Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh, báo chí, truyền thông đối ngoại là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và những người làm báo chí, truyền thông đối ngoại cần không ngừng trau dồi tri thức và bản lĩnh để trở thành những nhịp cầu vững chắc gắn kết cây cầu đó.
Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN năm 2011 tại Indonesia. (Ảnh: Reuters) |
Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM) ASEAN năm 2011 tại Indonesia. (Nguồn: Reuters) |
Trong không khí kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-2024), ông có thể chia sẻ với độc giả TG&VN suy nghĩ của mình về vai trò và nhiệm vụ của báo chí, truyền thông đối ngoại trong bối cảnh hiện nay?
Báo chí, truyền thông đối ngoại trước hết phải bảo đảm những giá trị của báo chí, truyền thông, bao gồm ba yếu tố chính: thông tin, tri thức và giá trị.
Cụ thể là, báo chí, truyền thông đối ngoại phải cung cấp cho người đọc bức tranh với thông tin chính xác, chân thực, đầy đủ và khách quan. Những đánh giá, bình luận về tình hình quốc tế của báo chí, truyền thông đối ngoại phải chứa đựng những hàm lượng tri thức bên trong. Bên cạnh đó, ngoài giá trị “chân - thiện - mỹ” về đạo đức nghề nghiệp, báo chí, truyền thông đối ngoại cần đứng trên lập trường lẽ phải, chính nghĩa, luật pháp quốc tế.
Nhìn từ góc độ đối ngoại, báo chí, truyền thông đối ngoại chính là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Trong đó bao gồm việc đánh giá tình hình thế giới; tuyên truyền về chủ trương, chính sách, đất nước và con người Việt Nam; đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới và đưa thế giới đến gần Việt Nam.
Trong bối cảnh vị thế quốc tế của Việt Nam đang đi lên và tình hình thế giới ngày càng phức tạp, báo chí, truyền thông đối ngoại cần bắt kịp những thay đổi của thế giới, cũng như vị thế mới, xung lực mới của đất nước. Qua đó, từ góc độ Việt Nam để nhìn nhận, đánh giá thế giới; và ngược lại từ những hiểu biết về thế giới mang lại những giá trị, lợi ích cho Việt Nam.
Đơn cử trong lĩnh vực kinh tế, báo chí, truyền thông đối ngoại cần bắt kịp những chuyển dịch của mô hình phát triển kinh tế thế giới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đồng thời quan tâm đến các vấn đề đối ngoại liên quan đến lĩnh vực này như xu hướng, chính sách của các nước, cung cấp viện trợ… để cung cấp những thông tin giá trị cho Việt Nam tham khảo.
Hay khi viết bài liên quan đến cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, báo chí, truyền thông đối ngoại Việt Nam cần xác định rõ vừa đứng trên lợi ích, giá trị và nguyên tắc của Việt Nam, vừa đứng trên giá trị quốc tế chung (như là luật pháp quốc tế) để có những nhìn nhận, phân tích và đánh giá phù hợp.
Là một trong những nhà ngoại giao thân thiện với báo chí, luôn sẵn sàng trả lời các vấn đề đối ngoại của đất nước, ông nghĩ sao về sự sẵn sàng, cởi mở với báo chí của các nhà ngoại giao trong thời đại mới?
Cởi mở với báo chí không phải thích là cởi mở, mà người làm công tác đối ngoại cần thấy rõ trong công việc của mình có trách nhiệm làm truyền thông, báo chí. Đó là một phần công việc, một phần trách nhiệm của nhà ngoại giao.
Đây là điều bản thân tôi rút ra từ những tích lũy với “nghề đối ngoại” mà tôi đã làm trong nhiều năm qua. Trách nhiệm truyền thông, báo chí đó chính là chuyển tải những thông điệp về đối ngoại Việt Nam, đánh giá tình hình quốc tế dựa trên lợi ích và chủ trương, chính sách của Việt Nam.
Bản thân cái tên “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” thể hiện rằng báo chí đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước nói chung, cùng các nhà ngoại giao nói riêng.
Không nên nhìn nhận phiến diện rằng báo chí phải tìm đến các nhà ngoại giao để lấy thông tin, mà cần xác định rõ, nếu báo chí không tìm đến thì các nhà ngoại giao phải tự liên hệ, tiếp cận báo chí để chuyển tải thông điệp về đối ngoại Việt Nam. Vì vậy, những nhà ngoại giao phải cảm ơn khi được báo chí, truyền thông tìm đến.
Tất nhiên, làm đối ngoại có nhiều câu chuyện nhạy cảm. Để có thể cởi mở, sẵn sàng chia sẻ với báo chí, ngoài việc coi đó là trách nhiệm, thì nhà ngoại giao còn cần trau dồi tri thức, kiến thức về thế giới, về chính chủ trương, chính sách đối ngoại của đất nước.
Đối ngoại như một câu chuyện “đa ngành” bao gồm cả chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục… Do đó, người làm đối ngoại không có cách nào khác ngoài việc không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức.
Có tri thức tốt, tầm nhìn đối ngoại tốt và ý thức trách nhiệm truyền thông đối ngoại, thì nhà ngoại giao ắt sẽ có bản lĩnh để sẵn sàng cởi mở, trao đổi với báo chí, kể cả ở những vấn đề “khó nhằn” hay nhạy cảm.
Đại sứ Phạm Quang Vinh (giữa) tham gia Bàn tròn |
Đại sứ Phạm Quang Vinh (giữa) tham gia Bàn tròn “ASEAN trong tôi, ngôi nhà của chúng ta ” tại trường quay của Báo Thế giới & Việt Nam, ngày 19/4. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Từng trả lời phỏng vấn, ghi hình với các tờ báo, đài truyền hình, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với cánh nhà báo?
Có lẽ người làm đối ngoại nào cũng có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi với báo chí, cá nhân tôi cũng vậy. Gần bốn thập kỷ làm trong ngành ngoại giao, đến bây giờ vẫn tiếp tục đam mê làm đối ngoại và gặp gỡ báo chí, nên tôi có rất nhiều kỷ niệm với báo chí, truyền thông.
Một kỷ niệm với báo chí ùa về trong tôi lúc này là thời tôi làm Trưởng SOM ASEAN Việt Nam. Chúng ta đều biết các cuộc họp của ASEAN có tần suất liên tục, diễn ra trong nhiều ngày và có những buổi họp kéo dài cả ngày. Khi ấy, báo chí Việt Nam và báo chí nước ngoài đều ở ngoài phòng họp để chờ đợi thông tin về các câu chuyện lớn và “nóng” của khu vực như Mekong, Biển Đông, đoàn kết ASEAN, cạnh tranh giữa các nước lớn…
Cứ mỗi lần ra khỏi phòng họp dù mệt, muốn nghỉ ngơi, làm chén nước và hút điếu thuốc, nhưng tôi cũng phải “nhịn” để dành thời gian với các nhà báo. Hiểu rằng các nhà báo đã phải chờ đợi bên ngoài rất lâu, tôi luôn cố gắng trả lời ngay để họ có thông tin nóng hổi nhất. Những cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị liên tục như thế đã thành thông lệ như những người bạn gặp gỡ nhau.
Hơn nữa, thông tin của đại diện ngoại giao họp trong cuộc họp tầm khu vực như vậy rất có ý nghĩa với báo chí Việt Nam vì vừa có tính chính thức của người trong cuộc, vừa có tiếng nói riêng của Việt Nam. Điều đó giúp nâng cao chất lượng của các cuộc phỏng vấn, đem lại cả ý nghĩa đối ngoại là chuyển tải những thông điệp về đối ngoại, còn đối với báo chí thì có được thông tin chính thức của người trong cuộc.
Một kỷ niệm đặc biệt khác là vào tháng 5/2014, tôi có cuộc trao đổi, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN của Mỹ liên quan đến vấn đề Biển Đông. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi sự kết nối trực tuyến giữa Đài truyền hình Việt Nam với CNN. Để vừa ghi hình cho CNN, vừa ghi hình để lưu lại nội dung cho tin hình phát trong nước, đội kỹ thuật đã bố trí hai màn hình.
Khi kết nối thử thì hai màn hình bắt hình tốt, nhưng đến khi cuộc phỏng vấn diễn ra thì một màn hình gặp trục trặc, nên nhà đài buộc phải tắt màn hình trước mặt tôi để giữ màn hình nối với bộ phận kỹ thuật ghi hình lại. Vì vậy, trong suốt cuộc phỏng vấn với cả chục câu hỏi, tôi đã đối thoại với một màn hình đen và chỉ nghe được tiếng phóng viên CNN mà thôi.
May mắn là cuộc phỏng vấn diễn ra trôi chảy, chúng tôi vừa hoàn thành bài trả lời phỏng vấn cho truyền thông quốc tế, vừa có được một bản tin để phát trên các báo đài Việt Nam. Nhờ sự đồng hành của các bạn phóng viên và bộ phận kỹ thuật VTV, tôi đã hoàn thành trách nhiệm truyền thông đối ngoại là trả lời phỏng vấn đài truyền hình nước ngoài để đại diện cho tiếng nói của Việt Nam liên quan đến vấn đề Biển Đông, đồng thời vẫn giữ được nội dung phỏng vấn để làm bản tin truyền thông đối nội.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có điều gì muốn gửi gắm đến những người trẻ đang theo đuổi báo chí đối ngoại?
Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến chuyển, nếu các bạn trẻ “trót yêu” công việc làm báo đối ngoại thì nên học tập, trau dồi cả về nghề báo lẫn nghề đối ngoại. Khi có cả cái tâm, tri thức của nghề báo lẫn cái tâm, tri thức của nghề đối ngoại, thì các bạn sẽ trở thành những nhịp cầu vững chắc kết nối cây cầu Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam.
Bên cạnh đó, thời đại số, thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội đang tạo ra những cơ hội và thách thức rất lớn cho các nhà báo đối ngoại. Nói đây là cơ hội vì việc chuyển tải thông điệp, quảng bá hình ảnh Việt Nam, cũng như khai thác thông tin quốc tế ngày càng dễ dàng, nhanh chóng, đa phương tiện hơn. Nói đây là thách thức bởi thời đại này cũng tạo ra sức ép rất lớn khi tồn tại nhiều ý kiến trái chiều trên không gian số, mạng xã hội.
Tôi tin rằng, nếu các bạn trẻ có đủ tri thức, bản lĩnh để đương đầu, đứng vững và vượt qua các thách thức thì giá trị của các nhà báo đối ngoại sẽ rất lớn trong lòng độc giả Việt Nam.
Mồi lửa từ hàng ngàn máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon nhắm vào các thành viên Hezbollah có nguy cơ thổi bùng xung đột ở Trung Đông vốn đã nóng sẵn gần một năm qua.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/9 kêu gọi Mỹ gây sức ép, buộc Israel chấp nhận kế hoạch ngừng bắn 21 ngày và cảnh báo cuộc tấn công vào Lebanon là sai lầm nghiêm trọng.
Ngày 20/5, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) đã trang trọng diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phật đản Vesak
Hàn Quốc cho biết Triều Tiên tập trận bắn đạn thật ở phía bắc đảo tiền tiêu Yeonpyeong, khiến Seoul phải phát cảnh báo tới người dân trên đảo.
Các nước thành viên NATO có thể yêu cầu ông Stoltenberg đảm nhận vị trí Tổng thư ký nhiệm kỳ thứ tư.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 6/4 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo nước này có thể cạn kiệt tên lửa phòng không nếu Nga tiếp tục chiến dịch tấn công cường độ cao bằng các vũ khí tầm xa.
Tổng thư ký Kao Kim Hourn chúc mừng Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương nhận nhiệm vụ và khẳng định Ban thư ký ASEAN sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cá nhân Đại sứ cũng như Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam.
Ngoại trưởng Kuleba thúc giục NATO đưa ra lời mời Kiev gia nhập và nhận định rằng viễn cảnh Ukraine vào liên minh có thể ngăn xung đột trong tương lai tại châu Âu.
Phát biểu tại khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với hòa bình như cách thức giải quyết các cuộc xung đột và khủng hoảng trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau theo đuổi hòa bình.