Những chợ nổi còn sót lại của Đồng bằng sông Cửu Long như Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang) cũng ngày càng đìu hiu và có nguy cơ lụi tàn.
Trong khi những giải pháp duy trì và khôi phục thời hoàng kim của chợ nổi thời gian qua không phát huy hiệu quả.
Mới nghe nhắc đến chợ nổi, anh Lê Phùng Viên (42 tuổi) vội bỏ ngay chiếc xe bán tải chất đầy hàng hóa bên bờ sông, mời khách lạ cà phê để trút bầu tâm sự.
Chỉ tay về eo đất nơi có vài chiếc ghe lường chở dưa hấu, bí đao… đang túm tụm ở khoảng sông, anh Viên bộc bạch ngày xưa cảnh buôn bán trên sông tấp nập còn hơn cả chợ trên bờ, còn bây giờ thì đìu hiu vắng vẻ.
"Vựa khoai Hai Kết nhà tui nổi tiếng khắp miền Tây, trước ở đằng kia. Khi chưa bị giải tỏa làm bờ kè, vựa rau củ cũng là bến lên hàng và lúc nào cũng nhộn nhịp người xe, tàu bè lên xuống. Hàng hóa ở đây bán đi khắp các tỉnh miền Tây.
Nhưng từ khi phải dời công việc mần ăn lên trên bờ, khách hàng đã giảm đi quá nửa. Nhiều bạn hàng lâu năm của gia đình tui đã bỏ ghe, chuyển sang làm nghề khác", anh Viên chia sẻ.
Anh Lê Phùng Viên cho biết thêm ngoài vựa khoai môn nhà anh, những vựa nông sản nổi tiếng khắp các tỉnh như vựa Trang Phát, vựa Anh Mười, vựa Anh Dũng, Anh Thanh… cũng phải di dời sâu lên bờ hoặc dạt về miệt Phong Điền để mở điểm mua bán, nơi vẫn còn thuận tiện cả thủy lẫn bộ.
Anh Hai Long, thương hồ miệt Đồng Tháp mấy mươi năm chở hàng xuống chợ nổi Cái Răng, chia sẻ do các vựa nông sản "mối mang" bị dời lên bờ nên việc trao đổi hàng hóa gặp khó khăn.
"Hồi trước tôi chở hàng tới đây qua đêm là bán sạch. Giờ đậu ngày này qua ngày kia, hàng hóa héo hon… cũng không bán hết", Hai Long nói buôn hết chuyến hàng này anh sẽ bán ghe cho người ta mua đi chở trấu, còn anh thì lên chăm sóc vườn cây, bỏ nghề lang bạt kỳ hồ.
Ngược lên tỉnh Tiền Giang, chợ nổi Cái Bè cũng cùng cảnh ngộ. Khúc sông từ vàm Cái Bè đâm thẳng vào thị trấn Cái Bè dài khoảng 2km trước đây là khu chợ nổi có tiếng, nay chỉ có hơn 10 chiếc ghe neo đậu.
Trong đó, chiếc ghe cũ kỹ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thảo (68 tuổi, quê Vĩnh Long) là một trong những chiếc ghe hiếm hoi neo tại chợ nổi Cái Bè trong những ngày này.
Ngồi trầm ngâm đầu mũi ghe, nơi cắm cây bẹo treo lủng lẳng mấy củ khoai lang, bà Thảo cho biết gia đình bà gắn với nghề buôn bán trên sông hàng chục năm nay, nhưng chợ ngày càng ế ẩm nên tương lai chưa biết sẽ như thế nào.
Trong số những chợ nổi trứ danh ở miền Tây như Ngã Bảy, Ngã Năm, Trà Ôn, Cái Bè, Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mau…, nổi tiếng nhất vẫn là chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ vì quy mô chợ, lượng ghe thương hồ tề tựu về đây cực lớn.
Vậy mà theo lãnh đạo UBND quận Cái Răng, số lượng ghe tàu tại chợ nổi từ lúc cao điểm là 500 - 600 chiếc chỉ còn khoảng 200 - 250 chiếc hiện nay.
Anh Lê Phùng Viên nhớ lại "thời hoàng kim" của chợ nổi Cái Răng là những năm 2000 đến 2015, lúc nào cũng dập dìu ghe kéo dài hàng cây số. Sự sôi động của các chợ nổi thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nhưng khách du lịch chủ yếu làm tăng doanh thu cho cánh hàng rong, chứ chưa chắc đã làm vui khách thương hồ vốn thường bán sỉ. Chính vì vậy, chợ nổi càng nổi trên phương diện truyền thông, khách du lịch nhiều thì hiệu quả kinh tế của thương hồ lại càng "chìm" xuống.
Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến chợ nổi mai một là do giao thông đường bộ đã phát triển, nhà vườn bán trái cây, nông sản đã có thương lái đưa xe đến tận nơi, người ta giảm dùng ghe chở trên sông.
Cùng với đó là sự phát triển của các siêu thị hiện đại và tiện lợi, người dân cũng dần thay đổi cách mua sắm, còn dân thương hồ ngày càng khó khăn nên phải bỏ ghe, lên bờ tìm nghề khác mưu sinh.
Sau cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP lập đề án mới (thay đề án cũ đã ban hành 5 năm) bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Răng.
Lãnh đạo UBND quận Cái Răng cho rằng chợ nổi đang bị tác động mạnh bởi công trình xây dựng kè sông, phá vỡ cấu trúc "trên bến dưới thuyền", phân tán thương hồ nên cảnh mua bán không còn nhộn nhịp như trước.
Hiện tại hai bên bờ thuộc quận Cái Răng và Ninh Kiều là "đại công trường" làm bờ kè sông, một số vựa trái cây ven sông trước đây đã "dạt" lên bờ. Cũng có nghĩa tập quán buôn bán "trên bến dưới thuyền" đã không còn.
Trước nguy cơ chợ nổi Cái Bè dần bị mai một, cuối năm 2017, UBND huyện Cái Bè lập đề án "Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè". Theo đề án này, chợ nổi Cái Bè sẽ giữ nguyên thực trạng như trước đây, tuy nhiên có sự quy hoạch bố trí để phù hợp hơn.
Bà Phạm Thị Tại - phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè - cho biết giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị của chợ nổi Cái Bè vẫn là vấn đề cấp thiết bởi đây vừa là nét văn hóa vừa là sản phẩm du lịch độc đáo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Cái Bè.
* Soạn giả - nhà nghiên cứu văn hóaNHÂM HÙNG:
Thứ nhất là cần có lộ trình chuyển đổi từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi tự tạo, bởi đến một lúc nào đó giao thông đường bộ hoàn thiện thì chợ nổi chỉ còn lại để phục vụ du lịch. Vì vậy cần có lộ trình chuẩn bị, 5 năm hay 10 năm nữa, khi chợ nổi này "qua đời" thì vẫn còn chợ nổi nhưng chức năng lúc đó là để phục vụ du lịch.
Thứ hai là cần phải bảo tồn không gian văn hóa "trên bến dưới thuyền" - cái mà đang mất và sẽ mất vì làm bờ kè chắn ngang, cắt rời sự giao thương, giao lưu giữa thương hồ với trên bờ. Cần giải pháp xử lý bờ kè mang đặc trưng chợ nổi bằng cách hạ thấp độ cao lan can, làm nhiều cầu tàu lên xuống hàng hóa thay vì làm nhiều bậc tam cấp.
Thứ ba, phải kêu gọi nhà đầu tư, làm sao cho người ta an tâm, thấy nơi đây làm ăn được mới bền vững, chứ nếu nhìn xuống thấy khó khăn, bờ kè ngăn cách thì người ta bỏ chạy, không đầu tư.
* ÔngNGUYỄN QUỐC CƯỜNG(chủ tịch UBND quận Cái Răng):
Cần có chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, vốn để thu hút các thương hồ hội tụ về chợ nổi mua bán, sinh sống, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn và phát triển chợ nổi.
Hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp phục vụ hoạt động kinh doanh, nâng cấp ghe tàu, chỉnh trang các bè nổi. Không thu các loại phí đối với thương hồ đang sinh sống, kinh doanh tại khu vực chợ nổi Cái Răng.
* BàĐÀO THỊ THANH THÚY(phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ):
Sau 5 năm thực hiện đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, có đưa ra nhiều thứ nhưng chưa có cái nào căn cơ hết nên nó vẫn giậm chân tại chỗ. Thương hồ là "linh hồn" của chợ nổi Cái Răng, còn thương hồ thì còn chợ nổi.
Giữ chợ nổi không chìm bằng giữ văn hóa, đời sống tinh thần của thương hồ mới quan trọng.
Tàu cao tốc từ Nam Du hoạt động trở lại sau ba ngày dừng, 700 du khách bị kẹt bắt đầu trở về đất liền, ngày 16/7.
200 “chiến sĩ nhỏ Điện Biên” và 300 thiếu nhi tỉnh Điện Biên biểu diễn tiết mục múa Xòe hoa thắm tình đoàn kết chào mừng 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tiết mục đã xác lập kỷ lục Việt Nam về tiết mục Xòe có thiếu nhi 63 tỉnh, thành phố tham gia biểu diễn đông nhất.
TP.HCM tuyên dương 35 chiến sĩ bộ đội biên phòng điển hình và khai mạc hội trại 'Tuổi trẻ giữ biển' 2024.
Chiều 10/10, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh Kiên Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 133.000 hội viên, thanh niên trên toàn tỉnh.
Các hoạt động tại Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023 góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống và phát huy giá trị của chiếc áo bà ba trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Hai dự án của các em học sinh ở Hòa Bình đã vinh dự dành tấm Huy chương Vàng trong trong Cuộc thi Olympic Phát minh và sáng chế thế giới.
Cầm trên tay cuốn Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2 của nhà văn, nhà báo Cù Mai Công, một lần nữa, tôi lại bị 'lạc trôi' vào những câu chuyện của một thuở Sài Gòn - Gia Định gợi nhiều thương nhớ.
Bà Ngô Thị Thanh Tâm xác lập kỷ lục thế giới về bộ sưu tập ấm chén tử sa 'Tâm trà diệu bảo' ở các niên đại có số lượng nhiều nhất thế giới.
Batik là một kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn lên vải bằng phương pháp thủ công truyền thống có từ lâu đời, được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của Indonesia.