Sân bay A So, tọa độ lửa khốc liệt thời chiến lọt thỏm giữa thung lũng A Sầu (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế), từng được gọi những cái tên nghe rất hãi hùng như "cái rốn da cam", "vùng đất chết".
Và cuộc hồi sinh vùng đất này được ví như "chiến dịch Hồ Chí Minh giữa thời bình".
Sau chiến cuộc, nơi đây là điểm đen ô nhiễm dioxin với hơn 1,6 triệu lít chất độc (tương đương hơn 432.812 gallon) từng bị Mỹ rải xuống.
Gần 60 năm sau, một lần nữa sân bay A So được "giải phóng", và lần này là khỏi chất độc dioxin. Những chồi xanh sự sống đã nảy mầm trên vùng đất chết.
Già làng Hồ Văn Tuồn đã hơn 74 tuổi, sừng sững như cây dổi trên rừng. Thuở trai trẻ, ông từng cầm súng tham gia trận đánh giải phóng sân bay A So năm 1966.
57 năm sau, già Tuồn được mời đến chiến địa xưa để dự lễ công bố hoàn thành xử lý chất độc dioxin do Bộ Quốc phòng tổ chức. Trong trí nhớ cựu binh này có hình ảnh từng tốp máy bay Mỹ cất cánh ở sân bay này đi rải chất độc cháy lá khắp những thảm rừng Trường Sơn - nơi ông và đồng đội trú ngụ, kháng chiến.
Trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1966, Mỹ đã chọn A Sầu để xây dựng cụm cứ điểm hỏa lực rất mạnh nhằm chặn con đường tiếp vận của bộ đội từ Lào sang Việt Nam. A So là sân bay quan trọng của cụm cứ điểm này và cũng là nơi chứa chất dioxin.
Trận đánh diễn ra tháng 3-1966. Chiếm được sân bay A So, phá hủy nhiều máy bay nhưng tổn thất của bộ đội cũng rất lớn. Nhìn về phía cuối sân bay nơi có những trảng đất trơ trụi bùn nhão vừa được đào lên để rửa sạch chất độc, già Tuồn trầm giọng: "Chỗ đó thằng Quỳnh Sang và thằng Quỳnh Ngút - những người bạn của bố - nằm lại sau trận đánh".
Mặc cho cơn mưa rừng nặng hạt, già Tuồn lặng lẽ đi đến một góc sân bay - nơi đang đặt những bầu cây keo giống để trồng lên mảnh đất đã được làm sạch dioxin. Nhặt một bầu cây, già Tuồn chọn hố đất nhỏ đã được đào sẵn, cẩn thận đặt cây con xuống rồi lấp đất lại.
"Mấy chục năm trước, bố từng lấp đất chôn đồng đội giữa thung lũng này. Nay bố lấp đất để trồng cây, trồng lên sự sống ở nơi mà đồng đội đã nằm xuống. Đồng đội bố hẳn đang cười", già Tuồn trầm ngâm nói.
Tại buổi lễ công bố hoàn thành xử lý chất độc dioxin hôm ấy, ở góc sân khấu là những người lính mang phù hiệu binh chủng hóa học. Họ lặng lẽ quan sát nét mặt vui tươi của người đến dự buổi lễ, đặc biệt là đồng bào Pa Kô ở xã Đông Sơn - những người từng trực tiếp bị ảnh hưởng chất độc dioxin còn tồn dư.
Khi màn hình lớn chiếu phóng sự cảnh lính hóa học dầm mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa cái nắng chói chang rẻo cao để bóc từng lớp đất đem đi tẩy rửa, trong mắt những người lính ấy ánh lên vẻ tự hào.
Tôi tới gần người lính trẻ đeo quân hàm trung úy. Anh nói giọng Bắc, kể đã gắn bó với A Lưới hơn hai năm nay và bày tỏ niềm xúc động khi đến hôm nay đất ở sân bay A So đã được anh cùng đồng đội tẩy sạch chất độc.
Thời gian làm nhiệm vụ giúp đất chết hồi sinh, những người lính hóa học ấy còn thực hiện nhiệm vụ bù đắp nỗi đau da cam cho đồng bào nơi đây. Họ giúp dân dựng nhà cửa, tặng vật nuôi cho bà con có người thân bị di chứng chất độc màu da cam. Và họ đã cùng người dân gầy dựng lại sự sống trên vùng đất chết.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói rằng quá trình thực hiện dự án đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch COVID-19 khiến tiến độ chững lại gần một năm. Tuy nhiên bằng quyết tâm của người lính, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo binh chủng hóa học phải "mở chiến dịch Hồ Chí Minh giữa thời bình" tại sân bay A So.
"Không để tàn dư chất độc này ảnh hưởng đời sống người dân A Lưới thêm ngày nào nữa", thượng tướng Chiến nói.
Cạnh sân bay A So là một bản làng mang tên Loah Tà Vai. Ngôi làng nhỏ quần cư giữa thung lũng A Sầu từ năm 1992 đến nay và cũng là một trong những khu dân cư chịu ảnh hưởng nặng nề do tàn dư chất độc màu da cam.
Ranh giới mỏng manh ngăn cách sân bay với làng là con đường bê tông nhỏ hướng về dãy Trường Sơn. Nhà trưởng bản Ngọc Hữu Đa nằm ở đầu con đường ấy và có hai hố bom to nhất bản - tàn tích một đợt B52 rải thảm sau khi bộ đội chiếm được A So. Hai hố bom ấy từng được già Đa làm ao nuôi cá. Nhưng kỳ lạ cá trong ao cứ chết dần chết mòn, có sống cũng chẳng lớn. Già Đa nói là do chất độc da cam.
Vào căn nhà gỗ lợp tôn ọp ẹp treo đầy bằng khen, chúng tôi mới biết người ngồi trước mặt mình từng là bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn. Già Đa nay đã 74 tuổi, đồng bào Pa Kô, sinh ra ở bên kia sườn núi Trường Sơn.
Theo các chú bộ đội rồi vào du kích địa phương, già Đa từng đánh trận đường 559 giải phóng sân bay A So. Hậu chiến, ông về lại núi rừng A Lưới sinh sống. Năm 1992, huyện A Lưới khuyến khích người dân đi đến những nơi hoang hóa giáp nước bạn Lào để lập làng, sinh sống. Già Đa là người tiên phong vận động người dân về thung lũng A Sầu lập làng.
Ông tìm những người bạn, người anh, người chỉ huy từng vào sinh ra tử ở trận sân bay A So để thuyết phục họ cùng mình về lại nơi chiến địa lập bản. Mấy chục cựu binh từng tham chiến ở sân bay A So đã vận động người dòng tộc cùng đeo ba lô đi tìm đất sống mới. Ban đầu bản chỉ vỏn vẹn 150 hộ với 400 nhân khẩu, nay đã vượt hơn 750 hộ với 1.200 nhân khẩu, trở thành một xã của huyện A Lưới.
Vị già làng từng cầm súng năm xưa cũng tin rằng sau ngày sân bay được làm sạch chất độc dioxin, chắc chắn kinh tế sẽ đổi khác khi những cây keo trồng trên mảnh đất ấy đâm chồi xanh tươi.
Trong buổi lễ công bố hoàn thành xử lý dioxin ở sân bay A So, một vị khách đặc biệt đã được mời đến dự, đó là bà Aler Grubbs - giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam.
Trước khi bắt đầu buổi lễ, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã gặp bà Aler và tự hào nói với người bạn Mỹ rằng toàn bộ dự án tẩy rửa, làm sạch chất dioxin ở sân bay A So là do con người và công nghệ Việt Nam thực hiện.
Về phía mình, bà Aler Grubbs nói rằng ngân sách Chính phủ Hoa Kỳ cho USAID viện trợ các dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh Việt Nam bị rải chất da cam vào năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, lên 30 triệu USD.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 19 tại Kampala, Uganda, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Tanzania January Makamba.
Với công nghệ thực tế ảo, các em thiếu nhi , người dân được tiếp cận dữ liệu truyền thống lịch sử một cách hoàn toàn mới, được khơi dậy...
Lao Động cập nhật danh sách các trường đại học xét tuyển học bạ THPT năm 2024.
Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng vừa tiếp tục chỉ đạo về vụ việc trẻ lớp mẫu giáo 5 tuổi Trường mầm non An Dương (quận Lê Chân) bị bầm tím...
Dạo bước qua các con phố chính ở trung tâm TP HCM, tôi không thể không chú ý đến những hình vẽ nguệch ngoạc, kỳ lạ và xấu xí trên các bức tường trống, cửa cuốn, tủ điện, trạm xe buýt, thậm chí trên chân và dầm cầu vượt.
Ít nhất 15 người đã thiệt mạng và 40 người khác bị thương trong trận động đất có độ lớn 6,3 kèm nhiều dư chấn mạnh làm rung chuyển miền Tây Afghanistan trong ngày 7/10.
Trước mùa tuyển sinh năm học 2023-2024, nhiều trường THPT tại Hà Nội thông báo chương trình học bổng, thu hút học sinh ứng tuyển.
Một trường ở Hóc Môn bị tố ép học sinh làm đơn xin không thi lớp 10, phòng Giáo dục đang làm việc với THCS Nguyễn Văn Bứa để xác minh.
Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày 10-6, 17-6 và 8-7 tại 9 cụm thi: Hà Nội (10 trường đại học, học viện); Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, TP.Vinh (Nghệ An), Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.