TP - Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ hơn 1 triệu giáo viên trên toàn quốc nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ về những vướng mắc, khó khăn trong ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận cảm thấy hồi hộp vì lần đầu tiên đứng trước gần 1 triệu nhà giáo. “Nhiều người khuyên tôi không nên tổ chức sự kiện vì không trả lời được hết các câu hỏi, giáo viên từ hồ hởi, trông chờ sẽ chuyển sang thất vọng, nhưng đã mong muốn thì sẽ làm”, ông nói.
Điều chỉnh dạy học tích hợp, nâng phụ cấp ưu đãi
Trước thềm năm học mới, cũng là năm thứ 4 đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có khoảng 6.500 ý kiến của đội ngũ nhà giáo gửi. Bộ GD&ĐT chia ra các nhóm vấn đề, trong đó có tới 2.000 câu hỏi về tiền lương, 500 ý kiến kiến nghị tuổi nghỉ hưu của giáo viên…
Một giờ học tại Trường THPT Lương Tài số 1, tỉnh Bắc Ninh Ảnh: TTXVN |
Một giờ học tại Trường THPT Lương Tài số 1, tỉnh Bắc Ninh Ảnh: TTXVN |
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên ở tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, nghề giáo viên mầm non vô cùng vất vả khi quy định làm việc 40 giờ/tuần nhưng thực tế phải gấp đôi. Giáo viên mầm non vừa là bảo mẫu, vừa là chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý can thiệp sớm nhưng chế độ, chính sách chưa đáp ứng. Trả lời ý kiến các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, hiện nay, Chính phủ giao các bộ, ngành cân nhắc nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ thống nhất khả năng tăng phụ cấp ưu đãi lên 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học. Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức trong việc Chính phủ điều chỉnh luật bảo hiểm xã hội, đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 vẫn đảm bảo chế độ, chính sách.
Đại diện cho khối trường ngoài công lập, TS Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng, bạo lực học đường là vấn đề nổi cộm và kéo dài của giáo dục, cần phải sớm giải quyết. Phương án là ngoài bổ sung biên chế nhân viên tâm lý, Bộ GD&ĐT tập huấn về giá trị sống, kỹ năng sống cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn quốc. Người đứng đầu ngành giáo dục trải lòng rằng, ngành giáo dục nhức nhối khi ở trường học liên tiếp diễn ra các vụ việc bạo lực học đường. Trong đó, số học sinh nữ tham gia bạo lực có xu hướng nhiều lên cùng mô tuýp đánh nhau quay video đưa lên mạng xã hội. Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, đưa ra đánh giá và giải pháp trong thời gian tới. “Một trong những việc quan trọng là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, trong đó nhà trường sớm nắm bắt hoàn cảnh, diễn biến tâm lý học sinh để phòng ngừa. Ngoài ra, trường học làm tốt giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em biết cách tự xử lý các vấn đề của mình. Tham gia mạng xã hội phải có chính kiến, có sự lựa chọn”, Bộ trưởng nói.
Nhiều giáo viên kiến nghị Bộ trưởng dẹp bỏ bớt các cuộc thi, hội thi không thiết thực gây áp lực, mất thời gian của nhà giáo. Một số nhà giáo mong Bộ sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để có định hướng dạy học phù hợp. Bộ trưởng cho biết, hiện đã có phương án dự thảo lấy ý kiến giáo viên, người dân và công bố vào quý IV năm nay. Kỳ thi cơ bản có điều chỉnh nội dung câu hỏi phù hợp với chương trình GDPT 2018, tránh gây sốc, bất ngờ cho các em.
Tại cuộc gặp, các hiệu trưởng kêu khó khi thực hiện chương trình GDPT mới, nhất là triển khai dạy học bộ môn tích hợp ở bậc THCS. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong thời gian ngắn tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét điều chỉnh dạy học tích hợp ở bậc THCS. Có thể vẫn kiên trì dạy học tích hợp ở bậc tiểu học, vì việc này đã làm tốt. Riêng đối với bậc THCS, chúng tôi sẽ tham khảo thêm ý kiến chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh đối với bộ môn tích hợp nhằm thuận lợi hơn, không gây ra xáo trộn đội ngũ”.
Giáo dục ĐH vướng cơ chế tài chính, cơ sở vật chất
Tại cuộc gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học (ĐH) với Bộ trưởng, có 9 ý kiến được chia sẻ, trong đó tập trung vào 3 điểm nghẽn của giáo dục ĐH hiện nay là cơ chế, chính sách, tài chính và cơ sở vật chất.
TS Đinh Minh Hằng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nói rằng, một trong những vấn đề mà giảng viên nhà trường quan tâm hiện nay trong nghiên cứu khoa học là đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp. Ví dụ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 636 giảng viên, kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ GD&ĐT cấp cho trường thuộc tốp 5 trường cao nhất trực thuộc Bộ cũng chỉ khoảng 6-8 tỷ đồng/năm. Tính trung bình mỗi giảng viên được đầu tư từ 10-15 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, hình thức đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ. Về tài chính cho nghiên cứu khoa học, ông Sơn cho rằng hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng có nút thắt là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Việc này, hệ thống chính sách còn phức tạp, còn phải tháo gỡ nhiều. Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN cần chung tay để có thể giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên.
PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, kiến nghị về vấn đề tự chủ ĐH trong giáo dục ĐH. Từ thực tế Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, bà Huyền cho rằng, hiện xã hội vẫn hiểu tự chủ là tăng học phí, là chất lượng không đảm bảo. Còn các trường ĐH thì hiểu tự chủ là Nhà nước cắt giảm ngân sách chi thường xuyên. Chính vì vậy, trường ĐH không muốn tự chủ. Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo giúp trường ĐH điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới.
Đại diện Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Nha Trang đặt ra vấn đề đảm bảo đời sống cho cán bộ, giảng viên để họ yên tâm cống hiến. Hiện có tình trạng giảng viên trường công lập bỏ việc hoặc đầu tư thời gian, trí tuệ làm công việc ngoài ngành để mang lại thu nhập chính, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường ĐH trong thời gian tới.
Chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định bức tranh chung của giáo dục ĐH của Việt Nam vẫn là nghèo về cơ sở vật chất. “Khi nào thoát nghèo cơ sở vật chất thì các trường ĐH mới phát triển được. Do đó, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm ở các trường ĐH. Chúng ta cần có một chương trình quốc gia về hạ tầng hiện đại cho các trường. Về lực lượng nhà giáo, lực lượng khoa học cũng cần phát huy trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa toàn bộ hệ thống hạ tầng”, ông Sơn nói.
Về 3 điểm nghẽn của giáo dục ĐH, Bộ trưởng cho rằng nút thắt nào mà Bộ và trường ĐH không tự “gỡ” được thì phải kiến nghị để giải quyết. Ví dụ công tác tài chính cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ở các trường ĐH. Hiện Chính phủ yêu cầu các trường tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81 để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí để trường ĐH đảm bảo chất lượng hoạt động. Hay như mong muốn giảng viên có thể sống được bằng thu nhập, thậm chí là sống “khỏe”. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách và phải tháo gỡ từng bước trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang có nhiều việc khó khăn, khó như dời non lấp bể, nhưng càng khó càng cần đồng tâm hiệp lực.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục ĐH. Với các câu hỏi chưa được trả lời hết, Bộ trưởng GD&ĐTyêu cầu các Vụ, Cục tiếp tục phân tích câu hỏi và trả lời theo các chủ đề, quan trọng hơn là lắng nghe ý kiến để điều chỉnh chính sách.
Gần 4 năm qua, mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên ở mức 11 triệu đồng và giảm trừ 4,4 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc. Điều này...
Đám cháy bùng lên dữ dội ở quán ăn 1 trệt, 1 lầu ở phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền.
Không chỉ hàng trăm xe máy bị 'bỏ quên” ở sân bay Tân Sơn Nhất, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến một số bến xe ở TP.HCM và càng bất ngờ với hình ảnh xe máy quá hạn chất thành đống.
Công an tỉnh Đồng Tháp thành lập đoàn xác minh thông tin lãnh đạo Công an huyện Cao Lãnh đã bấm được biển số xe “siêu đẹp”, gây xôn xao dư luận.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 22.5 dự kiến sẽ họp trong 22 ngày, chia làm 2 đợt. Tại kỳ họp sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác nhân sự.
Các đại biểu quốc tế cho rằng hội nghị thành công ngoài mong đợi. Tất cả các nghị sỹ trẻ đã quyết tâm cao độ để hoàn thành Các Mục tiêu Phát triển Bền vững từ nay đến năm 2030.
Những hình ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như vẫn vẹn nguyên ở vùng quê Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Niger cấm xuất khẩu uranium và vàng sang Pháp - quốc gia hạt nhân ở EU.
Ít nhất 128 người chết, hơn 100 người bị thương trong động đất ở Nepal. Chấn động lan đến tận thủ đô New Delhi của Ấn Độ.