Với cơ chế điều hành tỉ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỉ giá đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định như trên khi trao đổi với báo chí liên quan đến tin đồn tỉ giá trong những ngày gần đây.
Ông Quang cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tệ và tỉ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.
Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.
Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh.
Có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Thêm vào đó từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỉ USD, tăng 19,7 tỉ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỉ giá trong thời gian tới.
Trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm, thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại.
Áp lực càng tăng khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỉ giá.
Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).
Tuy nhiên, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn.
Vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai.
Qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây.
Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND.
Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi về việc gần đây trên thị trường xuất hiện một số tin đồn về dự kiến thay đổi biện pháp điều hành tỉ giá của NHNN, ông Phạm Chí Quang cho hay NHNN điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài.
Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỉ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các ngân hàng tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng như đề cập ở trên.
NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỉ giá.
Từ ngày 19-4, NHNN bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được NHNN thực hiện nêu trên cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.
"Mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới. Với cơ chế điều hành tỉ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỉ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt.
Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỉ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.
Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn", ông Quang khuyến cáo.
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, mặc dù tình hình quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó lường, nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô, đối ngoại vững chắc và việc Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay như đề cập ở trên, áp lực đối với tỉ giá sẽ giảm bớt.
Sau khi được nhiều báo quốc tế ca tụng, trở thành hiện tượng trên nền tảng mạng xã hội, làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội thu hút nhiều khách quốc tế đến checkin, khám phá.
Nạn kích giun đã hoành hành khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam suốt nhiều năm, thế nhưng đến nay do vẫn chưa có chế tài xử lý thỏa đáng nên tệ nạn này lại bùng phát, cày nát đất vườn, phá sạch tiền của của người dân. Video: Cuộc chiến chống nạn kích giun đất ở Hòa Bình. Đầu nậu cấp cao toàn người Việt Được hai đầu mối thu mua giun đất ở huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) là Bùi Văn Kiển và Bùi Văn Hiếu giới thiệu, PV VTC News liên lạc trực tiếp với các...
Vụ việc ngày 16/1 đánh dấu sự cố hàng không thứ hai ở Nhật Bản trong vòng 2 tuần, sau vụ va chạm khiến 5 người thiệt mạng tại sân bay Haneda của Tokyo vào ngày 2/1.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có 20 năm đóng được nghỉ hưu khi nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi, thay vì áp dụng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo luật lao động với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tức thấp hơn từ 2 năm với nam và 5 năm với nữ.
TPHCM - Nằm lạc lõng trong sự phát triển như vũ bão của TPHCM, siêu dự án Khu đô thị (KĐT) Bình Quới - Thanh Đa treo hơn 3 thập...
Những khó khăn, vướng mắc của Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng chủ yếu ở các nhóm vấn đề thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chính sách tín dụng, thị trường.
Vietjet khai trương đường bay nối Hà Nội và Hiroshima, đường bay thứ 8 của hãng giữa Việt Nam - Nhật Bản và là đường bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và Hiroshima, sáng 12/5.
Một thành viên EU vẫn quyết phản đối hàng tỷ USD viện trợ mới của khu vực châu Âu cho Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đang diễn ra trong ngày đầu tiên của tháng 2/2024 đã thay đổi được điều đó?
TP - Ngoài các hình thức truyền thống như chợ hay siêu thị, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác và tận dụng nhiều hơn nữa xu hướng này.