Tang vật trong giai đoạn 1 gồm có tài liệu về cổ phần là 23 sổ sở hữu cổ phần với hơn 2,34 tỷ cổ phần; 1.307 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 34 sổ tiết kiệm với hơn 617 tỷ đồng...
Ngày 18/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Tại tòa, Hội đồng Xét xử thông báo Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về việc tiếp nhận vật chứng và số tiền khắc phục của các đương sự trong vụ án Vạn Thịnh Phát, được chia theo hai giai đoạn.
Theo đó, tang vật trong giai đoạn 1 gồm có tài liệu về cổ phần là 23 sổ sở hữu cổ phần với hơn 2,34 tỷ cổ phần; 1.307 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 34 sổ tiết kiệm với hơn 617 tỷ đồng; các thiết bị điện tử khác bao gồm điện thoại di động, ổ cứng CPU, máy vi tính để bàn, máy tính xách tay…
Tang vật trong giai đoạn 2 gồm có 79 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 3 thẻ tiết kiệm có kỳ hạn tại Vietcombank với tổng số tiền là 38,6 tỷ đồng, gồm 2 thẻ mang tên Chu Duyệt Hằng trị giá 31,9 tỷ đồng và thẻ mang tên bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có số tiền 6,7 tỷ đồng; hai thẻ tiết kiệm có kỳ hạn tại Vietcombank trị giá 2,5 tỷ đồng mang tên Tô Thị Anh Đào (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát); một sổ tiết kiệm tại Eximbank trị giá 10 tỷ đồng mang tên bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty An Đông, em dâu bị cáo Trương Mỹ Lan).
Các tang vật khác gồm 1 túi xách hiệu Hermes, 8 máy tính xách tay, 10 điện thoại, 5 ổ cứng, 3 đầu thu kỹ thuật số…
Về tiền mặt, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thu được 1.786 tỷ đồng và hơn 26,6 triệu USD.
Các khoản tiền do tổ chức, cá nhân nộp khắc phục tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố được thống kê là hơn 2.464 tỷ đồng và 400 nghìn USD. Trong đó, tiền nộp trong giai đoạn xét xử sơ thẩm là 390 tỷ đồng; nộp sau khi có bản án sơ thẩm là hơn 2.073 tỷ đồng và 400 nghìn USD.
Theo Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng số tiền đang tạm giữ trong tài khoản của cơ quan này là hơn 4.250 tỷ đồng và 27 triệu USD (tương đương 685 tỷ đồng).
Tại tòa, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) cho biết, hiện tại 658 mã tài sản của bị cáo Lan đang bị kê biên đã có nhà đầu tư bày tỏ ý định đưa vốn vào để phát triển các tài sản này, qua đó tạo ra nguồn thu cho bị cáo nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.
Luật sư Trang cũng cho biết việc yêu cầu bị cáo Lan nộp tiền mặt trong thời điểm này là rất khó khăn, trong khi việc xử lý tài sản sẽ giúp thu hồi một phần thiệt hại.
Luật sư Trang cho biết thêm, đối với dự án 6A diện tích 26ha tại khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) của Trương Mỹ Lan chưa bị kê biên hoặc thế chấp, hiện đã có một tỷ phú người Malaysia đồng ý đầu tư vào dự án. Sau khi trừ các chi phí, dự án này dự kiến sẽ tạo ra số tiền lên tới 20.000 tỷ đồng, số tiền để bị cáo Lan khắc phục hậu quả.
Luật sư Trang kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại nếu tuyên án tử hình cho bị cáo Lan sẽ rất khó khăn để bị cáo khắc phục hậu quả vụ án.
Ngược lại, nếu bị cáo Lan được áp dụng án tù chung thân, khả năng thu hồi tài sản và khắc phục thiệt hại sẽ dễ dàng hơn, đồng thời giúp Nhà nước thu lại tài sản thiệt hại nhanh chóng hơn.
Cùng bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho rằng, nếu áp dụng theo quyết định do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới ban hành về bảng giá đất, thì tài sản của bị cáo Lan sẽ tăng lên nhiều lần so với định giá cũ tại giai đoạn điều tra. Chẳng hạn, tòa nhà Ba Son sẽ tăng giá trị lên từ 3 - 4 lần, tòa nhà Times Square tăng hơn 4 lần.
Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết mình vừa được tiếp cận tài liệu mới, qua đó đã phát hiện trong số tiền mà Lan đang bị cáo buộc chiếm đoạt của Ngân hàng SCB (673.000 tỷ đồng) có cả khoản nợ gốc 125.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng để lại, trước khi bị cáo tham gia tái cơ cấu ngân hàng này, trong đó có nhiều khoản nợ của Ngân hàng Đệ Nhất để lại như dự án Chợ Vải lên đến 100.000 tỷ đồng, cũng như nhiều khoản vay khác, mà từ khi bị bắt bị cáo không có điều kiện đối chiếu.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cho rằng các khoản vay của Công ty Thành Hiếu thuộc nhóm Phương Trang là khách hàng cũ của Ngân hàng SCB từ gần 20 năm trước, đến nay khoản nợ lên đến 54.000 tỷ đồng cũng bắt bị cáo phải chịu trách nhiệm là không hợp lý.
Lan cũng cho rằng theo báo cáo của Ngân hàng, từ ngày 18/10/2022 đến 1/4/2024, Ngân hàng SCB đã thu nợ, bán nợ trả chậm... được hơn 21.595 tỷ đồng trong đó hơn 19.000 tỷ đồng nợ gốc, nhưng số tiền này không được cấn trừ đi khoản tiền mà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt.
Trương Mỹ Lan cho rằng những khoản vay trên hoàn toàn không liên quan đến bị cáo nên không thể quy kết bị cáo gây thiệt hại hoặc chiếm đoạt số tiền là dư nợ của các khoản vay đó. Bị cáo Lan đề nghị Hội đồng Xét xử cho mình đối chất với Ngân hàng SCB. Các luật sư của bị cáo cũng sẽ trình bày chi tiết về những khoản nợ này trong văn bản gửi cho Hội đồng Xét xử. Chủ tọa sau đó đề nghị Ngân hàng SCB tập trung ghi nhận vấn đề này để tranh luận lại với bị cáo Lan.
Bà Lan nói trước khi bị bắt bà có cho SCB mượn 3 tòa nhà ở Ba Son và tòa nhà 87 Cống Quỳnh trị giá 67.000 tỷ đồng để cơ cấu cho khoản nợ 65.000 tỷ đồng. Thực tế SCB không giải ngân cho Vạn Thịnh Phát. Bà đề nghị tòa cho đối chất với SCB làm rõ số liệu này tại tòa.
Trước đó tại phiên tòa ngày 15/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan có thêm tình tiết giảm nhẹ mới như ăn năn hối cải, thể hiện quyết tâm khắc phục hậu quả vụ án và đến nay đã nộp gần 3.500 tỷ đồng…
Đây là những tình tiết giảm nhẹ có thể xem xét để chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt ở tội Đưa hối lộ và tội Tham ô tài sản.
Do đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử giảm án với tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, y án đối với 2 tội danh Đưa hối lộ và Tham ô tài sản, buộc bị cáo phải chấp nhận hình phạt chung là tử hình.
Luật sư Lê Hồng Nguyên, bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) lập luận rằng Trương Mỹ Lan mới là người chi phối mọi hoạt động cũng như là người trực tiếp chỉ đạo các hành vi phạm tội tại Ngân hàng SCB, còn bị cáo Văn chỉ là người làm công ăn lương, không nhận lợi ích từ các hành vi sai phạm và hành động theo chỉ đạo của Lan thông qua các cấp dưới.
Luật sư Nguyên cho rằng bản án sơ thẩm đã không phản ánh đúng bản chất vụ việc khi cáo buộc bị cáo Văn giúp bị cáo Lan chiếm đoạt tài sản của SCB, vì dòng tiền trong các giao dịch vay vốn thực tế không rời khỏi ngân hàng này mà chỉ là hành vi đảo nợ.
Luật sư Nguyên cũng nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ cho Văn như việc bị cáo Văn đang nuôi 6 con nhỏ, vợ bị bệnh nặng và gia đình có công với cách mạng. Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Văn để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời./.
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ các trường hợp được phép sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội .
Mặc dù xe thường sẽ có các dấu hiệu cảnh báo về việc ắc quy bị hư hỏng, nhưng chúng không phải lúc nào cũng dễ thấy, nhất là đối với người mới. Trong một số trường hợp, chiếc ô tô bị hết ắc quy có thể sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng những người ngồi trên xe. Do vậy, việc chuẩn bị những dụng cụ phòng bị là hết sức quan trọng. Dây câu bình điện Thứ đầu tiên bạn nên có trong trường hợp này là một cặp dây cáp nhảy nhưng không phải lúc nào cũng có...
Chồng và con trai bà Lê Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên làm đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho bà...
Chiều 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát, thăm và tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên).
Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng vừa có thông báo số 131 /TB-SGTVT về việc phân luồng giao thông đường Vạn Hương đoạn từ ngã 3 Con Hươu đến nhà...
Tin sáng ngày 5.6: TPHCM sắp làm 11 dự án giao thông nghìn tỉ kết nối 4 tỉnh xung quanh; Tình hình làm ăn của 4 đại gia ngành vàng...
Phú Thọ - Tuyến đường tỉnh 321C đoạn qua địa bàn huyện Cẩm Khê và huyện Yên Lập sau nhiều năm không được sửa chữa đã xuống cấp nghiêm trọng.
TPHCM - Tối 26.12, Công an TP Thủ Đức, TPHCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ người đàn ông...
Với phần diện tích vỉa hè hơn 26.000m², phố đêm Trung Sơn (Bình Chánh) được TP.HCM kỳ vọng sẽ hút khách từ các tỉnh lân cận và cả từ trung tâm TP.