Tết đã là một biểu tượng của thời gian, khi được mở đầu một năm mới, sự kiện này đã mặc nhiên bao gồm rất nhiều thứ được lấy làm biểu tượng cho muôn vẻ: Lẽ sinh sôi tự nhiên, phong tục văn hóa, sự đoàn viên sum họp gia đình hay gắn kết cộng đồng...
Tết là lúc con người hiện đại gần với tự nhiên, trời đất hơn cả, ít nhất thì nhịp sống cũng chậm lại dưới “sức ép” của truyền thống để buộc họ phải ngước mắt lên nhìn bầu trời, để rồi thốt nghĩ, à mùa Xuân đã về. Ấy là lúc có thể có đôi cánh chim chao liệng báo Xuân. Hàng ngàn năm trước, người xưa cũng đã nhìn những cánh chim ở muôn nơi mà bảo nhau Xuân về.
Biết bao nhiêu thi tứ đã gọi đến như: “Ngày Xuân con én đưa thoi... Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca...”. Con én, cái oanh đã thành biểu tượng Xuân trong vùng ký ức văn hóa truyền thống, hội tụ cả hình ảnh lẫn âm thanh. Trong sự lấn sân của muôn hình thái hiện đại của thời công nghệ, bóng chim nhỏ bé hơn cả về tính biểu tượng cũng như sự hiện diện thực tế giữa bầu trời.
Người Việt gọi nôm là chim én thay cho tên chữ Hán là yến. Hai từ đều có âm thanh dấu sắc, nghe một tiếng vút lên, thanh nhẹ. “Én” và “yến” mang thanh dấu ngược với từ “nhạn” gợi ý mùa thu, dấu nặng như một giọt sương gieo đầm đìa, hiển hiện trong những câu Kiều hay Tản Đà: “Nhạn về, én lại bay đi/ Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm/ Lá sen tàn tạ trong đầm/ Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa” (Cảm thu, tiễn thu).
Bài vọng cổ nổi tiếng “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu cũng mượn hình tượng này để bày tỏ nỗi lòng chinh phụ: “Thiếp nguyện cho chàng, nguyện cho chàng đặng chữ bình an, mau trở lại gia đàng, cho én nhạn hiệp đôi”.
Cánh chim báo mùa là hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên trải Xuân - Hạ - Thu - Đông, mùa nào cũng có, nhưng với mùa Xuân, hình ảnh ấy gắn với một sự khai mở hứa hẹn những điều tốt lành sau một mùa đông lạnh giá hay một năm đã qua, hướng đến một năm mới nhiều hy vọng hơn.
Trong đời sống nhiều bất trắc của các thế hệ cũ, mỗi một biểu tượng của đổi thay đều có khả năng phát ra thông điệp về hy vọng, chí ít cũng thoát khỏi sự quẩn quanh, cho dù lẽ tuần hoàn của trời đất ai nấy đều biết.
Cánh én có mặt trong ngữ liệu văn hóa của xã hội Việt Nam như một điển tích cho mùa Xuân, trong khi ở các nước vùng ôn đới chim én (yến) lại dường như gắn với mùa hè. Câu ngạn ngữ “Một cánh én chẳng làm nên mùa Xuân” của ta là một sự biến nghĩa của câu “A swallow doesn’t make a summer” (Một cánh én chẳng làm nên mùa hè) trong tiếng Anh. Trong khi đó, chim oanh, hay hoàng oanh, vàng anh, cũng là một loài chim báo Xuân thường được lấy tên cùng với chim én tạo thành tổ hợp “yến oanh” hay “yến anh” để chỉ sự kết giao nam nữ, gợi ý những hội hè đình đám.
Mở đầu “Truyện Kiều” là cảnh mùa Xuân, người đọc nào cũng nhớ câu: “Gần như nô nức yến oanh, chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân” khi chị em Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan đi hội đạp thanh (hội đạp cỏ xanh - một ngữ động từ rõ ràng đã thành một hành động thật quyến rũ là nhờ mã ký hiệu mùa Xuân ẩn bên dưới).
Hẳn không phải vô cớ mà dân gian đã chọn chim oanh với tên gọi vàng anh để làm một kiếp hóa thân của cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám. Tiếng hót của con chim là một tín hiệu sống, hẳn nhiên nổi bật để gây được sự chú ý hơn là vẻ mã ngoài vì chúng thường làm tổ và sống ở tít ngọn cây cao.
Chim én thường được dùng ở dạng hình ảnh, trong khi chim oanh gắn với âm thanh, thậm chí được nhân cách hóa để biểu đạt trạng thái tâm lý con người. Nếu chim én chỉ có nhận dạng trong tư thế bay liệng cao tít trên trời xanh hoặc sự mô phỏng hình đuôi én trong những chiếc thuyền của người Việt hoặc mái tóc đuôi én trong thời trang, thì chim oanh có hẳn một loạt nhận diện âm thanh.
Cũng vẫn “Truyện Kiều”, Nguyễn Du mượn tiếng oanh để giãi bày tâm trạng phấp phỏng của kẻ si tình: “Lơ thơ tơ liễu buông mành, con oanh học nói trên cành mỉa mai”. Người anh vợ của Nguyễn Du, Đoàn Nguyễn Tuấn, ví tiếng hát của người ca nương phố Hòe Nhai đất Thăng Long với “giọng oanh trăm chiều khéo lựa lời ca” (nguyên văn: “Bách chuyển oanh hầu xảo lộng ca”, Hòe Nhai ca nữ).
Đương nhiên với vẻ đẹp của âm thanh đã được cổ điển hóa như vậy, những tác giả tân nhạc cũng tìm cách mượn chúng cho những ngữ liệu của mình. Tiếng hát được ví với tiếng chim như hoàng oanh, là một sự vận dụng nhiều tầng ý nghĩa, từ âm thanh đến khát vọng giao tình, dẫu chỉ là để ghi dấu một mối tình đơn phương: “Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca” trong bài hát “Bến xuân của Văn Cao” (1943), nhưng đủ sâu đậm để rồi bốn chục năm sau, được nhắc lại trong một hoài niệm nhiều phần tưởng tượng về Hà Nội ngày tháng cũ, “có tiếng oanh ca bên bờ tường vi” (Song Ngọc).
Khi đặt lời ca cách mạng cho bài hát “Bến xuân” với tên gọi “Đàn chim Việt” vào năm 1946, Văn Cao vẫn giữ lại hình ảnh chim oanh riêng tư kia: “Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca, cánh nhạn vào mây thiết tha, lưu luyến một trời xa”. Khoảng ba mươi năm từ thời chiến tranh đến giai đoạn tái kiến thiết sau thống nhất, trong không gian của những bài ca - phương tiện lôi cuốn đại chúng nhất, cánh chim mùa Xuân thường đượm màu đấu tranh hoặc trong một bầu âm thanh đồng ca cổ vũ lao động sản xuất, từ chim chiền chiện trong “Chim hót trên đồng đay” (Nguyễn Văn Tý, 1963) hay “Một mùa xuân nho nhỏ” (Trần Hoàn, thơ Thanh Hải, 1980), đến hình ảnh chim hải âu mang tầm vóc bức tranh cổ động hoành tráng đầy vị lai: “Khi xuân sang trên bến cảng, đàn hải âu tung cánh bay rợp trời, cảng của ta vui đón bao chuyến hàng, những chuyến hàng bè bạn từ xa xôi, những chuyến hàng Việt Nam gửi đi muôn nơi” (Bến cảng quê hương tôi - Hồ Bắc, 1970).
Cánh chim mùa Xuân cũng có khi mờ nhòe chỉ dẫn nhận dạng như “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân” (Bài ca hy vọng - Văn Ký, 1958). Cũng so sánh tiếng hót loài chim với tiếng ca, nhưng ở thời đại này, con người mạnh mẽ là chủ thể bối cảnh: “Chim hót không hay bằng tiếng hát em” (Cô gái vót chông - Hoàng Hiệp, thơ Moloykravi, 1965).
Chim én quay trở lại thế giới văn hóa đại chúng vào cuối thập niên 1970, như dấu hiệu cho mùa Xuân mới, cho cuộc đời mới, tương hợp với những chủ điểm xây dựng đất nước. Nếu nhạc sĩ tiền bối Văn Cao lặng lẽ trở lại với “Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về” (Mùa xuân đầu tiên, 1976) thì “Mùa chim én bay” (Diệp Minh Tuyền, 1979) hay “Tạm biệt chim én” (Trần Tiến, 1983) khắc họa tâm thái con người mang nét trữ tình của thời hậu chiến, mang màu sắc gần với nhạc trẻ nhằm chinh phục một tầng lớp lớn lên sau chiến tranh.
Thậm chí một bài hát thiếu nhi cũng mượn đặc điểm sống theo bầy của chim én để lồng ghép thông điệp giáo dục: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân/ Rủ nhau én về theo làn nắng ấm dần” (Cánh én tuổi thơ - Phạm Tuyên, 1987). Mang một cách gọi khác, loài chim yến khi sống ở các vùng đảo lại thành cảm hứng trữ tình hóa cho những bài hát về hải quân như “Chim yến bay” (Nguyên Nhung, thơ Lê Thị Mây, 1981) hay “Đảo Yến một khúc ca” (Phạm Minh Tuấn, thơ Nguyễn Nhật Ánh, 1985) - tất cả đều gắn với mùa Xuân: “Đảo mùa Xuân nơi ấy ta yêu”.
Hình tượng thiên nhiên như cánh én mùa Xuân được dùng không phải vì âm thanh đặc trưng hay nhận dạng vẻ đẹp của chúng, mà chúng là những mẫu thức cổ điển ký thác cho kỷ niệm hậu phương của những người ra trận, với “Tình ta như nắng mùa xuân tươi, có hoa nở có én đùa” (Cánh hoa lưu ly - Diệp Minh Tuyền, 1982) hay “Tạm biệt chim én xưa, tạm biệt những giấc mơ, và giàn hoa tím bên nhà ai nhớ mong” (Tạm biệt chim én - Trần Tiến, 1983).
Gần đây, chim én vẫn xuất hiện như một cách dẫn dắt chủ đề Xuân cho những bài hát của thế hệ mới: “Những cánh én báo tin mùa Xuân, những cánh én lướt bay trời xanh, một mùa Xuân đang đến quê nhà” (Cánh én mùa Xuân - Trọng Nghĩa). Mượn sự tuần hoàn của nhịp sinh học loài chim, các bài hát cho giới trẻ gợi lại không khí hoài niệm truyền thống, của ẩn ý ước thề kết đôi, của sự ngóng đợi và đoàn viên.
Khi vào các nhà hàng truyền thống ở Nhật, thực khách thường phải trả thêm tiền cho phần khai vị dù có gọi món hay không.
Em được mọi người nhận xét là cởi mở, hòa đồng, tính cách hướng thiện, ngoại hình dễ nhìn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với chủ tài khoản mạng xã hội Tiktok 'Gia đình Hải Sen' về tội 'Buôn bán hàng giả là thực phẩm'.
Sau 6 đêm diễn ở cả 2 miền Nam và Bắc, nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt và những lời ngợi khen từ công chúng, concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai' xác nhận quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.
UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đề án phát triển kinh tế đêm, tạo đòn bẩy cho runner khám phá thành phố sôi động khi tham gia VnExpress Marathon.
Em sinh ra ở Miền Nam, đang làm việc và định cư tại Sài Gòn, cuối năm nay 31 tuổi.
Phi công Landon Baldwin và người vợ đang mang bầu cùng 4 người khác thiệt mạng khi chiếc Cessna hạng nhẹ rơi ngoài khơi California chiều 8/6.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Anh Bùi Quang Huy - Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lưu ý, trong 6 tháng cuối năm 2025, các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện chủ đề công tác năm 2025 'Tuổi trẻ Việt Nam tự hào, vững tin theo Đảng' trong bối cảnh tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị nói chung, sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức của Đoàn nói riêng.