Bị liệt đôi chân từ bé, nhưng ông Nguyễn Văn Sinh (ở Khánh Hòa) không đầu hàng số phận. Ông đã cùng vợ nuôi 5 con ăn học đến nơi đến chốn.
Ngôi nhà cấp 4 rộng và thoáng mát của gia đình ông Sinh, một người đàn ông liệt đôi chân, dựng nhiều xe máy, xe đạp điện… mà phần nhiều là của các em học sinh mang tới nhờ ông sửa chữa.
Đôi chân ông Sinh teo tóp, co quắp, nhưng ngược lại, đôi tay ông thoăn thoắt không ngừng nghỉ. Hết tháo ráp, ông lại đo điện bình ăc quy, rồi sửa chữa liền tay.
Ông kể lúc mới sinh ra, ông bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng lên 3 tuổi, sau một cơn sốt thì đôi chân ông liệt hoàn toàn.
Tàn tật, nhưng ông Sinh ham học. Ông học hết lớp 9, nhưng đến lớp 10 thì bỏ cuộc vì nhà quá xa trường, thời đó không có xe lăn. Ông nuốt nước mắt bất lực trước sự đổ gãy của ước mơ học tập.
"Không lẽ mình cứ lê lết mãi trong nhà sao? Tôi quyết tâm mình phải học nghề gì đó để sau này mưu sinh, không thể trở thành người bỏ đi được" - ông Sinh nhớ lại.
Ông xin cha mẹ ra TP Nha Trang học nghề sửa chữa điện tử. Sau một thời gian học nghề, năm 1995, ông Sinh về lại quê, mở tiệm nhỏ sửa chữa đồ điện tử, đồ điện tại nhà.
Thời đó, nghề điện - điện tử còn khá mới mẻ và bận rộn ở vùng quê Cam An Nam. Là người liệt cả hai chân, việc leo lên cao để cân chỉnh cần ăng ten tivi (thường phải gắn trên cây tre cao 5-6m mới bắt sóng được) cho người dân là một thử thách rất lớn đối với ông Sinh.
"Ban đầu, tôi phải dùng lực đôi tay kéo lê toàn thân người, nhất là đôi chân đã liệt trên chiếc thang, rất vướng và khó nhọc. Cuối cùng tôi được tìm cách leo lên thang từ phía sau, như thể đu xà đơn mà lên…" - ông Sinh vui vẻ kể về một thời khó nhọc nhưng đầy quyết tâm, sáng tạo như thế.
Cảm mến chàng trai tàn tật nhưng có ý chí, bà Cao Thị Phương Thảo đem lòng yêu thương rồi trở thành vợ hiền của ông Sinh sau không ít… gian nan.
Bà Thảo kể có người anh cả bị liệt một chân nhưng cũng cưới vợ bình thường. Người em rể của bà cũng là người khuyết tật.
"Vậy nhưng khi tôi xin cưới anh Sinh thì gia đình tôi cản khá… quyết liệt. Các cụ thương con, lo tôi khổ nên mới mong lấy được người lành lặn. Tuy nhiên, giờ chúng tôi chứng minh được tình yêu của mình là đúng. Anh Sinh tuy tàn tật nhưng đầy ý chí lao động, sáng tạo và chăm lo cho gia đình thậm chí còn hơn nhiều người đàn ông lành lặn khác" - bà Thảo không giấu được tự hào.
Ông Sinh và bà Thảo sinh được 5 đứa con, gồm bốn trai và một gái. Cả năm đứa con của ông bà đều chăm học, học giỏi và đã có bốn em học đại học, cao đẳng.
Người con cả Nguyễn Công Minh (sinh 1999) đã thể hiện đúng bản lĩnh là "đầu tàu" đối với đàn em. Suốt mấy năm học ngành điện - điện tử ở Trường đại học Sư phạm kỹ thật TP.HCM, Minh luôn phấn đấu là sinh viên học giỏi để bớt gánh nặng học phí cho cha mẹ. Em ra trường với danh hiệu thủ khoa, bằng kỹ sư hạng giỏi.
Nối gót anh, 3 người em kế cũng đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM. Bốn anh em thuê chung phòng trọ để sống, học tập và chia sẻ, bảo ban lẫn nhau. Hiện ở nhà với vợ chồng ông Sinh chỉ còn con út Nguyễn Văn Phước (sinh 2007), đang học lớp 11.
Em Nguyễn Thị Thủy Tiên (22 tuổi), con gái duy nhất của ông Sinh và bà Thảo, đã ra trường và đang làm trong ngành du lịch tại TP.HCM. Tiên cho hay chính sự hăng say lao động, ý chí vượt qua mọi thử thách, khó khăn của người cha tàn tận và người mẹ tần tảo đã truyền cảm hứng, để năm anh em luôn quyết tâm phải học tốt, học đến nơi đén chốn.
"Tuy cha khiếm khuyết về hình thể, nhưng tình yêu thương lại rất bao la. Cha nói ngày xưa cha khao khát học tập nhưng không được, giờ các con phải học giúp cho cha, học càng nhiều, càng cao càng tốt. Khó khăn mấy cha mẹ cũng nỗ lực để lo cho năm anh em học tập" - Tiên chia sẻ.
"Ai cũng có một cuộc đời, người này may mắn, người kia bất hạnh. Tôi chỉ muốn nhắn rằng những người có hoàn cảnh như tôi không nên tự ti mà hãy tự tin vượt lên số phận, khi đó chúng ta tự vẽ một cuộc đời đẹp và ý nghĩa" - ông Sinh cười hiền lành.
Lương y Nguyễn Xuân Long, người hàng xóm, tâm đắc: "Ông Sinh đã vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường, ai cũng cảm phục. Đặc biệt, ông là người ham học hỏi và truyền sự khát khao học tập đó cho con cái cũng như những người tiếp xúc. Ông đã dốc toàn tâm, toàn lực, tài chính "đầu tư" cho các con ăn học thành tài. Đó chính là cách đầu tư thông minh nhất".
Hơn 700 phần quà là những đồ dùng thiết yếu đã được Tỉnh Đoàn Sơn La cùng các đơn vị đồng hành trao đến tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Chiềng Lao, huyện Mường La (Sơn La).
Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh vừa dạy chương trình phổ thông vừa dạy chữ Khmer ở 131 trường và 10 trường Phổ thông Dân tộc nội trú; khuyến khích các chùa Nam Tông Khmer dạy chữ Khmer cho đồng bào.
Bắt được con ếch chưa kịp ăn, cò bị đại bàng sà xuống cướp bằng được.
Ban Quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn và các chuyên gia đang lo lắng việc mới đây một lò gạch thủ công vốn là nơi duy nhất cung cấp vật liệu phục vụ trùng ty Thánh địa Mỹ Sơn bị tạm dừng hoạt động.
Một số cơ sở y tế vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc , vật tư y tế trong một số thời điểm nhất định.
Sinh năm 1996, 27 tuổi, tác giả Lê Quang Trạng vừa được công bố nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 hạng mục Văn học thiếu nhi, với tác phẩm ‘Cá linh đi học’ (Nhà xuất bản Kim Đồng).
Những ngày này, đoàn viên thanh niên Câu lạc bộ C4 phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cấp tập ôn thi cho những sĩ tử khó khăn để các em tự tin bước vào kỳ thi THPT đã cận kề trước mắt.
Ngày nhận giấy báo tin đỗ trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Vũ Thị Ngoan khóc sưng cả mắt. Cô khóc vì đã gần chạm đến ước mơ, và khóc vì có thể ước mơ ấy không thành. Bố mẹ cô cũng không cầm được nước mắt…
Ngày 22/12, tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn Bắc Giang phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng áp dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân địa phương.