Không muốn chiến đấu và bỏ mạng ở Ukraine, Yevgeny quyết định nhờ đồng đội bắn vào chân, để có một lý do hoàn hảo rời quân ngũ.
Ngồi trong căn phòng ở Astana, Kazakhstan, Yevgeny mở chiếc hộp giấy chứa những thứ mà anh đã cất giữ. Bên trong có cuốn hộ chiếu giả và thật, một lá thư và những tờ giấy chứng nhận anh đã phục vụ quân đội Nga ở Syria và Ukraine.
Đó là cuộc sống Yevgeny từng trải qua trước khi đào ngũ. Là con trai của nhân viên bưu điện, Yevgeny theo học trường thiếu sinh quân vì được miễn học phí. Tại đây, anh đã được huấn luyện nhảy dù, cưỡi ngựa, lặn, bắn súng và xử lý chất nổ. Đổi lại, anh phải ký hợp đồng phục vụ quân đội Nga trong 5 năm sau khi tốt nghiệp.
Đêm 23/2/2022, Yevgeny và các đồng đội trong đơn vị của anh hầu như không ngủ. Xe tăng của họ xếp hàng trên lớp tuyết mỏng cạnh đường ray xe lửa, chuẩn bị tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Ngày hôm sau, một sĩ quan trong đơn vị của Yevgeny đứng dựa vào khẩu súng máy đã lên đạn, gây ra sự cố cướp cò khiến ngón tay của anh ta đứt lìa. Một binh sĩ khác ngủ quên dưới gầm xe thiết giáp và bị cán qua khi xe di chuyển. Mọi thứ rơi vào hỗn loạn, một số người mất tích và không bao giờ quay lại.
Giữa cảnh hỗn độn đó, khoảng 10 người trong đơn vị của Yevgeny đã chết vì các sự cố do súng hoặc lựu đạn. Càng tiến sâu vào Ukraine, mọi thứ càng trở nên tồi tệ. "Chúng tôi không muốn giết bất kỳ ai, nhưng chúng tôi cũng muốn sống", Yevgeny, người chỉ huy một trung đội khoảng 15 người, nói. "Lính Ukraine sẽ tới và bắn chúng tôi. Bạn sẽ làm gì khi đó?".
Chỉ trong một ngày tháng 4/2022, khoảng 70 người trong lữ đoàn của anh đã chết vì bị phục kích.
"Nhiều bạn của tôi đã chết. Họ là những người rất giỏi nhưng không muốn chiến đấu. Song không có lối thoát nào cho họ", Yevgeny nói và khóc.
Đến lúc đó, Yevgeny quyết định tìm cách thoát khỏi cuộc chiến bằng cách tự làm mình bị thương, lựa chọn có lẽ là duy nhất với anh lúc đó. "Bạn chỉ có thể trở về hậu phương khi bị thương hoặc chết. Không ai muốn chết cả", Yevgeny nói.
Anh đã giao kèo với ba người lính khác và gọi đây là kế hoạch B. Yevgeny sẽ là người bị bắn đầu tiên, sau đó binh sĩ liên lạc và cuối cùng là cậu lính bắn tỉa. Xạ thủ súng máy trong đội cho biết không muốn rời Ukraine mà không có anh trai, người cũng đang chiến đấu ở đây. Tuy nhiên, người này sẽ ủng hộ kế hoạch của họ.
Một buổi sáng tháng 5 se lạnh, khi họ đi thu hồi chiếc máy bay không người lái rơi xuống lãnh thổ Ukraine, Yevgeny và đồng đội quyết định thực hiện kế hoạch B.
Yevgeny đề nghị cậu lính bắn tỉa hãy ngắm bắn cẩn thận để viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm, tránh vào xương. Khi tiếng súng vang lên, Yevgeny cảm thấy như bị mũi dùi kim loại chọc thẳng vào người. Yevgeny tin rằng nỗi đau đó là cái giá anh phải trả để có cơ hội cho cuộc sống mới.
"Tôi đùa rằng lần này tôi tự sinh ra chính mình. Khi một người phụ nữ sinh con, cô ấy phải trải qua những cơn đau dữ dội để chào đón một sinh mệnh mới. Tôi cũng tự cho mình một sự sống mới", anh nói.
Sau đó đến lượt binh sĩ liên lạc nhận viên đạn vào đùi. Binh sĩ thứ ba đã từ bỏ ý định sau khi thấy hai đồng đội quằn quại trong đau đớn.
Máu vẫn tiếp tục chảy ra dù họ đã quấn băng và Yevgeny phát hiện anh không thể đi lại. Đồng đội đã kéo anh vào trong rừng và anh được sơ tán khỏi chiến tuyến ngay trong đêm đó.
Yevgeny rời chiến trường, song cuộc sống mới không như những gì anh đã kỳ vọng.
Anh mất nhiều tháng ở trung tâm phục hồi chức năng và nghĩ rằng mình có thể vượt qua chấn thương cho đến khi hết hợp đồng phục vụ quân đội vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh động viên quân một phần vào tháng 9/2022 và các hợp đồng phục vụ được kéo dài vô thời hạn. Những người lính như Yevgeny sẽ phải phục vụ trong quân đội cho đến khi chiến sự kết thúc.
Lúc này, anh biết mình sẽ phải đào ngũ. Yevgeny đã tìm đường tới Kazakhstan vào đầu năm 2023. Giới chức Nga đã khởi tố Yevgeny và căn hộ của anh ở quê nhà bị lục soát.
Kể từ đó, Yevgeny sống cuộc đời trốn chui trốn lủi. Anh thuê chung một căn hộ ở Astana với ba người đàn ông khác. Họ đun nước bằng dây mayso trong bình thủy tinh, bởi không ai muốn bỏ tiền mua ấm điện.
Anh thử làm nhân viên giao đồ ăn trong vài tuần, nhưng chưa từng nhận được tiền lương, có thể vì sim hoặc tài khoản ngân hàng của anh đứng tên người khác.
Yevgeny không biết sẽ làm gì khi tiêu hết tiền tiết kiệm. Anh đã nộp đơn xin tị nạn ở Pháp, Đức và Mỹ, những nơi được xem là tốt nhất để tránh bị bắt về Nga. Anh muốn được làm việc trong một phái bộ của Liên Hợp Quốc, nhưng biết rằng rất khó để đạt được điều đó.
Với các nước phương Tây, những người lính Nga đào tẩu như Yevgeny vẫn là mối lo ngại lớn, bởi không ai có thể nắm rõ liệu họ có phải gián điệp hay không. Rất ít đơn xin tị nạn từ công dân Nga được châu Âu chấp thuận và đưa họ vào diện bảo vệ, trong khi các nhà hoạch định chính sách vẫn tranh cãi nên xem họ là "tài sản có giá trị tiềm năng" hay "nguy cơ với an ninh quốc gia".
Vài giờ sau khi ông Putin ký sắc lệnh huy động quân hồi tháng 9/2022, các tin nhắn liên tục xuất hiện trên màn hình điện thoại của Farhad Ziganshin. Farhad đã từ bỏ niềm đam mê âm nhạc để gia nhập quân đội theo mong muốn của bố.
Anh làm giảng viên tại một trường quân sự ở vùng Kazan của Nga và đã tìm cách xin xuất ngũ, nhưng không được chấp thuận. Lo sợ sẽ phải tới tham chiến ở Ukraine, Ziganshin chất đồ đạc lên chiếc Chevrolet rồi cùng gia đình chạy tới biên giới Kazakhstan lúc gần nửa đêm. Họ cố gắng để chuyến đi trông giống như kỳ nghỉ gia đình. Các con đường đều chật cứng, khi nhiều đàn ông Nga tìm cách xuất cảnh để né lệnh động viên.
Anh ban đầu làm việc trong cửa hàng bánh gần biên giới, sau đó theo một người bạn chuyển tới Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, nơi anh hứa hẹn được làm ca sĩ.
Cuộc sống tốt đẹp, nhưng không chắc chắn. Kazakhstan đang cố gắng vừa xoa dịu Nga, vừa không tạo khoảng cách với các quốc gia châu Âu. Hồi tháng 12/2022, Kazakhstan trục xuất sĩ quan tình báo Nga đào ngũ Mikhail Zhilin. Tháng 3/2023, Zhilin bị tòa án binh Nga kết án tù 6 năm rưỡi.
Cùng tháng đó, Farhad quyết định chuyển tới Armenia vì nghĩ rằng nơi này an toàn hơn. Song anh bị chặn khi chuẩn bị lên máy bay. "Anh có nằm trong danh sách truy nã không?", nhân viên hải quan hỏi khi xem hộ chiếu của Farhad. Mặt anh tái nhợt, mồ hôi lạnh túa khắp người.
Anh được dẫn tới phòng thẩm vấn, gặp một người đàn ông mặc thường phục. "Anh là người anh em Hồi giáo của tôi. Tôi cũng phản đối chiến tranh. Hãy nói cho tôi mọi chuyện nào", người này nói với Farhad.
Anh sau đó thú nhận tất cả. Farhad đã chuẩn bị tinh thần cho tất cả mọi chuyện. Nằm trong phòng tạm giam, Farhad nhìn chằm chằm lên trần nhà cả đêm và trở nên hoảng loạn. "Tôi sẽ sống ở đây như thế nào? Sẽ bị đánh đập đến chết hay tự sát trước lúc đó", anh tự hỏi.
Buổi sang thứ ba trong phòng tạm giam, Farhad thấy 3 chiếc túi lớn chứa đầy thực phẩm, quần áo và thuốc từ các nhà hoạt động nhân quyền địa phương được chuyển tới. "Tôi đã nghĩ cuộc sống của tôi kết thúc rồi. Làm gì có ai lại cần tất cả những thứ này nếu không bị giam lâu ngày?", anh nói.
Hai giờ sau, một sĩ quan xuất hiện và nói với anh rằng "hãy mang theo đồ đạc và ra ngoài đi". Farhad được tự do.
Luật sư của Farhad cho biết anh được thả bởi theo luật Kazakhstan, những binh sĩ Nga đào ngũ không thuộc diện bị dẫn độ. Farhad hiện tại an toàn, nhưng tương lai không rõ, bởi mọi thứ có thể thay đổi.
Hồi tháng 7, truyền thông Nga đưa tin Pháp từ chối đơn xin tị nạn của Farhad. Không có hộ chiếu, Farhad hiện mắc kẹt ở Kazakhstan. Ngoài ra, thông tin của anh xuất hiện trên truyền thông có thể khiến chính quyền Nga chú ý nhiều hơn.
"Thật không an toàn khi ở lại Kazakhstan. Tôi chỉ muốn sống một cuộc đời bình thường, không vi phạm pháp luật, không xuất hiện ở bất cứ đâu một cách lộ liễu", anh nói.
Farhad phải đổi thẻ sim vài tháng một lần, không sống tại địa chỉ đăng ký với chính quyền sở tại và tránh các nhà tuyển dụng hỏi quá nhiều. Sau 6 tuần, anh hết tiền và chuyển đến sống với Yevgeny ở Astana.
Anh nghĩ về cuộc sống đã bỏ lại ở Nga. "Ở đó, tôi có cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi có nhà riêng, có công việc, kiếm được tiền, có nhân viên dưới quyền. Ở đây, tôi ngủ trên đống áo khoác, ăn những thứ xa lạ, không có tiền. Thật đáng buồn", anh nói, thêm rằng ở trên mạng nhiều người gọi anh là kẻ phản bội và nên bị xử tử.
Farhad tìm được công việc tại công ty khởi nghiệp về bất động sản không yêu cầu nhiều tài liệu cá nhân. Sau 6 tháng, công ty phá sản và Farhad chuyển sang làm nhân viên bán hàng. Anh đã chuyển tới căn hộ riêng, nhưng liên tục nợ tiền thuê nhà.
Chính quyền địa phương cảnh báo thời gian lưu trú hợp pháp của anh sắp hết hạn, song Farhad không biết phải làm gì tiếp theo.
Thanh Tâm (Theo AP)
Chủ tịch Đảng DP đối lập, ông Lee Jae-myung, bị Viện Kiểm sát đề nghị bắt giam liên quan tới các cáo buộc đặc cách cho doanh nghiệp tư nhân trong dự án phát triển phường Baekhyeon, thành phố Seongnam.
Liên Hợp Quốc cảnh báo việc Israel mở rộng các khu định cư tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine sẽ cấu thành 'tội ác chiến tranh'.
Cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng Thủ tướng Israel có bài phát biểu tệ tại Mỹ và nhấn mạnh cần có thỏa thuận ngừng bắn cho chiến sự Gaza.
Theo AFP, quân đội Israel ra tuyên bố cho biết đang tấn công nhiều mục tiêu của Hezbollah hơn ở Lebanon vào tối 21/9, nhắm vào hàng nghìn bệ phóng tên lửa và các nơi khác; phía Hezbollah đã bắn 90 quả tên lửa vào Israel.
Nga cho biết đã nhất trí với Ukraine trao trả gần 50 trẻ em phải sơ tán do chiến sự, song Kiev chưa xác nhận thỏa thuận.
Các thiết bị liên lạc do nhóm Hezbollah đóng tại Lebanon sử dụng lại phát nổ vào chiều muộn 18-9, lần này là bộ đàm. Vụ nổ mới nhất khiến 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt của Mỹ đã đến cảng hải quân ở thành phố Busan, Hàn Quốc vào sáng 22-6, chuẩn bị cho cuộc tập trận ba bên Hàn - Nhật - Mỹ.
Tại hội nghị COP29, các nhà lãnh đạo thế giới đánh giá năng lượng hạt nhân đóng vai trò thiết yếu trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Ngày 16/10, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar nhân chuyến công du của ông tới Việt Nam.