tra quán bar Gold Club - một trong những quán bar nổi tiếng ở Cà Mau, công an phát hiện có 20 khách đang vui chơi dương tính với ma túy, trong đó có 5 nữ.
Một trường ở Đắk Lắk đã quên mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhiều học sinh dù phụ huynh đóng tiền từ lâu. Theo lãnh đạo trường, trách nhiệm thuộc về nhân viên văn thư.
Tối 29.11, trao đổi với Báo Lao Động, một lãnh đạo huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xác nhận trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh vừa phát hiện thi...
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân trong những tình huống nguy cấp, việc Cảnh sát giao thông đội nắng tặng khăn lạnh, nước mát cho người tham gia giao thông đã nhân lên hình ảnh đẹp về chiến sỹ công an.
Ngày 27/9, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội phát hiện một số tài khoản Facebook thường xuyên đăng tải các bài viết rao bán “bùa phép” có nội dung mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Tiến hành xác minh, công an đã làm rõ được các chủ tài khoản là Đ.K.T (SN 1994, ở Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) và N.T.N (SN 1993, ở...