Việc ký hợp đồng tên lửa AMRAAM hơn 300 triệu USD giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng năng lực không quân, trong khi Mỹ củng cố ảnh hưởng chiến lược với đồng minh.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14/5 phê duyệt Thỏa thuận Bán Vũ khí Quân sự Nước ngoài (FMS) trị giá 304,1 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận được công bố trước khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tới Thổ Nhĩ Kỳ dự cuộc họp các ngoại trưởng NATO, cũng như thảo luận với các quan chức Nga và Ukraine về nỗ lực đàm phán hòa bình.
Thỏa thuận bao gồm hai thành phần chính, gồm một gói 53 tên lửa AIM-120C-8 AMRAAM cùng các bộ phận dẫn đường, linh kiện và dịch vụ hỗ trợ kèm theo trị giá 225 triệu USD. Gói thứ hai trị giá 79,1 triệu USD, gồm 60 tên lửa AIM-9X Sidewinder Block II, 20 bộ phận dẫn đường chiến thuật, 20 tên lửa huấn luyện, cùng hỗ trợ kỹ thuật.
Các tên lửa này sẽ được tích hợp lên phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là 40 chiếc F-16V được Mỹ phê duyệt năm 2024, giúp không quân Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn và giao tranh tầm gần, duy trì ưu thế trên không.
AIM-120C-8 là tên lửa không đối không tầm trung, sử dụng radar chủ động, tầm bắn trên 185 km, tốc độ hơn Mach 4, khả năng "bắn và quên" với độ chính xác cao. Trong khi đó, AIM-9X là tên lửa tầm ngắn, trang bị đầu dò hồng ngoại, tầm bắn 35 km, tốc độ hơn Mach 2,5, có khả năng tấn công mục tiêu lệch trục 180 độ.
Thỏa thuận này đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm căng thẳng. Hợp đồng vũ khí này cũng thể hiện những tính toán chiến lược của cả Washington lẫn Ankara, với các tác động sâu rộng đến khu vực Đông Địa Trung Hải, Trung Đông, Biển Đen và toàn cầu, theo các chuyên gia.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận này giúp lực lượng không quân của họ nâng cấp đáng kể năng lực. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vận hành 240 máy bay F-16 (Block 40 và Block 50), nhiều chiếc đã được nâng cấp qua các chương trình như CCIP và Ozgur.
Với 40 chiếc F-16V mới cùng lô tên lửa sắp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sở hữu lực lượng không quân mạnh nhất khu vực, theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).
Việc tích hợp tên lửa AIM-120C-8 và AIM-9X vào F-16V giúp Ankara đối phó với các mối đe dọa hiện đại, từ máy bay chiến đấu thế hệ mới đến UAV. Lịch sử cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng AIM-120 hiệu quả như vụ bắn hạ MiG-23 Syria năm 2014, hay cường kích Su-24 của Nga trên bầu trời Syria năm 2015.
Sau thương vụ mua tên lửa phòng không S-400 từ Nga năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật CAATSA nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng nước này, khiến Ankara bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35 và làm phát sinh căng thẳng kéo dài trong NATO.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, người chú trọng vào chiến lược "ngoại giao giao dịch", thỏa thuận này là giải pháp để Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định cam kết với NATO, tăng tích hợp với vũ khí phương Tây và giảm hoài nghi từ đồng minh, theo bình luận viên Khushboo Kumari của Financial Express.
Thỏa thuận còn ngầm khẳng định chính sách ngoại giao cân bằng của nước này, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng duy trì quan hệ với cả Nga, Trung Quốc lẫn các nước phương Tây, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một bên.
Đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, thỏa thuận cũng phát đi thông điệp quan trọng, giúp Mỹ vừa củng cố ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực, vừa bán được một lượng vũ khí lớn.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm giữa châu Âu, Trung Đông và Trung Á, là đồng minh chiến lược của NATO. Mỹ muốn giữ Ankara trong quỹ đạo ảnh hưởng của mình, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây có dấu hiệu xích lại gần Nga và đàm phán mua thiết bị quân sự của Trung Quốc.
Thỏa thuận tên lửa này được coi là công cụ để Washington duy trì vị thế trong thị trường vũ khí, ngăn Ankara cân nhắc các hệ thống của Trung Quốc, đặc biệt là tên lửa PL-15E, loại vũ khí đã chứng minh hiệu quả trong trận không chiến giữa Pakistan và Ấn Độ. PL-15E hiện được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của AIM-120.
Bằng cách cung cấp tiêm kích F-16V và tên lửa tiên tiến, Mỹ tạo ra sự ràng buộc lâu dài, vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần hỗ trợ kỹ thuật, bảo trì và nâng cấp từ Mỹ trong hàng chục năm. Khi trang bị các tên lửa này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải sử dụng các công nghệ tương thích với NATO, tăng khả năng phối hợp quân sự với Mỹ và đồng minh, đặc biệt trong các khu vực bất ổn như Biển Đen.
Điều này sẽ giúp Mỹ kéo Thổ Nhĩ Kỳ trở lại quỹ đạo ảnh hưởng của mình, đảm bảo Ankara phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ phương Tây thay vì Nga hay Trung Quốc.
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ được hưởng lợi từ hợp đồng hơn 300 triệu USD này, qua đó tạo doanh thu, việc làm ở Mỹ và củng cố chuỗi cung ứng vũ khí. Việc bán 40 tiêm kích F-16V trị giá 23 tỷ USD trước đó cũng mang lại lợi ích tương tự.
Thỏa thuận này còn gửi thông điệp đến các đồng minh NATO rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ quân sự, ngay cả với những đối tác "từng có mâu thuẫn trước đó". Điều này đặc biệt quan trọng khi NATO đang đối mặt với áp lực từ Nga trên chiến trường Ukraine và các thách thức khác ở Trung Đông, theo chuyên trang quân sự Bulgaria Millitary.
Phong Lâm (Theo FinancialExpress, Bulgaria Millitary)
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan tuyên bố nước này đã dùng hệ thống tác chiến điện tử vô hiệu hóa biên đội Rafale Ấn Độ hoạt động gần biên giới.
Trưởng phái đoàn Nga cho biết họ hài lòng về cuộc đàm phán tại Istanbul, trong khi Ukraine nói rằng Nga đã 'nêu ra một số điều chúng tôi không thể chấp nhận được'.
Pakistan nói đã hạ 5 tiêm kích Ấn Độ, trong đó có mẫu Rafale trị giá hơn 100 triệu USD, khi đối phó cuộc không kích của nước láng giềng.
Quân đội Israel tuyên bố đang triển khai lực lượng ở miền nam Syria nhằm bảo vệ cộng đồng thiểu số Druze sau các cuộc giao tranh gần đây.
Vatican sẽ tổ chức Mật nghị Hồng y, quy trình có thể kéo dài nhiều ngày, để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis trong tuần này.
Ngày 3/5, tại Công viên Trung tâm Hanazono, thành phố Higashi Osaka, tỉnh Osaka, Nhật Bản, lễ hội văn hóa 'Trái tim Việt Nam – 50 năm hòa chung một nhịp' đã chính thức khai mạc.
Trang Indonesiawindow ngày 30/4 đăng bài viết nhận định Việt Nam đã có những bước đổi thay và phát triển mạnh mẽ sau dấu mốc lịch sử 30/4/1975 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
5 tiêm kích KF-16 Hàn Quốc huấn luyện bắn đạn thật sáng 6/3, trong đó hai chiếc đầu tiên thả loạt bom nhầm vào khu dân cư ở tỉnh Gyeonggi.
Trung Quốc “trục xuất” tàu Nhật Bản, Israel không kích ồ ạt Lebanon, Mỹ đề xuất thỏa thuận ngừng bắn mới tại Gaza, EU giải ngân khoản vay mới cho Ukraine, Lực lượng đặc nhiệm Mỹ triển khai khắp Philippines… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.