Nga từng tin tưởng rằng, Thỏa thuận Minsk-2, ký kết cách đây 10 năm trước tại thủ đô Minsk, Belarus, là cơ hội lịch sử để chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.
![]() |
Tháng 2/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã gặp nhau tại thủ đô Minsk của Belarus để thảo luận về giải pháp hòa bình cho miền Đông Ukraine. (Nguồn: RIA Novosti) |
Ngày 22/2/2022, hai ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, chính quyền Kiev đã đánh mất thỏa hiệp từng đạt được, đó là Thỏa thuận Minsk-2, ký ngày 12/2/2015 tại Belarus, nhằm chấm dứt xung đột kéo dài 10 tháng ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Trước đó, Thỏa thuận Minsk-1 (ký tháng 12/2014) gồm 12 điểm giữa Ukraine và phe ly khai ở Donbass, với các điều khoản về trao đổi tù nhân, viện trợ nhân đạo và rút vũ khí, cũng đã sớm đổ vỡ do vi phạm từ cả hai phía.
Trong hai ngày 11-12/2/2015, các nhà lãnh đạo của Nga, Pháp, Đức và Ukraine (Bộ tứ Normandy), gồm Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống François Hollande, Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Petro Poroshenko, đã gặp nhau tại Minsk, để thảo luận về giải pháp hòa bình cho miền Đông Ukraine.
Đây được xem là nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập tại khu vực Donbass, với sự xuất hiện của hai khu vực ly khai là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.
Các cuộc đàm phán kéo dài 16 giờ, được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (2013-2017) miêu tả là “rất khó khăn”. Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Pháp và Đức, các bên tham gia đàm phán đã đạt được một thỏa thuận mang tính quyết định, được gọi là Thỏa thuận Minsk-2. Văn kiện này được các đại diện Nga, Ukraine, lãnh đạo hai vùng ly khai và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ký kết, đồng thời được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ bằng nghị quyết số 2202, thông qua ngày 17/2/2015.
Thỏa thuận gồm 13 điểm chính, đáng chú ý là thiết lập lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine và rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến, dưới sự giám sát của OSCE. Các điều khoản khác bao gồm ân xá cho binh lính, trao đổi tù nhân, hỗ trợ nhân đạo, khôi phục các liên kết kinh tế - xã hội, bảo đảm chính phủ Ukraine kiểm soát biên giới với Nga, rút toàn bộ lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê.
Đối với vùng ly khai Donetsk và Luhansk, thỏa thuận kêu gọi đối thoại về bầu cử địa phương, cải cách hiến pháp Ukraine để trao quyền tự trị cho các khu vực này, tổ chức bầu cử và tăng cường hoạt động của Nhóm Tiếp xúc 3 bên (Nga, Ukraine, OSCE).
Sau khi Thỏa thuận Minsk-2 được ký, các trận giao tranh nghiêm trọng nhất ở miền Đông Ukraine chấm dứt, OSCE triển khai lực lượng tới giám sát. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: “Tôi tin rằng không có giải pháp nào khác... Dù thích hay không… thỏa thuận phải được thực hiện”.
Thỏa thuận Minsk-2 phản ánh những toan tính chiến lược của các bên liên quan. Đối với Nga, văn kiện này giúp bảo đảm nhu cầu an ninh trọng tâm của mình rằng, Ukraine không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời duy trì ảnh hưởng của Moscow tại khu vực Donbass.
Ngược lại, Ukraine coi đây là công cụ để giành lại quyền kiểm soát biên giới phía Đông của mình. Trong khi đó, Pháp và Đức, với vai trò trung gian hòa giải, mong muốn ngăn chặn cuộc xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện có thể ảnh hưởng đến an ninh châu Âu.
Dù đưa ra các giải pháp chính trị và quân sự nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine, Thỏa thuận Minsk-2 chưa bao giờ được thực hiện trọn vẹn do sự khác biệt trong cách hiểu giữa Nga và Ukraine.
Theo Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), Nga và Ukraine có những cách hiểu hoàn toàn khác nhau về thỏa thuận. Ukraine xem đây là một phương tiện để giành lại quyền kiểm soát với các khu vực ly khai, đòi hỏi lệnh ngừng bắn, việc tổ chức bầu cử ở Donbass theo luật pháp Ukraine và quyền kiểm soát biên giới với Nga. Ngược lại, Moscow lại coi đây là cam kết để Ukraine trao quyền tự trị rộng rãi cho Donbass và bảo đảm vai trò chính trị của phe ly khai trong chính quyền trung ương.
Từ năm 2015 đến 2022, lệnh ngừng bắn bị vi phạm hàng nghìn lần mỗi năm, cho thấy thực tế rằng Thỏa thuận Minsk-2 không thực sự tạo ra nền hòa bình mà chỉ là một khoảng dừng tạm thời.
Đến ngày 22/2/2022, Nga đã cáo buộc chính quyền Kiev phá hủy Thỏa thuận Minsk-2, khiến các nỗ lực tìm kiếm hòa bình thất bại, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, những thỏa thuận Minsk chỉ là “một cái bẫy” khiến quốc gia Đông Âu “mất một phần lãnh thổ”.
Ngày 24/2/2022, Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tuyên bố lý do nhằm bảo vệ chính quyền và đại đa số dân chúng gốc Nga ở hai nước cộng hòa ly khai, ngăn chặn việc chính quyền Kiev đưa Ukraine đi theo con đường “phát xít hóa”, phá âm mưu của NATO sử dụng lãnh thổ quốc gia Đông Âu làm bàn đạp để tấn công Nga.
Đáng chú ý, sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine nổ ra, vào ngày 7/12/2022, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận với tờ Die Ziet rằng, Minsk-2 thực chất không phải là một giải pháp hòa bình mà chỉ là chiến thuật nhằm giúp Ukraine có thêm thời gian tái vũ trang. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xác nhận vào tháng 3/2023 rằng, thỏa thuận này thực sự đã giúp Ukraine củng cố quân đội.
Những tiết lộ này khiến phía Nga cảm thấy bị “dắt mũi”, theo lời Tổng thống Nga Putin nói trong cuộc gặp lãnh đạo các hãng thông tấn hàng đầu thế giới tại Moscow vào ngày 6/6 năm ngoái.
Bài phân tích của Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 12/12/2022 nhận định, lời thừa nhận của các cựu lãnh đạo trên được xem là bằng chứng cho thấy phương Tây không hề nghiêm túc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine mà chỉ lợi dụng các cuộc đàm phán để đạt được mục tiêu chiến lược của mình.
Thỏa thuận Minsk đã bị khai tử trong khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sắp bước sang năm thứ tư. Những tín hiệu về một cuộc đàm phán nhằm đi đến thỏa thuận giải quyết xung đột vẫn chưa rõ ràng, dù ông Donald Trump đã quay trở lại Nhà Trắng và có những tuyên bố mạnh mẽ về việc sẽ kết thúc cuộc chiến này trong vòng sáu tháng.
Không rõ chính sách cứng rắn của chính quyền mới ở Mỹ có tác động đến lập trường của Nga và Ukraine đến mức nào, liệu có thay đổi quan điểm của Tổng thống Volodymyr Zelensky, từng tuyên bố hồi năm 2022-2023 rằng, sẽ không có Minsk-3 hay Minsk-5 nào nữa.
Về phần Nga, tròn một năm trước, vào ngày kỷ niệm chín năm ký kết Thỏa thuận Minsk-2, Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky đánh giá, thỏa thuận này là “cơ hội lịch sử” để giải quyết khủng hoảng Ukraine song đã bị Kiev và phương Tây bỏ lỡ.
Trong khi đó, chiến lược gia chính sách đối ngoại Nga Dmitry Suslov nhận định, Moscow sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận kiểu Minsk-3 nào nữa và cũng không chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO. Theo ông, phải có bảo đảm chắc chắn rằng Ukraine không còn là mối đe dọa quân sự đối với Nga và phương Tây không thể lợi dụng nước này làm công cụ chống Moscow. Ông nhấn mạnh rằng chiến dịch quân sự sẽ tiếp tục cho đến khi các điều kiện này được đáp ứng.
Bài học từ Minsk-2 khiến Nga hiện nay kiên quyết từ chối một lệnh ngừng bắn mà Moscow cho rằng, chỉ tạo cơ hội cho Ukraine củng cố lực lượng. Tổng thống Putin nhắc đi nhắc lại các điều kiện chấm dứt giao tranh là Ukraine phải từ bỏ ý định gia nhập NATO và rút quân khỏi bốn khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson mà Nga tuyên bố chủ quyền.
Về phía Ukraine, hôm 10/2, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ITV News, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin với điều kiện “Mỹ và châu Âu sẽ không bỏ rơi, ủng hộ và bảo đảm an ninh cho chúng tôi”.
Với chính quyền mới ở Mỹ cùng những tín hiệu sẵn sàng đàm phán từ cả Moscow và Kiev, cộng đồng quốc tế kỳ vọng rằng, xung đột ở Ukraine có thể “chạm” đến một thỏa thuận hòa bình thực chất.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Các diễn biến mới nhất xung quanh thủ đô Juba ở Nam Sudan đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng ở quốc gia châu Phi nhiều bất ổn này.
Giới chức Đan Mạch tuyên bố muốn mua thêm tiêm kích F-35 từ Mỹ, dù quan hệ song phương đang căng thẳng vì vấn đề chủ quyền đảo Greenland.
Ngày 7/3, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo đã nhất trí tạm dừng tất cả các cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Houthi sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm, đủ sức uy hiếp tàu sân bay Mỹ hoạt động gần Yemen.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 21/3.
Đức thông qua gói viện trợ quân sự 3 tỉ USD cho Ukraine; Ukraine cáo buộc Nga gây sức ép lên người dân Ukraine ở vùng chiếm đóng, đòi nhập tịch.
Nhiều vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển thủ đô Sanaa của Yemen do Houthi kiểm soát.
Ông Putin chấp nhận nhượng bộ nhỏ khi điện đàm với ông Trump, nhưng giữ nguyên các điều kiện mà Nga coi là tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.