C03 cáo buộc ông Nguyễn Cao Trí đã bàn cách với Phó tổng Thanh tra Chính phủ để "bẻ lái" kết luận thanh tra, biến dự án nghìn tỷ từ bị kiến nghị thu hồi thành được gia hạn thực hiện.
Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh Nguyễn Cao Trí, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), ông Trí sinh ra, lớn lên tại Lâm Đồng nên có thông tin và quan tâm dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty Sài Gòn Đại Ninh của bà Phan Thị Hoa làm chủ đầu tư. Tháng 11/2019, ông Trí được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho số điện thoại bà Hoa để liên hệ, đặt vấn đề mua một số căn biệt thự trong dự án này song bất thành.
Một năm sau, ông Trí biết dự án đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận, kiến nghị thu hồi và Công ty bà Hoa đang làm kiến nghị đến Thủ tướng xin cho gia hạn, tiếp tục thực hiện. Kết luận thanh tra lúc đó do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh Ký.
Ông Trí và Minh có mối quan hệ gần gũi, cùng học và bảo vệ tiến sĩ kinh tế với nhau. Với mối quan hệ thân quen này, ông Trí nhiều lần trao đổi về việc muốn mua lại dự án Đại Ninh và đề nghị ông Minh cùng tìm cách "thay đổi kết luận thanh tra". Ông Minh đồng ý và yêu cầu phải làm theo hướng dẫn.
"Tôi ký kiến nghị thu hồi được thì sẽ tháo gỡ cho gia hạn phục hồi dự án", kết luận điều tra trích lại lời ông Minh nói với Trí.
Rào cản lớn nhất đã bước qua. Đầu tháng 10/2020, ông Trí và bà Hoa ký thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng dự án với giá 3.000 tỷ đồng. Một tháng sau, hai bên chính thức ký hợp đồng mua bán và ông Trí vay ngân hàng trả cho bà Hoa 1.000 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Cùng lúc, ông Trí tiếp tục đốc thúc ông Minh hướng dẫn thủ tục gia hạn, giãn tiến độ dự án nhằm tìm kiếm đối tác khác bán lại kiếm lợi nhuận.
Theo hướng dẫn của Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trí phải "chính danh" đại diện pháp luật Công ty Sài Gòn Đại Ninh gửi đơn đề nghị Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng, Phó thủ tướng Thường trực, kiến nghị xem xét cho gia hạn, giãn tiến độ dự án. Đồng thời, phải thay đổi đăng ký kinh doanh, đại diện pháp luật từ bà Hoa sang cho mình để tiếp tục thực hiện dự án.
Chốt phương án xong, ông Trí hai lần gửi đơn đề nghị đến Văn phòng Chính phủ. Để mọi việc hanh thông, Trí đã nhờ cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ giúp đỡ. Văn phòng Chính phủ sau đó hai lần chuyển đơn, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực đến Thanh tra Chính phủ để xem xét, giải quyết.
Đầu năm 2021, Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Giang, ký báo cáo đề xuất lập tổ công tác giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Đơn của Sài Gòn Đài Ninh đề nghị xem xét về kết quả thanh tra nên không thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Thanh tra Chính phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Thanh tra Chính phủ vẫn thành lập tổ công tác kiểm tra xác minh. "Điều này là trái các quy định pháp luật", C03 kết luận.
Ngày 15/3/2021, tại trụ sở Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, tổ công tác do Thanh tra Chính phủ thành lập đã làm việc với đại diện Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Thanh tra yêu cầu công ty ông Trí cung cấp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính để xem xét việc gia hạn dự án.
Sau cuộc họp, ông Trí đã gặp đưa 100 triệu đồng cho ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, tại phòng làm việc để nhờ giúp đỡ được gia hạn dự án. Chiều cùng ngày, ông Trí đến khách sạn ở thành phố Đà Lạt để thống nhất nội dung và ký biên bản làm việc. Ông sau đó gặp riêng bị can Lê Quốc Khanh, cựu Phó Cục trưởng Cục II, đưa 500 triệu đồng và nhờ gửi cho tổ công tác 100 triệu đồng.
Khi tổ công tác vào TP HCM để thu thập tài liệu, ông Trí mời ông Khanh đi ăn tối để cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính. Trong bữa tối tại khách sạn sang trọng, ông Trí đưa ra văn bản xác nhận số số dư 2.000 tỷ đồng ở tài khoản công ty và báo cáo kiểm toán thể hiện đã góp đủ vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Tại cuộc gặp này, ông Trí đưa 200 triệu đồng để cảm ơn vì đã hướng dẫn.
Ngày 30/3 và 26/4/2021, đoàn Thanh tra Chính phủ do ông Minh chủ trì và UBND tỉnh Lâm đồng đã họp, thống nhất kiến nghị cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án. Cùng thời gian này, ông Trí hai lần đến nhà riêng ông Minh tại quận 3, TP HCM đưa 10 tỷ đồng. Một lần 8 tỷ đồng đưa trực tiếp, 2 tỷ đồng đưa qua con trai ông Minh, kết luận điều tra nêu.
Quá trình làm dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, Trí đến trụ sở Thanh tra Chính phủ cảm ơn Cục phó Khanh và Nguyễn Hồng Giang, Cục trưởng Cục II, mỗi người 200 triệu đồng
Ngày 10/5/2021, ông Minh ký báo cáo gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh kết luận thanh tra theo hướng cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án. UBND tỉnh Lâm Đồng đồng thuận với đề nghị này.
Sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến đồng ý của Phó thủ tướng Thường trực, ông Minh ký kết luận sửa đổi kết luận thanh tra. Theo đó dự án của ông Trí không bị thu hồi và tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ.
Theo C03, kết luận sửa đổi do ông Minh ký không phải là kết luận thanh tra lại nhưng lại điều chỉnh, sửa đổi nội dung của kết luận thanh tra cũ. Việc này là trái quy định pháp luật.
Bị can Khanh khai khi giải quyết kiến nghị thì ông Minh chỉ đạo, áp đặt phải tạo điều kiện cho Sài Gòn Đại Ninh của Trí. Mục đích để dự án không bị thu hồi và khôi phục nghĩa vụ tài chính cho nộp tiền sử dụng đất theo đơn giá năm 2014, có lợi cho doanh nghiệp.
Việc thành lập tổ công tác và sửa đổi kết luận, theo ông Khanh cũng là trái quy định pháp luật. Nhận thức được rõ vi phạm, ông Khanh đã tự nguyện nộp lại 500 triệu đồng để khắc phục. Ngoài ra, ông không thừa nhận thêm khoản tiền nào khác như lời khai của ông Trí.
Với ông Trần Văn Minh, C03 cho rằng ông là người ký kết luận thanh tra để kiến nghị Thủ tướng thu hồi dự án. Sau đó chính ông Minh lại trực tiếp thỏa thuận, hướng dẫn Trí gửi đơn kiến nghị và nhận 10 tỷ đồng để dự án không bị thu hồi.
Hành vi của ông Minh có đủ dấu hiệu của tội Nhận hối lộ song ông đã qua đời từ trước khi làm việc với cơ quan điều tra. C03 đã có văn bản đề nghị ngăn chặn giao dịch các tài sản nhà, đất đứng tên ông Minh và người liên quan để đảm bảo yêu cầu giải quyết vụ án.
Đại gia chi tiền tỷ cho Bí thư, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng
Theo cáo buộc của C03, bằng mối quan hệ của mình, ông Trí còn liên hệ gửi đơn để tác động, thay đổi đăng ký kinh doanh, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang. Quá trình xin các thủ tục này, ông Trí đã liên hệ gặp, đưa tiền cho các cá nhân tại Thanh tra Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng để giúp không bị thu hồi và được gia hạn dự án trái pháp luật.
Ông Trí đã nhiều lần gặp cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận nhờ quan tâm, chỉ đạo giúp đỡ thay đổi đăng ký kinh doanh, ủng hộ kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ. Ông Trí 5 lần đến phòng làm việc của ông Quận tại Tỉnh ủy Lâm Đồng để gặp, đưa tổng số 2,1 tỷ đồng. Trong đó 3 lần đưa 500 triệu, một lần 200 triệu và một lần 400 triệu.
Cơ quan điều tra xác định ông Trí còn nhờ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp xin thay đổi đăng ký kinh doanh, giãn tiến độ dự án, chỉ đạo sở ngành tính tiền sử dụng đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ông Trí đã 7 lần đưa cho ông Hiệp, tổng 4,2 tỷ đồng.
Các lần đưa tiền diễn ra ở phòng làm việc của ông Hiệp ở UBND tỉnh Lâm Đồng và tại nhà riêng. Trong đó có hai lần mỗi lần một tỷ đồng.
Sau khi "bẻ lái" lấy lại được dự án, ông Trí đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Thiên Vương thuộc Tập đoàn Novaland, hưởng lợi bất chính 2.700 tỷ đồng, cơ quan điều tra cáo buộc.
Sau khi chỉ ra các sai phạm, C03 đề nghị truy tố 6 người về tội Nhận hối lộ là ông Quận, Hiệp, Ánh, Khanh và hai cựu thanh tra viên chính cục II, Thanh tra Chính phủ Hoàng Văn Xuân và Nguyễn Nho Định.
Cùng vụ án, C03 đề nghị truy tố 3 người về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ Trần Bích Ngọc, cựu Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Giang.
Phạm Dự
Tỉnh Sơn La vừa chuyển mục đích sử dụng nhiều loại đất rừng để thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông.
Chuyện nam sinh viên mất tích, gia đình phải bỏ tiền chuộc về tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh 'việc nhẹ lương cao'.
Lưu ý quan trọng đối với người đang dùng chứng minh nhân dân (CMND) khi sắp bước sang năm 2025. Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.
Ngày 19/5, theo tin từ UBND xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An), trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ lật máy gặt lúa làm một người chết thương tâm. Theo đó, khoảng 6h sáng 19/5, anh Nguyễn Duy Kỳ (SN 1969), trú tại xã Thanh Chi (huyện Thanh Chương) đang lái máy gặt ra đồng tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) để gặt lúa. Trong lúc đang lùi máy gặt trên ruộng lúa thì bất ngờ máy gặt bị lật, đè lên người anh Kỳ. Thấy vậy, mọi người xung quanh...
Theo thông báo từ Văn phòng Quốc hội, ngày 3 và 6/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về một số nội dung, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án,...
Chiều 6/9, Công an TP HCM họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu vụ nhiều trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng bị 2 bảo mẫu bạo hành.
Với mức học bổng 10 triệu đồng/suất, 37 sinh viên xuất sắc thuộc các trường Đại học khối ngành kinh tế, tài chính, luật trên địa bàn Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã vinh dự nhận được học bổng nâng bước tài năng trẻ 2023.
Ngày 9.9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết, toàn tỉnh đã có hơn 100 hộ dân phải di dời...
Học viện An ninh Nhân dân vừa thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới năm 2023 đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên.