Từ những lời động viên, ủng hộ nhiệt thành ban đầu, ông Biden và ông Netanyahu đã có những bất đồng công khai về tương lai Gaza.
Phát biểu tại buổi gây quỹ tranh cử ở Washington tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra những bình luận cứng rắn nhất về Israel kể từ khi xung đột với Hamas bùng phát hơn hai tháng trước.
Ông cho rằng lập trường cứng rắn của các quan chức trong nội các thời chiến Israel đã ngăn Thủ tướng Benjamin Netanyahu chấp nhận kế hoạch hậu xung đột của Mỹ, trong đó đề xuất để Chính quyền Palestine tiếp quản Gaza. Đề xuất này cũng hướng tới những thỏa thuận chính trị, kinh tế và an ninh để xây dựng một nhà nước Palestine độc lập, điều mà ông Biden tin là giải pháp lâu dài cho xung đột.
"Ông ấy là bạn tốt, nhưng tôi nghĩ ông ấy phải thay đổi. Chính phủ Israel đã cản trở ông ấy làm điều đó", ông Biden nói, đề cập tới Thủ tướng Netanyahu.
Ông Biden mô tả chính phủ Israel hiện lại là bảo thủ nhất trong lịch sử quốc gia Do Thái, thêm rằng một số thành viên nội các phản đối giải pháp hai nhà nước với Palestine. Ông nói các thành viên chính phủ Israel muốn "chống lại tất cả người Palestine", không chỉ riêng nhóm vũ trang Hamas.
Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của Đại sứ Israel ở Anh Tzipi Hotovely. Trong cuộc phỏng vấn ngày 14/12, bà Hotovely tuyên bố câu trả lời cho giải pháp nhà nước Palestine độc lập "chắc chắn là không".
"Israel đã biết và thế giới cũng nên biết rằng lý do Hiệp định Oslo thất bại là vì người Palestine không bao giờ muốn cùng tồn tại với Israel", Đại sứ Hotovely nói, thêm rằng điều người Palestine muốn là một nhà nước trải rộng trên toàn lãnh thổ Israel.
Theo Hiệp định Oslo do Mỹ làm trung gian được ký năm 1993, Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người Palestine; PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. Hai bên nhất trí rằng Chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước. Tuy nhiên, Israel và Palestine chưa thể thống nhất về cách thức thực hiện lộ trình này.
Tổng thống Biden cảnh báo cách tiếp cận cứng rắn của Israel với cuộc chiến ở Gaza có thể khiến họ đánh mất sự ủng hộ toàn cầu.
"An ninh của Israel có thể phụ thuộc vào Mỹ, song họ không chỉ có ủng hộ từ Mỹ. Họ được Liên minh châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới hậu thuẫn. Tuy nhiên, họ đang bắt đầu mất đi sự ủng hộ đó vì các vụ đánh bom bừa bãi", ông nói.
Tình báo Mỹ cho hay Israel đã ném xuống Dải Gaza khoảng 32.000 quả bom các loại trong hơn hai tháng xung đột, trong đó 40-45% là bom không dẫn dường, gây thương vong lớn cho dân thường. Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết hơn 18.700 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát, trong đó 2/3 là phụ nữ và trẻ em. Ít nhất 50.000 người bị thương.
Bình luận của ông Biden được đưa ra sau khi Thủ tướng Netanyahu nói rằng Israel không chấp nhận để Chính quyền Palestine tiếp quản Gaza. Đây được coi là phản ứng quyết liệt nhất của Israel đối với kế hoạch của Mỹ về tương lai Gaza hậu xung đột.
"Sau những mất mát quá lớn về binh sĩ và người dân, tôi sẽ không cho phép những người huấn luyện, ủng hộ hay tài trợ cho Hamas tiến vào Dải Gaza", ông Netanyahu nói, đề cập tới Chính quyền Palestine, hiện kiểm soát khu vực Bờ Tây.
"Tôi sẽ không cho phép Israel lặp lại sai lầm ở Oslo", ông nói, đề cập đến Hiệp định Oslo. Hiệp định Oslo đã mở đường để Hamas trỗi dậy và kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007.
Bình luận của ông Netanyahu cho thấy chia rẽ ngày càng tăng giữa chính phủ Israel và Nhà Trắng về các kế hoạch hậu xung đột, đồng thời đặt ra câu hỏi về tính khả thi trong giải pháp hai nhà nước của Mỹ.
Kế hoạch này cũng vấp phản đối từ các chính phủ Arab và bản thân Chính quyền Palestine, những người nói rằng họ muốn Israel ngừng tấn công Gaza và rút quân trước khi đồng ý đàm phán nghiêm túc về phương án hậu xung đột.
Quan điểm của Israel về bên thay thế Hamas ở Gaza có thể chưa hoàn toàn rõ ràng cho đến khi các cuộc bầu cử năm tới diễn ra, quyết định ông Netanyahu có tiếp tục làm Thủ tướng hay không.
Việc bác bỏ vai trò của Chính quyền Palestine ở Gaza cũng được cho nhằm củng cố tỷ lệ ủng hộ trong nước đang suy giảm của ông Netanyahu, trong bối cảnh nhiều người kêu gọi ông từ chức vì không ngăn được vụ tấn công của Hamas và phản ứng lóng ngóng ban đầu của chính phủ trong cuộc khủng hoảng, theo giới phân tích Israel.
Thông điệp của ông Netanyahu phù hợp với lập trường của những cử tri cánh hữu và trung lập, theo Michael Oren, cựu đại sứ Israel tại Mỹ. Thủ tướng Netanyahu nói rằng "với Israel, Hiệp định Oslo là thảm họa tồi tệ hơn vụ tấn công ngày 7/10. Tôi là người đảm bảo tốt nhất cho các bạn rằng điều đó sẽ không xảy ra lần nữa".
Oren thêm rằng ông Netanyahu đang "chơi canh bạc chính trị với an ninh quốc gia", lưu ý tới một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Mỹ phủ quyết tuần trước.
Quan chức chính quyền Tổng thống Biden đang thúc giục Chính quyền Palestine thực hiện những cải cách lớn trong hệ thống chính trị, thiết lập thời gian bầu cử và cải tổ lực lượng an ninh, những bước mà họ cho là cần thiết để xây dựng nền tảng ủng hộ chính trị và khả năng cai quản một nơi bị tàn phá sau chiến tranh.
Ông Netanyahu cảnh báo Israel sẽ không an toàn trước các cuộc tấn công cho tới khi Gaza được phi quân sự hóa, điều mà ông nói Chính quyền Palestine sẽ không bao giờ đồng ý.
Vai trò của Chính quyền Palestine ở Gaza hậu xung đột không phải là vấn đề gây chia rẽ duy nhất giữa Israel với chính quyền Tổng thống Biden.
Chính phủ của ông Netanyahu đang xem xét tạo một vùng đệm bên trong Gaza, nơi cấm người Palestine lui tới, để đảm bảo an ninh cho Israel. Tuy nhiên, Mỹ phản đối ý tưởng vì cho rằng nó thu hẹp diện tích sinh sống của người Palestine ở Gaza, dải đất vốn đã rất chật hẹp.
Một quan chức cấp cao Israel cuối tuần trước nói rằng binh sĩ nước này có thể ở lại Gaza trong thời gian không xác định, bất chấp cảnh báo của chính quyền ông Biden về rủi ro của việc tái chiếm đóng dải đất.
Ông Netanyahu thừa nhận những bất đồng giữa Israel và Mỹ, nói rằng ông hy vọng hai nước có thể đạt đồng thuận về kế hoạch cho Gaza thời hậu chiến, giống như họ từng nhất trí về mục tiêu chống Hamas.
Chia rẽ của Mỹ và Israel về kế hoạch hậu chiến đang làm phức tạp thêm nỗ lực chuẩn bị nguồn cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn và an ninh cần thiết cho Gaza sau khi chiến dịch của Tel Aviv kết thúc, theo quan chức Mỹ và Arab. Trừ khi hai đồng minh có thể thu hẹp khác biệt, Gaza có thể đối mặt khoảng trống quyền lực nguy hiểm sau khi xung đột chấm dứt.
Bên cạnh đối thoại với Israel về tương lai hậu xung đột, chính quyền ông Biden cũng âm thầm thúc đẩy các chính phủ Arab và đối tác khác xem xét cung cấp viện trợ và an ninh cho Gaza để ngăn nguy cơ bạo lực cực đoan trỗi dậy ở dải đất sau chiến sự.
Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu trở nên cấp bách hơn khi giao tranh lan rộng về phía nam Gaza, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo mà 2,2 triệu dân khu vực phải đối mặt. Mỹ tháng này nói với Israel rằng họ muốn cuộc chiến kết thúc trong vài tuần tới, chứ không kéo dài thêm vài tháng, để tập trung vào giai đoạn hậu xung đột.
"Giờ là lúc để thảo luận về quản trị hậu xung đột. Tất cả chúng tôi đều quan tâm tới việc để Chính quyền Palestine tiếp quản Dải Gaza. Chúng tôi không thể để Hamas nắm quyền và cũng không thể để xuất hiện khoảng trống quyền lực. Các bước cần bắt đầu ngay bây giờ để đảm bảo điều đó có thể trở thành hiện thực". một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ tuyên bố.
Thanh Tâm (Theo WSJ)
Hàng chục nghìn người dân thành phố Tabriz dự lễ viếng Tổng thống Raisi và những người thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng ở khu rừng gần đó.
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), chiều 21/5, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã có buổi lễ ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt tại thư viện thuộc Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF).
Nga công bố video máy bay Su-34 thả loạt bom lượn xuống vị trí nghi là sở chỉ huy Lữ đoàn 47, đơn vị mang biệt danh 'nắm đấm thép' của Ukraine.
Chuyến công tác dự hội nghị WEF Davos của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để Việt Nam nắm bắt ý tưởng, mô hình phát triển của thế giới, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.
Điện Kremlin cho biết truyền thông Mỹ đưa tin ông Trump và Putin đã nói chuyện về vấn đề Ukraine là 'hoàn toàn hư cấu'.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng quyền con người chỉ được đảm bảo tốt nhất khi hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế được duy trì và tôn trọng.
Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian tới để tiếp tục đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển vững mạnh.
Giới chức Ukraine nói Nga mở đợt tấn công diện rộng bằng tên lửa hành trình và đạn đạo, buộc Kiev kích hoạt báo động phòng không toàn quốc.
Ngày 19/8, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết đã phê duyệt việc chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Pansarbandvagn 302 (PvB 302), do hãng Hagglund&Soner của Thụy Điển sản xuất, cho các lực lượng vũ trang.