Ukraine có thể đã bí mật triển khai tên lửa phòng không, bật radar và gài bẫy rồi bắn hạ máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga trên Biển Azov.
Quân đội Ukraine ngày 14/1 tuyên bố phá hủy một máy bay cảnh báo sớm A-50 và một máy bay chỉ huy Il-22 của Nga tại khu vực gần Biển Azov. Bộ tư lệnh mặt trận phía nam Ukraine sau đó công bố video cho thấy chiếc máy bay A-50 bay qua khu dân cư, kèm bản đồ đường bay của phương tiện tại khu vực bị bắn rơi.
Đây được coi là tổn thất lớn với không quân Nga, do lực lượng này chỉ sở hữu 9 chiếc A-50, vốn được mệnh danh là "mắt thần trên không", giúp quân đội Nga có cái nhìn bao quát về tình hình chiến trường ở Ukraine.
Máy bay A-50 có khả năng phát hiện vật thể bay từ khoảng cách 800 km và mục tiêu mặt đất từ cách 300 km, cho phép Nga xây dựng bản đồ tác chiến đường không sâu trong lãnh thổ Ukraine mà không cần bay gần chiến tuyến, đồng thời phát hiện phi cơ bay thấp ở những khu vực mà radar mặt đất không thể quan sát.
Ukraine không nêu cụ thể loại vũ khí được sử dụng để hạ máy bay A-50 Nga. Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây nhận định Ukraine có thể đã dùng tổ hợp phòng không Patriot PAC-2 với tầm bắn gần 150 km để hạ chiếc A-50.
Do tầm bắn của tên lửa phòng không Ukraine ngắn hơn rất nhiều so với phạm vi hoạt động của các cảm biến trinh sát trên máy bay A-50, các đơn vị radar và tên lửa phòng không của Ukraine nhiều khả năng đã áp dụng chiến thuật dụ "mắt thần trên không" Nga vào bẫy, theo Tom Cooper, tác giả nhiều cuốn sách về máy bay quân sự của Liên Xô và Nga.
Để chuẩn bị cho trận phục kích này, trước đó một ngày, không quân Ukraine đã mở đợt tấn công bằng cường kích Su-24 nhằm vào các căn cứ của quân đội Nga trên bán đảo Crimea, khiến một số đài radar của Nga bị hỏng, Cooper cho biết.
Điều này làm giảm tầm bao phủ của radar phòng không Nga ở Crimea, đặc biệt là khu vực phía bắc bán đảo, nơi có địa hình cản sóng, khiến họ khó phát hiện phi cơ quân sự, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa Ukraine đang bay tới.
Trở ngại này buộc các chỉ huy Nga phải quyết định điều máy bay A-50 bay gần bờ biển Azov hơn để mở rộng tầm phủ sóng radar, thay vì hoạt động xa hơn về phía nam như trước.
Do chiếc A-50 hoạt động xa hơn, không quân Nga cần triển khai máy bay chỉ huy Il-22M bay kèm, đóng vai trò chuyển tiếp dữ liệu vô tuyến về sở chỉ huy. Chiếc Il-22M lúc này làm nhiệm vụ hỗ trợ phi cơ A-50 xử lý thông tin liên lạc và truyền dữ liệu mà máy bay mắt thần không thể xử lý.
Để thực hiện nhiệm vụ, chiếc A-50 phải bay qua khu vực thành phố Berdyansk, cách tiền tuyến khoảng 120 km. Đây dường như là khoảnh khắc mà nhân chứng dưới mắt đất quay được lúc chiếc A-50 bay qua khu dân cư.
Lúc này, chiếc A-50 và Il-22M đã lọt vào "bẫy phục kích" của phòng không Ukraine, bởi chúng đã nằm trong tầm bắn của tổ hợp phòng không Patriot mà Kiev đã bí mật triển khai ở mặt trận phía nam.
Cooper cho biết Ukraine phải tìm cách bật radar nhắm mục tiêu vào chiếc A-50 và Il-22M mà không để phi hành đoàn Nga phát hiện quá sớm, nguy cơ khiến họ bị lộ trận địa và mất tổ hợp Patriot quý giá. Để giải quyết bài toán này, họ có thể sử dụng radar của tổ hợp S-300 để theo dõi hai máy bay Nga từ xa, sau đó mới kích hoạt tổ hợp Patriot vào thời điểm phù hợp.
Theo Cooper, có bằng chứng cho thấy Ukraine đã kết hợp tổ hợp S-300 với Patriot trong vụ hạ máy bay A-50. Một tiêm kích bom S-34 của Nga đã phát hiện khẩu đội S-300 Ukraine chưa từng xuất hiện trước đây bật radar vài phút trước khi chiếc A-50 và Il-22M bị tên lửa bắn trúng.
Khi phát hiện hai máy bay Nga, radar S-300 Ukraine chuyển dữ liệu tới tổ hợp Patriot đang được bí mật bố trí gần đó. "Tổ hợp Patriot chỉ bật radar trong thời gian ngắn, đủ lâu để nhắm mục tiêu và tránh bị Nga phát hiện dấu vết", Cooper giải thích. "Sau đó Ukraine khai hỏa tên lửa Patriot".
Quả tên lửa phát nổ sau đó vài phút, phá hủy chiếc A-50 và làm hư hại chiếc Il-22M bay kèm. "Sau khi khai hỏa, các kíp vận hành S-300 và Patriot PAC-2/3 Ukraine nhanh chóng tắt radar, thu dọn thiết bị và di chuyển để tránh bị Nga đáp trả", Cooper cho biết.
Theo các chuyên gia phương Tây, sự cố khiến Nga có thể chỉ còn lại hai chiếc A-50 đủ năng lực vận hành, do 6 chiếc A-50 khác đang được đại tu.
Họ cho rằng Nga có thể phải mạo hiểm điều động hai chiếc A-50 còn lại để giải quyết vấn đề phủ sóng radar phòng không trên toàn bộ Crimea, hoặc chấp nhận rủi ro từ những vụ tập kích ngày càng tăng của Ukraine nhằm vào bán đảo.
Một số chuyên gia nhận định Nga vẫn phần nào có lợi thế khi nguồn cung đạn tên lửa Patriot cho Ukraine không phải là vô hạn. Nếu Mỹ chưa phê duyệt gói viện trợ quân sự mới trị giá 61 tỷ USD, Ukraine có thể phải sử dụng đạn tên lửa Patriot tiết kiệm hơn và ít cơ hội thực hiện các kế hoạch giăng bẫy tương tự.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes, Reuters, AFP)
Ngày 21/11, New Zealand đã chỉ định toàn bộ phong trào Hezbollah là tổ chức khủng bố, động thái điều chỉnh so với quyết định năm 2010 chỉ liệt kê cánh quân sự của phong trào này.
Ngày 10-7, giới chức Ba Lan công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ cháy hàng trăm quầy hàng trung tâm thương mại tại thủ đô Warsaw, Ba Lan.
Truyền thông Iran tố Israel tập kích Syria khiến 16 người thiệt mạng, trong đó có một cố vấn thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này.
10h45 ngày 8-10, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến sân bay quốc tế Wattay của Lào, bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng nước này dùng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và UAV tấn công căn cứ không quân của Ukraine.
Theo Hiến pháp Mozambique, bầu cử tổng thống được tổ chức theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Ứng cử viên nào giành được hơn một nửa số phiếu hợp lệ sẽ trở thành Tổng thống.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet thông báo dự án kênh đào Funan Techo sẽ được khởi công vào tháng 8.
Ngày 13/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tới thủ đô Wellington, bắt đầu chuyến công du New Zealand và Australia. Chuyến đi tập trung vào thương mại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình trong hệ thống phân cấp chính trị của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường là nhân vật cấp cao nhất đến công du ở cả hai quốc gia kể từ năm 2017.
Ngày 7/6, Tổng thống Thụy Sỹ Viola Amherd cho biết, hội nghị về Ukraine sẽ khép lại mà không ký kết thỏa thuận hòa bình do Nga vắng mặt tại sự kiện này.