Lưu Huy vừa phải kết thúc mối quan hệ vì không lo được đủ tiền thách cưới theo yêu cầu của nhà gái.
Tại chợ lao động Trường Bạch ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Lưu Huy, 32 tuổi, mặc chiếc áo sờn bạc bấm ngón tay nhẩm đếm: "Tiền sính lễ là 150.000 tệ (528 triệu đồng), tiền đặt cọc mua nhà và xe là 300.000 tệ (hơn một tỷ đồng). Nhà gái còn muốn tôi mua thêm một cửa hàng, việc này thực sự quá sức", Lưu nói.
Tại quê nhà Lưu Huy ở huyện Thái An, thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, tiền thách cưới đã tăng trung bình 50.000-80.000 tệ (176 triệu đồng - 282 triệu đồng) lên đến 150.000 tệ sau 10 năm. Anh cho biết, hiện nay tiêu chuẩn tối thiếu để lấy được vợ là phải có một ngôi nhà, một chiếc ôtô và bốn loại vàng gồm nhẫn, hoa tai, vòng tay và dây chuyền.
"Một số gia đình phải mắc nợ để kiếm con dâu. Thậm chí khi có con trai đến tuổi kết hôn, cả nhà cùng nhau vay nợ", Lưu nói.
Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Quản trị nông thôn thuộc Đại học Vũ Hán đã dành một năm khảo sát tại 33 quận ở 14 tỉnh thành tại Trung Quốc đã phát hiện tiền thách cưới tăng mạnh trong 10 năm qua. Theo đó, chi phí trung bình cho một sính lễ đám cưới năm 2021 là 140.000 tệ (493 triệu đồng).
Tiền thách cưới chỉ là một trong những chi phí cần thiết cho việc kết hôn. Tại huyện Thành Vũ, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, ngoài sính lễ 188.000 tệ, nhà trai còn phải trả chi phí tiệc cưới, chụp ảnh cưới, trang sức cô dâu. Nếu tính cả một căn nhà và một chiếc ô tô, chi phí kết hôn của một số gia đình sẽ vượt quá một triệu tệ (hơn 3,3 tỷ đồng).
Vương Đức Phúc, nhà nghiên cứu xã hội của Đại học Vũ Hán cho hay, theo truyền thống Trung Quốc, sính lễ là một phần trong lễ kết hôn, bao gồm tiền mặt và những món quà khác như vàng, đồ trang sức để trao cho nhà gái. Các cô dâu cần phải đeo vàng khi kết hôn, thậm chí đeo tất cả vàng có được lên cơ thể. Một trong các mục đích là để chứng tỏ rằng gia đình nhà mẹ đẻ rất có thế lực và họ sẽ không bị ức hiếp khi gả vào nhà trai.
Theo ông Vương, từ truyền thống này, gia đình người đàn ông càng nghèo thì gánh nặng chi phí cưới hỏi càng nặng nề. Khi gia đình cô gái thấy điều kiện nhà trai không tốt, họ sẽ thách cưới cao hơn hẳn, nhằm duy trì sự ổn định của hôn nhân cho đôi trẻ sau kết hôn.
Chi phí cưới hỏi cao cũng gây áp lực lên nhiều gia đình không khá giả ở nông thôn. Tại làng Sanhe, huyện tự trị Benxi Manchu, tỉnh Liêu Ninh, nơi đất đai cằn cỗi và thu nhập bình quân đầu người 15.000 tệ (59 triệu đồng) mỗi năm, một phụ nữ họ Trần 54 tuổi đã làm việc cật lực suốt ngày đêm. Bà nuôi 10 con lợn và làm đậu phụ, mỗi năm cũng chỉ kiếm được hơn 30.000 tệ (105 triệu đồng). "Con trai tôi đã 30 tuổi. Dù làm vất vả thế nào cũng không đủ tiền cho nó lấy được vợ", Trần nói.
Theo ông Vương Đức Phúc, có ba nguyên nhân chính hình thành quà thách cưới cao, là: Đô thị hóa, tâm lý so sánh và mất cân bằng tỷ lệ nam nữ.
Ông Vương cho rằng, trong quá trình đô thị hóa, nữ thanh niên nông thôn thường chọn sinh sống ở các thành phố thay vì ở lại quê nhà. Cách nhanh nhất để có được cuộc sống "thành thị tươm tất" là kết hôn với những đối tượng có sự hậu thuẫn mạnh từ gia đình gốc thông qua việc thách cưới cao.
Đồng thời, việc thách cưới cũng là biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Tiểu Khai, sống tại tỉnh Hà Nam kể ban đầu cô không muốn thách cưới cao. Dù vậy trước ngày cưới gia đình cô gái lại yêu cầu tăng thêm 200.000 tệ (705 triệu đồng) bởi: "Gia đình chồng đã mua trước một căn nhà ở thành phố mà không có tên tôi. Bố mẹ muốn sính lễ cao để nếu sau có việc gì xảy ra, tôi đỡ thiệt thòi", Tiểu Khai nói.
Ở các vùng nông thôn như Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô, tỷ lệ chênh lệch giới tính cũng là nguyên nhân góp phần khiến quà cưới cao "tăng phi mã".
Gần đây tại một huyện ngoại thành thuộc thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây có một người đàn ông đưa món quà hứa hôn 288.000 tệ đã bị một người đàn ông khác vượt mặt với giá 388.000 tệ. Nhưng rồi cả hai đều thất bại vì nữ chính nhận lời của người nhiều tiền hơn, mà lại có nhà giữa thành phố.
Tề Tâm, nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội Liêu Ninh cho rằng, thách cưới là tục lệ bắt nguồn từ nhiều đời và khó thay đổi một sớm một chiều. Tiền thách cưới ở Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một phương tiện trao đổi mà đã thấm nhuần các giá trị về đạo đức, xã hội và tôn giáo. Nói cách khác, việc định giá cô dâu là một hành động mang tính nghi thức, biểu tượng, cụ thể hóa địa vị và phẩm giá của mỗi người.
Do đó, giá trị của sính lễ không chỉ phản ánh mà còn ảnh hưởng đến địa vị xã hội của hai bên. Gia đình nhà trai dù phải chịu gánh nặng về quà cưới nhưng họ vẫn sẵn sàng làm theo truyền thống bởi coi đó là trách nhiệm của người có con trai.
Vị chuyên gia cho rằng dù vậy tiền thách cưới cao vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột gia đình sau khi kết hôn.
"Đã có nhiều trường hợp các gia đình cạnh tranh xem ai có thể chi nhiều tiền nhất cho đám cưới hoặc tổ chức một hôn lễ hoành tráng hơn, khiến nhiều cặp đôi chìm trong nợ nần sau khi về chung một nhà, gây mâu thuẫn thậm chí dẫn tới ly hôn", ông nói.
Trang Vy (Theo qq)
Trong quán cà phê ở quận Đống Đa (Hà Nội), nhân dịp Giáng sinh, Thùy Dung tổ chức một buổi gặp cho hơn 30 người xa lạ làm quen nhau qua những trò chơi ghép đôi.
Chiến trường Điện Biên Phủ sau cải tạo ; Làng vạn chài mùa xả lũ; Dự án trăm tỉ tăng tốc sau khi giải tỏa nhà giữa đường là một...
Quán hải sản Thạnh Sương trên đường Trần Phú bị phạt 21 triệu đồng vì biển hiệu, giá cả 'không rõ ràng', không có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
85 chiến sĩ tình nguyện TP.HCM đã trở về sau ba tuần trên đất bạn Lào, để lại nơi đây nhiều công trình ý nghĩa mang đậm dấu ấn tuổi trẻ TP mang tên Bác.
Chính phủ cho phép TP HCM được quyền cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh thay vì phụ thuộc Bộ Y tế.
Ngày 22/4, Lễ Khai mạc Triển lãm thơ diễn ca lịch sử “Theo dấu chân Đại tướng” đã diễn ra tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Sáng 1-9, UBND TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phối hợp Ban điều hành Đường sách TP Cao Lãnh tổ chức khai mạc Ngày hội sách dịp lễ 2-9 với nhiều hoạt động.
Một công ty khởi nghiệp huy động 10 triệu USD để phát triển vaccine Ovax ngăn tình trạng say, nghiện thuốc sau sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl.
Diều các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á lần đầu tiên sẽ tranh tài trên bầu trời Quảng Nam trong Lễ hội diều quốc tế ngày 25-28/7.