Các chỉ huy Ukraine cho rằng tân binh không được huấn luyện đầy đủ, sĩ khí kém là lý do khiến họ liên tục để mất lãnh thổ ở Donbass.
"Một số tân binh không muốn nổ súng. Từ công sự trong chiến hào, họ nhìn thấy đối phương nhưng không bắn. Đó là lý do nhiều đồng đội của chúng tôi đã thiệt mạng. Khi vũ khí không được dùng, chúng chỉ là thứ vô dụng", một tiểu đoàn trưởng thuộc Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47, bày tỏ nỗi tức giận trong cuộc phỏng vấn được AP công bố hôm 22/8.
Lữ đoàn 47, đơn vị được mệnh danh là "nắm đấm thép" của quân đội Ukraine, là một trong 4 lữ đoàn đang được giao nhiệm vụ bảo vệ Pokrovsk, trung tâm hậu cần quan trọng và một trong những thành trì chính của Ukraine tại tỉnh Donetsk thuộc vùng Donbass, miền đông nước này.
Lữ đoàn 47 thường xuyên tham gia các trận chiến khốc liệt nhất và hứng chịu thương vong lớn, buộc quân đội Ukraine phải thường xuyên bổ sung tân binh cho họ. Tuy nhiên, các chỉ huy cho rằng những tân binh mới được bổ sung kém xa các quân nhân tình nguyện nhập ngũ và đã dày dạn kinh nghiệm sau hơn hai năm xung đột.
"Tân binh không đáp ứng nổi tiêu chuẩn huấn luyện tối thiểu", một chỉ huy nói.
Lực lượng Nga hiện chỉ còn cách Pokrovsk khoảng 10 km. Đà tiến của Nga nhanh tới mức giới chức Ukraine phải ra lệnh sơ tán bắt buộc với những gia đình ở Pokrovsk và khu vực lân cận.
Nếu kiểm soát được Pokrovsk, Moskva sẽ làm suy yếu đáng kể tuyến phòng thủ và năng lực tiếp tế của đối phương, giúp họ tiến gần hơn mục tiêu là kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk.
Các lãnh đạo quân sự tại Pokrovsk phải xây dựng kế hoạch tác chiến với những binh sĩ chưa biết cách bắn súng và tháo lắp vũ khí, cũng như không nắm được kỹ thuật tác chiến cơ bản và cách tận dụng địa hình trên chiến trường. Một số người thậm chí không tin kế hoạch tác chiến của chỉ huy và tự ý rời bỏ vị trí được giao.
"Có thời điểm tân binh quá sợ hãi và bỏ chạy, dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Đây là lý do chúng tôi thất bại", tiểu đoàn trưởng thuộc Lữ đoàn 47 nói.
Nhiều đơn vị Ukraine chán nản với chất lượng tân binh đến mức đang tìm cách tự tuyển chọn binh sĩ để sàng lọc và huấn luyện kỹ càng hơn.
"Vấn đề chính là bản năng sinh tồn của tân binh. Trước đây, các quân nhân sẵn sàng bám chốt và chiến đấu đến cùng. Giờ đây, chỉ cần các đợt pháo kích nhẹ cũng khiến tân binh bỏ chạy. Vẫn có những người quyết tâm chiến đấu, nhưng số lượng rất, rất ít", quân nhân giấu tên thuộc Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 110 Ukraine cho hay.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 5 ký đạo luật gây tranh cãi, trong đó hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 và yêu cầu đàn ông phải đăng ký với các văn phòng tuyển quân. Điều này giúp quân đội Ukraine bổ sung hàng chục nghìn tân binh mỗi tháng, nhằm bù đắp tổn thất ở tiền tuyến.
Dù vậy, họ cũng đối mặt nhiều rào cản về huấn luyện, trang bị và trả lương cho tân binh, trong khi nhu cầu bổ sung quân ở tiền tuyến luôn ở mức cao. Quân đội Ukraine đã phải phân tách, luân chuyển các lữ đoàn tham chiến từ khu vực này đến địa điểm khác để bù đắp điểm yếu trong phòng tuyến.
Giới chỉ huy Ukraine cho rằng vụ Nga kiểm soát làng Progres gần Povrovsk hồi tháng trước là ví dụ điển hình về thất bại do chất lượng tân binh. Lữ đoàn Cơ giới số 31 được giao nhiệm vụ bảo vệ làng này, nhưng các đơn vị lính mới đã vội vã rút về tuyến sau khi lực lượng Nga áp sát. Hậu quả là Lữ đoàn 47 phải điều quân đến đây tham chiến để đẩy lùi đối phương và ổn định phòng tuyến.
Tình thế tương tự cũng xảy ra tại làng Ocheretino hồi tháng 5, khi Lữ đoàn 47 rút lui nhưng Lữ đoàn Cơ giới số 115 không tới nhận vị trí phòng thủ như hiệp đồng. "Một số đơn vị của họ đã tháo chạy", Mykola Melnyk, đại đội trưởng thiện chiến của Lữ đoàn 47, tỏ ra bức xúc về hành động của Lữ đoàn 115.
Hành động của Lữ đoàn 115 tạo ra lỗ hổng lớn trong phòng tuyến của Ukraine. Lực lượng Nga phát hiện các vị trí bỏ trống tại Ocheretino và quyết định mở mũi tiến công chớp nhoáng nhằm vào ngôi làng. Địa điểm này sau đó trở thành bàn đạp quan trọng để Moskva duy trì đà tiến quân về hướng Pokrovsk.
Tình hình tại tiền tuyến miền đông thêm căng thẳng khi Ukraine rút bớt lực lượng thiện chiến tại đây để mở chiến dịch tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga từ hôm 6/8.
Các chỉ huy quân đội Ukraine dường như kỳ vọng chiến dịch Kursk sẽ buộc Nga phải điều chuyển đáng kể lực lượng khỏi mặt trận Donbass để về bảo vệ tỉnh này, qua đó giảm bớt áp lực cho phòng tuyến miền đông.
Tuy nhiên, Nga chỉ rút một phần lực lượng nhỏ, nhiều khả năng là ở tỉnh Kharkov, tới chi viện cho Kursk và vẫn duy trì đà tấn công tại miền đông Ukraine.
Một số chuyên gia quân sự Ukraine chỉ trích việc các chỉ huy đổ lỗi cho tân binh vì bước lùi trên chiến trường.
"Tân binh đã được huấn luyện đầy đủ, giới chỉ huy lữ đoàn cũng có những công cụ phù hợp để khích lệ tinh thần binh sĩ. Họ chỉ đang tìm cách bào chữa cho thất bại chiến thuật của mình", Viktor Kevliuk, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng ở Ukraine, nhận xét.
Vũ Anh (Theo AP, TASS)
Giới chức Ukraine ghi nhận Nga có 16 lần sử dụng tên lửa siêu vượt âm để tập kích thủ đô Kiev từ đầu năm đến nay.
Vũ khí viện trợ Ukraine xuất hiện ở…chợ đen, Indonesia hối thúc chấm dứt bạo lực ở Myanmar… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Yonhap đưa tin, ngày 21/1, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã đưa ra nhận định về vụ thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước mới nhất của Triều Tiên.
4 binh sĩ Israel thiệt mạng và 58 binh sĩ khác bị thương trong cuộc tấn công bằng drone của Hezbollah nhắm vào một căn cứ quân sự ở trung tâm Israel.
Cách đây nửa thế kỷ, vào ngày 18/5/1974, Ấn Độ đã kích nổ thành công quả bom hạt nhân đầu tiên. Vụ thử chính thức đưa New Delhi gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân thế giới.
Báo Anh nêu tình trạng thiếu binh sĩ trầm trọng trong quân đội Ukraine, Quân đội Nga thay Tư lệnh Lực lượng lửa và pháo binh,... là các thông tin cập nhật về tình hình xung đột Nga-Ukraine.
Các nhà ngoại giao tiết lộ hơn 550 người hành hương Hồi giáo thiệt mạng trong lễ Hajj ở Mecca, hầu hết do sốc nhiệt.
Điện Kremlin đã từ chối xác nhận thông tin từ phía Mỹ, cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong tháng này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, kêu gọi các nước lớn hành xử có trách nhiệm, chia sẻ thành tựu nghiên cứu khoa học - công nghệ để cùng phát triển.